Translate

Thursday, November 11, 2010

Thái độ của Trung Quốc áp đặt chủ quyền Biển Đông bị nêu bật tại Việt Nam

Theo RFI

Một tàu tuần tra của Việt Nam gần một đảo của Trường Sa.
Một tàu tuần tra của Việt Nam gần một đảo của Trường Sa.
Reuters
Trọng Nghĩa

Tại cuộc hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ hai mở ra hôm nay ở Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình căng thẳng bắt nguồn từ các tranh chấp chủ quyền là nhân tố được hầu hết các chuyên gia chú ý. Phân tích lý do khiến căng thẳng gia tăng thời gian gần đây, giáo sư Carl Thayer nhấn mạnh đến vai trò của Trung Quốc, vừa tăng cường sức mạnh để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền, vừa tìm cách phá hoại các nỗ lực của Việt Nam nhằm hình thành một mặt trận thống nhất để đối phó.

Là một chuyên gia tại Học viện Quốc phòng Úc, từng theo dõi hồ sơ Biển Đông từ hàng chục năm qua, trong bài tham luận tại Hội nghị lần này, giáo sư Thayer đã tỏ ý bi quan trước tình trạng có thể nói là « bất di bất dịch » của các đòi hỏi chủ quyền trong vùng Biển Đông. Tình hình tuy nhiên đã xấu đi thêm do việc Trung Quốc vẫn duy trì thái độ « thiếu minh bạch » trong vấn đề Biển Đông, làm dấy lên « những câu hỏi chính đáng về dụng tâm chiến lược của Bắc Kinh ».

Về các hành động quyết đoán gần đây của Bắc Kinh tại vùng Biển Đông, giáo sư Thayer đặc biệt chú ý đến hai nhân tố có liên quan chặt chẽ với nhau :

Trước hết là các vụ liên tục bắt giữ tàu thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam và liên tục áp đặt lệnh cấm đánh cá trên một vùng rộng lớn tại Biển Đông, viện cớ là để bảo đảm nguồn hải sản cho khỏi bị tổn hại. Chỉ mới đây thôi, vào tháng trước, Việt Nam đã phải lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh trả tự do cho một chiếc tàu đánh cá của tỉnh Quảng Ngãi, cùng với 9 ngư dân bị họ chận bắt trước đó.

Ngoài ra, để có thể tiến hành thuận lợi các hành động độc đoán kể trên, Trung Quốc đã không ngừng tăng cường đội tàu kiểm tra ngư trường của họ, còn được gọi là tàu ngư chính. Giáo sư Thayer ghi nhận : « Trung Quốc đang tăng cường năng lực củng cố các đòi hỏi chủ quyền của họ trong vùng Biển Đông bằng cách làm ra thêm nhiều chiếc tàu Ngư chính ».

Đối với chuyên gia nghiên cứu Thayer, « đà vươn lên của Trung Quốc và tiến trình hiện đại hóa và chuyển hóa của quân đội Trung Quốc sẽ tiếp tục làm cho giới hoạch định chính sách quốc phòng trong khu vực cảm thấy là bối cảnh chiến lược bất ổn định thêm ».

Bắc Kinh sẳn sàng dùng vũ lực?

Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra là mới đây, khi đôn vùng Biển Đông lên hàng « lợi ích cốt lõi », ngang hàng với Đài Loan hay Tây Tạng, phải chăng là Trung Quốc bắn tín hiệu cho thấy là họ sẵn sàng dùng võ lực để bảo vệ các đòi hỏi chủ quyền của họ ?

Trong số các nước có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh tại vùng Biển Đông, Trung Quốc đặc biệt gay gắt với Việt Nam, quốc gia luôn luôn tìm cách thiết lập một mặt trận chung nhằm đối phó với các đòi hỏi chủ quyền của láng giềng phương Bắc.

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã cố gắng đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao để tiến tới một bộ quy tắc ứng xử giữa các bên tại vùng Biển Đông mang tính ràng buộc hơn đối với các nước ký kết. Theo giáo sư Thayer, Bắc Kinh đã tìm cách phá hoại các nỗ lực của Việt Nam, trong tư cách chủ tịch ASEAN, nhằm hình thành một mặt trận chung đối phó với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.

Tại Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN hạ tuần tháng 7, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã lên tiếng kêu gọi một cách tiếp cận đa phương để giải quyết các tranh chấp Biển Đông. Lời kêu gọi này đã bị Trung Quốc phản bác dữ dội vì nước này chủ trương giải quyết song phương với từng nước, đồng thời không muốn Hoa Kỳ can thiệp quá sâu vào khu vực.

Tuy nhiên, quan điểm mới của Hoa Kỳ về Châu Á cũng như Biển Đông đã tiếp tục được các lãnh đạo Mỹ khẳng định, từ bộ trưởng quốc phòng Robert Gates cho đến người lãnh đạo cao nhất là Tổng thống Barack Obama.

Trong một chừng mực nào đó, theo ghi nhận của giáo sư Thayer, vấn đề đặt ra hiện nay là khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục "chịu ảnh hưởng của cuộc cạnh tranh giữa các đại cường quốc". Đối với hồ sơ Biển Đông, câu hỏi quan trọng cần đặt ra là thực lực của Hoa Kỳ ra sao và quyết tâm của họ như thế nào trong việc duy trì thế cân bằng quyền lực trong lĩnh vực hàng hải.