Translate

Saturday, May 2, 2009

Em có hẹn

Tặng Em

Em có hẹn hôm nay xuống phố
Ra đường anh đảo mắt nhìn xem
Nhìn ai cũng ngỡ là em
Hóa ra không phải anh thêm buồn lòng

PHP
05/02/09

Quan hệ Việt Mỹ: Định mệnh và lựa chọn

Trích ViệtNam Net


(TuanVietNam)- Tháng tư năm 1975, USS Kirk 1087 là một trong những chiến hạm Mỹ cuối cùng nhổ neo rời khỏi vùng biển Việt Nam. USS Kirk 1087 không chỉ mang theo mình một phần dòng người di tản ra khỏi Sài Gòn sắp sụp đổ mà còn chở theo mình đoạn kết của một chương đen tối trong lịch sử quan hệ hai nước Việt - Mỹ.

Khi người Mỹ quyết định can thiệp vào miền Nam Việt Nam những năm 1950, nhiều người coi đó là một định mệnh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc Chiến tranh lạnh bắt đầu bước vào cao trào với sự cạnh tranh khốc liệt về ý thức hệ những năm 1950, lựa chọn đó của người Mỹ dường như là bắt buộc. Lợi ích quốc gia về an ninh và quân sự khiến người Mỹ cùng các đồng minh của mình không thể đứng bên ngoài tình hình Việt Nam lúc bấy giờ.

Sự kiện ngày 30/4/1975 đặt dấu chấm hết cho sự can thiệp của người Mỹ tại Việt Nam. Nhưng phải mất 20 năm sau quan hệ Việt Mỹ mới được bình thường hóa. Bên cạnh yếu tố "định mệnh" là bối cảnh Chiến tranh lạnh tiếp diễn hay cuộc chơi giữa ba ông lớn Mỹ - Xô - Trung, thì vấn đề bình thường hóa quan hệ hai nước bị đình trệ một phần vì những "lựa chọn" chủ quan của hai phía, tiêu biểu như sự bất đồng xung quanh vấn đề thực hiện Điều 21 của Hiệp định Paris.

Khi cuộc Chiến tranh lạnh cũng như những ám ảnh của quá khứ đã lùi xa, việc phát triển quan hệ hợp tác Việt Mỹ trong lĩnh vực nào, tới mức độ nào và thông qua những phương thức nào phụ thuộc hoàn toàn vào "lựa chọn" chủ quan của hai nước hơn là "định mệnh" như trước kia.

Quan hệ Việt-Mỹ đang có cơ hội phát triển mạnh mẽ, toàn diện và bước vào một chương mới tươi sáng hơn. Điều này không hề khó khăn, bởi "lựa chọn" nằm ngay trong tay hai nước.

Bài viết là góc nhìn của thạc sĩ Quan hệ quốc tế và Ngoại giao Lê Hồng Hiệp. Đại học Quốc gia Australia.


Ba mươi tư năm sau, những ngày tháng tư năm 2009, một chiến hạm khác của Mỹ, hàng không mẫu hạm USS John Stennis neo đậu trên Biển Đông nhưng lại mang theo mình một biểu tượng khác khi đón tiếp những sĩ quan quân sự cấp cao của Việt Nam viếng thăm: đó chính là sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện trong quan hệ bang giao Việt - Mỹ, bao gồm cả lĩnh vực quân sự vốn vẫn được coi là "nhạy cảm".

Khu trục hạm ISS - Kirk - 1087 của Mỹ. Ảnh: flickr

Định mệnh của quá khứ

Khi người Mỹ quyết định can thiệp vào miền Nam Việt Nam những năm 1950, nhiều người coi đó là một định mệnh.

Lo ngại chủ nghĩa cộng sản sẽ lan tràn khắp khu vực sau khi quân bài domino đầu tiên đổ xuống ở miền Nam Việt Nam, người Mỹ đã quyết định can thiệp vào Việt Nam trong một chiến lược mang tính toàn cầu là ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản. Đó là một quyết định mang tính duy lý của những nhà lãnh đạo Mỹ, và cuộc chiến kéo dài 20 năm sau đó đã diễn ra.

Tuy nhiên có thể thấy, trong bối cảnh cuộc Chiến tranh lạnh bắt đầu bước vào cao trào với sự cạnh tranh khốc liệt về ý thức hệ những năm 1950, lựa chọn đó của người Mỹ dường như là bắt buộc. Lợi ích quốc gia về an ninh và quân sự khiến người Mỹ cùng các đồng minh của mình không thể đứng bên ngoài tình hình Việt Nam lúc bấy giờ.

Chính vì vậy cuộc chiến đã diễn ra và đẩy quan hệ Việt Mỹ bước vào một giai đoạn đen tối như một "định mệnh" của lịch sử mà cả hai bên khó có thể có một sự lựa chọn nào khác.

Nỗ lực hàn gắn quan hệ

Tháng tư năm 1975, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã sụp đổ trước sức tấn công vũ bão của Quân Cộng Sản, chính thức đặt dấu chấm hết cho sự can thiệp của người Mỹ ở Việt Nam.

Sau sự kiện này, những tưởng quan hệ hai nước sẽ sớm được khôi phục khi có những chuyển biến tích cực từ cả hai cựu thù với những vòng đàm phán về bình thường hóa quan hệ hai nước được tiến hành tích cực năm 1977.

Cựu Tổng thống Bill Clinton đã thăm Hà Nội hồi còn đương nhiệm (tháng 11/2000 và lần gần đây là tháng 12/2006.

Cựu Tổng thống George W. Bush tại Apec Hà Nội tháng 11/2006.

Tuy nhiên do một số khúc mắc từ cả hai phía, đặc biệt là việc thỏa thuận về vấn đề Mỹ bồi thường chiến tranh cho Việt Nam theo Điều 21 của Hiệp định Paris, cũng do tác động của bối cảnh cuộc Chiến tranh lạnh và trò chơi lớn giữa Mỹ - Xô - Trung đang diễn ra, hai nước đã bỏ phí cơ hội sớm bình thường hóa bang giao.

Sau đó, quan hệ căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như sự hiện diện của quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia nhằm giúp nhân dân nước này lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ đã lập nên những rào cản mới trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ hai nước.

Chỉ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, cùng với việc Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và vấn đề Campuchia được giải quyết ổn thỏa, quan hệ Việt - Mỹ mới có những bước tiến quan trọng.

Ngày 3/2/1994, chính quyền của tổng thống Bill Clinton ra quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận đối với Việt Nam và hơn một năm sau, ngày 11/7/1995, hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ.

Như vậy phải mất 20 năm sau ngày Việt Nam hoàn toàn thống nhất quan hệ Việt Mỹ mới được bình thường hóa và đối với nhiều người Việt Nam cũng như người Mỹ đó là một khoảng thời gian quá dài.

Thế nhưng có thể thấy rằng những diễn biến trong nỗ lực hàn gắn quan hệ hai nước trong khoảng thời gian này không chỉ bị chi phối bởi "định mệnh", hay những điều kiện khách quan nằm ngoài tầm kiểm soát của hai bên, mà còn do những "lựa chọn", những ý chí chủ quan của mỗi phía.

Bên cạnh yếu tố "định mệnh" là bối cảnh Chiến tranh lạnh tiếp diễn hay cuộc chơi giữa ba ông lớn Mỹ - Xô - Trung, thì vấn đề bình thường hóa quan hệ hai nước bị đình trệ một phần vì những "lựa chọn" chủ quan của hai phía, tiêu biểu như sự bất đồng xung quanh vấn đề thực hiện Điều 21 của Hiệp định Paris.

Thành tựu của hơn một thập kỷ sau bình thường hóa

Sau khi bình thường hóa, quan hệ Việt Mỹ đã có những bước phát triển nhanh chóng.

Về chính trị, mặc dù vẫn còn một số tồn tại nhưng hai nước đã càng ngày càng xích lại gần nhau hơn. Các cuộc tiếp xúc và thăm viếng lẫn nhau giữa lãnh đạo cấp cao hai nước đã diễn ra thường xuyên hơn, đặc biệt là trong những năm gần đây.

Hai Tổng thống gần đây của Mỹ là Bill Clinton và George W. Bush đều đã tới Việt Nam. Trong khi đó các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam sang thăm Mỹ trong vòng 4 năm gần đây có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Về kinh tế, quan hệ giao thương giữa hai nước đã phát triển mạnh mẽ với việc kinh ngạch thương mại hai chiều Việt - Mỹ năm 2008 đạt 15,2 tỉ đô la, gấp hơn 10 lần so với năm 2001. Theo đó, Mỹ đã trở thành đối tác thương mại số một của Việt Nam. Đầu tư trực tiếp của các công ty Mỹ vào Việt Nam cũng tăng lên nhanh chóng.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), tính đến ngày 22/11/2008, Hoa Kỳ đứng thứ 11/81 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với 421 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 4,1 tỷ USD. Con số này còn tăng lên nhiều lần nếu tính cả các dự án của các công ty Mỹ đầu tư thông qua các công ty của nước thứ ba.

Về quốc phòng, hợp tác giữa hai nước Việt - Mỹ trên lĩnh vực vốn đang được coi là nhạy cảm này cũng đã có những bước tiến quan trọng trong những năm gần đây. Các cột mốc đáng chú ý gồm có chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà tới Mỹ tháng 11/2003, hay các chuyến viếng thăm hữu nghị của các tàu hải quân Mỹ tới các hải cảng Việt Nam, và gần đây nhất là chuyến thăm của đoàn sĩ quan cấp cao quân đội nhân dân Việt Nam tới hàng không mẫu hạm USS John Stennis của Mỹ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Mỹ hồi tháng 6/2008

Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết thăm Mỹ hồi tháng 6/2007

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Mỹ hồi tháng 6/2005

Hợp tác về quân sự giữa hai nước trong giai đoạn trước mắt tập trung vào việc Mỹ giúp tăng cường năng lực của quân đội Việt Nam trong công tác cứu trợ nhân đạo, giảm thảm họa, thiên tai; gia tăng nỗ lực của Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.

Hợp tác: Lựa chọn của tương lai

Có thể nói, sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện của quan hệ Việt Mỹ trong một thập kỷ qua là một thành công đáng kể của cả hai nước.

Giờ đây khi cuộc Chiến tranh lạnh cũng như những ám ảnh của quá khứ đã lùi xa, việc phát triển quan hệ hợp tác Việt Mỹ trong lĩnh vực nào, tới mức độ nào và thông qua những phương thức nào phụ thuộc hoàn toàn vào "lựa chọn" chủ quan của hai nước hơn là "định mệnh" như trước kia.

Đương nhiện, lựa chọn hợp tác giữa hai nước phải phù hợp với lợi ích quốc gia của mỗi bên. Xét trên góc độ này, cả Mỹ và Việt Nam đều có đầy đủ mọi lý do để lựa chọn thúc đẩy hợp tác giữa hai nước mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa.

Trước tiên phải kể đến lợi ích chính trị của cả hai nước khi phát triển hơn nữa quan hệ song phương.

Nếu như đối với Việt Nam quan hệ với Mỹ có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao vị thế của mình cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp phát triển kinh tế thì đối với Mỹ, việc phát triển quan hệ chính trị với Việt Nam cũng có ý nghĩa ngày càng quan trọng.

Với một vị thế không ngừng lớn mạnh trên trường quốc tế, Việt Nam xứng đáng có một vị trí cao hơn trong chiến lược của Mỹ, đặc biệt là ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nơi cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc được dự báo sẽ ngày càng gay gắt hơn trong tương lai.

Chính vì vậy quan hệ tốt hơn với Việt Nam sẽ có lợi cho Mỹ trong việc duy trì ảnh hưởng của mình ở khu vực.

Về kinh tế, một điều rõ ràng là quan hệ kinh tế với Mỹ, với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất và nhà đầu tư hàng đầu, có vai trò quan trọng đối với Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam với một nền kinh tế năng động, thị trường lớn nhiều tiềm năng cùng nhiều cơ hội chưa được khai phá, cũng cần được Mỹ coi là một đối tác quan trọng về kinh tế.

Ngoài ra, việc Mỹ phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế với Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy quá trình phát triển nền kinh tế thị trường ở đây. Điều này phù hợp với chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường và mở rộng các giá trị tự do, dân chủ của Mỹ trên toàn cầu.

Về quân sự, hợp tác giữa hai quốc gia trên lĩnh vực này vẫn còn tương đối mới mẻ và dè dặt. Nhưng cũng chính vì thế tiềm năng phát triển hợp tác giữa hai bên trên lĩnh vực này trong tương lai là rất to lớn.

Thúc đẩy hợp tác quân sự sẽ mang lại cho cả hai nước những lợi ích trước mắt cũng như lâu dài, đặc biệt là trong việc đối phó với những bất trắc tiềm tàng về an ninh ở khu vực mà hai bên cùng quan tâm. Việc phát triển hợp tác quân sự cũng mang lại thêm một rường cột trong quan hệ hai nước, làm cho quan hệ hai nước trở nên toàn diện và vững chắc hơn.

Qua phân tích trên, chúng ta có thể thấy quan hệ Việt Mỹ đang đứng trước những cơ hội mới để phát triển mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa, bao gồm cả ba lĩnh vực: chính trị, kinh tế và quân sự. Mục tiêu mà hai bên đặt ra và cần vươn tới trong tương lai gần là xây dựng quan hệ đối tác mang tính xây dựng hữu nghị, hợp tác nhiều mặt trên nền tảng rộng lớn, ổn định và hiệu quả giữa hai nước.

Quan hệ hai nước Việt - Mỹ đã từng trải qua những trang đen tối vì sự đưa đẩy bởi "định mệnh" khách quan của lịch sử. Giờ đây, khi "lựa chọn" chủ quan thay thế "định mệnh" khách quan quyết định quan hệ song phương, hi vọng quan hệ Việt-Mỹ sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa và bước vào một chương mới tươi sáng hơn. Điều này không hề khó khăn, bởi "lựa chọn" nằm ngay trong tay hai nước chúng ta.
  • Lê Hồng Hiệp (Thạc sỹ Quan hệ quốc tế và Ngoại giao - Đại học Quốc gia Australia)