Translate

Tuesday, January 4, 2011

Mỹ - Trung cạnh tranh quyền lực

2011-01-03

Hiện đang có sự nghi kỵ, bất tín đáng kể giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khi hai cường quốc này ra sức gây ảnh hưởng trên thế giới, nhất là tại khu vực Biển Đông.

AFP photo

Binh lính Quân đội Giải phóng Nhân dân TQ (PLA) đang được đào tạo tại một cơ sở ở Trùng Khánh hôm 17/8/2010

Bất tín nhiệm nhau

Lịch sử chứng minh rằng những siêu cường có thể sống chung hoà bình với nhau khi cường quốc đang lên - như Trung Quốc hiện nay - nghĩ là không bị cản trở trong khí thế trỗi dậy của mình trong khi cường quốc tiếp tục vị thế số 1 toàn cầu - như Hoa Kỳ - tin rằng bước đường hùng cứ thế giới của họ không bị đe dọa.

Do đó, vấn đề tăng cường quân sự cần phải đi đôi với việc củng cố sự tín nhiệm hỗ tương. Đó là nhận định của tạp chí The Economist mới đây qua bài tựa đề “Sự Nguy Hiểm Của Một Nước Trung Quốc Trỗi Dậy”.

Nhưng theo giới quan sát thì rắc rối đang xảy ra là 2 siêu cường Mỹ-Trung đang lâm vào tình trạng ngày càng bất tín nhiệm nhau. Khi đề cập tới vị thế của TQ trên bình diện quốc tế, chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế trụ sở tại thủ đô Washington nhận xét rằng sự bất tín nhiệm chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục nghiêm trọng thêm.

Thậm chí cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cũng bày tỏ quan ngại về nguy cơ giới lãnh đạo Mỹ-Trung trong vòng một thập niên sắp tới đang gieo nền móng thù nghịch đáng ngại, mặc dù trước kia ông Kissinger tin chắc rằng Hoa Kỳ và TQ cùng có lợi qua sự hợp tác, chứ không phải kình chống nhau.

Và tờ The Economist cũng cảnh báo thêm rằng hiện không có nơi nào diễn ra sự kình chống manh nha nhưng gay gắt như giữa quân lực Mỹ và quân đội Giải phóng Nhân dân đang được hiện đại hoá của Bắc Kinh.

Một cách cụ thể hơn, một trong những mối quan ngại của Hoa Kỳ, và nhiều nước khác, là Bắc Kinh xem chừng như ngày càng ráo riết hiện đại hoá quân đội, đặc biệt tăng cường lực lượng hải quân ở Biển Đông và có hành động ngày càng gây hấn, cao ngạo hơn.

Bài tựa đề “TQ Tập Trung vào Sức Mạnh Quân Sự” được tờ Washington Post phổ biến hồi tháng 8 vừa rồi trích dẫn 1 bản phúc trình của Bộ Quốc Phòng Mỹ lưu ý rằng Bắc Kinh hiện đã thay đổi cách suy nghĩ về quân sự: Trước đây họ chú trọng tới chủ quyền Hoa Lục hàm ý rằng binh sĩ TQ chỉ bám theo vùng biên giới, nhưng giờ tư duy của Trung Nam Hải chú trọng tới sách lược nhằm bảo vệ điều mà Bắc Kinh tự cho là quyền lợi TQ – ở khắp hoàn cầu.

Một mặt Mỹ cần có sự hợp tác của TQ để giải quyết một số vấn đề lớn trên thế giới. Nhưng ngược lại TQ là nước có thể thách thức vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ.

GS Nguyễn Mạnh Hùng

Cựu Phó Đô Đốc Mỹ Eric McVadon, chuyên gia cao cấp nghiên cứu vùng Á châu-TBD mới đây lưu ý rằng quy mô và mức độ đe doạ nghiêm trọng của Quân đội Nhân dân TQ hiện đã quá rõ rệt. Về vấn đề này, GS Nguyễn Mạnh Hùng, dạy môn Bang giao Quốc tế thuộc Đại học George Mason, tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ nhận xét:

"Về mặt an ninh quốc phòng, thì không những Mỹ mà nhiều nước khác cũng quan tâm đến chương trình hiện đại hoá quân đội của TQ. Hoa Kỳ muốn Trung quốc phải minh bạch hơn trong vấn đề này. Hoa Kỳ đặt nghi vấn là TQ có bị ai đe doạ đâu mà phải cần tới quân đội lớn mạnh như vậy.
Vì thế, một mặt Mỹ cần có sự hợp tác của TQ để giải quyết một số vấn đề lớn trên thế giới. Nhưng ngược lại TQ là nước có thể thách thức vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ."

Biển Đông - vấn đề nóng

Trong bối cảnh như vậy, hiện giới ngoại giao, các nhà hoạch định chính sách cùng học giả ngày càng giảm bớt sự tin tưởng rằng Hoa Lục có thể là một siêu cường hòa bình trong tương lai.

Gần đây, nhiều hành động gây hấn ngày càng đáng ngại của Bắc Kinh khiến người ta lại càng giảm đi sự tin tưởng như vậy, từ vụ tàu TQ đâm tàu tuần duyên Nhật Bản ở khu vực quần đảo mà Tokyo gọi là Senkaku, TQ gọi Điếu Ngư, qua đó phía Bắc Kinh đòi Tokyo xin lỗi, cho tới chuyện Hoa Lục bày tỏ thái độ bao che Bắc Hàn sau khi có bằng chứng rằng Bình Nhưỡng là thủ phạm bắn chìm chiến hạm Cheonan của Nam Hàn khiến 46 thuỷ thủ tử vong, và bao che cả chuyện Miền Bắc CS pháo kích Miền Nam.

000_Was3182055-250.jpg
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert M. Gates (P) trò chuyện với Ðô đốc Mike Mullen, tham mưu trưởng liên quân trong một phiên diều trần về dự toán ngân sách cho Bộ Quốc Phòng, tại Washington, DC hôm 16/6/2010. AFP
Đó là chưa kể tàu TQ nhiều lần sách nhiễu táo bạo tàu hải quân Mỹ, kể cả Khu trục hạm USS John S. McCain và tàu thăm dò đại dương USNS Impeccable.

Nhưng có lẽ hành động đáng ngại hàng đầu từ Hoa Lục là Bắc Kinh tự khẳng định có chủ quyền gần trọn Biển Đông, cho đây là “quyền lợi cốt lõi” của họ khiến Hoa Kỳ, qua Ngoại trưởng Hillary Clinton, tuyên bố khu vực Biển Đông cũng là quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ, như GS Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét:

"Vấn đề Biển Đông thì Hoa Kỳ và TQ có lập trường khác biệt, nếu không muốn nói là đối chọi với nhau. Trong khi Bắc Kinh coi toàn vùng này là lợi ích cốt lõi của họ, thì Hoa Kỳ cũng xác nhận rằng đó là vùng thuộc lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ. Còn Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương thì nói rằng đây là quyền lợi sống còn của Mỹ."

TQ xem Hoa Kỳ như một siêu cường đang xuống dốc và đang ra sức ngăn chận sự trỗi dậy của Bắc Kinh, trong khi Mỹ lo ngại về tinh thần dân tộc quá khích ở TQ, nhất là sau khi Hoa Lục đạt được thế mạnh đáng kể về kinh tế, quân sự.

Theo các quan sát viên thì 1 nước Mỹ suy yếu sẽ dẫn tới tình trạng bất ổn định dài lâu ở vùng Đông Á, và đồng thời đe doạ tới hoạt động thương mại ôn hoà tốt đẹp lâu nay mà cả sự hưng thịnh cùng nhiều quyền lợi khác của Mỹ cũng trông cậy vào. Do đó, Hoa Kỳ cần duy trì thế mạnh để bảo đảm thuỷ lộ sầm uất và chiến lược ở Biển Đông.

Câu hỏi được nêu lên là sự mâu thuẫn xem chừng như ngày càng sâu sắc giữa “quyền lợi cốt lõi" của TQ và “quyền lợi quốc gia” của Hoa Kỳ tại Biển Đông có thể ảnh hưởng ra sao tới khu vực này, GS Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét:

"Sự mâu thuẫn Mỹ-Trung như vậy có ảnh hưởng đến khu vực Biển Đông. Ảnh hưởng đầu tiên thể hiện qua cuộc đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi tháng Sáu năm vừa qua khi có lời qua tiếng lại giữa Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates và Trưởng phái đoàn quân sự TQ, tướng Mã Hiểu Thiên.
Vụ này làm nóng lại tình hình khu vực .

Ảnh hưởng thứ 2 là sự xuất hiện và can dự tích cực của Hoa Kỳ vào vùng này khiến những quốc gia nhỏ ở Á Châu, nhất là ở Đông Nam Á, đã dám đề ra những chính sách bảo vệ quyền lợi của mình mạnh dạn hơn đối với TQ.

Vấn đề Biển Đông thì Hoa Kỳ và TQ có lập trường khác biệt, nếu không muốn nói là đối chọi với nhau. Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương thì nói rằng đây là quyền lợi sống còn của Mỹ.

GS Nguyễn Mạnh Hùng

Ảnh hưởng thứ 3 là TQ tạm thời có thái độ đấu dịu – chỉ tạm thời thôi. Ảnh hưởng thứ tư là có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Hoa Kỳ và các quốc gia khác ở Đông Nam Á và cả toàn vùng Á Châu, nhất là những nước mà trước kia thích đi nước đôi như Ấn Độ, Nhật Bản, chẳng hạn."

Nếu xét bao quát hơn, tức vượt khỏi vùng Biển Đông để tới Đông Bắc Á và rồi thế giới, thì Hoa Kỳ và Trung Quốc ra sức gây ảnh hưởng ra sao, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho biết:

"Bây giờ trên thế giới, Hoa Kỳ muốn TQ cộng tác để giải quyết một số hồ sơ lớn. Sự cộng tác của TQ vẫn chưa đủ để giải quyết 2 vấn đề quan tâm nhất của Mỹ, đó là vấn đề chương trình nguyên tử của Iran và Bắc Hàn, nhất là trước nguy cơ loại khí giới này bị lọt vào tay quân khủng bố.

Ngoài vấn đề ấy, Hoa Kỳ và TQ là những quốc gia đang rất cần nhiên liệu, nên TQ hiện đang cạnh tranh với Mỹ để tìm kiếm, khai thác, thu mua nhiên liệu vốn ngày càng hiếm trên thế giới - ở cả Á Châu, Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh.

Trong tình trạng đó thì Trung Quốc đã có liên hệ tốt trở lại với những nước mà Mỹ không ưa, hay có thể nói là thù nghịch với Mỹ, như Venezuela, Cuba, Miến Điện, Iran rồi Bắc Hàn nữa."

An ninh quốc phòng

Giữa lúc Hoa Kỳ bán võ khí cho Đài Loan, củng cố liên minh Mỹ-Nhật, xúc tiến thao dợt quân sự với Nam Hàn, tuyên bố Biển Đông là “quyền lợi quốc gia” của Mỹ…, thì hẳn Bắc Kinh lại càng nghi kỵ Washington về mặt an ninh cho dù hai nước ra sức gia tăng về mặt kinh tế, tài chính.

000_Del424801-250.jpg
Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc bước lên Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 9/11/2010, chào mừng Thủ tướng Anh David Cameron. AFP photo
Cũng chính vì lý do an ninh mà Hoa Kỳ có thể ra sức ngăn chận TQ trước khi Bắc Kinh thật sự trở thành siêu cường mang dòng máu bành trướng Hán Tộc.

Theo các chuyên gia thì Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện vẫn còn những tương đồng, cùng hưởng lợi từ công cuộc toàn cầu hoá, từ thị trường tự do nơi hai cường quốc này mua nguyên liệu và xuất cảng thành phẩm. Cả hai đều cần một thế giới ổn định để ngăn chận hiểm hoạ hạt nhân.

Nhưng nói theo tờ The Economist, người ta sợ rằng tình trạng tranh chấp, xung khắc, bất tín nhiệm Mỹ-Trung, nếu dài lâu tới mức trầm trọng, có thể lâm vào tình trạng hữu nghị như Anh và Đức Quốc trước khi Thế Chiến Thứ Nhất xảy ra.

Bài tựa đề “Sự Trỗi Dậy Của Trung Quốc và Con Đường Dẫn Tới Chiến Tranh” được tờ Asia Wall Street Journal đăng tải hồi tháng 8 vừa rồi có cảnh báo rằng sự đi lên của TQ có thể gây ra tình trạng cạnh tranh an ninh căng thẳng với Hoa Kỳ, dẫn tới nguy cơ rất lớn là chiến tranh giữa 2 cường quốc kinh tế nhất nhì thế giới này.

Nhưng GS Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định rằng chiến cuộc Mỹ-Trung, ít ra cũng trong giai đoạn này, sẽ không xảy ra, vì "TQ biết mình không phải là đối thủ của Hoa Kỳ".

Trước tình trạng giằng co như vậy của hai siêu cường Mỹ-Trung, những quốc gia nằm trong vùng tranh giành ảnh hưởng như Việt Nam hẳn cần cảnh giác và khôn khéo để không bị rơi vào thế lệ thuộc bất lợi cho đất nước.