Translate

Thursday, September 9, 2010

Văn Học Kiểu Hà Nội

TRẦN KHẢI . Việt Báo Thứ Ba, 9/7/2010, 12:00:00 AM

Văn Học Kiểu Hà Nội

Trần Khải
Khi ngòi bút được cầm lên và những cảm xúc được ghi xuống giấy, người ta gọi đó là văn học, bất kể đó có là những cảm xúc còn thơ dại của một em bé bậc tiểu học hay là những trầm tư thâm sâu của một học giả. Khi ngòi bút được cầm lên và những sự kiện lịch sử được ghi xuống giấy được tin là trung thực để cho đời sau đọc, người ta gọi đó là sử liệu, bất kể đó có là những cái nhìn từ những hướng khác nhau, từ cộng sản miền bắc hay từ quốc gia miền nam.
Khi ngòi bút được cầm lên, và ký hàng chục hay hàng trăm bút hiệu, viết xuống những lời tự ca ngợi mình, người ta gọi đó là nền văn học định hướng xã hội chủ nghĩa, mà người tiên phong là ông Hồ Chí Minh, người nổi tiếng với nhiều bút hiệu không ai có thể nhớ hết, trong đó nổi bật là hai bút hiệu Trần Dân Tiên và T. Lan sử dụng cho hai cuốn sách ông Hồ tự ca ngợi mình.
Nền văn học này chỉ độc đaó tại VN, nơi đang liên tục phát động chiến dịch “học theo gương bác Hồ vĩ đại.” Tất cả những hướng đi văn học khác tại VN, hoặc là trở thành ngoaì luồng, hoặc bị ngăn cấm, hoặc là bị xóa sổ.
Do vậy, định hướng văn học là một nhu cầu chính phủ CSVN đòi hỏi. Không định hướng đúng, văn học sẽ bị “lệch chuẩn,” nói theo lời các quan chức.
Trên báo SGGP ngày 20-8-2010, có bản tin nhan đề “Văn học nghệ thuật và giới trẻ: Cảnh báo lối rẽ thiếu định hướng” có nêu lời giáo sư Ca Lê Thuần, nói về điều gọi là “Hoạt động phát triển văn học nghệ thuật (VHNT) tại TPHCM rất năng động, sôi nổi với nhiều sáng tạo mới mẻ, đa dạng. Tuy nhiên, VHNT đang thiếu một bộ lọc để chọn lựa và tiếp nhận những khuynh hướng tốt. Chính điều này đã ảnh hưởng đến giới trẻ, làm công chúng trẻ tiếp nhận VHNT bằng cảm tính bản năng, thiếu định hướng thẩm mỹ đúng đắn.”
Thiếu một bộ lọc? Có thật là thiếu bộ lọc? Hay có phải nhà nước CSVN cố ý dựng tường lửa để lọc riêng theo nhu cầu?
Bài báo nhà nước yêu cầu phải góp phần định hướng kỹ hơn, ngắn gọn là phải xiết bàn tay định hướng kỹ hơn. Bài báo có đoạn kết:
“...Như thế, để VHNT phát triển đúng hướng, nâng cao xu hướng thẩm mỹ của công chúng trẻ thì cần có sự quan tâm nhiều hơn từ các ban ngành chức năng, các nhà lý luận phê bình và các cơ quan thông tin đại chúng. Qua đó, sẽ chỉ rõ cái nào tốt cần khuyến khích, cái nào chưa tốt hoặc xấu cần hạn chế hoặc xóa bỏ… như thế là góp phần định hướng cho đời sống VHNT TPHCM phát triển đúng và đầy đủ hơn.”
Đó là nói nhu cầu định hướng, nhưng theo động lực nào?
Trên báo SGGP hôm chủ nhật 5-9-2010, bài viết nhan đề “Một động lực của văn học nghệ thuật” ký tên tác giả Tân Văn đã viết, trích:
“...tính phục vụ của VH-NT chính là một giá trị cao nhất của VH-NT. Không phục vụ cho sự tiến bộ, cho đời sống tốt đẹp hơn, VH-NT không có lý do tồn tại...
...Các hoạt động VH-NT ở nước ta hiện nay rất cần có lý luận, phê bình soi rọi, giải mã. Về công việc của lý luận, phê bình chắc hẳn ai cũng biết! Có lẽ chỉ cần nói thêm, trong thế giới kỹ thuật số, nối mạng toàn cầu và xu hướng hội nhập như hiện nay, phê bình VH-NT cần có tư duy mới. Lý luận, phê bình không thể chung chung mơ hồ, duy ý chí hoặc duy tâm chủ quan, mà phải có hàm lượng tri thức cao, rõ ràng, cụ thể. Lý luận, phê bình VH-NT là một bộ phận không thể thiếu được trong hoạt động VH-NT. Do vậy, lý luận, phê bình phải có sức thuyết phục cao...” (hết trích)
Theo bài viết, như thế, văn học nghệ thuật... cần phê bình soi rọi, giảỉ mã... hàm lượng tri thức cao... có sức thuyết phục cao... Có thật như thế không? Nền văn học định hướng xã hội chủ nghĩa đang hiển lộ những đặc tính nào?
Có phải sợ lệch chuẩn, nên phải bẻ quẹo chuẩn? Có phải sợ các động lực văn học trung thực, nên phải biến tất cả động lực thành độc lực? Có phải soi rọi và giảỉ mã phải biến thành soi mói để xóa sổ tất cả những nền văn học không thuộc về Miền Bắc xã hội chủ nghĩa? Và có phải “phê bình phải có sức thuyết phục cao” là phảỉ tẩy não tất cả người đời sau bằng cái nhìn kiểu văn học “tự sướng” của Trần Dân Tiên và T. Lan?
Trên trang web Talawas.org hôm chủ nhật 5-9-2010, tác giả Nguyễn Vy Khanh với bài viết nhan đề “Văn học Miền Nam qua một bộ "văn học sử" của trong nước đã cho thấy mặt thật của nền phê bình văn học quốc nội.
Bài của Nguyễn Vy Khanh có trích đoạn sau:
“Miền Nam đây là Việt Nam Cộng hòa và nền văn học của những năm 1954-1975. Văn hóa và nền văn học của miền Nam sau những cuộc thanh lọc, bắt bớ và cấm đoán, vẫn tiếp tục bị những bất thường và quái gở của một thế giới văn hoá, biên tập cố tình làm cho sai lạc. Ai cũng biết sau ngày cưỡng chiếm miền Nam 30-4-1975, văn học và văn hóa Việt Nam Cộng hòa đã bị cấm đoán, phủ nhận như thế nào qua nhiều đợt tấn công, dàn cảnh. Nay, đã 35 năm sau, chiến thuật đó vẫn còn ở một nước Việt Nam hô hào cái gọi là 'cởi mở', 'kinh tế thị trường'. Mới đây, chúng tôi được đọc bộ Văn học Việt Nam nơi miền đất mới trên 4 ngàn trang gồm 4 tập của soạn giả Nguyễn Q. Thắng (NXB Văn Học, Hà Nội). Miền Đất Mới ở đây được soạn giả bao gồm miền Nam Lục tỉnh và miền Nam Cộng hòa; và trong các tập 3 và 4 chủ yếu vẫn là những cây viết của Đảng Cộng sản Việt Nam gồm nằm vùng, ly khai, tập kết, gởi vô Nam hoặc những cây viết từng có mặt thời Việt Nam Cộng hòa nhưng sau này sinh hoạt với các hội và báo chí của Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt Nguyễn Q. Thắng đã xen vào đó những nhà văn của miền Nam 1954-1975, nhưng vì ông có thể nói hãy còn tuân theo một “chính sách” hay “chỉ thị” nào đó, do đó chưa thể là một bộ văn học sử đúng nghĩa – nghĩa là ghi nhận, tổng kết và phê phán các tác giả và tác phẩm như đã xuất hiện và sinh hoạt một thời.
Những phê phán, nhận xét có thể có những chủ đích chính trị:
1. Cố tình nêu sai danh tính các nhà văn Việt Nam Cộng hòa: Ngoại trừ trong một số trích (nguyên) văn, toàn bộ sách của Nguyễn Q. Thắng không nêu đích danh các nhà văn qua các bút hiệu đã dùng, đã quen với người đọc và đã đi vào văn học sử như Mai Thảo, Nhã Ca, Dương Nghiễm Mậu, Võ Phiến, mà lại dùng tên thật (tên khai sanh) của họ để làm tiêu đề cũng như đánh giá. Mai Thảo trở thành Nguyễn Đăng Sinh (tập 3, tr. 1233, trong khi tên thực thật của Mai Thảo là Nguyễn Đăng Quý) với chú thích rằng phần này được làm để thông tin về sinh hoạt báo chí và thơ tự do. Nhã Ca lúc được gọi là Thu Vân, lúc lại là Trần Thị Thu Vân. Võ Phiến thành Đoàn Thế Nhơn, Trùng Dương có lúc là Trùng Dương Nguyễn Thị Thái, v.v…
Nhà văn học sử khi viết về các tác giả văn học đều phải ghi bút hiệu là chính, chỉ ở những phần tiểu sử mới nhắc đến tên thật, hoặc giả tác giả đó dùng tên thật để sinh hoạt văn học nghệ thuật thì mới ghi tên thật: Giáo sư Nguyễn Văn Trung có các bút hiệu Hoàng Thái Linh, Phan Mai, nhưng các bút hiệu này chỉ được sử dụng hạn chế và khi xuất bản tác phẩm, tên thật của ông được ghi thì nhà viết văn học đương nhiên phải dùng tên thật của ông. Nguyên Sa ngược lại là một nhà thơ khi ký Nguyên Sa, và khi viết sách giáo khoa triết học (Descartes nhìn từ phương Đông, Luận lý học, Luận Triết học, v.v…) thì ký Trần Bích Lan (riêng cuốn Một bông hồng cho văn nghệ ký Trần Bích Lan khi nhà Trình Bày xuất bản năm 1967; khi ra hải ngoại NXB Đời của ông tái bản thì ký Nguyên Sa); do đó khi viết về nhà thơ Nguyên Sa, người ta có thể nói đến những sách giáo khoa mà ông là tác giả, dĩ nhiên là không thể ngược lại, viết về ”nhà thơ Trần Bích Lan” vì không hề có nhà thơ Trần Bích Lan dù Nguyên Sa và Trần Bích Lan là một người.
- Lê Vĩnh Hòa được ghi trong tiểu sử là “em ruột văn sĩ Đoàn Thế Nhơn...” (tập 4, tr. 270 – từ đây các chú thích đều trích từ tập 4) - thay vì Võ Phiến!
- Về hai nhà văn Y Uyên và Doãn Dân, ông Nguyễn Q. Thắng chỉ ghi năm mất của Doãn Dân; còn Y Uyên thì “mất năm 1969 đang độ tài hoa nẩy nở”(tr. 827) nhưng không ghi rõ chết vì đạn pháo của ai (Việt Cộng!) trong khi các tay văn nghệ nằm vùng ở miền Nam vô bưng chết thì được ghi lý do chết: Lê Vĩnh Hòa thì “hi sinh trong một trận chống càn tại Long Mĩ, Xẻo Giá...” (tr. 270); Trần Triệu Luật thì “hi sinh trên đường công tác ở Tây Ninh (cùng nơi cùng ngày với) Trần Quang Long”. Trần Triệu Luật được đề cao trong một mục từ riêng (51- TTL, nhà văn chiến sĩ) cũng như Trần Quang Long (42- TQL với thi đề 'nghiêng nón'”!
- Về Luân Hoán thì một chi tiết trong tiểu sử nếu không được nhắc đến vẫn còn hơn là ghi như Nguyễn Q. Thắng: “Những năm 60 ông (LH) bị động viên vào quân trường Thủ Đức một thời gian rồi trở về đời sống dân sự” vì phải thêm rằng sau Thủ Đức, nhà thơ Luân Hoán ra chiến trường và bị đạn pháo “quân thù” làm mất một chân! (...)
...3. Những đánh giá và xếp loại vô nghĩa, lỗi thời:
Đây là trường hợp các nhà văn nữ miền Nam thời ấy Túy Hồng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, kể cả Nhã Ca, đều bị Nguyễn Q. Thắng gán cho nhãn hiệu 'vô sỉ'. Theo ông, các vị này mà ông gộp chung là “những người cùng nhóm là một thứ 'vô sỉ' (cynique) trong văn chương. Nghĩa là họ đem những cái không đáng phô trương ra quảng diễn không chút e dè (Nguyễn Thị Thụy Vũ tr.455, Trùng Dương tr.872, Nguyễn Thị Hoàng tr.629,…)”. Nguyễn Q. Thắng thêm rằng Nguyễn Thị Thụy Vũ làm công việc này “khá nhiệt tình trên từng trang văn”, còn tác phẩm nhà văn Trùng Dương “đều được dựng nên bởi nhân sinh quan và thế giới quan một cách “hiện sinh”, buông xả và gần như vô sỉ” (tr. 872, 873). Nặng nề nhất là với nhà văn Túy Hồng mà Nguyễn Q. Thắng cho rằng cùng với các nhà văn nữ kia “từng gây nên hiện tượng văn học có tính nhục cảm dồn nén thể xác của các cô gái lỡ thì... (một cách) tiêu biểu nhất” (tr. 538). Đây là thứ ngôn ngữ của Vũ Hạnh và Tin Văn (do Nguyễn Ngọc Lương, Trần Bạch Đằng chi phối, điều khiển)!
Nhà văn Nhã Ca có lẽ bị nặng nề nhất trong bộ gọi là văn học sử này. Với mục đề “35-Thu Vân, nhà văn dùng tính dục để giải quyết vấn đề” mấy ai nghĩ là Nguyễn Q. Thắng nói về nhà văn Nhã Ca? Ở trang 639, “Thu Vân” biến thành “Trần Thị Thu Vân”, và khi viết về thơ Nhã Ca, không, về nhà thơ Thu Vân chớ, thì ông Nguyễn Q. Thắng viết như sau: “Bà còn là một thi sĩ với những thi đề có giá trị nghệ thuật của mĩ tính thi ca hiện đại có thể nói thơ bà Thu Vân vượt trên văn bà Thu Vân”. Sau đó ông trích bài thơ nổi tiếng của bà nhưng lại cắt mất một phần tựa đề chỉ vì trùng với bút hiệu thật của bà (Nhã Ca!): “Bài… Ca thứ nhất”!
Nhà văn Nhật Tiến khi viết về các nhà văn nữ này đã nhẹ nhàng nhận xét rằng “...những tác phẩm viết táo bạo của giới cầm bút phụ nữ, gây cho độc giả một ấn tượng mới mẻ về những ý tưởng muốn thoát ly cái vỏ phụ nữ Á-đông thuần túy...” (Bách Khoa, 1967). Gần đây, nhà thơ Du Tử Lê thì khẳng định rằng “Nhã Ca, nhà văn nữ nói “không” với dục tính” trong bài viết cùng tựa đề trên tờ Người Việt (CA) số 6-4-2010...”(hết trích)
Chúng ta suy nghĩ như thế nào về những người cầm bút phê bình văn học như Nguyễn Quốc Thắng, người viết 4.000 trang chỉ để bóp méo động lực, bẻ quẹo định hướng, bôi đen văn học Miền Nam?
Khi một em bé ở bậc tiểu học hay trung học tập làm những câu lục bát đơn sơ trong đời em, đó là những dòng thơ tinh tuyền và trong sáng.
Khi ông Hồ cầm bút và hoàn tất tác phẩm tự ca ngợi mình với chữ ký tên là Trần Dân Tiên, người ta còn gọi đó là “nền văn học tự sướng,” và sẽ sinh nở ra những nhà phê bình kiểu Nguyễn Quốc Thắng, những người không thể nhìn cuộc đời xa hơn đầu gối ông Hồ.
Bài viết của tác giả Nguyễn Vy Khanh trên Talawas.org cũng thu hút nhiều bình luận từ nhiều nhà văn khác. Và hiển nhiên đây là một đề tài lý thú cho mùa Quốc Khánh CSVN năm nay.
Điều quan tâm bây giờ là, bao giờ nền văn học hồn nhiên thơ trẻ và trung thực được phép trả về cho đồng bào tôi.

TRẦN KHẢI