Translate

Tuesday, April 27, 2010

Thách đố lòng yêu nước

Trích DCVOnline
Trần Quang Hạ


Xét về văn phong, cách đặt vấn đề tranh luận, bài viết không gây ấn tượng gì; nhưng xét về nội dung, đây là một thách đố lòng tự ái dân tộc của tất cả những người Việt Nam yêu nước.

Ngày 17/4/2010 trên diễn đàn BBC có đăng bài “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” của Đỗ Ngọc Bích, người được giới thiệu: “Tiến sĩ về quan hệ quốc tế và Hoa Kỳ học.”

Nội dung bài viết phê phán chủ nghĩa dân tộc trong việc bài xích Trung Quốc và nói rằng Việt Nam dù sao cũng là một phần của Trung Hoa, Các vị vua Việt cũng coi Trung Quốc như cha, như anh. Những câu hỏi đặt ra khá lạ như: Việt Nam thực sự có văn hoá 4000 năm hay không? Hoàng Sa, Trường Sa chỉ thuộc Viêt Nam từ năm 1974 khi VNCH đưa quân ra trấn giữ. Và câu kết luận rất ấn tượng: Đất nước Việt Nam có được là nhờ lấn chiếm lãnh thổ Chiêm Thành và Khờ Me.

Nếu bài viết của một độc giả bình thường có lẽ không gây sự quan tâm nhiều như thế, đằng nầy tác giả là một trí thức có bằng cấp, được BBC giới thiệu là tiến sĩ về quan hệ quốc tế, giáo sư Việt học đại học Yale, đang tham gia dịch các tài liệu cổ sử Việt. Xét về văn phong, cách đặt vấn đề tranh luận, bài viết không gây ấn tượng gì; nhưng xét về nội dung, đây là một thách đố lòng tự ái dân tộc của tất cả những người Việt Nam yêu nước.

Trong thời gian ngắn, người Việt trong ngoài nước đã phản ứng mạnh mẽ bằng các ý kiến, bài viết và bài phỏng vấn các nhà trí thức trên các trang mạng internet. Phóng viên Mặc Lâm, RFA với bài: “Phải làm gì khi lịch sử bị bóp méo?” trích đăng nhận xét của giáo sư Hà Văn Thịnh (đại học Huế) và Phan Huy Lê (Viện Sử Học Việt Nam) rằng bài viết như thế chỉ đáng xấu hổ chứ không đáng bàn. Giáo sư Hoàng Việt đã đưa ra các bằng chứng lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa để phản bác ý tưởng kỳ quặc của Đổ Ngọc Bích.

Tích cực và nhanh chóng hơn, hai giáo sư Ngô Vĩnh Long và Trần Hữu Dũng tại Mỹ đã liên lạc với đại học Yale để xác minh có hay không có một “tiến sĩ Việt học” như thế, kết quả thật bất ngờ: bà Đỗ Ngọc Bích chỉ là một du học sinh sau đại học, đang ghi danh chương trình cao học tại tại Mỹ. Bà nầy không dính dáng gì đến đại học Yale, ngoại trừ có làm tutor tiếng Việt cho một vài sinh viên ở đó. Tiến sĩ Erik Harms, phó giáo sư khoa Nhân Học của đại học Yale nói:
“Trên BBC người ta ghi cô Bích là Tiến sĩ giảng dạy ở Yale. Nó sai nhiều điểm. Điểm thứ nhất là cô Bích chưa có Tiến sĩ. Cô Bích nói cho mình biết là cô có gửi CV (All But Dissertation) cho BBC. CV là lý lịch và trong CV đó có nói là ABD Tiến sĩ... Thế nhưng thực sự một người ABD có nghĩa là chưa có bằng, chưa nộp luận văn.Thực sự bây giờ cô Bích là sinh viên cao học, sắp viết luận văn ở Đại học Hawaii trong Khoa Hoa Kỳ học, chứ không phải là Tiến sĩ đang giảng dạy ở Yale”.

Với xác nhận nầy, rõ ràng bà Bích có ý đồ mạo nhận học vị tiến sĩ khi tham gia diễn đàn nhằm gia tăng trọng lượng bài viết. Một lẽ đơn giản: Nếu là người chân chính, bà Bích không cần đánh bóng tên tuổi trong lần đầu xuất hiện; hãy để những gì mình viết khẳng định điều đó. Nhưng khổ nổi, những gì bà viết thật ra không phải vì có ý tưởng mới, mà viết ra vì bực dọc, khó chịu. Trong thư phản hồi độc giả BBC, cũng lời lẽ nhiều phần ngạo mạn, bà Bích thú nhận:
“Ý tưởng viết bài của tôi xuất phát chính từ cảm giác bực dọc, khó chịu khi phải đọc những lời phỉ báng, lăng mạ của các blogger trong nước và hải ngoại đối với nhà nước Việt Nam hay nhân vật lãnh đạo Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc trên Facebook hay diễn đàn BBC, VOA tiếng Việt.”

Hai bài viết như thế cũng đủ khẳng định những gì cần thiết để chúng ta không chú ý đến chuyện bà Bích nữa, tuy nhiên vẫn còn một vấn đề trong cách truyền thông của BBC Việt Ngữ mà qua vụ nầy, tôi thấy cần đưa ra để bạn đọc có thêm ý kiến. Một là tại sao BBC chọn đăng một bài viết tào lao phỉ báng dân tộc Việt, hai là thái độ phục thiện của những người phụ trách diễn đàn. Khi phóng viên Trần Văn (RFA) chuyển thư của Tiến sĩ Erik Harms cho BBC nhằm xác định lại thông tin cá nhân về bà Bích, Trưởng ban Việt Ngữ Nguyễn Giang trả lời, “Đây là một cuộc thảo luận nên BBC sẽ có ý kiến chính thức khi cuộc thảo luận chấm dứt.”


Thảo luận chưa chấm dứt đã đành, nhưng những thông tin cá nhân BBC đã đưa ra ngày 17/4 là sai lạc cấn phải chấm dứt. Phóng viên Trần Văn chỉ muốn BBC đính chính lại phần phụ lục chứ không phải ý kiến về chuyện bà Bích nói đúng hay sai. Mặc dù sau đó đã cáo lỗi bạn đọc nhưng phần phụ chú sửa lại ngày 20/4 vẫn mang tính cách dài dòng quảng cáo. Phụ chú viết:
“Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả. Bà Đỗ Ngọc Bích đã hoàn tất chương trình tiến sĩ môn Hoa Kỳ Học của Đại Học Hawaii, hiện đang sống ở New Haven và chuẩn bị bảo vệ luận án, trong khi tham gia giảng dạy tiếng Việt ở Trung Tâm Ngôn Ngữ và dịch tài liệu lịch sử cho khoa Lịch sử, ĐH Yale.”


Kèm tiếng Việt cho 2 sinh viên ngoài giờ mà được xem như tham gia giảng dạy ở đại học Yale? Thêm nữa, bà Bích chỉ được hỏi ý kiến về lịch sử Việt từ vị giáo sư nào đó chứ không hề dịch tài liệu lịch sử cho Yale, vì đại học Yale không làm công việc đó.


BBC Vietnamese
Nguồn: bbc.co.uk
Đối với nhà báo, từ ngữ quan trọng trong việc chuyển tải thông tin nên nhất thiết phải chính xác. Một vài lần khi đưa tin kết quả các vụ xử nhà bất đồng chính kiến, BBC đã dùng từ “lãnh án” một cách thoải mái, giống như đưa tin “tú bà X lãnh 3 năm vì tội buôn gái, kẻ cướp Y lãnh án 5 năm vì cướp nhà băng”. Một lối dùng từ thiếu chuyên nghiệp đối với những vấn đề chính trị nhạy cảm.

BBC là cơ quan truyền thông độc lập nhưng tôn chỉ nầy có giữ được hay không là do bản lĩnh những cá nhân phụ trách trong ban BBC Vietnamese ấy.


© DCVOnline