Translate

Tuesday, January 5, 2010

VN muốn TQ không du lịch tới Hoàng Sa

Trích BBC Vietnamese

Bản đồ Biển Đông, nơi đang có các tranh chấp lãnh hải

Hà Nội đã lên tiếng đề nghị Trung Quốc ngưng các hoạt động du lịch tại đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền lãnh hải.

Tuyên bố được đưa ra theo sau việc quốc hội Trung Quốc công bố tài liệu về phát triển du lịch ở đảo Hải Nam bao gồm cả Hoàng Sa.

Hôm 4/1/2010, bà Nguyễn Phương Nga đã trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề này và nói:

"Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

"Việc làm nêu trên của phía Trung Quốc là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.

"Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động này."

Việc làm nêu trên của phía Trung Quốc là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam

Bà Nguyễn Phương Nga

'Trước sau như một'

Trước đây Việt Nam cũng đã từng phản đối hoạt động du lịch của Trung Quốc ở Hoàng Sa.

Hồi tháng 3/2009, Công ty du lịch quốc tế Châu Giang của Trung Quốc đã mở tour du lịch ra đảo Vĩnh Hưng (Việt Nam gọi là Phú Lâm) thuộc quần đảo Tây Sa mà Việt Nam gọi là Hoàng Sa.

Hai đảo Phú Hưng và Đảo Cây (Triệu Thuật theo tiếng Trung) cũng là nơi Trung Quốc từng tạm giữ ngư dân Việt Nam bị họ bắt vì điều mà họ gọi là "vi phạm lãnh hải."

Dưới triều Nguyễn, Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi nhưng nay thuộc sự quản lý của thành phố Đà Nẵng.

Hồi tháng Tư năm 2009, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng công bố quyết định bổ nhiệm trực tiếp chủ tịch của tám quận huyện, trong đó có huyện Hoàng Sa.

Ba ngày sau, Trung Quốc cực lực phản đối, gọi việc bổ nhiệm này là "bất hợp pháp và không có giá trị".

Trước đây chính phủ Việt Nam Cộng hòa đặt Hoàng Sa dưới sự quản lý của tỉnh Quảng Nam.

Trung Quốc đã chiếm hoàn toàn Hoàng Sa sau trận thủy chiến ngày 19/01/1974 với hải quân Việt Nam Cộng hòa và từ đó, vấn đề Hoàng Sa đối với Bắc Kinh đã "không còn tranh cãi".

Tuy nhiên Việt Nam vẫn duy trì tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này và khẳng định "trước sau như một, Việt Nam chủ trương giải quyết các bất đồng thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở tôn trọng Luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc tế...nhằm giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Đông và khu vực."

Bấm Bấm vào đây để xem ý kiến độc giả.