Translate

Wednesday, January 13, 2010

Thêm một hy vọng hòa giải đã qua

VietCatholic News (13 Jan 2010 12:03)
Lại một lần nữa những người con Đất Việt, ít nhất là những người Công giáo Việt Nam, đau nhói trong tim vì câu chuyện Đồng Chiêm không đáng có vừa được viết trên mảnh đất Quê hương khi mà thế giới vừa bước sang năm 2010 với biết bao niềm hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn. Mọi người mơ về một thế giới tốt đẹp hơn trong đó tình liên đới, tình huynh đệ, tình yêu thăng tiến; mọi người mơ về một thế giới trong đó mọi người biết tôn trọng nhau. Thật cay đắng khi phải nghe lời nhận định của linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tĩnh: Những chuyện đã và đang xảy ra tại Việt Nam (đàn áp, dối trá, lừa đảo của nhà cầm quyền) là chuyện bình thường!

Phải chăng những chiến dịch đánh úp, áp bức, dùng người vô tội đánh người vô tội (thực ra nhóm « dân quân tự phát » cũng chỉ là những nạn nhân) thuộc bản chất của chế độ chính trị hiện nay tại Việt Nam?

Chúng ta vừa trải qua một năm 2009 đầy đen tối với những cách hành xử của các «chính trị gia» Việt Nam qua các sự kiện: Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Tòa, Loan Lý, Bát Nhã. Ngoài ra chúng ta còn phải kể tới sự thờ ơ của các nhà chức trách đối với những ngư dân khốn khổ bị những « người anh em » Trung cộng bắt ở Biển Đông và đòi tiền chuộc… ! Những ai hay biết về những gì đã xảy ra không thể không phẩn nộ! Nhiều nhà đấu tranh vì quyền con người đã lên tiếng cảnh tỉnh lương tâm mọi người, đặc biệt là lương tâm của các nhà cầm quyền, trên các diễn đàn khác nhau. Đây là hành động mạo hiểm cao quý của những con người dám sống cho người khác và xem người khác cũng là chính mình (Paul Ricoeur).

Lẽ ra năm 2010 phải là một năm khác, một năm tơi sáng hơn trong lãnh vực kinh tế cũng như nhân văn. Chắc chắn tất cả chúng ta đều đã hy vọng như vậy. Nhưng chúng ta đã sai ? Những gì đang xảy ra ở Đồng Chiêm làm chúng ta thất vọng! Lại phải chờ thêm hy vọng mới ? Hy vọng cho tới bao giờ ? Có lẽ chúng ta sẽ còn phải chờ mãi cho tới khi những lương tâm con người thức tỉnh; chúng ta còn phải chờ đến khi con người nhận ra rằng người thân cận của ta không phải chỉ là những người ruột thịt, người đồng đảng. Nếu như chúng ta chỉ xem những người ruột thịt, đồng đảng mới là người lân cận của mình thì những người khác xem mình và con cháu mình là ai?

Chúng ta cũng còn phải đặt câu hỏi: lương tâm nào? Lương tâm thức tỉnh phải là lương tâm ngay thẳng, lương tâm biết phân biệt phải trái. Nhà tư tưởng người Đức, Dietrich Bonhoeffer viết: «Những người theo Đức quốc xã nói: lương tâm tôi là Hít-le». Bi kịch là những người này đã hành động theo lương tâm được đặt trên nền tảng tư tưởng Phát-xít. Thế giới hôm nay nói chung và những người Âu châu nói riêng hổ thẹn đối với vết đen không thể tẩy xóa do Đức quốc xã gây ra trong lịch sử của nhân loại. Hy vọng lịch sử không lặp lại trên bất cứ miền đất nào của thế giới chúng ta!
Trần Khuê