Translate

Tuesday, March 24, 2009

Lòng yêu nước của người dân trong nước vẫn cao độ

Rất cảm động khi đọc bài báo của báo Tuổi Trẻ trong nước nêu lên được những tâm lòng yêu nước của người Việt Nam.

Cần giải quyết vấn đề biển Đông bằng công pháp quốc tế

TT (Hà Nội) - Đó là quan điểm chung của các học giả, nhà ngoại giao, nhà sử học... tại hội thảo “Tranh chấp chủ quyền tại biển Đông: lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế” diễn ra lần đầu tại VN do Chương trình nghiên cứu biển Đông, Học viện Ngoại giao tổ chức ngày 17-3.

Đường màu đỏ trên bản đồ là vùng biển hình “lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ để giành chủ quyền vùng biển Đông

“Về bản chất, biển Đông là vấn đề của toàn thế giới. Trong khi Trung Quốc đã theo đuổi vụ tranh chấp này thành quá trình. Vì thế, về mặt ngoại giao, phải lưu ý phản ứng của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, ASEAN, Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Thương mại thế giới trước thái độ của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp này. Về mặt quốc tế, có thể dựa vào ba điểm tựa là Tòa án công lý quốc tế (trên cơ sở hai bên công nhận), Công ước luật biển năm 1982 (không sử dụng với nghĩa đưa tranh chấp ra giải quyết mà với tư cách yêu cầu một giải thích chính thức của những cơ quan đàm phán), Công ước về hiệp ước ký kết.

Quan hệ quốc tế tốt sẽ tạo ra cơ hội đưa vấn đề ra công luận, chỉ có thể giải quyết vấn đề khi sát cánh cùng thế giới.” Đó là kiến giải chính của Ailien Tran - ĐH California, hiện là nghiên cứu sinh chương trình Fulbright (Mỹ) về vấn đề biển Đông - được khá nhiều sự đồng thuận tại hội thảo.

Quang cảnh hội thảo - Ảnh: Cù Zap

Khẳng định lập trường rõ ràng của VN đối với Hoàng Sa, Trường Sa

Ngày 17-3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của VN trước việc Trung Quốc đưa tàu Ngư Chính 311 ra hoạt động tại biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng nói:

“Lập trường của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là rất rõ ràng. VN quan tâm và sẽ theo dõi sát hoạt động của tàu Ngư Chính 311 ở biển Đông. Mọi hoạt động khai thác hải sản và tài nguyên biển ở biển Đông cần được thực hiện trên cơ sở tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển của các nước liên quan theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982”.

TTXVN

Các học giả đưa ra những bằng chứng khoa học mới nhất để khẳng định chủ quyền của VN trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, từ đó có cơ sở pháp lý, lịch sử vững chắc xác lập vùng chủ quyền VN trên biển Đông, tạo tiền đề cho sự đồng thuận của luật pháp, công pháp cũng như dư luận quốc tế về những giải pháp hòa bình cho những tranh chấp trên biển Đông.

Các nhà sử học Nguyễn Nhã, Nguyễn Quang Ngọc đã minh chứng bằng các tài liệu từ châu bản triều Nguyễn, sử Trung Quốc, bản đồ cổ Trung Quốc đến các tài liệu phương Tây để khẳng định rằng: VN là quốc gia đầu tiên xác lập chủ quyền tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Trên tất cả các tài liệu của Trung Quốc, cái tên Tây Sa và đảo Nam Sa (tên mà Trung Quốc dùng để gọi Hoàng Sa và Trường Sa của VN) chỉ xuất hiện từ năm 1909.

Trong khi đó, tài liệu xưa nhất của VN còn lưu giữ được là Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư - năm 1686, ghi rõ hằng năm chúa Nguyễn đưa 18 chiến thuyền đến khai thác ở Bãi Cát Vàng, còn tư liệu trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, năm 1776 mô tả kỹ càng về Hoàng Sa, trong đó có khẳng định chúa Nguyễn xác lập chủ quyền của Đại Việt tại Hoàng Sa bằng hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải.

Tài liệu quan trọng nhất là châu bản triều Nguyễn, thế kỷ 19, lưu những bản tấu, phúc tấu của đình thần và các bộ, những chỉ dụ của nhà vua về việc xác lập chủ quyền của VN trên quần đảo Hoàng Sa: vãng thám, đo đạc, vẽ họa đồ Hoàng Sa, cắm cột mốc…

Chính tài liệu của người Trung Quốc (Hải ngoại ký sự - Thích Đại Sán) năm 1696 đã khẳng định chúa Nguyễn sai thuyền ra khai thác các sản vật từ các tàu đắm trên quần đảo Vạn Lý Trường Sa.

Tài liệu của phương Tây thì còn nhiều và dễ tìm kiếm hơn. Tài liệu xưa nhất còn lưu được là Nhật ký trên tàu Amphitrite (1701) xác nhận Paracels (tức Hoàng Sa) là một quần đảo thuộc về nước An Nam. An Nam đại quốc họa đồ của giám mục Taberd xuất bản năm 1838 ghi rõ Paraceu Cát Vàng với tọa độ rõ ràng như hiện nay - Cát Vàng chính là tên chữ Nôm của Hoàng Sa. The journal of the Asiatic society of Bengal, Vol VI đã đăng bài của giám mục Taberd xác nhận vua Gia Long chính thức giữ chủ quyền quần đảo Paracels…

Sự hiểu biết về lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế của từng người dân và xã hội của các quốc gia có liên quan, theo các học giả, sẽ góp phần tạo dư luận với Chính phủ để các bên tìm tiếng nói chung cho việc giải quyết tranh chấp xảy ra trên biển Đông.

Vị thế biển Đông

Các nhà khoa học tham gia hội thảo cho rằng cần phải xác định lại và quảng bá đến mọi tầng lớp xã hội cả VN và nước ngoài về vai trò, vị trí của biển Đông trên bản đồ địa chính trị thế giới: biển Đông là nơi giao nhau của nhiều tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới, 400 tàu lớn qua lại mỗi ngày, 25% mậu dịch và 1/2 lượng dầu tiêu thụ của thế giới qua biển Đông. 80% dầu thô của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nhập khẩu đi qua biển Đông. Biển Đông có trữ lượng dầu mỏ, khí đốt, phốt phát và nhiều khoáng sản quý hiếm. Trữ lượng dầu mỏ ở thềm lục địa là 29,1 tỉ tấn, khí đốt là 5,8 tỉ m3.

Thu Hà - Nga Linh

Chính trị - Xã hội

Thứ Hai, 23/03/2009, 07:53 (GMT+7)

Gặp gỡ đầu tuần

Cần khơi dậy ý thức giữ gìn biển đảo của cha ông

Ảnh: K.H.

TT - “Một trong những truyền thuyết xa xưa nhất của dân tộc, câu chuyện mẹ Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng, 50 người con lên rừng, 50 người con xuống biển cho thấy cha ông ta ý thức rất rõ về không gian lãnh thổ sinh tồn của người Việt. Hay câu chuyện Mai An Tiêm, tại sao là ngoài hoang đảo? Đó là ý thức khai phá không chỉ đất liền mà cả ngoài biển khơi, nơi vừa mang lại sự giàu có vừa gắn kết máu thịt với đất liền”...

Đại biểu Quốc hội, nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC (ảnh) nói như trên, trong cuộc gặp gỡ đầu tuần với Tuổi Trẻ về ý thức của người Việt đối với chủ quyền biển đảo quốc gia.

Ông Dương Trung Quốc nói:

- Ý thức về biển đảo thật ra đã ăn sâu vào tiềm thức dân tộc. Điều này cũng dễ hiểu vì nhìn lên bản đồ Tổ quốc sẽ thấy giang sơn gấm vóc từ ngàn đời nay đã trải dài bên biển cả. Sử sách còn lưu lại chứng minh rằng trong điều kiện đương thời, các triều Tiền Lê, Lý đã xây dựng được lực lượng hải quân với hàng trăm chiếc thuyền để trông coi vùng biển. Năm 1172, Lý Anh Tông đích thân đi tuần tra các đảo và vẽ bản đồ biển đầu tiên cho đất nước…

Các chúa Nguyễn đã xác lập chủ quyền của người Việt trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ thế kỷ 17. Thời chúa Nguyễn, năng lực đóng tàu của người VN được đánh giá rất cao, lịch sử đã ghi nhận những hạm thuyền của người Hà Lan phải chịu thua trận trước thủy quân chúa Nguyễn.

Hướng tầm nhìn ra biển Đông

* Trung ương Đảng đã ban hành nghị quyết về chiến lược biển, nêu rõ định hướng đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển. Như vậy phạm vi không gian chiến lược đã được mở rộng?

- Nhìn vào nền kinh tế sẽ thấy từ hải sản, du lịch, hàng hải đến dầu khí… đều đóng góp tỉ trọng lớn trong GDP. Nhìn rộng ra, biển Đông có vị trí chiến lược hết sức quan trọng không chỉ với sự phát triển của nước ta mà với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Trước đây, khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta thì một trong những mục đích chính ban đầu là tạo ra huyết mạch giao thông từ cửa biển Hải Phòng thâm nhập vào phía tây nam Trung Quốc. Đó là lý do họ xây dựng đường sắt Hải Phòng - Vân Nam hết sức tốn kém.

"Tại Quốc hội, khi chúng ta thông qua việc ký kết Hiệp định phân định vịnh Bắc bộ, tôi đã phát biểu rằng một trong những công việc đầu tiên cần làm là phải tuyên truyền đến toàn dân. Bởi vì những người không hiểu đầy đủ mới dễ dẫn đến ngộ nhận."

DƯƠNG TRUNG QUỐC

* Chính vì tầm quan trọng của biển Đông, lâu nay các quốc gia và vùng lãnh thổ có liên quan ngoài những hành động của nhà nước còn huy động đông đảo giới trí thức tham gia nghiên cứu. Còn chúng ta đến tháng 3-2009 mới có một hội thảo đầu tiên về chủ quyền VN tại biển Đông?

- Cuộc hội thảo vừa rồi có thể nói là chậm, nhưng chậm còn hơn không. Điều quan trọng và cấp bách trong bối cảnh hiện nay là kết nối hiện tại với ý thức vốn có của dân tộc về biển đảo, khơi dậy di sản về năng lực chinh phục và quản lý biển đảo của cha ông chúng ta.

Giờ đây phải hướng mối quan tâm và tầm nhìn của người dân ra biển Đông. Tất nhiên cần tăng cường đầu tư của Nhà nước để người dân có điều kiện thực hiện mối quan tâm của mình. Nước ta nằm trên bao lơn nhìn ra Thái Bình Dương, vấn đề không chỉ nhìn ra mà phải đi ra. Muốn phát huy trong cộng đồng khát vọng chinh phục biển cả, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, cần phải tạo thói quen đi biển, tham gia giao thông bằng đường biển.

Từ thời thuộc địa Pháp, đường giao thông Bắc - Nam chủ yếu là đường biển, đến năm 1936 mới có đường xe hỏa. Năm 1919, ông Bạch Thái Bưởi không chỉ là vua sông nước ở Bắc bộ mà đã có chí hướng đóng con tàu Bình Chuẩn đi từ Hải Phòng vào Sài Gòn… Một thời kỳ dài chúng ta đánh mất thói quen tham gia giao thông trên biển. Gần đây Vinashin đầu tư tàu Hoa Sen nhưng chưa thật sự thu hút được nhiều sự quan tâm. Tôi nghĩ rằng chỉ cần một lần đi dọc bờ biển đất nước, từ ngoài biển nhìn vào Tổ quốc, mỗi người trong chúng ta sẽ thấy Tổ quốc giàu đẹp hơn và gần gũi hơn bao giờ hết.

Cần có những cuộc hành hương lên biên giới, hải đảo

* Ông vừa đề cập chuyện đầu tư của Nhà nước, có một thực tế theo phản ảnh của các nhà khoa học thì để tìm kiếm các chứng cứ lịch sử về chủ quyền VN ở biển Đông, họ phải làm việc trong môi trường và hoàn cảnh rất khó khăn. Nhiều tư liệu quý về VN hiện đang được lưu trữ ở nước ngoài nhưng khó tiếp cận vì kinh phí ít?

- Chúng ta có lợi thế rất lớn nằm ở cộng đồng người VN tại nước ngoài. Nếu chúng ta huy động được sức mạnh này thì vừa kéo bà con về lại gần trách nhiệm chung với đất nước, vừa khai thác được nguồn lực của bà con ở các nước sở tại đang lưu trữ tài liệu về VN.

Tôi có quan hệ cá nhân với một số trí thức Việt kiều, họ đều rất quan tâm đến chủ quyền của VN ở biển Đông, hơn nữa họ còn tập hợp nhiều nghiên cứu quý giá trên mạng Internet để chia sẻ. Đầu tư của Nhà nước là quan trọng, nhưng không nên nghĩ một chiều mà phải tạo ra trách nhiệm chung của toàn dân tộc, điều này thì tiền bạc nào cũng không thể có được.

Ngư dân tỉnh Bình Thuận đánh bắt hải sản ở quần đảo Trường Sa của VN - Ảnh: N.C.T.
* Mỗi người Việt đều có tình yêu Tổ quốc, nhưng việc tuyên truyền, phổ biến những kiến thức về Luật biển quốc tế và hệ thống pháp luật về biển, đảo của Nhà nước ta, những cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của VN đối với các quần đảo trên biển Đông, đặc biệt hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, để mỗi người hiểu rõ vấn đề cũng là quan trọng, thưa ông?

- Cần phải có những giải pháp cụ thể. Điều tôi hết sức băn khoăn là tại sao đến giờ chúng ta vẫn chưa có được một bảo tàng hàng hải. Mới đây chúng tôi tiếp ông giám đốc Bảo tàng Hàng hải thế giới, ông ấy cực kỳ say mê với những di sản văn hóa hàng hải VN. Hiện ông ấy đang hợp tác với chúng tôi cố gắng khai thác tối đa bãi chiến trường xưa của cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Chúng ta có cả một di sản to lớn như thế nhưng hiểu biết về nó rất ít.

Đến nay bãi cọc Bạch Đằng đang mai một dần nhưng chúng ta đã không có những sự đầu tư cần thiết để nghiên cứu tại sao ngày xưa cha ông đã làm được một điều mà không có quốc gia nào trên thế giới làm được. Nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng VN là quốc gia có những đóng góp to lớn về hàng hải xa xưa, ví dụ có giả thuyết nói bè mảng Thanh Hóa chính là phương tiện sớm nhất nối liền Đông Nam Á với nhiều vùng đảo ngoài Thái Bình Dương, hay ghe bầu của xứ Quảng có năng lực rất cao về vận tải…

Phải chăng thế hệ hôm nay sẽ tự tin hơn nhiều khi ra biển nếu họ hiểu rằng cha ông họ từng là những thủy thủ giỏi. Đoàn thanh niên nên đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động hướng về biên giới, hải đảo, và không dừng lại ở đó mà ngay từ trên ghế nhà trường phải tạo lập cho các thế hệ người Việt ý thức chinh phục biển cả.

Tại sao các bạn trẻ không tổ chức những cuộc hành hương lên cột cờ Lũng Cú, đến đảo Lý Sơn nơi xuất phát của hải đội Hoàng Sa thuở trước? Khi mỗi người đứng ở nơi biên cương hay hải đảo của Tổ quốc và suy nghĩ, sẽ tạo ra cả một sự thay đổi to lớn trong nhận thức.

Huy động các thành phần kinh tế phát triển kinh tế biển đảo

Trong hai ngày 20 và 21-3, Ban Tuyên giáo T.Ư đã tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên truyền biển đảo, phân giới, cắm mốc và thông tin đối ngoại 2008, triển khai nhiệm vụ 2009.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm - trưởng Ban chỉ đạo nhà nước về thông tin đối ngoại - cho rằng ba lĩnh vực nói trên dù đã được cải tiến nhưng còn một số hạn chế, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và hình thức.

Theo Phó thủ tướng, nếu như năm 1999 còn có tâm lý không muốn thông tin rộng rãi về việc đàm phán phân giới cắm mốc, thì nay cần tăng cường thông tin cho người dân biết. Khẳng định một đề án thông tin tuyên truyền đối ngoại đang được khẩn trương hoàn thành, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm yêu cầu các cấp ủy Đảng phải chủ động, tăng cường vai trò trong công tác thông tin đối ngoại, hướng tới giải thích cho Việt kiều, đặc biệt là giới trẻ học sinh, sinh viên ngoài nước hiểu tình hình VN, tăng cường đoàn kết xây dựng đất nước.

Phương hướng công tác tuyên truyền biển đảo năm 2009, theo Ban Tuyên giáo T.Ư, cần thật sự chủ động, bài bản, tránh tập trung theo đợt hoặc theo sự kiện nhằm phát huy hiệu quả các nguồn lực bên trong, tranh thủ hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế biển và hải đảo, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ngoài ra, VN sẽ huy động các thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế biển đảo để góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng.

C.V.KÌNH

Võ Văn Thành thực hiện