Translate

Wednesday, October 7, 2009

Giới thiệu

Giới thiệu “Thông báo ủng hộ lời hô hào của Bauxite Việt Nam cứu trợ đồng bào bị nạn bão lụt”

Posted using ShareThis

Đánh khẽ không xong

 Trân Văn, phóng viên RFA
2009-10-07

Đã hơn một tháng kể từ khi báo điện tử Đảng CSVN dịch và đăng bài nói về sự kiện Hải quân Trung Quốc ngang nhiên sử dụng hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam để tập trận.

RFA PHOTO

Bản tin “Hải quân Trung Quốc tập trận trên biển Đông” trên báo điện tử của đảng CSVN hôm 4-9-2009.

Bài báo kèm theo lệnh của Phó Tư lệnh Hạm đội Nam Hải, ra lệnh binh sĩ Trung Quốc tập luyện và bảo vệ tốt vùng biển của Việt Nam mà Trung Quốc tự nhận chủ quyền.
Sửa sai…

Cho dù cả báo điện tử Đảng CSVN lẫn Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN và chính quyền Việt Nam đã thực hiện một số động tác sửa sai, song sự bất bình của công chúng không những không giảm mà đang càng ngày càng dâng cao. Đó là nội dung cuả nhiều blog tuần qua.

Sau khi công chúng phát giác và bày tỏ sự phẫn nộ của họ, trước việc cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, tiếp tay cho ngoại bang, phủ nhận chủ quyền lãnh thổ, báo điện tử Đảng CSVN đã lẳng lặng lột tin “Hải quân Trung Quốc diễn tập tại biển Đông” ra khỏi website mang địa chỉ web: cpv.org.vn. 

Khoảng mười ngày sau, trước sức ép càng lúc càng lớn của dư luận, Ban Biên tập báo điện tử Đảng CSVN lên tiếng xin lỗi và cám ơn sự góp ý của công chúng.

Tuy nhiên sự chỉ trích của công chúng không giảm, cũng vì vậy, ngày 21 tháng 9, chánh Thanh tra Bộ Thông tin – Truyền thông, tuyên bố: Phạt báo điện tử Đảng CSVN 30 triệu đồng.

Chừng mười ngày sau nữa, báo chí trong nước đồng loạt loan tin, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng CSVN, vừa khiển trách cá nhân ông Đào Duy Quát, Tổng Biên tập báo điện tử Đảng CSVN, vừa khiển trách tập thể Ban Biên tập cơ quan báo chí này.

Thế nhưng công chúng vẫn không hài lòng. Vì sao?
Thiếu công minh

Theo dõi các diễn đàn điện tử và các blog, có thể thấy nguyên nhân đầu tiên, khiến cho một số động tác sửa sai, không thể làm cho công chúng nguôi giận là vì giới hữu trách thiếu công minh.

Hồi tháng 4 vừa qua, Bộ Thông tin – Truyền thông Việt Nam đã từng ra lệnh cách chức lãnh đạo báo Du Lịch, tạm đình bản tờ báo này trong ba tháng, chỉ vì Giai phẩm Xuân Du Lịch đã đăng một vài bài viết cổ vũ cho việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

Đến nay, thời hạn ba tháng đã qua, nhưng tờ Du Lịch vẫn chưa đựơc tái bản, toàn bộ cán bộ, phóng viên, nhân viên vẫn thất nghiệp, bởi giới hữu trách chưa phê chuẩn nhân sự lãnh đạo tờ báo.

So sánh cách đối xử với tờ Du Lịch và việc xử lý sai phạm nghiêm trọng của báo điện tử Đảng CSVN, blogger Nguyễn Vĩnh – từng là tổng biên tập một tờ báo tại Việt Nam – nhận xét: Án kỷ luật phũ phàng đối với báo Du lịch, soi cả kính hiển vi điện tử cũng không thấy cái gọi là “sai phạm”…

Trong khi, tin “Hải quân Trung Quốc diễn tập tại biển Đông”, của báo điện tử Đảng CSVN thì: Sai phạm rành rành, đặc biệt nghiêm trọng, hậu quả khôn lường cả đối ngoại, lẫn đối nội!.. Khiến người dân Việt cả trong và ngoài nước đều căm giận…

Blogger Nguyễn Vĩnh cho rằng: Việc Tổng Biên tập Đào Duy Quát sai phạm đặc biệt nghiêm trọng như thế mà không bị truy cứu trách nhiệm, kể cả trách nhiệm hình sự là sự xúc phạm đối với những người cầm bút chân chính nước nhà, xúc phạm công luận cả nước.

Ông kêu gọi những người cầm bút, nhất là các nhà báo lên tiếng. Ông giải thích: Khi cùng lên tiếng, yêu cầu phải có sự bình đẳng trong xử lý với sai phạm của báo chí là đang cùng nhau bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, cũng là bảo vệ các đồng nghiệp và bảo vệ chính mình.

Sự thiếu công minh đó không chỉ riêng với báo chí. Trong một thư ngỏ gửi cho ông Đào Duy Quát qua diễn đàn điện tử Bauxite Việt Nam, một thanh niên tên là Duy Hải nêu thắc mắc:

Tội của chú không phải tội lơ là, bất cẩn cho đăng tin bài thất thiệt, mà theo cháu đó là tội phản biện ngược chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Thử hỏi mấy ai trong đất nước này phạm tội ấy mà bị phạt những 30 triệu đồng và bị kỷ luật trước Đảng?

Những blogger như Mẹ Nấm, Người Buôn Gió, hay nhà báo Đoan Trang mới chỉ viết bài phê phán cái gọi là quan hệ “anh em thân thiết” Việt Nam – Trung Quốc trong bối cảnh Trung Quốc đang thè lưỡi nuốt biển đảo Việt Nam thế mà đã bị bắt bớ, đày đọa.

Vậy mà chú và cả Ban Biên tập báo Đảng, tức là một tổ chức, đăng bài khẳng định chủ quyền của Trung Quốc, đứng trên lập trường Trung Quốc lại chỉ bị phạt hành chính và kỷ luật nội bộ? Đây có phải là một bất công không, thưa chú?
Nhiều bao biện

Nguyên nhân thứ hai khiến công chúng bất bình là cá nhân ông Đào Duy Quát – một trong những nhân vật từng đảm nhận vai trò chỉ đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân về văn hóa và tư tưởng suốt nhiều năm.

Có blogger như Đinh Tấn Lực đã nhắc lại những sự kiện nhiều người biết về tư cách của ông Quát. Kể cả chuyện ông bị một nữ phóng viên báo Sài Gòn Giải phóng bạt tai vì sàm sỡ với cô khi cùng đi dự liên hoan thanh niên ở Cuba năm 1998, hay chuyện ông giải thích trên tờ Pháp Luật TP.HCM, lý do dẫn tới hàng loạt vụ tai tiếng tương tự là do được nhiều phụ nữ mê. Tuy nhiên đời tư chỉ là một khía cạnh rất nhỏ được dùng để minh họa tính cách nhân vật.

Dấu ấn đậm nhất mà các diễn đàn điện tử, các blogger nhắc tới nhiều nhất, chính là chuyện khi xuất hiện trước công chúng, với vai trò Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Biển và Đảo Việt Nam” hồi tháng 4 vừa qua, ông Quát nhận định, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tuyên bố sáp nhập Hoàng Sa và Trường Sa vào thành phố Tam Sa đều là do sự kích động của các thế lực thù địch. Ông Quát khoe, ông đã từng chất vấn những sinh viên tham gia các cuộc biểu tình này, yêu cầu họ suy nghĩ xem làm như thế là lợi hay hại (?).

Ông Quát cũng chính là người đưa ra một số tuyên bố từng khiến giới blogger bàn tán như:

Blog là ngôn luận cá nhân, chính vì vậy phải có sự quản lý của nhà nước. Mỗi blog đều phải đăng ký và khi phát ngôn phải được pháp luật cho phép. Những blog làm ảnh hưởng đến xã hội, an ninh quốc gia… phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Blogger Đinh Tấn Lực đã dẫn lại tuyên bố này để đặt vấn đề: Bây giờ, chính trang mạng do cụ Quát quản lý đang làm ảnh hưởng đến xã hội, an ninh quốc gia. Liệu là cu Quát sẽ nuốt lại những đao to, búa lớn từng phun ra đó cách nào cho ổn?
Ngang ngược & Thiển cận

Sau khi xảy ra scandal ở báo điện tử Đảng CSVN, ông Đào Duy Quát có tiếp tục sử dụng những lời lẽ mà giới blogger gọi là “đao to, búa lớn” nữa không? Không!

Hôm 30 tháng 9, trả lời tờ Tuổi Trẻ, ông Quát bảo vụ scandal đó là “tai nạn nghề nghiệp”, ông giải thích:

Việc đưa tin đó là để cảnh báo một hoạt động, một mưu đồ... Trong đó có mấy từ biên tập đã được thêm vào là phó tư lệnh ngang ngược tuyên bố, cái chữ “ngang ngược” viết ở ngoài thì cậu đánh máy nhận rồi nhưng không đưa vào, nên tự nhiên làm sai lệch thông tin...

Ngay lập tức, hàng chục diễn đàn điện tử và blog cùng tham gia phân tích, chứng minh ông Quát đã nói dối hết sức vụng về, vừa vì hai từ “ngang ngược” không phù hợp với ngữ cảnh của tin đã đăng, vừa vì đây là tin dịch, không thể tùy tiện thay đổi nội dung, bởi như thế là vi phạm nguyên tắc báo chí.

Thậm chí không ít ý kiến chê ông Quát hèn, không dám nhận trách nhiệm mà đổ lỗi cho “cậu đánh máy”. Nhà văn Nguyễn Quang Lập, viết trên blog Quê Choa:

Khi bàn về những người biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa, bác đã nói rất hùng hồn: ‘Các thế lực thù địch là nó chống phá ta gớm, gớm lắm các đồng chí ạ.

Tôi có tổ chức đối thoại với các sinh viên tham gia cái cuộc, cái cuộc kích động do các thế lực thù địch tổ chức tháng 12 năm 2007. Tôi có hỏi: Làm cái gì? Để làm cái gì? Tôi hỏi các anh các chị. Các anh các chị làm như thế, biểu tình Trường Sa Hoàng Sa là của Việt Nam như thế là lợi hay là hại? Lợi hay hại?..’

Bác đã nói vậy rồi mà bây giờ bác lại tính nhét hai chữ “ngang ngược” vào để chống lại kẻ xâm lược Hoàng Sa ư, làm thế hoá ra bác cũng bị các lực lượng thù địch nó kích động à? Vô lý, phải không bác.

Vì ba cái lẽ ấy, có chồng vàng lút đầu chắc bác cũng chẳng dám nhét hai chữ “ngang ngược” ấy vào đâu, khó lắm, khó lắm.

Cũng có vài người như ông Nguyễn Trung – một cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu - cho rằng, đây có thế là “may trong rủi” vì:

Lâu nay trong dư luận người đọc – trong đó có tôi – cho rằng các báo chính thống của Đảng thường có thái độ quá mềm dẻo với Trung Quốc và tránh né nhiều điều gay cấn xảy ra trong quan hệ Việt – Trung. Bây giờ lời thanh minh của ông Đào Duy Quát cho tôi cảm giác: Những người làm báo Đảng có lẽ bên trong không đến nỗi mềm yếu như dư luận vẫn nghĩ lâu nay. Dẫn chứng là ông Đào Duy Quát cho biết, khi đưa bài lên mạng người đánh máy đã quên mất hai chữ “ngang ngược” Nếu đúng là thế, thì đây là cái may trong cái rủi. Nghĩa là sự cố của ông Đào Duy Quát cho thấy một tín hiệu tốt nào đó mà người đọc đang mong tìm.

Không biết cảm giác này của tôi có đánh lừa tôi không, mong rằng không phải như vậy. Nghĩa là tôi có lý do để hy vọng trong tương lai những người làm báo Đảng sẽ đủ mạnh để tìm được và dùng được những từ ngữ thích đáng vào những sự việc đòi hỏi những từ ngữ thích đáng? Gọi đúng tên của sự vật và nói lên được sự thật.

Tuy nhiên Giáo sư Nguyễn Huệ Chi không đồng ý. Qua diễn đàn điện tử Bauxite Việt Nam, ông cho rằng, cách nghĩ của ông Nguyễn Trung là cách nghĩ của một người quá nhân hậu. Ông đề nghị:

Anh hãy xâu chuỗi lại và thử ngẫm nghĩ, có phải tất cả những việc làm đó đều bắt nguồn từ một chủ trương ứng xử nhất quán là cái thói quen cúi mình trước ngoại bang rất hèn hạ, hay là một "sách lược cương nhu rất mực cao thâm"?

Tôi ngờ rằng bao lâu nay chúng ta vẫn bị đánh lừa bởi con "ngáo ộp” nó làm mình cứ vừa hy vọng vừa không khỏi... xấu hổ ngượng ngùng, té ra cuối cùng thì chỉ là một chiếc mặt nạ không hơn không kém.

Cùng thảo luận về vấn đề này, nhà văn Phạm Đình Trọng viết:

Trung Quốc cướp đất, cướp biển, cướp đảo của ta, bắn giết dân ta nhưng vì mối liên minh cố kết giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc mà nhà nước ta không dám tố cáo, phản kháng hành động kẻ cướp đó và nhân dân bộc lộ sự phẫn nộ với kẻ cướp đất đai, lãnh thổ thì bị bắt bớ, tù đày.

Đó là cách hành xử thiển cận vì phương tiện hi sinh mục đích, vì lợi ích của Đảng mà hi sinh lợi ích dân tộc, đặt lợi ích của Đảng lên trên lợi ích dân tộc. Đó là nghịch lý lớn nhất của một thời đầy nghịch lý!

Hình như nghịch lý đó là nguyên nhân thứ ba và cũng là nguyên nhân chính, khiến scandal báo điện tử Đảng CSVN vẫn là vấn đề thời sự trên các diễn đàn điện tử, các blog dù chuyện đã xảy ra hơn một tháng.