Translate

Monday, February 10, 2014

17 tháng 2 năm 1979, ba mươi lăm năm nhìn lại.



Ba mươi lăm năm trước, vào ngày 17 tháng 2 năm 1979, khi Tàu Cộng tổng tấn công trên một diện rộng cả 6 tỉnh biên giới phía Bắc của nước ta, đã tàn phá nặng nề cũng như giết người, cướp bóc, hãm hiếp phụ nữ...cùng biết bao nhiêu thảm cảnh cho dân Việt Nam của chúng ta, hẳn nhiên khi nhìn lại ngày này 35 năm trước, mọi người dân Việt Nam đều cảm thấy bùi ngùi cũng như là tức giận bè lũ xâm lược bạo tàn. Vào thời điểm hiện nay, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã không những không biết chăm sóc những phần mộ của những anh hùng tử sĩ đã tử trận khi chiến đấu chống lại Tàu Cộng, chúng lại còn có hành động ngược đời là cho xây dựng nghĩa trang cho những tên xâm lược cũng như là đúc tượng cho những tên xâm lược đã chết khi vào Việt Nam tàn phá, cướp bóc, hãm hiếp...trên đất nước Việt Nam. Thật là một sự trớ trêu và ngược đời, chắc trong suốt chiều dài của lịch sử Việt Nam chưa bao giờ xảy ra.

Tuy nhiên, đối với riêng bản thân của tôi, mức độ cảm nhận về ngày 17 tháng 2 vào thời điểm hiện nay so với ba mươi lăm  năm về trước có một sự khác biệt rất lớn, có thể nói là quay đúng 180 độ nếu nói theo kiểu của các nhà toán học. Vì cớ sao mà lại có sự oái ăm kỳ cục như vậy? Cũng xin nêu lại hoàn cảnh của tôi cũng như của gia đình tôi ba mươi lăm năm về trước cho rõ nguồn cơn.


Vào thời điểm đó, ba tôi đang bị ở tù Cộng Sản, mẹ tôi và anh em của chúng tôi lại bị Cộng Sản Việt Nam đày lên vùng Kinh Tế Mới của tỉnh ĐăkLăk, vùng rừng núi ma thiêng nước độc, cơ khổ trăm bề. Vào cuối năm 1978, tôi bị dính vào danh sách “Thanh niên xung phong” lên đường sang Kampuchia làm “nhiệm vụ quốc tế”. Xung phong cái nỗi gì, đây là chúng nó “bắt buộc” phải đi, không đi thì khó mà sống được với lũ Cộng Sản Việt Nam man rợ này. Tôi lên đường mà lòng không yên bởi lẽ nhà chỉ có mình tôi phải lo cho mẹ và đàn em còn bé dại trong khi cha của mình đang bị ở tù Cộng Sản. Lên đường mà trong lòng chỉ có sự căm hận bè lũ đốn mạt bất nhân. Sang đến biên giới Kampuchia và dừng chân đóng quân tại đây để “học tập” nhiệm vụ. Lúc ấy là đúng vào ngày Giáng Sinh năm 1978. Tôi còn nhớ là tên đại đội trưởng là một tên thiếu úy người dân tộc Tày, nói tiếng Việt không rõ ràng lắm. Đứng trước chúng tôi, hắn đã nói:

-         Báo cho các anh biết từ thời điểm hiện nay các anh không phải là thanh niên xung phong mà các anh là “Dân công hỏa tuyến”. Các anh có nhiệm vụ là chuyển lượng thực, thực phẩm ra tuyến phía trước và chuyển thương binh tử sĩ về lại phía sau. Các anh sẽ không có được phát cũng như là sử dụng vũ khí, đạn dược vì đã có bộ đội bảo vệ cho các anh.

Ối cha mẹ ơi, nghe hắn nói mà trong lòng chúng tôi lo sợ và rùng mình. Điều này có nghĩa là chúng tôi nếu có gặp lính Pôn Pốt của Kampuchia là chỉ có “đưa lưng ra hứng đạn” chứ không có bất cứ một vũ khí nào để có thể tự vệ, trong lòng lại oán hận và căm thù bè lũ Cộng Sản Việt Nam đến cùng độ.

Đi như vậy mãi cho đến ngày 7 tháng 1 năm 1979 được tin là bộ đội Cộng Sản Việt Nam đã vào đến thành phố Phnom Penh.  Chúng tôi lúc bấy giờ đang ở trên tỉnh Mondunkiri là một tỉnh giáp giới với tỉnh ĐăkLăk.

Đến ngày 17 tháng 2 năm 1979, tên đại đội trưởng họp chúng tôi lại và báo tin theo nguyên văn là “bọn bá quyền Trung Quốc đã sang xâm lược và tấn công sáu tỉnh biên giới phía Bắc nước ta”. Thú thật là lúc bấy giờ trong lòng tôi chỉ có sự căm thù Cộng Sản Việt Nam cho nên nghe tin này trong lòng rất lấy làm “sung sướng như mở cờ”. Nghĩ lại thật là thấy buồn nhưng ở hoàn cảnh của tôi vào thời điểm đó không thể nào nghĩ khác được.

Đã ba mươi lăm năm trôi qua, nhìn lại ngày 17 tháng 2 năm 1979, lòng không khỏi bùi ngùi. Vào thời điểm này, những anh hùng tử sĩ Việt Nam đã tử trận khi chống lại giặc thù Tàu Cộng đã không còn được Cộng Sản Việt Nam tri ân nữa mà chúng lại đi tri ân những tên xâm lược. Những cái chết oan khiên của những đồng bào Việt Nam ở sáu tỉnh biên giới phía Bắc đã không còn được Cộng Sản Việt Nam nhắc tới nữa. Cũng cầu mong những anh hùng tử sĩ đã tử trận cũng như những đồng bào Việt Nam đã bị chết vào tay giặc thù Tàu Cộng hãy yên nghỉ. Chắc chắn rằng một ngày không xa, lịch sử Việt Nam sẽ ghi lại điều này một cách trân trọng.

Lịch sử luôn luôn có sự công bằng và sáng suốt!

Phi Vũ.

Ngày 10 tháng 2 năm 2014.

No comments: