Translate

Monday, January 18, 2010

NGHĨ GÌ VỀ PHIÊN TÒA SẮP XÉT XỬ

Trích BBC Vietnamese

Những ngày này, đi đâu tôi cũng đều nghe giới “nhà báo” trong nước bàn luận với nhau về phiên tòa xét xử các nhà hoạt động dân chủ: Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long.

Theo thông báo chính thức trên trang mạng điện tử Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, lịch xét xử đã được sắp xếp diễn ra trong hai ngày 20 và 21 tháng 01-2010.

Người ủng hộ Đảng và Nhà nước cho rằng những người đấu tranh dân chủ đã chưa lường trước được sự việc và hậu quả khi mà nền chuyên chính vô sản vẫn là thế lực mạnh “ra tay”. Một khi họ bị “chạm nọc” sự thật, chuyện đấu tranh dân chủ sẽ bị hình sự hoá và trở nên tội phạm là chắc chắn.

Những người ủng hộ thì cho rằng các nhà hoạt động dân chủ là những người dám hi sinh tất cả, từ thời gian, tiền của cho đến công việc, gia đình… để đi theo lý tưởng cá nhân đã chọn. Lý tưởng ấy cũng đồng thời phù hợp với mong muốn của mọi xã hội và xu thế thời đại.

Những người trung lập thì cho rằng mặc dù biết là vậy, nhưng khi đang sống trên đất nước mà Đảng cộng sản cai trị, thì tốt nhất nên lấy câu châm ngôn “im lặng là vàng” làm phương châm sống, miễn cưỡng làm theo những gì mà chính quyền họ muốn phải làm.

Chân dung các nhà hoạt động dân chủ

Nhưng trước hết, chúng ta hãy nhìn lại chân dung những người sắp ra tòa.

Luật sư Lê Công Định

Luật sư Lê Công Định

Luật sư Lê Công Định nguyên quán ở Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), tốt nghiệp cử nhân luật Đại học Tổng Hợp trong nước 1989.

Năm 1997, ông giành được suất học bổng ngành Luật của trường đại học Tổng hợp Pantheon – Assas (Pháp) và du học tại đó. Năm 1999, ông sang Mỹ học cao học ngành luật ở Đại học Tulane – Columbia.

Cuối năm 2002, ông là thành viên Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ, thành viên hội đồng đại diện cho Việt Nam – Hiệp hội Luật sư Châu Á – Thái Bình Dương, thành viên Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

Luật sư Định đảm nhiệm nhiều chức vụ khác như: giảng dạy về luật Việt Nam cho sinh viên quốc tế trong chương trình trao đổi giữa khoa luật Đại học Cần Thơ và Pantheon – Assas, luật sư thành viên Công ty DC Lawyers, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hồ chí minh, và trước thời điểm bị bắt làm việc tại Công ty luật Lê Công Định.

Nguyễn Tiến Trung

Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung

Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung sinh ngày 16/9/1983, nguyên quán ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình – một vùng quê giàu truyền thống yêu nước.

Trung theo cha mẹ chuyển về ở số 6/1 Nguyễn Cảnh Dị, Phường 4, Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Là thanh niên trưởng thành khi đất nước đã thống nhất, Trung được học tập và rèn luyện dưới mái trường XHCN.

Tại Trường chuyên Lê Hồng Phong (TP Hồ Chí Minh), mười hai năm liên tục Trung là học sinh giỏi, Cháu ngoan Bác Hồ. Năm 2002,

Trung du học tại Đại học INSA (Institut National des Siences Appliquees) theo chương trình học bổng của Chính phủ Pháp. Những năm học ở đây, Trung còn nhận được học bổng Effeil dành cho sinh viên nước ngoài xuất sắc.

Tháng 6-2007, anh đã tốt nghiệp thạc sĩ công nghệ thông tin tại INSA và trở về nước, làm việc cho một hãng máy tính Pháp.

Trần Huỳnh Duy Thức

Doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức

Doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức là kỹ sư tin học – Giám đốc Công ty cổ phần internet một kết nối O.C.I.

Những năm đầu thập niên 2000, công ty điện thoại internet do ông thành lập và điều hành đã được coi là điểm sáng trong ngành công nghệ thông tin Việt Nam, có nhiều bước đột phá, đầu tư sang các nước trong khu vực và Hoa Kỳ.

Ông còn là blogger Trần Đông Chấn, tác giả của nhiều bài phân tích kinh tế sắc sảo được giới bloggers đánh giá cao.

Doanh nhân Lê Thăng Long tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, chuyên ngành viễn thông. Trước khi bị bắt, anh được biết đến như một doanh nhân rất thành công tại Việt Nam. Anh còn là người phụ tá đắc lực cùng Trần Huỳnh Duy Thức khởi xướng Phong trào Chấn Hưng nước Việt.

Đặc quyền xét xử?

Rõ ràng, tất cả các nhà dân chủ nói trên là những công dân tốt, hiểu biết sâu sắc về pháp luật Việt Nam và thế giới. Họ là những người có học, được đào tạo ở môi trường tiến bộ và hết lòng vì sự phát triển dân tộc.

Chuẩn bị bước vào phiên tòa, những đảng viên của Đảng Dân Chủ – chính đảng thượng tôn pháp luật từng sát cánh với Đảng cộng sản khai sinh nhà nước dân chủ sau 1945, đang phục hoạt và được nhiều người ủng hộ, lấy đấu tranh ôn hòa thông qua đối thoại làm căn bản.

Thật bất công khi một đảng này lại được quyền xét xử một đảng khác!

Dư luận cũng đang đặt câu hỏi: việc Đảng Cộng sản đem thành viên của Đảng Dân Chủ ra “xét xử” và việc hình sự hóa các hoạt động chính trị ôn hòa, trong khi chính phủ luôn tuyên bố Việt Nam không giam giữ tù chính trị và nhà nước bảo đảm thực hiện xã hội công bằng, dân chủ theo hiến định… vậy thì sự thật, công lý, lương tâm và đạo đức của lãnh đạo Nhà nước được hiểu như thế nào?

Điều này còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam khi đảm nhận những chức vụ quan trọng trong khu vực và tại Liên Hiệp Quốc.

Thời điểm hiện nay năm 2010, đã mở đầu thế kỷ 21 – thế kỷ hội nhập và toàn cầu hoá, kiểu toà án kangaroo, bản án đã nằm trong túi sẵn như cách đây hàng thế kỷ hoàn toàn không phù hợp với những gì Nhà nước Việt Nam đã cam kết với nhân dân và cộng đồng quốc tế.

Với phiên toà xét xử Trần Anh Kim đã kết thúc, thêm phiên toà sắp mở ra với thực trạng trên, dư luận trong và ngoài nước sẽ tiếp tục nhận định gì về pháp luật Việt Nam?

Chúng ta có thể cảm thông quá khứ nhưng dứt khoát không thể lấy quá khứ làm tiêu chuẩn áp đặt mãi tạo ra trì trệ tương lai.

Ai phạm tội và phạm tội gì, xin cứ để cho luật pháp quốc tế ngày nay và cả “bia miệng – bia đời” của đạo lý đất nước mấy nghìn năm văn hiến Việt Nam phán xét!

Phạm Mai Hồng
BBCVietnamese

Tiêu Chuẩn Của Một Phiên Tòa Đúng Luật

Mở đầu năm 2010, ngành tư pháp trong nước sẽ lần lượt đưa các nhà dân chủ ra xét xử tại 3 nơi: Hà Nội, Sài Gòn và Hải Phòng.

Chính quyền trong nước đã cam kết với dân mình là xây dựng một chế độ pháp quyền thượng tôn luật pháp, cam kết với thế giới sẽ thực thi nghiêm chỉnh các văn kiện quốc tế mà Việt Nam đã ký, trong đó có các Tuyên ngôn về Nhân quyền, về các Quyền Dân sự.

Chưa bao giờ các phiên tòa ở Việt Nam lại được dư luận trong nước và công luận quốc tế

quan tâm theo dõi chặt chẽ như hiện nay, vì ai cũng cho rằng nhân dân Việt Nam rất xứng đáng được sống dưới một chế độ công bằng, nghiêm minh, dân chủ và văn minh, lấy nhân dân làm gốc.

Vậy thì trước khi các phiên tòa nói trên được mở ra, cũng nên nhắc lại để nhân dân và nhà cầm quyền cũng biết rõ thế nào là một phiên tòa đúng luật, hợp pháp, nghĩa là theo đúng Bộ Luật Hình sự và bộ Luật Tố tụng hình sự, cũng như theo đúng luật quốc tế.

Trước hết các phiên tòa cần xử công khai. Đất nước hiện trong thời bình. Không có một lý do nào để cấm người dân bình thường, cấm các nhà báo trong và ngoài nước, cấm các nhà ngoại giao, cấm người thân trong gia đình bị cáo đến dự (Trong vụ xử ông Trần Anh Kim ở Thái Bình tháng 12-2009, công an mặc thường phục được huy động đến ngồi kín phòng xử án, để viện cớ phòng chật, không cho dân, nhà báo, người thân của bị can vào dự).

Quan tòa, tức Hội đồng xử án, cần tỏ ra nắm vững luật. Cần thẩm tra xem những lời khai trước cơ quan điều tra, những lời thú tội, xin khoan hồng nếu có, có do thật lòng bị cáo hay đã bị truy bức, mớm cung, ép buộc hay không? (Ðiều 5 Bộ Luật hình sự: “Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình”).

Cũng cần nhắc đến Ðiều 12 Bộ Luật hình sự: “Bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo”.

Điều 17 Bộ Luật hình sự cũng cần được tôn trọng đặc biệt: “Thẩm phán và bồi thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Điều này quy định hội đồng xét xử dựa vào pháp luật, và chỉ dựa vào pháp luật mà thôi, phải có đầy đủ bản lĩnh độc lập, không bị ảnh hưởng hay bị chỉ đạo, mệnh lệnh của bất kể ai khác, dù cho có lệnh ở cấp cao nào.

Mọi người đều biết các bị cáo sắp đưa ra xét xử đều có thái độ, lập trường và hành động chống âm mưu bành trướng của nước lớn, có những luận văn kêu gọi bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và quần đảo thiêng liêng của tổ quốc, có hành động biểu tình ôn hòa bằng khẩu hiệu, biểu ngữ trước cơ quan ngoại giao của nước lớn, căng biểu ngữ ở nơi nhiều đồng bào qua lại, vậy hội đồng xử án cần kết luận rành mạch những luận văn và hành động ấy phạm luật ở chỗ nào, theo điều khoản nào, nếu định kết tội họ.

Theo tin từ trong nước, ngày thứ hai 18 và thứ ba 19-1 này tòa án Hà Nội sẽ xử phúc thẩm thày giáo Vũ Hùng, kỹ sư Phạm Văn Trội, nhà thơ Trần Đức Thạch; ngày thứ tư 20-1 tòa án Sài Gòn sẽ xử các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, luật sư Lê Công Định và thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung; ngày thứ năm 21-1 toà án Hải Phòng sẽ xử nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, các ông Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Kim Nhân, và Nguyễn Mạnh Sơn.

Còn việc xử cô Phạm Thanh Nghiên vẫn còn treo lơ lửng, vì cô gái bé nhỏ chỉ cân nặng 37 kilô này lại không nhẹ tý nào về gan vàng dạ sắt với đất nước và đồng bào, khi cô từ Hải Phòng vào tận Thanh Hóa để thăm hỏi bà con ngư dân bị người Trung Quốc bức hại, rồi trở về nhà đấu tranh thầm lặng bằng cách ngồi thiền trước biểu ngữ cô tự viết: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!” Thật khó thuyết phục bà con ta và thế giới như thế là hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân.

Các nhà báo quốc tế có mặt tại Việt Nam, các tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, Amnesty International, Phóng viên Không Biên giới Reporters Without Borders, Uỷ ban bảo vệ tự do tôn giáo Quốc Hội Mỹ, Nghị Viện Liên Âu…đang rất quan tâm đến các phiên toà nói trên.

Đông đảo công ty xuất nhập khẩu quốc tế và đầu tư quốc tế cũng coi các phiên tòa trên là những buổi sát hạch rất chính xác để xem mức độ tôn trọng luật pháp ở Việt Nam đạt đến độ nào, chính quyền Việt Nam có đáng tin cậy hay không trong những cam kết chính trị, kinh tế, tài chính và đầu tư, kinh doanh buôn bán quốc tế.

Việt Nam hiện đã có hơn 10 ngàn luật sư và 15 ngàn nhà báo nói, báo viết, báo ảnh và báo mạng. Xem ra 2 giới luật sư và nhà báo là 2 đứa con ghẻ, con hư, con ương bướng khó dạy bảo của chế độ.

Chỉ đến khi nào giới luật sư và giới báo chí tự giành được vị trí xã hội xứng đáng, buộc chế độ phải trọng nể, do tích cực tham gia xây dựng một chế độ trong sạch, công bằng, bình đẳng, lúc ấy mới có thể có các phiên tòa diễn ra đúng luật.

Thế nhưng hiện nay, ông chủ tịch Triết và ông thủ tướng Dũng đều nói đến việc xét xử sẽ diễn ra “đúng tội, đúng người, đúng luật”.

Có bao nhiêu người dân Việt Nam ta tin ở lời hứa ấy?

Sau các phiên tòa tháng 1-2010 này ở Hà Nội, Sài Gòn và Hải Phòng, câu trả lời sẽ rõ ràng minh bạch hơn.

Bùi Tín
Nguồn: VOA


Hội thảo về Nhân quyền VN tại Đại học George Washington

Thực trạng nhân quyền, đặc điểm môi trường chính trị ở Việt Nam, cũng như những hạn chế của chính phủ Hà Nội đối với quyền sử dụng Internet và những tiếng nói bất đồng đã là đề tài của một buổi hội thảo tại Trường Quan hệ Quốc tế Elliot, thuộc Đại học George Washington, ở thủ đô Hoa Kỳ hôm 14/1/2010. Trà Mi tham dự và có bài tường trình chi tiết.

Diễn giả chính buổi hội thảo mang tên Phiên tòa “phản động”: những nhà đồng chính kiến, nhà nước Việt Nam, và môi trường sinh hoạt blog là giáo sư Shawn McHale, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á Sigur thuộc Đại học George Washington, tác giả của nhiều đầu sách nghiên cứu về Việt Nam, người đã thực hiện nhiều chuyến đi thực tế Việt Nam và cũng vừa trở về từ Việt Nam sau một năm nghiên cứu theo chương trình tài trợ của quỹ Fulbright-Hays dành cho các giảng viên.

Giáo sư McHale nhấn mạnh buổi hội thảo có liên hệ tới những gì đang diễn ra tại Việt Nam, giữa lúc các phiên xử 4 nhà bất đồng chính kiến trong đó có luật sư Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung sắp diễn ra, đại hội Đảng lần thứ 11 sắp tới, và tình hình siết chặt kiểm soát Internet của chính phủ Việt Nam trong thời gian gần đây. Theo nhận xét của ông, trong những năm gần đây, tình trạng dân chủ-nhân quyền tại Việt Nam đã có những bước thụt lùi mà biểu hiện rõ nhất là trong năm 2009.

Để dẫn chứng cho nhận xét này, giáo sư McHale liệt kê những sự kiện lớn trong năm qua gây chú ý dư luận bao gồm các vụ tranh chấp liên quan đến tôn giáo, mối quan hệ Việt-Trung, những tranh cãi về dự án bauxite Tây Nguyên, tệ nạn tham nhũng, và việc nhà nước tăng cường kiểm soát các trang mạng xã hội. Thực trạng này, theo ông, đã khơi dậy sự bất bình, bất đồng chính kiến từ chính những người dân trong nước, chứ không phải do những thành phần ở hải ngoại xúi giục như chính phủ Việt Nam vẫn thường lên án.

Diễn giả đặc biệt lưu ý rằng những ý kiến bất đồng và đòi hỏi cải cách giờ đây không phải là những người có khuynh hướng chống cộng thuộc thế hệ trước bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến, mà chính là thành phần trẻ sinh trưởng sau chiến tranh.

Về phiên xử các nhà bất đồng chính kiến Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, và Lê Thăng Long sẽ diễn ra trong tháng này, diễn giả McHale lý luận họ là những trí thức trẻ cổ võ một cách ôn hòa cho những giá trị được tôn trọng trên toàn cầu và đòi hỏi dân chủ cho Việt Nam trong khi chính phủ Hà Nội khẳng định những người này bị bắt vì vi phạm pháp luật. Hà Nội tố cáo những người này có các bài viết và lập đảng chống nhà nước, nhưng theo giáo sư McHale, họ chỉ nêu lên những phương cách ôn hòa để đối diện với bạo quyền và phục hoạt Đảng Dân chủ từng tồn tại ở Việt Nam từ 1944-1988.

Trả lời phỏng vấn Ban Việt Ngữ đài VOA, giáo sư McHale nhấn mạnh:

“Những người này bị truy tố tội lật đổ chính quyền. Nếu Việt Nam lý luận như vậy, họ phải trưng ra những bằng chứng rõ ràng cụ thể. Bản cáo trạng chỉ quy tội chung chứ không chứng minh được những người này xúi giục lật đổ chính quyền ra sao hoặc có những hành động lật đổ như thế nào. Những gì họ làm là bày tỏ ý kiến ôn hòa, đòi hỏi cải cách để tiến bộ. Nhìn về lâu về dài, nhà nước Việt Nam đang ở trong một thế yếu, những tranh luận tại Việt Nam ngày càng mạnh và nhiều, Đảng Cộng sản không thể nào quay trở lùi như thời gian những năm 90. Hà Nội phải nhìn thẳng vào thực tế.”

Giáo sư McHale nói những lời chỉ trích và ý kiến phản biện sẽ góp ích cho sự phát triển và vì thế, nhà nước Việt Nam cần phải chấp nhận để tiến bộ. Ông cho rằng thời kỳ mà Việt Nam được xem là có tự do ngôn luận nhất là giai đoạn từ năm 1936-1939, dưới thời thuộc địa Pháp. Lúc ấy, người dân, đặc biệt là ở miền Nam, được quyền tự do xuất bản báo chí tư nhân. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, giờ đây với sự góp mặt của công nghệ thông tin và áp lực quốc tế, Việt Nam đã có một chút cởi mở hơn so với chừng 20 năm trước. Số lượng báo chí tăng, truyền thông được phép khai thác các thông tin về tham nhũng ở cấp thấp, nhưng vẫn bị kiểm soát chặt chẽ.

Vẫn theo lời ông McHale, nhiều đề tài tưởng chừng được nhà nước cho phép bàn trên báo chí như tham nhũng hay vấn đề chủ quyền, tuy nhiên, khi người dân phản ứng mạnh mẽ thì nhà nước liền tay đàn áp. Điển hình là đã có một số phóng viên, tổng biên tập, và blogger gặp rắc rối.

Giáo sư McHale nói sự bùng nổ các phương tiện thông tin như web hay blog đã giúp người dân Việt Nam mở mang tầm nhìn và lên tiếng đòi hỏi tự do nhiều hơn, khiến cho những nỗ lực kiểm soát của chính phủ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Hà Nội giờ đây chủ yếu lo ngại về những xu hướng đối kháng trong nước hơn là những thành phần chống cộng mà họ cho là thù nghịch.

Ông McHale phát biểu: “Đây là một vấn đề đau đầu cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng cổ võ chủ nghĩa dân tộc trong các cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ, và giờ đây chính tinh thần chủ nghĩa dân tộc là động lực của những tiếng nói bất đồng trong nhân dân về các vụ như dự án bauxite Tây Nguyên hay vấn đề chủ quyền lãnh hải.”

Trong các ví dụ diễn giả McHale đưa ra để chứng minh việc Hà Nội ngăn chặn quyền tự do thông tin và Internet của người dân có vụ trang web về bauxite ở Việt Nam của giáo sư Nguyễn Huệ Chi và trang mạng Talawas ở Châu Âu bị tin tặc tấn công.

Mới đây, website của Cao trào Nhân bản ở Bắc Mỹ cũng đã bị tin tặc phá hoại. Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, đại diện tổ chức cho biết:

“Tháng 8/2009 Tổng cục kỹ thuật Bộ Công an ra chỉ thị phải ngăn chặn 8 website trong đó có trang web của Cao trào Nhân bản. Chúng tôi có nguyên văn bản chỉ thị đó, nói rằng cần ngăn chặn các trang web có nội dung xấu, bao gồm Facebook, Cao trào nhân bản, trang bauxite..v.v.. Kể từ đó, họ liên tục tấn công website của chúng tôi. Hôm 11/1, website đó hoàn toàn không sử dụng được nữa.

Sự ngăn cản những website như thế nghĩa là nhà cầm quyền Cộng sản muốn bịt miệng tất cả những tiếng nói dân chủ, tự do. Nhưng với phương tiện mới bây giờ, chúng tôi nghĩ họ sẽ thất bại. Điều họ cần làm là cải thiện nhân quyền, kinh tế, chính trị ở Việt Nam hơn là lo ngăn chặn, phá hoại những website có tính thông tin đại chúng mang lại những nguồn tin trung thực cho đồng bào trong nước. Hiện nay họ rất cần những thông tin đó.”

Trà Mi tường trình từ Washington.
Nguồn: VOA

Thuyết trình về đối kháng chính trị

LS Lê Công Định

Ông Lê Công Định sẽ bị xử tội Lật đổ Chính quyền nhân dân

Vụ bắt giữ những người bất đồng chính kiến gần đây là chủ đề buổi thuyết trình của Phó Giáo sư – Tiến sĩ Shawn McHale tại Đại học George Washington hôm 14/01.

Nhà nghiên cứu Việt Nam lâu năm, hiện là Giám đốc Trung tâm Sigur Nghiên cứu châu Á của Đại học George Washington, muốn giải thích vụ bắt giữ năm nhà hoạt động gần đây bộc lộ những gì về nhà nước, truyền thông và xã hội dân sự ở Việt Nam.

Mùa hè năm ngoái, năm người – gồm các ông Lê Công Định, Trần Anh Kim, Lê Thăng Long, Trần Huỳnh Duy Thức và Nguyễn Tiến Trung – bị chính quyền bắt giữ, ban đầu với tội danh tuyên truyền chống nhà nước.

Sau đó, cáo trạng chống lại họ được tăng nặng lên, thành tội lật đổ chính quyền nhân dân theo điều 79 Bộ Luật Hình sự.

Ông Trần Anh Kim đã bị tòa ở Thái Bình kết án 5 năm 6 tháng tù giam hôm 28/12, trong khi bốn người còn lại dự kiến sẽ được đưa ra tòa trong tháng Giêng 2010.

Những người cổ vũ cho xã hội dân sự với hy vọng nó sẽ dẫn tới dân chủ hóa ở Việt Nam, đã cho rằng những vụ trấn áp đối lập của bảy tháng qua là sự thụt lùi đáng lo ngại.

Đã có giải thích rằng nguồn cơn sự việc là Đảng Cộng sản phải đối diện nhiều thách thức – khủng hoảng kinh tế thế giới, dự án bauxite bị phản đối bởi những người lo ngại Trung Quốc và cho rằng chính phủ mềm yếu trước yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh, tranh cãi tôn giáo, lo ngại về chất lượng giáo dục và vấn nạn tham nhũng. Từ góc nhìn này, trấn áp là phản ứng của một nhà nước độc đảng lo ngại mất quyền lực.

Tiến sĩ Shawn McHale bắt đầu câu chuyện bằng việc nhìn lại sự trỗi dậy của xã hội dân sự tại Việt Nam.

Không gian công và blog

Nhà nghiên cứu lịch sử này nhận xét giai đoạn tự do nhất của không gian công cộng ở Việt Nam là 1936-39, khi miền Nam Việt Nam “cũng tự do như Pháp”.

Ngày càng có nhiều người sử dụng internet

Tuy vậy ông lưu ý, thời đó chỉ có khoảng 15-20% người Việt được học hành – con số đó ngày hôm nay đã là 90%.

“Từ góc nhìn lâu dài, Việt Nam đã có tiến bộ đáng kể để biến chính trị trở nên bao hàm toàn diện hơn và không gian công sinh động hơn. Về tôn giáo, nhà nước đã tinh vi hơn, và vì thế không còn thiên kiến phản tôn giáo như trong quá khứ.”

“Trong thập niên vừa qua, không gian công đã nở rộ. Báo chí trở nên thú vị hơn. Nhưng càng lúc những tác nhân thay đổi càng đến từ bên ngoài Đảng Cộng sản. Hôm nay, sự độc quyền của Đảng về thông tin chính trị, kinh tế, vốn quá rõ ở năm 1990, đã bị bẻ gãy.”

Ông nhìn nhận xã hội dân sự Việt Nam vẫn không phải là Thái Lan hay Nam Hàn, vì tại đây không có các tổ chức thực sự độc lập với Đảng Cộng sản. Nhưng cho dù các tổ chức phi chính phủ vẫn chịu nép uy của chính quyền, thì Đảng cũng ngày càng bớt khả năng kiểm soát các thảo luận chính trị và kinh tế.

Tiến sĩ Shawn McHale đồng ý rằng internet đã khiến nhiệm vụ kiểm duyệt của chính quyền ngày càng khó khăn.

“Trong quá khứ, Đảng Cộng sản có thể dễ dàng gièm pha qua báo in đa số nhà chỉ trích, thường là người Việt chống cộng ở hải ngoại. Ngày nay, nhiều sự bất mãn dường như đến từ bên trong – ngay cả từ những cá nhân tự xem mình đảng viên ‘cấp tiến’”.

“Mạng giờ đây là điểm tranh chấp phức tạp, mà ở đó sự phê phán chính phủ ngày càng công khai.”

Ông dẫn ra cuộc tranh luận quanh chủ trương khai thác bauxite ở Tây Nguyên, và cũng lưu ý một số trang web như Talawas hay Bauxitevietnam.info mới đây đã bị tê liệt vì các cuộc tấn công mạng.

‘Những người yêu nước’

Sau khi nhìn lại tiến trình phát triển của xã hội dân sự tại Việt Nam, tiến sĩ Shawn McHale đi vào chủ đề chính của buổi thuyết trình: vụ bắt giữ và sắp đưa ra xử nhóm hoạt động gồm Lê Công Định, Lê Thăng Long, Trần Huỳnh Duy Thức và Nguyễn Tiến Trung (người bị bắt cùng đợt, ông Trần Anh Kim đã ra tòa ở Thái Bình hồi cuối tháng 12).

Diễn giả người Mỹ xem “toàn bộ các bị can là người Việt Nam yêu nước”.

“Những người này tự xem mình là người ‘cấp tiến’. Họ chia sẻ nhiều giá trị với các thành viên của giới tinh hoa tiến bộ mới.”

Ông lưu ý Hiến pháp Việt Nam khẳng định các quyền về tự do do báo chí, lập hội, tự do tư tưởng, nhưng nhà nước đã luôn hạn chế các quyền này bằng câu nói công dân phải hoạt động “trong khuôn khổ pháp luật”.

Cáo trạng ban đầu với những người này là tội “tuyên truyền chống nhà nước”. Nhưng tiến sĩ Shawn McHale cho rằng cáo trạng này có vấn đề vì nhiều người Việt vẫn được chỉ trích nhiều chính sách của nhà nước. Vì thế tội danh của họ bị đưa lên thành nặng hơn – tội “lật đổ”. Để chứng minh các bị cáo đã vượt ra ngoài “khuôn khổ pháp luật”, dường như cách dễ nhất là đặt hành động của Lê Công Định và bốn người kia vào một âm mưu tập thể, không còn chỉ là sự mơ tưởng về một nước Việt Nam mới và khác mà đã là cố gắng lật đổ nhà nước.

Diễn giả cũng lưu ý sự buộc tội của chính phủ một phần dựa trên các hoạt động diễn ra bên ngoài Việt Nam – ví dụ cáo buộc nói Lê Công Định đã tiếp xúc với “khủng bố” ở Mỹ hay tham dự khóa học ở Pattaya, Thái Lan.

Khi đọc cáo trạng, có cảm tưởng phần lớn bằng chứng lấy từ các trang web hải ngoại và từ trao đổi email. Nhiều email lại là đặt ở các máy chủ nước ngoài, ví dụ Gmail. Và chính phủ Việt Nam “chưa bao giờ giải thích làm thế nào họ có thể, một cách hợp pháp, tiếp cận nguồn tài liệu này”.

Sử gia người Mỹ kết luận: “Tôi tin rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang học nhầm bài học từ lịch sử. Thiên An Môn và Sự sụp đổ Bức tường Berlin đã làm Đảng tỉnh ra. Họ không muốn lặp lại sai lầm tương tự. Họ không muốn có phong trào dân chủ ở Việt Nam.”

Bài học “đúng đắn” từ lịch sử, vị tiến sĩ đặt vấn đề, lại có thể là bài học Nhật Bản sau chiến tranh, mà theo ông, đã khai mầm một xã hội dân sự sôi động cùng chung sống với chủ nghĩa chuyên chế.

“Tại Nhật, các trí thức cho rằng nhiệm vụ của họ là ‘kỷ luật’ nhà nước thông qua sự phê phán, nhưng họ không thách thức quyền căn bản của nhà nước được cai trị.”

“Đa số người Việt không phải là các nhà hoạt động dân chủ. Họ muốn nhìn thấy trách nhiệm giải trình. Họ tin những kẻ tham nhũng phải bị trừng phạt. Họ tin chính phủ cần hành động theo quyền lợi của nhân dân.”

“Để giải quyết những vấn đề đó, chính phủ Việt Nam có thể nên bớt tập trung vào các nhà dân chủ, để chú ý hơn nguồn gốc của sự bất mãn: những hành động của chính Đảng Cộng sản.”

Nguồn: BBCVietnamese

Tại Việt Nam, phiên xử phúc thẩm 9 nhà ly khai bắt đầu từ ngày mai

Một số nhà hoạt động dân chủ taị Việt Nam

Một số nhà hoạt động dân chủ taị Việt Nam

Theo AFP, nhiều nước phương Tây và các tổ chức bảo vệ nhân quyền đã bày tỏ sự lo ngại về việc chính quyền Việt Nam đem ra xét xử hàng loạt những người bất đồng chính kiến và xem đây là dấu hiệu của sự đàn áp đối với các nhà ly khai trong bối cảnh chuẩn bị tổ chức đại hội đảng lần thứ 11.

Những người này đã bị xử sơ thẩm hồi đầu tháng 10 năm ngoái với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo khoản 1 điều 88 bộ Luật Hình sự. Theo tư pháp Việt Nam, thì những người nói trên đã treo các biểu ngữ đòi dân chủ, phân phát truyền đơn và tiến hành một chiến dịch chống nhà nước trên internet.

Trong phiên xử sơ thẩm, các nhà đấu tranh cho dân chủ đã bị tuyên án từ 2 đến 6 năm tù giam, kèm theo hình phạt bổ xung từ 2 đến 3 năm quản chế sau khi mãn án tù.

Người bị xử nặng nhất là nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, 6 năm tù giam. Luật sư Trần Vũ Hải, người bào chữa cho nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết là phiên xử phúc thẩm đối với ông Nghĩa sẽ diễn ra vào ngày 21 và 22 tháng giêng.

Cũng trong tuần tới, Việt Nam sẽ đem ra xét xử bốn nhà bất đồng chính kiến, đó là các ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long và Trần Huỳnh Duy Thức.

Theo AFP, nhiều nước phương Tây và các tổ chức bảo vệ nhân quyền đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về việc chính quyền Việt Nam tiến hành bắt bớ và đem ra xét xử hàng loạt những người bất đồng chính kiến và xem đây là dấu hiệu của sự đàn áp đối với các nhà đấu tranh cho dân chủ trong bối cảnh chuẩn bị có đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11, sẽ được tổ chức vào đầu năm 2011.

Giới ngoại giao phương Tây tại Việt Nam chia sẽ quan điểm cho rằng tình trạng nhân quyền không được cải thiện mà còn tồi tệ đi. Việc chuẩn bị đại hội Đảng chỉ là một trong những lý do và chắc chắn sẽ còn nhiều nguyên nhân khác nữa.

Đức Tâm
Theo: RFI

Sắp diễn ra một loạt vụ xử đối kháng

Nguyễn Tiến Trung khi bị bắt
Nguyễn Tiến Trung bị bắt ngày 07/07

Dự kiến bốn người hoạt động dân chủ sẽ bị đưa ra xử tại Toà án nhân dân TP. HCM trong hai ngày 20 và 21 tháng Giêng.

Các ông Lê Công Định, Trần Anh Kim, Lê Thăng Long, Trần Huỳnh Duy Thức và Nguyễn Tiến Trung bị chính quyền bắt giữ năm ngoái, ban đầu với tội danh tuyên truyền chống nhà nước.

Sau đó, cáo trạng chống lại họ được tăng nặng lên, thành tội lật đổ chính quyền nhân dân theo điều 79 Bộ Luật Hình sự.

Cựu quân nhân Trần Anh Kim, đã bị tuyên án hơn 5 năm tù và ba năm quản chế trong phiên tòa sơ thẩm ở Thái Bình ngày 28/12.

Người nhà của ông Nguyễn Xuân Nghĩa cũng cho biết ông và năm người trong nhóm Hải Phòng sẽ ra trước phiên tòa phúc thẩm ngày 21 và 22 tháng Giêng.

Ba nhà hoạt động khác, Vũ Hùng, Phạm Văn Trội và Trần Đức Thạch, được nói là cũng sẽ ra tòa phúc thẩm ở Hà Nội trong tuần sau.

Phiên xử ở TP. HCM

Bà Lê Thị Minh Tâm, mẹ của Nguyễn Tiến Trung, xác nhận với BBC hôm nay rằng phiên tòa xử con bà cùng ba người khác – các ông Định, Long và Thức – sẽ ra tòa ở TP. HCM ngày 20 tháng Giêng.


Luật sư Lê Công Định sẽ ra tòa ngày 20 tháng Giêng

Theo bà, phía cơ quan điều tra nói phiên tòa bắt đầu lúc 8h sáng, dự kiến chỉ diễn ra trong một ngày, mặc dù không loại trừ khả năng kéo thêm ngày thứ hai.

Bố mẹ Nguyễn Tiến Trung sang thứ Hai 18/01 sẽ đi nhận giấy cho phép vào dự phiên xử – tòa cho phép một bị cáo có hai thân nhân đến tòa.

Luật sư Đoàn Thái Duyên Hải đã gặp thân chủ Nguyễn Tiến Trung vào hôm thứ Năm 14/1.

Trong khi đó, tại Hải Phòng, bà Nguyễn Thị Nga, vợ nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, nói với BBC rằng nhóm sáu nhà hoạt động Hải Phòng – gồm chồng bà – sẽ ra phiên tòa phúc thẩm ngày 21 và 22 tháng Giêng.

Năm người khác trong nhóm là Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Hữu Tính, Nguyễn Kim Nhàn, và Ngô Quỳnh.

Theo bà Nga, ông Nghĩa, Tính và Sơn đã từ chối có luật sư trong phiên phúc thẩm vì muốn tự biện hộ, và ba người còn lại thì vẫn chấp nhận có luật sư bào chữa.

Các chính phủ phương Tây và tổ chức nhân quyền bày tỏ lo ngại về các vụ bắt giữ và một số người xem đây là dấu hiệu trấn áp trước khi diễn ra Đại hội Đảng năm 2011.

Bản tin của AFP dẫn lời một nhà ngoại giao nước ngoài nói hôm thứ Sáu: “Nhiều nhà ngoại giao chia sẻ quan điểm rằng tình hình trở nên xấu đi, tình hình nhân quyền không cải thiện mà ngược lại xấu đi.”

“Đại hội Đảng sắp tới có thể là một trong các lý do, nhưng có lẽ còn những nguyên nhân khác chúng tôi không biết.”

Theo BBCVietnamese