Translate

Thursday, July 22, 2010

Ngoại trưởng Mỹ quan ngại về nhân quyền nhưng cam kết tăng cường hợp tác

Trích RFI

Tặng hoa cho Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sau khi bà ký kết bản  ghi nhớ về việc hỗ trợ cho chương trình phòng chống HIV/AIDS ở Việt  Nam, tại chùa Ngọc Lâm, Hà Nội ngày 22/7/2010.
Tặng hoa cho Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sau khi bà ký kết bản ghi nhớ về việc hỗ trợ cho chương trình phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam, tại chùa Ngọc Lâm, Hà Nội ngày 22/7/2010.
Reuters
Trọng Nghĩa

Hôm nay (22/07/2010), Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã đến Việt Nam để tham gia các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng thường niên của Hiệp hội Đông Nam Á ASEAN, đồng thời tiếp xúc với nhiều lãnh đạo Việt Nam để thảo luận về quan hệ song phương Mỹ Việt.

Ngay khi vừa đặt chân xuống Hà Nội, bà Clinton đã có ngay một cuộc tiếp xúc với Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Gia Khiêm. Phát biểu nhân cuộc họp báo sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Mỹ xác nhận là bà đã nêu lên vấn đề nhân quyền trong cuộc họp với đồng nhiệm Việt Nam.

Theo phóng viên báo New York Times, bà Clinton đã bày tỏ mối quan ngại của Hoa Kỳ về thái độ mà bà gọi là ‘’không khoan dung’’ với các giới bất đồng chính kiến. Bà đã nêu lên những vụ tống giam những nhà đấu tranh cho dân chủ, những hành đông tấn công vào một số nhóm tôn giáo hay việc đàn áp một số websites trên mạng Internet.

Ngay khi khởi đầu cuộc họp báo Ngoại trưởng Mỹ đã giải thích lý do khiến bà nêu lên vấn đề nhân quyền đối với phía Việt Nam. Đó là vì, xin trích : « Việt Nam, với dân số cực kỳ năng động, đang trên đường trở thành một quốc gia lớn, với tiềm năng vô hạn. Đó là một trong những lý do khiến Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại về vấn đề nhân quyền với Việt Nam ».

Sau đó, nhân bữa ăn trưa với các doanh nhân Việt Nam và Hoa Kỳ, bà Clinton đã trở lại đề tài này, nhắc đến các khác biệt sâu đậm giữa Việt Nam và Mỹ trên vấn đề quyền tự do chính trị. Bà xác định là Hoa Kỳ sẽ thúc giục Việt Nam nỗ lực nhiều hơn trong việc bảo vệ quyền tự do cá nhân.

Đáp lời Ngoại trưởng Mỹ, bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm đã cho rằng khái niệm nhân quyền bắt nguồn từ đặc thù văn hóa và lịch sử của mọi nước, và ông nhắc lại câu nói mà ông cho rằng của của chính Tổng Thống Mỹ Obama, theo đó các nước có quyền chọn lựa đường đi của chính mình và nhân quyền không thể bị áp đặt từ bên ngoài.

Theo giới phân tích, Ngoại trưởng Mỹ trong những ngày gần đây đã phải chịu nhiều sức ép, đòi bà phải đề cập đến vấn đề nhân quyền với Việt Nam nhân chuyến ghé thăm Hà Nội. Yêu cầu mới nhất đến từ tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, đòi bà Clinton phải gắn liền việc tăng cường hợp tác với việc Việt Nam tôn trọng nhân quyền.

Human Rights Watch: Cần gắn vấn đề nhân quyền với việc tăng cường quan hệ song phương

Trong bản thông cáo đề ngày hôm nay, Tổ chức Human Rights Watch, trụ sở ở New York đã cho rằng bà Hillary Clinton ‘’Cần nêu rõ tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam… trong các phát biểu công khai cũng như trong các cuộc gặp riêng với quan chức Việt Nam’’. Theo Human Rights Watch, Ngoại trưởng Mỹ, xin trích, ‘’Cần nhấn mạnh về mức độ ưu tiên mà Hoa Kỳ đặt ra đối với việc tăng cường tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam, một phần hữu cơ trong quan hệ song phương’’.

Không những thế, Tổ chức bảo vệ nhân quyền có trụ sở ở Mỹ còn kêu gọi Washington gắn liền vấn đề Hà Nội tôn trọng nhân quyền với việc tăng cường quan hệ song phương. Theo Human Rights Watch thì bà Ngoại trưởng Mỹ phải, xin trích : « Đặt yêu cầu chấm dứt những cấm đoán ngặt nghèo về các quyền tự do làm điều kiện nới rộng quan hệ thương mại và an ninh. »

Xin nhắc lại là ngày 15/07 vừa qua, gần 20 dân biểu Mỹ cũng đã lên tiếng kêu gọi Ngoại trưởng Hoa Kỳ nêu lên vấn đề nhân quyền khi đến Việt Nam. Đó cũng là yêu cầu của một số hội đoàn, đảng phái trong cộng đồng người Việt hải ngoại.

Những người đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam đều nêu bật sự kiện Việt Nam hạn chế quyền tự do hội họp và lập hội, kiểm soát chặt chẽ các tổ chức lao động và tôn giáo, giới hạn quyền tự do ngôn luận và tiếp cận internet. Trong thời gian gần đây, chính quyền Việt Nam đã bị lên án về các vụ xử lý hình sự các nhà ly khai nổi tiếng, thường với mức án tù rất nặng.