Translate

Sunday, March 22, 2009

Nhân quyền Canada lên án Hà Nội: Đòi quốc tế áp lực

Trích Việt Báo Online

Nhân Quyền Canada Lên Án Hà Nội, Đòi Quốc Tế Áp Lực

Luật sư Alain Ouellet.


Luật sư Alain Ouellet, Chủ Tịch Ủy Ban Yểm Trợ Dân Chủ và Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam, hôm Thứ Tư 18-3-2009 đã gửi bản văn lên án nhà nứơc Hà Nội vi phạm nhân quyền, và kêu gọi chính phủ Canada áp lực Hà Nội.
Bản dịch tiếng Việt viết như sau.
THÔNG CÁO CỦA ỦY BAN YỂM TRỢ DÂN CHỦ VÀ TỰ DO TÔN GIÁO CHO VIỆT NAM
Ủy Ban Yểm Trợ Dân Chủ và Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam xin lưu ý công luận về một vi phạm nhân quyền trầm trọng do nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vừa thực hiện.
Ngày 3 tháng 3 năm 2006, luật sư Lê Trần Luật, người phụ trách biện hộ cho tám công dân Công Giáo Thái Hà trong vụ kháng kiện chống lại bản án vu khống họ “phá hoại tài sản quốc gia và gây rối trật tự công cộng”, đã bị ngăn không cho lên chuyến bay Sài Gòn – Hà Nội để đi gặp các bị cáo. Ngay sau hành động bất hợp pháp này, công an đã cưỡng bức luật sư đưa về trụ sở công an và giữ ông ở đó suốt ngày. Các luật sư phụ tá Hùng và Đạt và cô trợ lý Tạ Phong Trần thuộc văn phòng luật của ông cũng bị triệu tập tới trụ sở công an và liên tiếp bị hỏi cung. Một tuần lễ trước đó, ngày 25-02-2009, nhân viên công lực đã đến văn phòng của ông để lục soát không báo trước, lấy đi tất cả các máy photocopy và máy vi tính với lý do thi hành lời yêu cầu của một công ty cạnh tranh sau một cuộc tranh chấp có tính cách tư nhân.
Những đàn áp trắng trợn này một lần nữa cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam khinh thường luật lệ quốc tế và lương tâm nhân loại. Chính luật sư Lê Trần Luật đã tố cáo: “Chúng ta đang sống trong một chế độ mà quyền con người đã bị chà đạp một cách thô bạo. Ngay cả bản thân tôi là một luật sư, cũng trở thành nạn nhân của vấn nạn cường hào thì thử hỏi những người dân oan, những người thấp cổ bé họng khác thì họ chịu biết bao sự đau khổ?”
Chúng tôi cực lực lên án việc vi phạm nhân quyền có dự mưu của nhà cầm quyền Việt nam. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Canada và những người thiện tâm hãy thi hành những biện pháp cần thiết để chấm dứt luôn việc vi phạm này.
Ngày 18 – 03 – 2009
Luật sư Alain OUELLET
Chủ Tịch
Ủy Ban Yểm Trợ Dân Chủ và Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam
151 Atwater
CP 72126
Montreal, QC H3J 2Z6
Canada

Câu chuyện hàng hóa ứ đọng của Trung Cộng và Thái Lan tràn vào Việt Nam

Trích VietNamNet

Cảnh giác với hàng tồn kho từ bên kia biên giới
22:41' 21/03/2009 (GMT+7)

"Do khủng hoảng kinh tế, hàng hóa Trung Quốc, Thái Lan “tắc” đường vào châu Âu, Mỹ… sẽ tìm mọi cách tiêu thụ vào thị trường Việt Nam thông qua con đường buôn lậu, gian lận thương mại" - cảnh báo này được đưa ra tại hội nghị triển khai công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2009, tổ chức ngày 21/3 tại Hà Nội.

Buôn lậu giảm nhờ… khủng hoảng kinh tế

Nếu đầu năm 2008 hoạt động buôn lậu diễn ra rất sôi động thì từ cuối năm ngoái đến nay tình hình buôn lậu đã có xu hướng giảm mạnh. Theo đại tá Bùi Hà, Phó Cục trưởng Cục Điều tra tội phạm kinh tế, Bộ Công An, nguyên nhân chính là do tác động của… khủng hoảng kinh tế thế giới.

Buôn lậu giảm nhờ ... khủng hoảng kinh tế thế giới! - Ảnh VNN

Tác động này theo ông Hà được thể hiện rõ nhất ở hai “điểm nóng” của năm 2008 là xuất lậu than, khoáng sản sang Trung Quốc và xuất lậu xăng dầu ở các tỉnh phía Nam sang Campuchia, Thái Lan. Xuất lậu than, khoáng sản đã giảm rõ rệt trong khi xuất lậu xăng dầu không còn.

Tuy nhiên, việc nhập lậu hàng tiêu dùng, nhất là từ Trung Quốc vào nội địa vẫn còn rất “nóng” như thuốc lá, rượu, bia, vải, đồ may mặc, gia cầm, sữa, mỹ phẩm… Đặc biệt, thời gian qua nổi cộm hiện tượng nhập khẩu hàng giả, hàng nhái từ Trung Quốc và một số nước xung quanh như phân bón, gas, tân dược, hàng may mặc….

TIN LIÊN QUAN
Tình hình sẽ còn “nóng bỏng” hơn vào năm nay. Theo cảnh báo của Ban chỉ đạo 127 Trung ương hàng Trung Quốc, Thái Lan (nhất là hàng điện tử thông dụng) do khủng hoảng kinh tế, bị thu hẹp thị trường ở châu Âu, Mỹ… sẽ tìm mọi cách tiêu thụ hàng tồn vào thị trường Việt Nam.

Từ thực tế lượng hàng nhập chính thức không đáng kể so với hàng nhập lậu của một cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) có thể thấy trước con đường vào Việt Nam của các mặt hàng trên vẫn chủ yếu là nhập lậu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú dự báo, các chủ “đầu nậu” sẽ tập trung vào các mặt hàng nhạy cảm, có lợi nhuận lớn như thuốc lá, rượu, đồ điện tử dân dụng, vải, mỹ phẩm, dược phẩm, sắt thép, gỗ… trên tuyến biên giới đất liền. Còn các vùng biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Kiên Giang... sẽ là địa bàn xuất lậu các mặt hàng như quặng, khoáng sản, than, gỗ, động vật hoang dã…

Ở góc độ an ninh trật tự, đại tá Bùi Hà đặc biệt lo ngại về tình trạng nhập lậu, buôn bán, tàng trữ pháo từ Trung Quốc. Đáng lưu ý, nguyên nhân khiến tình hình vi phạm về pháo gia tăng mạnh năm qua có lý do từ việc phía Trung Quốc khuyến mãi bằng…pháo hoặc bán pháo với giá rất rẻ cho các chủ hàng Việt Nam sang mua hàng.

Chống buôn lậu: khó- vì sao?

Năm nào cũng vậy, hội nghị chống buôn lậu luôn tề tựu đầy đủ các lực lượng chức năng: quản lý thị trường, công an, bộ đội biên phòng, hải quan… đến các sở ban ngành từ Trung ương đến địa phương.

Thế nhưng chính Ban chỉ đạo 127 cũng thừa nhận hiệu quả đấu tranh ở một số đơn vị chưa cao, chưa tương xứng với khả năng nhất là đấu tranh với các đường dây tổ chức buôn lậu quy mô lớn, xuyên quốc gia.

Một số địa phương vì lợi ích cục bộ nên chưa triệt để chống buôn lậu. Ảnh Phan Hùng

Lý do quen thuộc của các lực lượng chức năng luôn là: địa bàn rộng, lực lượng mỏng, kinh phí thấp trong khi các đối tượng buôn lậu ngày càng “chuyên nghiệp” về tổ chức lẫn phương tiện họat động.

Báo cáo của Ban chỉ đạo 127 Trung ương cho biết đối tượng buôn lậu được trang bị máy thông tin, liên lạc không chỉ để điều hành việc vận chuyển hàng hóa mà còn để theo dõi ngược.. lực lượng chức năng.

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú than phiền: “Một tàu chống buôn lậu hễ nổ máy lên là đã mất 15-20 triệu, chạy ra ngoài khơi quay về là mất 200 triệu. Nếu bắt được hàng lậu mới được trích lại 2%, nhiều khi không đủ tiền xăng dầu, còn không bắt được hàng lậu thì không biết lấy tiền đâu mà bù vào…”

Về nhân lực, dù năm 2008, Chính phủ đã bổ sung cho các chi cục quản lý thị trường trên toàn quốc gần 1.000 biên chế nhưng năm nay “bài ca” thiếu người vẫn được đưa ra để giải thích cho việc “lực bất tòng tâm”.

Tuy nhiên, bên cạnh những nguyên nhân thiếu người, thiếu tiền, có nguyên nhân không nhỏ từ chính các lực lượng chức năng và các địa phương.

Theo Ban chỉ đạo 127, năm 2008 các tỉnh, thành phố trong cả nước đã kiểm tra, xử lý 194.184 vụ vi phạm pháp luật, tịch thu tổng cộng 2.134 tỷ đồng, trong đó có 763 tỷ đồng trị giá hàng vi phạm. Xử phạt hành chính và 944 tỷ đồng tiền phạt và truy thu thuế.

Đại tá Hà thừa nhận, việc nắm tình hình, nghiệp vụ ở nhiều địa phương còn sơ sài, chưa chủ động phát hiện, đấu tranh với các ổ nhóm, tổ chức tội phạm lớn. Việc điều tra liên tỉnh, tuy lực lượng công an có làm nhưng chưa đúng với tình hình, kết quả điều tra, truy tố những vụ án buôn lậu chiếm tỷ lệ thấp, nặng về xử lý hành chính…

Về phía địa phương, theo nhận định của Ban chỉ đạo 127, do nghiêng về lợi ích cục bộ nên một số tỉnh chưa triệt để chống buôn lậu, nếu có làm thì chiếu lệ, qua loa khiến tình trạng buôn lậu vẫn thường xuyên xảy ra.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính yếu nhất khiến hiệu quả của công tác chống buôn lậu không cao chính là công tác chống buôn lậu tuy được giao cho nhiều ngành, nhiều lực lượng nhưng thiếu đồng bộ, thiếu phối hợp.

Đó cũng là lý do, đại diện Bộ Y tế phải đề nghị Ban Chỉ đạo 127 cần có văn bản quy định hoặc quy trình xử lý cụ thể về việc trao đổi thông tin giữa các ngành chức năng nhằm nâng cao hiệu quả chống buôn lậu.

Chỉ khi có sự phối hợp chặt chẽ các lực lượng chống buôn lậu mới thực sự thoát khỏi tình trạng năm nào cũng phải kêu “địa bàn rộng, lực lượng mỏng” để rồi “lực bất tòng tâm” khi buôn lậu gia tăng.

  • Phan Hùng