Translate

Monday, July 19, 2010

Xe điện cao tốc Việt Nam: thua keo này bày keo khác

DCVOnlineTin MP


Việt Nam có thể thay đổi kế hoạch tài trợ cho hệ thống xe điện cao tốc để được tiến hành


Tổng cục Đường Sắt Việt Nam của nhà nước Việt Nam có thể “xào nấu kế hoạch tài trợ” cho hệ thống xe điện cao tốc tốn kém 56 tỉ đô-la đã bị quốc hội bác tháng rồi. Công trình tái nghiên cứu khả năng xây dựng hệ thống xe điện cao tốc từ Hà Nội đi thành phố Hồ Chí Minh có thể được đệ trình lần nữa vào đầu năm tới, ông Nguyễn Mạnh Hiển, một giám đốc điều hành của ban đối ngoại của Tổng cục Đường Sắt nói trong một cuộc họp báo ở Hương Cảng (Hong Kong) hôm nay thứ Bảy ngày 17 tháng Bảy.

Tổng cục Đường Sắt có thể yêu cầu nhà nước cung cấp 35 tỉ đô-la để giúp thực hiện công trình này, ông Hiển nói. Phần còn lại sẽ từ những đối tác tư và công cũng như các nguồn tài trợ từ ngoại quốc bao gồm Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Á châu, theo ông Hiển. Tuy nhiên, ông Hiển không nói rõ là những phần nào trong kế hoạch xây dựng xe điện cao tốc này có thể được thay đổi.

Tàu cao tốc Việt Nam, mỡ vô tới miệng mèo, dễ gì tha? Nguồn: Babui, DCVOnline
Nhà nước Việt Nam bắt đầu bắt tay vào một kế hoạch giao thông mới sau khi Quốc hội bác bỏ hệ thống xe điện cao tốc vì mối quan tâm về việc chi cho một dự án tốn kém cao tới 60 phần trăm tổng sản lượng nội địa hằng năm. Nhà nước đề nghị xây dựng một hệ thống xe điện dài 1.550 cây số để giảm thời gian di chuyển và ô nhiễm.

Nếu được chấp thuận, Tổng cục Đường Sắt sẽ bắt đầu công trình xây dựng vào năm 2012 và hoàn tất công trình vào năm 2035, ông Hiển nói. Công trình sẽ tốn 22.6 triệu cho mỗi cây số, so sánh với với những dự án tương tự ở Đài Loan, Pháp và Nhật Bản.

Nhật Bản sẽ tìm kiếm phương cách giúp tài trợ cho dự án, Bộ trưởng Bộ giao thông Nhật Bản ông Seiji Maehara nói tháng rồi sau khi quốc hội Việt Nam phủ quyết dự án xây dựng hệ thống xe điện cao tốc. Ông Hiển cũng nói thêm là Tổng cục Đường Sắt Việt Nam dự định sẽ dùng kỹ thuật Nhật Bản để xây dựng đường sắt mới này.

Hai nhóm công ty kết hợp với nhau để đấu thầu cho dự án này. Công ty Sumitomo liên doanh với Công ty Kỹ nghệ Nặng Mitsubishi, trong lúc công ty Itochu liên doanh với Công ty Kỹ nghệ Nặng Kawasaki.


© DCVOnline