Translate

Sunday, February 7, 2010

Tàu Trung Quốc ồ ạt xâm phạm biển Việt Nam

Trích Nguoivietonline




medium_VN_TQ_BatTauCa_5.jpg

Tàu đánh cá của Việt Nam bị tàu tuần Trung Quốc bắt giữ hồi tháng 6 năm 2009 kéo về Hoàng Sa rồi bắt đòi tiền chuộc. (Hình: cnsphoto)




130 tàu đánh cá trong 3 ngày

HÀ NỘI (NV) - Trong vòng 3 ngày, đã có hơn 130 tàu đánh cá Trung Quốc xâm phạm vào vùng biển Việt Nam, đi sát bờ biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Ðà Nẵng, theo một bản tin báo điện tử bộ chỉ huy biên phòng Việt Nam.

Trang báo điện tử Biên Phòng hôm Thứ Bảy cho biết, “Liên tục mấy ngày vừa qua, hàng loạt tàu cá Trung Quốc đã tổ chức đánh bắt cá, đi vào sát bờ biển thuộc các tỉnh từ Quảng Trị đến Ðà Nẵng.”

Theo báo này, ngày 2 tháng 2 có 30 tàu đánh cá Trung Quốc vào sát Ðà Nẵng, Thừa Thiên. Báo này viết, “Ngày 2 tháng 2, bộ đội biên phòng Ðà Nẵng phát hiện 30 tàu cá Trung Quốc vào tận kinh độ 109, vĩ độ 16, cách bờ biển Ðà Nẵng, Thừa Thiên-Huế khoảng 45 hải lý. Sự việc được bộ chỉ huy bộ đội biên phòng báo lực lượng hải quân Vùng C (tại Ðà Nẵng) xử lý.”

Báo Biên Phòng viết thêm về 100 tàu trước đó. “Ngày 29 tháng 1, tại vĩ độ 17, kinh độ 108'30, sát bờ biển Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, bộ đội biên phòng cũng đã phát hiện 100 tàu cá Trung Quốc đang đánh bắt cá. Lực lượng biên phòng và hải quân đã hướng dẫn các tàu cá này rời khỏi vùng biển của Việt Nam.”

Bản tin không đưa ra chi tiết nào nói các tàu đánh cá của Trung Quốc có bị tịch thu ngư cụ, phạt vạ gì không. Thời gian qua, tàu đánh cá Việt Nam đánh cá trong vùng biển Việt Nam nhưng gần quần đảo Hoàng Sa đều bị tàu tuần Trung Quốc bắt giữ, kéo về đòi tiền chuộc. Không trả tiền chuộc thì bị giữ tàu hoặc ít nhất bị tịch thu hết ngư cụ, hải sản đánh được.

Vào cuối năm ngoái, ngày 10 tháng 11 năm 2009, có 17 tàu đánh cá Trung Quốc đã vào đánh cá sâu trong hải phận Việt Nam, theo bộ chỉ huy biên phòng Thừa Thiên-Huế. Ðây là vụ xâm phạm hải phận và đánh cá bất hợp pháp nghiêm trọng nhất từ phía Trung Quốc. Hoàng Xuân Chiến, chỉ huy trưởng biên phòng địa phương cho đài BBC hay các tàu đánh cá Trung Quốc đó “đã vào rất sâu trong vùng biển vịnh Bắc bộ của Việt Nam cách đường cơ sở 8 hải lý và chỉ cách bờ biển Thuận An có 24 hải lý”.

Ðây là khu vực giữa đảo Cồn Cỏ và cửa biển Thuận An. BBC thuật lời ông Chiến nói đã đuổi 16 tàu ra khỏi hải phận và bắt giữ một tàu.

Báo chí trong nước không nêu nghi vấn có phải các vụ xâm nhập sâu vào hải phận Việt Nam là hành động khiêu khích, thách đố từ phía Bắc Kinh hay không.

Về phía Trung Quốc, ngày 7 tháng 12 năm 2009 tàu tuần nước này đã bắt 3 tàu đánh cá với 43 ngư dân Việt Nam thuộc tỉnh Quảng Ngãi ở vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, tức gần quần đảo Hoàng Sa. Phía Việt Nam can thiệp thì đến ngày 12 tháng 12 năm 2009, Trung Quốc chỉ thả một tàu và toàn bộ ngư dân còn giữ lại 2 tàu ở đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa.

Giữa tháng 6 năm ngoái, Trung Quốc bắt về đảo Phú Lâm 3 tàu với gần 40 ngư dân đòi tiền chuộc đến 30 ngàn đô la. Nhà cầm quyền Hà Nội can thiệp thì chỉ được trả 1 tàu và ngư dân, cũng giữ lại 2 tàu và toàn bộ ngư cụ, dụng cụ hải hành, hải sản. Ðó là không kể một số tàu đánh cá Việt Nam đã bị tàu tuần Trung Quốc cố ý đâm chìm.

Hồi cuối tháng 9 năm 2009, một số tàu đánh cá Việt Nam chạy tới đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Hưng, một trong 2 đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa) tránh bão đã bị lính Trung Quốc trên đảo bắn đuổi. Ngư dân Việt Nam không thể quay ngược ra biển để bị bão nhấn chìm đã liều mạng chạy vào đảo thì bị đánh đập và bị cướp hết hải sản, ngư cự, trang bị hải hành.

Tuy vậy, ngày 6 tháng 1 năm 2010, Tôn Quốc Tường, đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam, họp báo phủ nhận tất cả các hành động của lính Trung Quốc khi nói rằng “Trung Quốc luôn ứng xử những vấn đề như thế này rất có trách nhiệm. Khi phía Việt Nam nêu vấn đề, chúng tôi đã xác minh, kiểm tra ngay lập tức nhưng kết quả xác minh của chúng tôi lại khác với kết quả của phía Việt Nam”.

Từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 8 năm 2009, Trung Quốc đã cấm đánh cá trên biển Ðông ngay cả những khu vực đang tranh chấp chủ quyền với Việt Nam vào thời gian chính vụ của ngư dân Việt Nam. Sau đó tổ chức nhiều cuộc tập trận hải quân qui mô ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không ngoài chủ đích đe dọa Việt Nam và các nước trong khu vực.