Translate

Monday, December 6, 2010

Hội thảo: Ðô thị hóa Việt Nam không bền vững

Theo NguoiViet Online

ÐÀ NẴNG (TT) - Hôm 4 tháng 12 năm 2010, Hội Kiến Trúc Sư CSVN tổ chức cuộc hội thảo tại thành phố Ðà Nẵng đưa ra nhận định: “Các phong trào đô thị hóa ở Việt Nam hiện nay là giả tạo vì không đạt tiêu chuẩn sống một cách bền vững.

Cư dân thành phố nhìn vào bản đồ qui hoạch thủ đô Hà Nội dọc theo sông Hồng trong cuộc triển làm về phát triển đô thị ở Hà Nội ngày 12 tháng 5, 2008. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Hơn 50% cư dân đô thị sống trong điều kiện thấp kém, tồi tàn, thiếu tất cả các cơ sở hạ tầng cần thiết của một đô thị: Giao thông, cấp nước, thoát nước, điện, đèn chiếu sáng, v.v.”

Trình bày trước một cử tọa khoảng 150 kiến trúc sư, ý kiến của ông Trần Trọng Hanh - ủy viên Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam cho rằng tình trạng đô thị hóa ở trong nước bất chấp các điều kiện cần có trong khi dân số đô thị tăng đều từ 12 lên tới 25 triệu rưỡi người, tính từ năm 1986 cho đến năm 2009.

Một số kiến trúc sư khác đưa lập luận cho rằng nhà ở vượng khí phải quay mặt về hướng Ðông Nam hoặc hướng Nam, để đón gió mát vào Mùa Hè và tránh gió rét vào Mùa Ðông, và cần có một không vườn hài hòa với cảnh quan để làm cho cuộc sống cư dân trở nên dễ chịu hơn. Tuy vậy, vì đất đô thị chật chội, đắt tiền cho nên người ta cứ xây “thoải mái”, có đất thì cứ xây, chen chúc, bất kể.

Một số kiến trúc sư khác thì xác định rằng sự biến đổi khí hậu sẽ mang lại các đợt bão lụt triền miên, đưa nước biển vào sâu sông rạch... sẽ tác động xấu đến “thành quả phát triển đô thị”. Nói tóm lại, cuộc hội thảo nói trên báo động về tình trạng đô thị hóa ồ ạt, thiếu vững bền trong nước dẫn tới hậu quả: Cuộc sống cư dân đô thị sẽ không khác gì người nông thôn, phải đi lại bằng... xuồng, thiếu điện, thiếu nước, bệnh tật triền miên...