Translate

Tuesday, May 4, 2010

Phóng sự Sài Gòn: Ði “thăm” một vị tướng anh hùng QLVNCH

(05/01/2010)

Ðã 5 năm qua, năm nào cũng vậy, cứ mỗi cuối tháng 4, sau khi đã như chết rồi trong tiếng reo hò chiến thắng, tiếng pháo mừng đì đùng của giặc, tôi lui cui chuẩn bị ra khỏi nhà vào buổi chiều, đi lên phía Gò Vấp, trên đường Lê Quang Ðịnh, một trong số những con đường may mắn chưa bị đổi tên suốt 35 năm nhục nhằn của thành phố Sài Gòn từ sau ngày 30 tháng 4, 1975 tang thương cũ.

Chùa Già Lam, một cái tên dễ gọi nhưng thật khó. Năm năm về trước, tôi mày mò trên mạng, vào một trang web, một ai đó ghi hàng thông tin “...theo nguồn tin của gia đình tướng Nguyễn Khoa Nam, hài cốt ông được đưa về ‘chùa Gia-Lâm’ đường Lê Quang Ðịnh, Gò Vấp.” Tôi bỏ ra 3 ngày đi nát con đường nầy, Lê Quang Ðịnh không dài, chỉ là con đường cũ từ trước cửa chợ Bà Chiểu thẳng một mạch lên Gò Vấp và kết thúc tại khu nổi tiếng là ngã năm chuồng chó. Vậy mà tôi đi miết 3 ngày, hỏi cả trăm người cái “chùa Già Lâm” ai cũng lắc đầu chẳng biết nó ở đâu. Buổi chiều cuối cùng, với thất vọng và mệt mỏi, tôi ghé vào trạm xăng bên đường, định đổ đầy một bình rồi lên xe về.

Chiều xuống thành phố chật chội bụi xe, người ngựa dân đi làm từ các công sở ùa ra đường phố, đường nào cũng chật, cũng kẹt xe, tôi cố mà không băng qua được bên kia đường cho đúng chiều. Chán nản, tôi dắt con ngựa sắt phong trần, bung bửng, mất vè, đi dọc về phía chợ Bà Chiểu. Ngừng ở một ngã ba, châm điếu thuốc, tự thưởng chuyến hành hương bất thành.

Tôi ngước lên phà khói, bất thần tôi nhìn thấy ba chữ “chùa Già Lam.” Tôi chợt hiểu, cái trang mạng mắc dịch nào đó, một đương sự, không biết tiếng Việt nào đó, một cu cậu không cài phần mềm bỏ dấu tiếng mẹ đẻ nào đó, đã lỡ tay gõ trên thông tin hai chữ “Gia-Lam,” rồi một ông cốt đột nào đó (chắc chắn không phải là cư dân Gò Vấp) đã quá tay dịch từ tiếng Việt sang... tiếng Việt là “Gia-Lâm” báo hại tôi lội 3 ngày trên con đường không hơn 5 cây số này.

Tôi thở ra một cái, tự thưởng cho cái thông minh quá muộn màng của mình, sau khi đã đẫm mồ hôi tới 3 cái áo. Tôi lên xe đi theo hướng mũi tên trên biển báo, lại một phen ngất ngư vì hẻm Sài Gòn. Từ mặt lộ, vào chưa tới 50 mét, con hẻm chia ra hai hẻm nhỏ, mỗi con hẻm có tới hai ngôi chùa tên nghe lạ hoắc, tôi phải lộn ngược ra ngoài hỏi thăm thật cặn kẽ rồi mới an tâm vào bên trong.

Già Lam là một ngôi cổ tự, nằm tận cùng trong con hẻm, ngôi chùa rộng, có khoảng sân ngoài lát đá thật khang trang, qua khỏi cổng là cái sân trồng hoa, một số cội mai lớn sắp hàng trên lối vào chánh điện.

Bên trái là địa tạng đường, xây đơn giản, gồm hai tầng với một cầu thang bằng xi măng vừa đủ cho một người đi lên. Tôi hỏi thăm người giữ xe ở cổng, một cảnh sát trước năm 1975, vóc dáng gầy gò, nhưng nhiệt tình. Khi biết tôi muốn thăm và thắp nhang cho tướng Nguyễn Khoa Nam, ông nắm tay tôi kéo lên cầu thang và giới thiệu tôi với một tăng nhân trạc hơn 30 tuổi có nhiệm vụ trông coi địa tạng đường.

Quả thật, cũng khó mà tìm ra nơi đặt hài cốt, nếu không có người hướng dẫn và sơ đồ chỉ rõ. Trong địa tạng đường, nếu tôi không nhầm, có gần mấy ngàn tro cốt chứa trong các lọ nhỏ lớn đủ kiểu, đủ dáng, đặt trong những tủ kính nằm dọc và dài bằng bức tường phòng.

Có bốn hàng tủ như vậy với hai lối đi nhỏ dọc theo chiều dài, mỗi tủ cao bằng trần nhà nên luôn có một cái ghế gỗ cao cho thân nhân dùng leo lên đối với những hài cốt nằm phía trên cùng.

Hũ tro cốt của thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam có lẽ do một duyên may nào đó hoặc do vị trụ trì chùa này, một thượng toạ đã viên tịch sau lần cầu siêu cho tướng Nam vào ngày bốc cốt và gởi vào chùa, là người có giao tình với gia đình của thiếu tướng. Hũ tro cốt của tướng Nam được đặt vào ngăn thứ 5 trong tủ kính nhỏ kê sát bức tượng Ðịa Tạng Vương trên bàn thờ giữa phòng.

Khác những năm trước, chiều nay tôi vào thăm ông từ lúc 1 giờ trưa, địa tạng đường khóa ngoài, người trông coi vắng mặt. Tôi trở ra quán cà phê Dương Cầm nằm trên con đường nhỏ gối đầu Lê Quang Ðịnh, tôi không chờ, không đợi ai, và tôi biết ngày hôm nay tôi chỉ có một việc: Bước vào địa tạng đường, thắp một nén hương cho một vị anh hùng đã tuẫn tiết theo thành khi nước mất nhà tan, bằng khí tiết của một tướng tư lệnh.

Ông tự kết liễu đời mình vào ngày + N, sau khi đã vào thăm các binh sĩ của mình trên con đường giữ nước không may thương tật đang được nằm điều trị trong bệnh viện Phan Thanh Giản. Ông vô cùng can đảm khi phó tướng của ông, chuẩn tướng Lê Văn Hưng đã đi trước ông một bước. Tướng Hưng đã tự sát bằng chính cây súng lệnh của mình khi giặc tràn vào bộ tư lệnh và khi kế hoạch phản công của tướng Nam cùng ông với những đặc lệnh truyền tin đủ chuẩn bị cho cuộc kháng cự “cố thủ miền Tây” dù Sài Gòn đã thực sự buông súng để rơi vào tay Bắc quân.

Một kế hoạch dựa vào kinh nghiệm chiến đấu trên sông rạch của hai ông bị một đại tá có nhiệm vụ thi hành đã nhẫn tâm ném nó vào sọt rác và ra đi theo đoàn người di tản, để lại một hậu quả tang thương cho vùng IV sông ngòi.

Ly cà phê nhỏ những giọt chậm, buồn hơn mọi ngày. Trong cái sánh đen của màu cà phê, tôi còn như thấy được hạt máu những anh hùng bất tử đã đổ xuống cho quê hương nầy như năm tướng Lê Nguyên Vỹ, Phạm Văn Phú, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng và Nguyễn Khoa Nam.

Uống ly cà phê tôi còn nghe vẳng đâu đó một bản nhạc buồn “Anh hỡi anh ở lại Charlie, anh hỡi anh giã từ vũ khí.” Tôi nghĩ tôi phải tội nghiệp cho ông tướng mà chiều nay tôi sẽ đốt một nén nhang tưởng niệm ông. Ông chết chi vào cái ngày mắc dịch đó để không có ai làm cho ông một bài hát đại khái như vầy cũng được:

“Tôi thương ông, người chiến sĩ không bán mình cho giặc, biết chết và chết oai hùng, ngay trên đống tro tàn còn bốc khói...”

Tôi trở lại chùa Già Lam lúc 6 giờ chiều, và đúng chiều nay sau khi uống ly cà phê suốt 4 giờ chết tiệt.

Người giữ cửa vẫn chưa tới. Tôi bước thẳng vào trong khi thấy lấp ló một tăng nhân trong đó, tôi trình bày ngắn gọn và được giúp đỡ tận tình. Ông đưa cho tôi xâu chìa khoá, chỉ cho tôi cái chìa để mở cửa phòng chứa tro cốt của tướng Nguyễn Khoa Nam. “Ông biết chỗ rồi phải không? Hay để tôi chỉ cho ông?” Tôi cám ơn vị tăng nhân và cầm chìa khoá đi thẳng lên tầng trên.

Ðịa tạng đường tối âm u, cái u uất thường cảm nhận ở những nơi như vầy. Chiều đã hết, bây giờ là thời gian của âm khí, cái âm khí rợn dọc sống lưng, giống như một bãi tha ma. Theo lời chỉ dẫn của tăng nhân khi nãy, tôi kéo cầu dao bật điện, mở cửa bước vào phòng.

Bức tượng Ðịa Tạng Vương bồ tát to lớn đặt giữa phòng, cái lư hương trống trơn không một que nhang tàn trong đó. Tôi thật sự xúc động. Hôm nay ngày giỗ của ông, thì tại nơi này, nơi đặt lọ tro cốt của ông, chút thân xác hóa tro đó, anh linh của một thời hiển hách đó, nhang tàn khói lạnh. Không ai, quả thực không ai buồn thắp nén nhang cho ấm lòng.

Tôi lấy cái quẹt ga để sẵn trên bàn thờ và lựa ba nén nhang, loại nhang thường nhất, nhỏ nhất và ngắn nhất thắp lên bàn thờ bồ tát. Tôi đứng nghiêm trước di ảnh tướng Nam, chụm chân chào ông theo kiểu nhà binh mà tôi học lóm được trong bộ đồ dân sự, trong tính cách một thường dân Nam Bộ. Tôi chào viên tư lệnh vùng IV đã tuẫn tiết theo thành vào lúc 7 giờ 30 sáng ngày 1 tháng 5 của 35 năm về trước với tất cả lòng kính trọng và một chút ngậm ngùi. Khi nhìn quanh, chỉ có mình tôi trong chiều xuống giữa địa tạng đường âm u với duy nhất 3 nén nhang thường.

Tôi nhớ trong lòng, 5 năm qua, những lần tôi đến đây, hôm nay ngày tôi buồn nhất. Trước khi ra về, tôi nói nhỏ với di ảnh của người, tôi xin ông cho tôi ghi lại bức ảnh của một tư lệnh, trong chân dung người lính ngày mới ra trường, dù nó không đánh dấu tính oai nghiêm của một danh tướng, nhưng nó là tất cả cái cao thượng, thanh liêm và chất phác của một người đã nằm xuống thực sự hiến dâng cho đất nước.

Bước xuống trả xâu chìa khoá trên bàn vị tăng nhân đã cho tôi mượn, sau khi kéo cầu dao trả lại bóng tối cho những người đã chết, tôi bước ra sân ghé cái quán lá của người lính cũ giữ xe ngoài cổng, tôi mua bao thuốc. Chưa kịp chào, ông đã nhận ra tôi với nhiều lần lui tới, ông trầm giọng cho vừa đủ nghe: “Ba năm nay, ngày này sao không thấy ai đến đốt nhang cho thiếu tướng, chỉ có mình ông thôi hả?” Tôi cười như mếu quay mặt bước đi, tôi lẩm bẩm một mình: “Hôm nay ngày 1 tháng 5, ba mươi lăm năm rồi. Và ba năm qua chưa có ai nhớ mà về đốt cho tướng Nguyễn Khoa Nam một nén nhang!” (N.T.K.)