Translate

Friday, December 31, 2010

Happy New Year {2011}



Năm Mới đối thoại với Dân Làm Báo

Lê Diễn Đức (RFA) và Trang báo điện tử "Dân Làm Báo"
Lời giới thiệu của Dân Làm Báo:
Đây không phải là một cuộc phỏng vấn theo đúng nghĩa của báo chí, đúng hơn là một cuộc trao đổi, đối thoại giữa “Dân Làm Báo” với nhà báo Lê Diễn Đức, người có những liên hệ, hợp tác thân tình với BBT chúng tôi.
Lê Diễn Đức (LDĐ): BBT “Dân Làm Báo” (DLB) quý mến, không gian điện tử tưởng chừng mênh mông, vô tận và chưa hề gặp nhau, nhưng nhờ nó mà chúng ta đã gắn bó với nhau từ hơn một năm nay, bắt đầu từ sự kiện anh Lê Công Định bị bắt giam và xử tù bất công, cùng với sự ra đời của Blog “FreeLeCongDinh” trên WordPress. DLB có thể chia sẻ với tôi và bạn đọc suy nghĩ của mình trước những rủi ro và nguy cơ có thể tới bất cứ lúc nào khi các bạn chấp nhận dấn thân trên mặt trận báo chí, truyền thông độc lập?
Dân Làm Báo: Không gian điện tử đúng là mênh mông, vô tận như anh nói, nhưng cùng lúc nó giúp con người gần gũi lạ lùng. Nó đã nối kết chúng ta lại để từ đó cùng nhau chia sẻ những khát vọng chung về đất nước; điều mà trước đây khi không có nó chúng ta vô cùng cô đơn trong những thao thức tưởng như chỉ có ở riêng mình. Nói lên điều đó để thấy rằng chỉ chừng ấy thôi cũng đủ để chúng ta có thể đánh đổi những rủi ro và nguy cơ để được nắm tay, bắc cầu với nhau, vượt qua cái mà các bạn bè mình thường gọi sự “yêu nước trong cô đơn”.
Bây giờ nói đến rủi ro và nguy cơ. Nếu nhìn cho kỹ thì đất nước này là một đất nước của rủi ro và nguy cơ. Thời thượng một tí, chúng ta có thể đặt tên cho nó là “đất nước của những hố tử thần”. Rủi ro và nguy cơ của quá khứ vẫn là những lý lịch tối om dưới mắt nhìn của đảng, tưởng đã không còn nhưng vẫn rình rập và khi cần là giáng xuống đầu người dân... Rủi ro và nguy cơ của hiện tại là xác xuất chết trên đường nhiều hơn trên giường, là nỗi lo nơm nớp những mặt bằng đang được tính toán lợi nhuận để chờ ngày cán bộ của đảng giải phóng, là những dùi cui của công an “còn đảng còn mình” sẳn sàng giáng xuống cái đầu quên đội nón bảo hiểm... Rủi ro và nguy cơ của tương lai là quả bom bùn đỏ, là những món nợ khổng lồ chồng chất, là tài nguyên cạn kiệt. Và trở thành một tỉnh lỵ của Tàu. Đâu phải chỉ “dấn thân” vào chuyện truyền thông độc lập mới có nguy cơ và rủi ro... Và nhiều lắm lắm nữa!
Thế nhưng đa phần dân mình hình như cứ xem đó là rủi ro của ai khác, “của chung không ai khóc” thì “rủi ro chung lo chi cho mệt xác” - cũng sẽ chẳng bao giờ xảy ra cho mình đâu! Nghĩ như vậy hoặc là vì không nhận ra, hoặc phải như thế để mà yên tâm, vô cảm sống. Nhưng cũng chính vì cảm nhận, lo âu về những rủi ro và nguy cơ to lớn đang phủ kín lên dân tộc này mà nhiều người đã chấp nhận những bất trắc cho riêng bản thân mình để mà lên tiếng nói và hành động nhằm tạo nên những thay đổi cần thiết.
Không ai mà không có lúc sợ hãi. Không ai mà không có những giây phút ngần ngại, chùn bước trước những hiểm họa. Nhưng ở đất nước này, có thực sự mỗi người chúng ta có thể sống an lành, hạnh phúc, tự tại, không nguy cơ, đe dọa? Quyết định không làm gì cả có đem đến “bình an dưới thế cho người thiện tâm”!?
LDĐ: Chúng ta đều là những kẻ vui vẻ với công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Đã đành! Nhưng từ trải nghiệm của bản thân, tôi thấy không hoàn toàn dễ dàng. Mỗi người trong chúng ta đều có gia đình, bố mẹ, vợ con, anh em... Chưa nói tới các mối hiểm nguy từ phía nhà cầm quyền, quỹ thời gian dành cho một trang Web như DLB rất lớn! Ví dụ, trước những sự kiện như cuộc nổi loạn của dân chúng Bắc Giang cuối tháng 7/2010, chúng ta gần như 24/24 thay nhau thức để cùng đưa tin... Các bạn có gặp phản ứng nào không vui từ phía gia đình chưa? Các bạn giải quyết như thế nào để - như cá nhân tôi đã gặp phải - không bị vợ đẩy vào sự lựa chọn: hoặc là tôi hoặc là báo - tùy anh?
Dân Làm Báo: À, anh nói đến nguy cơ... vợ bỏ, con chê, cha mẹ từ! Và dưới ngòi bút được viết theo lệnh của ai đó thì chúng ta còn có nguy cơ bị lên án... quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh nữa chứ! Gia đình, vợ con, cha mẹ già! Lịch sử có bao giờ viết về một anh hùng dân tộc nào đó phải giúp con học bài, rửa chén cho vợ, săn sóc cho mẹ, hầu hạ cho cha trước khi xung trận đối diện với quân thù! Chúng ta chỉ thấy hình ảnh một anh hùng hiên ngang trong hồn nước. Hôm qua một người bạn Hà Nội kể về tình trạng cả năm nay không một đồng ra đồng vào. Anh là một người nổi tiếng, người ta biết đến anh vì những dấn thân cho công lý, lo ngại cho anh là có ngày anh sẽ bị ăn cơm tù. Đâu ai biết được tảng đá lớn nhất đang đè nặng lên vai anh là tiền chợ cho vợ, tiền học cho con. Anh sợ ánh mắt buồn bã của vợ, nỗi lo âu trước tuổi của đứa con, và lời khuyên nhủ thoáng chút trách móc của người mẹ già hơn là cánh cửa nhà tù.
Mỗi người, mỗi gia đình có một hoàn cảnh riêng anh ạ. Cách giải quyết khác nhau và cách nào đi nữa, vẫn còn đó những căng thẳng lúc ít lúc nhiều, lúc hiện lúc ẩn trong cuộc sống gia đình. Vẫn mong là đừng bao giờ dẫn tới chuyện lựa chọn hoặc là tôi hoặc là... gì đó như anh nói. Điều đó cũng dẫn đến một ước ao: làm thế nào ở thời đại này, chúng ta có thể sống, phấn đấu cho sự thăng tiến của cá nhân và gia đình mình thì đương nhiên sẽ góp phần vào sự thăng tiến chung của đất nước.
LDĐ: Về nhân sự của lãnh đạo Đảng CS Việt Nam thì “đi ra đi dzô cũng mấy thằng cha khi nãy”, dù thay đổi ông nọ bà kia ở kỳ đại hội Đảng này hay tiếp theo thì vẫn thế, vẫn là một tập đoàn hàng chục năm nay tự chia nhau nắm trọn quyền lực và dính kết với nhau bằng lợi ích. Công an và cả quân đội đều bị biến thành công cụ phụng sự Đảng, “chỉ biết còn Đảng, còn mình”, ngày càng trở nên hung bạo hơn. Cho nên con đường tới đích dân chủ của Việt Nam có vẻ còn quá xa vời vì tương quan sức mạnh. Các bạn có bi quan trong cuộc đối đầu không cân sức “châu chấu đá xe” này không? Hay là vẫn tin rằng, “tưởng rằng chấu nát ai dè xe nghiêng”?
Dân Làm Báo: Trước hết, không dám gọi họ là mấy... thằng cha vì cha nào cũng đã đến giai đoạn trên bảo dưới không nghe cả rồi. DLB nghĩ rằng nguồn gốc của vấn đề không phải là “ai lãnh đạo” mà là “ai là người quyết định thành phần lãnh đạo”. Nếu “ai” đó không phải là nhân dân thì mọi thứ chỉ là một vở kịch tồi và tương lai chỉ sáng trưng trong bài diễn văn của các lãnh đạo tự phong, vẫn đen như mõm chó trong đời sống của dân ta.
Bi quan? Thử tưởng tượng chúng ta hỏi một người dân Nga trước khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ - Bạn có bi quan không? Đảng CS Liên Xô lúc ấy mạnh gấp trăm lần đảng CSVN. Công an nước ta nhằm nhò gì so với hệ thống an ninh mật vụ KGB. Quân đội Xô Viết gốc Nga sẵn sàng bắn xối xả vào sắc dân khác và ngược lại. Khám đường Phan Đăng Lưu là khách sạn 5 sao so với Gulag... Người dân Nga ấy có bi quan không? Phải nói là tuyệt vọng thì đúng hơn. Nhưng đùng một cái, lịch sử đã sang trang như một phép lạ. Thực tế chẳng có phép lạ nào cả. Sự đổi đời ấy chỉ là quy luật của lịch sử: không một chế độ nào có thể tồn tại mãi nếu nó không đáp ứng nguyện vọng của người dân; mọi thay đổi sẽ được bắt đầu bởi một thiểu số dấn thân để làm ngọn lửa nhỏ thắp sáng tràn lan khát vọng của đại khối dân tộc; và thiện nhất định phải thắng ác. Hình ảnh cuối cùng của một cuộc đổi đời là hàng trăm nghìn người ở quảng trường có nhiều cờ búa liềm. Muốn vậy phải có 10 người, để có 100 người, để có 1.000 người. Từ 1.000 người đến hàng trăm nghìn người đôi khi chỉ là một khoảnh khắc. Khi chúng ta không có được 10 người ấy, 100 người ấy, chúng ta nên bi quan. Nếu ngược lại thì chúng ta hãy cùng nhau nuôi dưỡng niềm hy vọng. Sức mạnh của nòng súng, hàng trăm tay áo đen cảnh sát cơ động sẽ có ngày phải lùi bước trước sức mạnh của chính nghĩa và khát vọng làm người của gần 90 triệu người dân. Chúng ta không phải lo cái ngày đổi đời ấy có đến hay không. Cái lo mất ăn quên ngủ là làm sao ngày ấy đừng quá xa để mỗi ngày lại thêm một cô gái lên xe đò qua Xiêm Rệp làm điếm, thêm một sinh viên bỏ trường lớp đi lao động xứ người, thêm một trẻ thơ cơ nhỡ trên đường phố, thêm một mảnh rừng bị cho thuê, thêm một vùng biển bị dâng hiến, thêm một đường biên giới bị dời cọc cắm... Cái lo mất ngủ là làm sao ngày ấy đừng quá muộn để tổ quốc kiệt lực, không còn đứng nổi trong thế giới cạnh tranh toàn cầu và dân tộc chúng ta nổi tiếng là dân tộc đi làm mướn “giỏi” ở xứ người.
LDĐ: Những người trong nước mà các bạn tiếp xúc có thực sự hiểu được các giá trị dân chủ không, ví dụ tính hơn hẳn của bầu cử tự do và báo chí tự do góp phần quan trọng vào lành mạnh hóa xã hội? Họ có nhu cầu không? Tôi thấy số đông vẫn ngộ nhận về sự thay đổi và phát triển nhanh chóng của Việt Nam từ hai thập niên nay (điều này đúng), với hàm ý xác nhận công lao của Đảng. Phải chăng nhiều người không biết thực chất là nếu đảng CS Việt Nam không liên tục phạm sai lầm trong chính sách kinh tế làm kéo lùi đất nước và số tiền khủng khiếp do tham nhũng, lãng phí từ các công trình đầu tư không vào túi riêng của các quan chức thì đất nước còn phát triển hơn hẳn như thế nào?
Dân Làm Báo: Dân chủ không giản đơn như bài toán 1 + 1 = 2 để nói rằng khi biết là chúng ta biết rõ ngọn ngành. Chúng tôi chưa một ngày sống với dân chủ, chưa trải nghiệm nó thì nói thế nào là “thực sự hiểu”. Nhưng chúng tôi hiểu, biết, và rất rõ thế nào là độc tài; thế nào là 99,9% đi bầu một danh sách đã được định sẵn với những kẻ vô tài, vô đức lên làm vua làm chúa; thế nào là một nền báo chí mà tòa soạn là xưởng làm cá hộp sản xuất ra những hộp cá mòi giống hệt nhau; thế nào là lương tháng chỉ giống như là mẩu bánh mì vụn so với một chầu nhậu của một cán bộ kiêm đại gia...
Dù không được sống, được trải nghiệm một ngày với nó, khi đưa mắt nhìn ra thế giới bên ngoài thì cũng đủ để chúng ta thấy rằng, chí ít cho tới giờ phút này, dân chủ là động cơ dẫn đến sự phát triển vượt bực của rất nhiều quốc gia. Đủ để cho chúng ta biết dân chủ là con đường tốt nhất của nhân loại lúc này. Tuy nhiên, trên con đường chúng ta đi ngày hôm nay, dân chủ là đích đến nhưng lại không phải là điểm khởi đầu. Bác Ba, chị Tư, anh Tám bình dị khó mà vượt qua những rủi ro, nguy cơ như chúng ta đã trao đổi cho một khái niệm xa vời. Họ có thể đứng lên, xuống đường nếu đất đai, nhà cửa của chính mình bị cướp, ngôi nhà cầu nguyện của họ bị phong tỏa, đứa cháu hàng xóm bị công an bức tử... Dân Chủ chỉ được “hiểu” một khi nhu cầu đời sống thiết thực sát sườn của mình và gia đình mình bị “ảnh hưởng”. Xin hỏi một bác nông dân, một anh công nhân, một dân oan mất nhà, ngay cả một sinh viên đại học túng tiền nộp nhà trường... chúng ta sẽ có câu trả lời về sự đứng lên, về bước chân đầu tiên của họ vào con đường đi tìm Dân Chủ.
Sự ngộ nhận của đám đông về sự thay đổi và phát triển nhanh chóng của Việt Nam là hệ quả đương nhiên của hệ thống bưng bít thông tin. Chính vì thế mà đảng và nhà nước đã kiểm duyệt báo lề phải, đánh phá báo lề trái, ngăn chận mọi thông tin, trao đổi để hạn chế người dân cùng nhau biết, cùng nhau hiểu thế nào là phát triển bền vững, để không cho dân chúng nhận thức sự phồn vinh giả tạo hiện tại là kết quả của việc “chà đồ nhôm chôm đồ nhà” - tài nguyên, vốn liếng của đất Mẹ có nhiêu xài, bán, cho thuê hết bấy nhiêu, đại đa số người dân chỉ “hưởng ké” mùi hương của một dạ tiệc phồn vinh đang nằm gọn trong tay một thiểu số giàu có trong một xã hội phân cực giàu nghèo trầm trọng.
Nhưng mọi sự bưng bít thông tin cũng đều vô ích. Bởi nguồn thông tin lớn nhất chính là đời sống của chúng ta và xã hội chung quanh mình. Không ai mà không biết hiện nay tham nhũng và cán bộ là hai gã song sinh dính chùm. Không ai mà không biết cái ổ gà mới lọt hố tối qua, cái cầu nứt nẻ càng sửa càng sụm là do tài năng rút ruột của mấy ổng. Không ai mà không biết cái “dinh” đó là của lão ấy, khách sạn sang trọng này là của mụ kia. Không ai mà không biết mấy thằng Thái, thằng Sing chẳng khôn chẳng giỏi gì hơn dân ta nhưng đã qua mặt ta từ khuya và chúng ta chỉ còn hy vọng ca bài chiến thắng với tụi nó ở những giải bóng đá. Biết, bức xúc, nhưng dân ta vẫn còn sợ và vì thế vẫn yên lặng, kiên nhẫn sống. Cho đến một ngày, 100 người tụ họp đâu đó, 200 người, 300 người... Lúc đó, họ sẽ bước ra khỏi nhà và trở thành một cá thể cần thiết trong con số hàng trăm nghìn người tràn ra khắp nẻo phố phường. Hình ảnh họ sẽ thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Và cũng là họ chứ không ai khác - những người dân bình thường ngày hôm nay làm nên lịch sử ngày mai.
LDĐ: Song song với thái độ bạc nhược và thuần phục Trung Nam Hải của lãnh đạo Đảng CS Việt Nam nhìn thấy rất rõ qua việc cho thuê 300 ngàn hécta rừng đầu nguồn, khai thác bô-xít tại vùng chiến lược Tây Nguyên, hơn 90% dự án EPC lọt vào tay thầu Trung Quốc, là hiện tượng hàng hóa, văn hóa phẩm Trung Hoa tràn ngập lãnh thổ, từ thành thị tới nông thôn. Thái độ của đại đa số dân chúng bình thường trước thảm cảnh này ra sao? Mặc nhiên chấp nhận sự đô hộ, Bắc thuộc hóa, xâm lược “mềm” hiện tại và “cứng” trong tương lai gần – như một sự đã rồi?
Dân Làm Báo: Mấy nghìn năm trước, khi đất nước từ trong nhà ra đến ngoài ngõ đi đâu cũng thấy Thái Thú chắc hẳn cũng có người hỏi câu này giống anh. Suốt chiều dài lịch sử, Hai Bà Trưng đã trả lời, Ngô Quyền đã trả lời, Lê Lợi đã trả lời... Nhưng cũng sẽ không có những tên gọi đó của hai Bà, của những anh hùng dân tộc ấy trong những trang sử hùng tráng nếu không có những người dân Việt Nam bình dị mộc mạc đồng lên tiếng trả lời: không, không bao giờ là một sự đã rồi! không bao giờ vận mạng của đất nước nằm trong tay những kẻ bạc nhược và thuần phục ngoại bang! Lịch sử đã như thế, cha ông đã như thế. Thì tại sao ngày nay có thể thiếu những Điếu Cày với tấm biểu ngữ “lịch sử” chống Bắc Kinh trước nhà hát thành phố? Làm thế nào lại không thể có thêm những Nguyễn Huệ Chi để xuất hiện những thằng tin tặc bất lương trên trang nhà Bô Xít? Tại sao lại có thể quên những người như Lê Công Định, tác giả của bản tuyên bố khẳng định chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa với chữ ký đồng tình của gần 3000 luật sư thuộc Luật Sư Đoàn Thành Phố Hồ Chí Minh. Lịch sử chống Tàu cộng tiếp nối hôm nay với Cù Huy Hà Vũ với những vụ kiện “trên cơ” và “ngài” Nguyễn Tấn Dũng “yếu... thế”... Đấy là những bằng chứng để không thể nào ngộ nhận rằng dân ta“mặc nhiên chấp nhận sự đã rồi”. Chỉ có “đảng” là “mềm hiện tại” chứ “DÂN” lúc nào cũng “cứng”... cứng trong quá khứ và sẽ mãi vẫn còn “cứng” trong tương lai!!!
LDĐ: Tổng kết các nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự sụp đổ chế độ cộng sản ở Ba Lan vào năm 1989, các nhà nghiên cứu xã hội khẳng định vai trò hết sức quan trọng của truyền thông “lề trái”(nói theo cách của người Việt hiện nay), trong đó đáng kể nhất là “Radio Free Europe” phát sóng từ Tây Đức, tạp chí “Kultura” phát hành ở Paris và các nhà xuất bản bí mật của “Công đoàn Đoàn Kết”. Với Internet hiện nay, điều kiện phổ biến của thông tin lề trái lợi thế hơn nhiều. Các bạn có nghĩ chúng ta cũng tự tin vào sự đóng góp không nhỏ của mình cho tiến trình dân chủ hóa của Việt Nam, bất chấp sự đánh phá của tin tặc và chế độ kiểm soát của nhà cầm quyền? Sự hy sinh và chịu đựng trấn áp, tù tội của các Bloggers như Điếu Cày, AnhBaSG, Tạ Phong Tần, Uyên Vũ, v.v... rất đáng cảm phục, cần thiết, tất yếu và chắc chắn sẽ được một đất nước Việt Nam dân chủ sau này ghi nhận và vinh danh?
Dân Làm Báo: Đúng là những gì xảy ra trên thế giới đã chứng minh vai trò quan trọng của truyền thông “lề trái” và chức năng của Internet đã “cách mạng hóa” lãnh vực thông tin, từ người sản xuất tin, chuyển tin cho đến người nhận tin. Internet tự nó không đem lại lợi thế cho ai nếu người đó không biết khai dụng. Nhưng chắc chắn internet đã tạo ra một sân chơi công bằng hơn. Những nhà độc tài không còn độc quyền thông tin qua phương tiện một tờ báo, một đài phát thanh, một đài truyền hình... Một học sinh, sinh viên, một bác về hưu đã dễ dàng trong 30 phút là có thể trở thành “tổng biên tập” của một tờ báo có tên gọi là Blog. 30 phút để có 1 trang blog, nhưng kẻ độc tài phải cần nhiều nhân sự, công sức, tiền bạc để đánh sập trang blog đó. Sẽ như thế nào khi không phải là 1 trang blog mà là 100, 1.000, 10.000 trang blogs... ? Vì thế chúng ta bất chấp đánh phá. Chúng ta cũng không cần xem đó là đánh phá của họ mà xem đó là thành quả của chính chúng ta khi chúng ta đang làm cho những kẻ muốn bịt mồm bịt miệng nhân dân phải điên đầu, tốn công, tốn sức để giải quyết bài toán không thể giải được mà chúng ta đặt ra cho họ. Mỗi ngày nhà độc tài phải loay hoay dựng tường lửa, rình rập cài mã độc, hạ mình làm phường tin tặc đánh phá trang blog của Danlambao, ngày đó là ngày chiến thắng của Danlambao.
Nói đến sự hy sinh và chịu đựng của các blogger, các nhà dân chủ đang bị tù đày hoặc trấn áp thì có lẽ không ai trong chúng ta không cảm kích, ghi nhận và cảm thấy những thể hiện quan tâm, đóng góp của mình thật là vô cùng nhỏ bé. Riêng đối với Danlambao, các anh các chị ấy là những người may mắn. Họ đã không còn nô lệ cho sự sợ hãi. Họ đã sống được một cuộc đời có ý nghĩa. Họ có thể ngẩng mặt và nói với Tổ tiên rằng họ đã sống xứng đáng với những hy sinh xương máu của tiền nhân. Họ có thể nhìn thẳng mặt con cháu và thế hệ mai sau để nói rằng họ đã làm hết sức mình vì tương lai, hạnh phúc của chúng. Trong không gian chật hẹp của bốn vách tường tù, anh Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải thật sự đang sống. Trong không gian mở rộng của bầu trời lắm khói nhiều mây, bao nhiêu người trong chúng ta thật ra đang chết?!
LDĐ: Hiện nay có 2 điều mà tập đoàn cộng sản Ba Đình sợ nhất: một, thông tin khác với bộ máy tuyên truyền. Hai, hình thành tổ chức đấu tranh của quần chúng. Người Việt chúng ta mới chỉ có phần đầu. Trong hơn 40 năm bền bỉ tranh đấu, với hơn 38 triệu người Ba Lan trong nước và hoảng 10 triệu người Ba Lan sống ở nước ngoài, mà họ chỉ có một phong trào “Đoàn Kết” duy nhất, họ không lập ra bất kỳ đảng phái riêng biệt nào khác, nhằm tập trung mọi lực lượng xã hội. Các bạn có hy vọng về một sự đoàn kết có tổ chức chặt chẽ của người Việt trong nước, thay vì tình trạng hiện nay với một số đảng phái lẻ tẻ, mang nặng tính hình thức, trong khi đó thì có vẻ như háo danh, và sự chia rẽ phổ biến trong và cả ngoài nước?
Dân Làm Báo: Xin được nhất trí với anh về 2 điều mà tập đoàn nắm quyền tại đất nước này đang sợ nhất. Cũng đồng ý với anh về kinh nghiệm, không riêng gì của Ba Lan mà còn ở Serbia, Georgia về phương hướng của phong trào quần chúng. Ba Lan có phong trào Đoàn Kết và sau khi phong trào thành công mới thực sự dẫn đến vai trò quan trọng của các đảng phái để tham gia vào bối cảnh sinh hoạt đa đảng. Serbia đã không thành công với mười mấy đảng phái đối lập để cuối cùng một số lãnh đạo đảng phái đã phải ngồi lại với nhau, chịu sự phối hợp của phong trào Otpor phi đảng phái, để có được sự ủng hộ của tuyệt đại đa số quần chúng, hầu hạ bệ guồng máy độc tài Milošević.
Nhưng những gì xảy ra ở Ba Lan hay các nước khác chỉ là kinh nghiệm để chúng ta rút tỉa và từ đó tự tìm ra hướng giải quyết cho chính dân tộc mình. Có lẽ mỗi chúng ta ai cũng đang nằm trong tiến trình đi tìm bài giải cho đất nước này. Có những người đã nằm xuống khi đáp số cho bài toán vẫn còn dở dang. Có những người từng bước thử nghiệm giải pháp của mình dù phải đánh đổi bằng tù ngục. Có những người tưởng đã tìm ra và đăng đàn trình bày phương hướng của mình và vô tình phê phán những phương hướng khác đang được nhiều người hy sinh thì giờ, công sức, ngay cả an toàn của cuộc sống để theo đuổi. Có những người bị nhà cầm quyền với mọi phương tiện, thủ đoạn ngày đêm tạo ấn tượng họ chỉ là những thành phần háo danh, chia rẽ và thủ lợi để ngăn chận mọi sự phối hợp, nỗ lực đoàn kết.
Danlambao tin rằng mọi nỗ lực, phương hướng đều sẽ mang lại nhiều kết quả nếu có sự tham gia của quần chúng. Những tuyên bố, hoạt động, kết hợp giữa tổ chức này, đảng phái kia vẫn chỉ làm những tên độc tài cười ruồi nếu vẫn thiếu bóng dáng của người dân.
Danlambao cũng tin rằng không có gì để đảm bảo một tổ chức lý tưởng, một đảng tiến bộ ngày hôm nay không biến chất khi nắm quyền ngày mai. Vẫn còn đó bài học ung mủ về những con người một thời “từ ấy trong tôi bừng nắng hạ”, những anh hùng vô sản hôm qua dép lốp vẫn vượt được Trường Sơn, ngày nay phải là xe Lexus mới về được dinh thự; ngay cả bây giờ đã thấp thoáng những con người “lý tưởng” bắt đầu khập khểnh “lương tâm không bằng lương tháng”. Lấy gì để đảm bảo chính tâm bền vững khi nắm được quyền lực trong tay? Chỉ có sức mạnh của quần chúng, cái mà tên gọi thời đại là “People Power” mới là đội quân vô địch canh giữ nền dân chủ bền vững. Đã hết cái thời chúng ta phó mặc vận mệnh dân tộc vào một minh chủ, một tập đoàn đỉnh cao trí tuệ, hay một đảng “quang vinh”.
LDĐ: Tôi tin rằng, báo chí truyền thông lề trái không thể làm sụp đổ chế đổ cộng sản Việt Nam, nhưng chắc chắn không có báo chí, truyền thông lề trái thì chế độ cộng sản sẽ không sụp đổ. Các bạn cứ tưởng tưởng một ngày nào đó ở Việt Nam sẽ xảy ra một cuộc tổng bãi công, biểu tình, người ta nhắn tin và cổ vũ nhau qua mọi phương tiện: Twitter, Facebook, Youtube, SMS... giống như đã xảy ra tại Iran. Sát với thời cuộc trong nước, nằm ngay trong lòng dân, DLB có thể dự đoán khả năng về một sự kiện đột phá nào lớn tương tự trong năm nay hay tương lai không? Bao giờ nước lũ bạo hành và bất công dồn đủ mạnh để vỡ bờ? Chúng ta đã từng có những cuộc tập dượt tự phát ở Thái Hà, Đồng Chiêm (Hà Nội), Thanh Hóa, Cồn Dầu, Bắc Giang…
Dân Làm Báo: Giống như anh, Danlambao tin rằng báo chí truyền thông lề trái tự nó không thể làm sụp đổ chế độ độc tài, nhưng cũng tin tưởng mãnh liệt rằng, truyền thông lề trái góp phần rất lớn cho việc đánh tan độc tài. Bên cạnh đó, truyền thông lề trái còn góp phần để phát huy sự tham gia của người dân vào sinh hoạt của xã hội đang sống qua những quan tâm, góp ý, đòi hỏi, yêu cầu. Nó còn tiếp tay nâng cao dân trí qua việc tạo nên những môi trường, cơ hội tiếp cận thông tin nhiều chiều và từ đó góp phần xây dựng nền tảng của một xã hội công dân. Chúng ta không chỉ đo lường kết quả của truyền thông lề trái vào ngày độc tài cuốn gói ra đi. Chúng ta có thể thấy được kết quả mà truyền thông lề trái đang đạt được hàng giờ, hàng ngày trên đất nước này. Những kết quả tích lũy đó không những rút ngắn con đường xóa bỏ độc tài mà còn giúp cho giai đoạn gìn giữ thành quả và xây dựng dân chủ được dễ dàng hơn. Nó đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần vào việc xây dựng sức mạnh quần chúng – People Power. Và đó chính là lý do cho sự có mặt của Danlambao bên cạnh những blogger đàn anh, đàn chị.
Về dự đoán khả năng xảy ra của một đột phá lớn thì Danlambao nghĩ rằng chúng ta không cần phải dự đoán. Sẽ tiếp tục xảy ra những đòi hỏi về dân sinh, sẽ tiếp tục những tập dượt tự phát tương tự như Thái Hà, Đồng Chiêm. Sẽ nhiều lần nữa hàng nghìn người xuống đường vì cán bộ cướp đất, tham ô, công an đánh người, giết người và đảng làm ngơ dung túng. Bản chất của kẻ cướp vẫn là kẻ cướp. Và dân ta đã bắt đầu bước ra khỏi cái thời chịu đấm ăn xôi. Cuộc... chơi nào cũng vậy, khi người ta đã làm được một lần là xem như... xong. Người dân đã xuống đường một lần, họ sẽ xuống đường nghìn lần nữa. Cách mạng sẽ tái diễn. Chắc chắn sẽ tái diễn. Người dân sẽ ngày càng can đảm hơn và cái đê có hình búa và liềm còn sót lại ở nước ta rồi sẽ vỡ, như đã từng bị tháo gỡ ở ngay cái nôi của chủ thuyết đã sản sinh ra nó. Điều mà truyền thông lề trái cần ra sức góp phần là thông tin về những con lũ dâng lên vì bất công và bạo hành để chúng tràn tung khắp nước. Báo lề trái sẽ cần vạch ra được những vết nứt của cái đê vẫn còn đang “ngoan cố” ngăn chận sức sống của cả dân tộc vươn lên, để giúp cho cho sự bộc phá của cơn lũ tập trung vào hầu cuốn tan hai gã song sinh độc tài và tham nhũng..
LDĐ: Năm Mới 2011, xin chúc BBT “Dân Làm Báo” bền bỉ, dẻo dai và lạc quan hướng tới sự thắng lợi tất yếu của xu thế dân chủ, của Cái Thiện trước Cái Ác!
Dân Làm Báo: Danlambao chân thành cám ơn anh Lê Diễn Đức đã tạo cơ hội để chúng ta có cuộc trao đổi này. Anh đã luôn luôn khuyến khích, hỗ trợ DLB như một người đàn anh quý mến. Xin gửi niềm cảm kích đến các bạn đã đến với trang blog mà chúng ta gọi là “Thôn Danlambao”. Dù chưa gặp nhau tận mặt, nhưng mỗi giây phút mở trang blog, ghé vào thôn, các bạn đã cho Danlambao niềm hạnh phúc mà tiền tài vật chất, đồng đô la cũng không mua được - Đó là cảm giác không còn đơn độc trên con đường này.
31/12/2010
© 2010 Radio Free Asia
© 2010Dân Làm Báo