Translate

Tuesday, February 3, 2009

Luật sư Lê Trần Luật: Luật của CSVN chứa đựng nhiều điều vô lý, lạc hậu

VietCatholic News (03 Feb 2009 14:46)

Trong năm 2008, tại Việt Nam đã có những phiên tòa xét xử các nhà báo phanh phui tham nhũng, đã có nhiều nhà dân chủ bị bắt giam mà chưa được xét xử. Theo dõi những vụ việc này, giới quan sát cho rằng dường như tại Việt Nam không có sự độc lập giữa Hành pháp và Tư pháp.

Tại Hà Nội, vào ngày 29 tháng 12 năm 2008, trong hội nghị của ngành tư pháp về triển khai công tác tư pháp năm 2009, Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đã nói: "Việc điều hành của chính phủ phải theo luật pháp, người dân, các doanh nghiệp cũng phải làm theo luật pháp, nhưng luật pháp còn nhiều vướng mắc. Nếu chúng ta không quyết liệt tháo gỡ sẽ khó khăn trong điều hành. Chính vì vậy, việc triển khai thực hiện tốt công tác tư pháp năm 2009 của Bộ Tư pháp sẽ góp phần cùng Chính phủ giải quyết tốt khâu điều hành, giải quyết những khó khăn của đất nước".

Từ Sài Gòn, luật sư Lê Trần Luật của văn phòng luật sư pháp quyền đã trả lời những câu hỏi của Hiền Vy về lời phát biểu đó.

Hiền Vy: Trong bài nói chuyện vào ngày 29 tháng 12 năm 2008 tại Hà Nội, Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đã nói: "Việc điều hành của Chính phủ phải theo luật pháp, người dân, các doanh nghiệp cũng phải làm theo luật pháp, nhưng luật pháp còn nhiều vướng mắc. Theo luật sư thì luật pháp Việt Nam có những vướng mắc như thế nào mà ông Dũng muốn tháo gỡ ?

LS Lê Trần Luật: Hệ thống pháp luật Việt Nam rất lộn xộn chứ không phải vướng mắc. Nếu hiểu ở cấp độ pháp lý thì vướng mắc có nghĩa là những điều luật bị mâu thuẫn lẫn nhau. Theo tôi nhận định thì hệ thống pháp luật Việt Nam khá lộn xộn. Vấn đề nó nằm trong tư duy của những nhà quản lý, tư duy của nhà cầm quyền. Trong tư duy họ tự mâu thuẫn lẫn nhau giữa quyền lực và một hệ thống pháp luật dân chủ bên ngoài.

Chính sự vướng mắc trong tư duy của họ đã dẫn đến việc khi họ tiến hành làm luật hay khi họ tiến hành thực hiện những điều luật đã quy định nó trở nên lộn xộn và không có một trật tự nào hết. Nói như thủ tướng là vướng mắc thì chưa chính xác mà phải nói là luật pháp Việt Nam còn rất nhiều lộn xộn. Hay nói là một hệ thống pháp luật còn rất là mong muội, sơ khai.

Hiền Vy: Xin luật sư nói rõ hơn về cái mà luật sư mới bảo là luật pháp Việt Nam không chỉ là vướng mắc mà là lộn xộn, thưa luật sư, cái lộn xộn đó như thế nào?

LS Lê Trần Luật: Cái căn nguyên của sự lộn xộn đó là ở trong tư tưởng của những nhà lãnh đạo. Đó là tư tưởng tham quyền và một cái bên ngoài cần một hệ thống pháp luật dân chủ. Dưới cái sự tham quyền lực này với cái ý niệm dân chủ là 2 cái đã mâu thuẫn với nhau. Còn về lộn xộn thì lộn xộn ngay từ cái khâu làm luật. Như khi chuẩn bị trình cho quốc hội một dự án luật thì chính quyền lại giao cho cơ quan chủ quản về cái luật đó để thực hiện cái dự thảo luật.

Ví dụ như khi họ làm luật doanh nghiệp thì lại giao cho Bộ Kế hoạch Đầu tư làm, như thế thì theo nguyên lý, cơ quan hành pháp tự tạo ra một dự thảo luật thì họ luôn luôn có khuynh hướng là dành lấy quyền luật cho cơ quan hành pháp. Ngay từ ban đầu nó đã chứa đựng sự lộn xộn và cái cách thức làm luật.

Cái thứ hai là những vấn đề về Đại biểu Quốc hội của Việt Nam. Có thể nói rằng đại biểu quốc hội là một đại biểu không chuyên. Nhận định của họ có thể nói là thiếu chiều sâu hay là thiếu góc độ pháp lý đủ sâu sắc để mà đánh giá từng điều luật một. Ngay khâu làm luật đã thể hiện một cách tiến hành lộn xộn. Khi cách thức tiến hành lộn xộn thì chắc chắn điều luật sẽ không ổn được

Một căn nguyên nữa đó là, lâu nay nhà nước Việt Nam không có tôn trọng những qui luật khách quan khi làm luật. Một khi mà họ còn nghĩ rằng pháp luật là ý chí của nhà cầm quyền thì khi đó họ sẽ không làm luật được, bởi vì, pháp luật có một bản chất quan trọng là bản chất khách quan, hay nói đúng hơn là pháp luật không có mục đích tự thân mà pháp luật phải dựa trên những nhu cầu khách quan của xã hội, chứ không phải dựa theo ý chí của nhà cầm quyền.

Khi mà pháp luật dựa trên ý chí của nhà cầm quyền thì nó sẽ xung đột với nhu cầu khách quan và sẽ không bao giờ được áp dụng trôi chảy trong thực tế, hay nói đúng hơn là khi đó nó sẽ rất là lộn xộn khi áp dụng điều luật trong thực tế bởi vì nhu cầu khách quan không cần điều đó nhưng nhà làm luật muốn ép cái khách quan, ép cái nhu cầu của xã hội vào trong ý muốn của mình thì không bao giờ thực hiện được.

Phải hủy bỏ Điều 4

Hiền Vy: Căn bản luật pháp của VN dựa trên luật pháp tây phương, mà luật pháp tây phương thì dựa trên sự phân quyền rõ rệt giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp. Thưa, trong điều kiện chính trị tại Việt Nam, làm cách nào để có sự phân định đó?

LS Lê Trần Luật: Trong điều kiện Việt Nam, chỉ có một cách thức là cho đa nguyên, đa đảng thì khi đó mới có thể thực hiện được sự phân quyền một cách rõ rệt. Khi khoa học về pháp lý người ta nghĩ ra được cách phân quyền, đó là lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Sở dĩ người ta phân quyền như thế là vì quyền lực được tách ra làm 3 nhóm. Ba nhóm quyền lực này đối trọng và hạn chế lẫn nhau để tránh dẫn đến một chế độ độc tài. Còn ở Việt Nam, nói là có phân quyền nhưng phân quyền một cách tập trung, có nghĩa là 3 quyền này vẫn nằm trong một thế lực lãnh đạo. Nhà nước bảo rằng có lập pháp, hành pháp và tư pháp nhưng cả 3 quyền này chỉ được phân trên mặt hình thức thôi còn nội dung thì vẫn nằm trong tay đảng cộng sản.

Vấn đề đặt ra là nhà cầm quyền có thực sự muốn phân bố quyền lực của mình theo cách của khoa học pháp lý phương tây đã làm hay không? Tôi cho rằng, ở ViệtNam, đảng cộng sản không muốn phân chia quyền lực, bằng cách họ đã ghi hẳn trong điều 4 hiến pháp rằng đảng cộng sản là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước.

Điều đó có nghĩa là quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp đều nằm trong tay đảng cộng sản. Như thế thì không có sự phân quyền ở đây. Còn làm thế nào để có sự phân quyền thì theo tôi chỉ có một giải pháp duy nhất là cho đa đảng

Hiền Vy: Làm sao để xây dựng một nhà nước pháp quyền cho ViệtNam ?

LS Lê Trần Luật: Trước hết cần phải hiểu tư tưởng nhà nước pháp quyền ViệtNam. Về mặt nội dung, pháp luật phải tôn trọng những qui luật khách quan, hay nói đúng hơn là trong tư tưởng của các nhà lãnh đạo phải nghĩ rằng pháp luật là một nhu cầu khách quan. Pháp luật không có mục đích tự thân của mình mà pháp luật phải tương thích và phù hợp với những nhu cầu khách quan, chứ pháp luật không thể là ý chí của giai cấp cầm quyền được.

Nhà cầm quyền Việt Nam hay nói là làm sao để cho chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước đi vào đời sống. Tôi cho rằng, tư duy như thế là phản khoa học. Chúng ta cần phải tư duy ngược lại, là làm sao cho đời sống xã hội đi vào trong chính sách của đảng và đi vào trong pháp luật của nhà nước, chứ không phải là luật pháp đi vào trong đời sống. Khi có tư duy phù hợp với khoa học như thế thì họ mới xây dựng được nhà nước pháp quyền ở mặt nội dung.

Về mặt hình thức, nhà nước pháp quyền phải bảo vệ tính tối cao của pháp luật, tính thượng tôn của pháp luật. Tính thượng tôn của pháp luật chỉ có thể được bảo đảm khi mà không còn một đảng lãnh đạo.

Một đảng lãnh đạo thì sẽ không tôn trọng những qui định của pháp luật nên cần phải có một chế độ đa nguyên, đa đảng để làm đối trọng quyền lực. Sự đối trọng quyền lực bắt buộc những người lãnh đạo phải tuân theo pháp luật. Tất nhiên là còn nhiều vấn đề khác nhưng trong lần này tôi chỉ có thể nói đến 2 vấn đề lớn đó.

Hiền Vy: Xin cảm ơn luật sư Lê Trần Luật.

(Nguồn: RFA, ngày 2.2.2009)
Hiền Vy

Tại hội nghị trung ương 9: Nhân sự luẩn quẩn loanh quanh

Bùi Tín

Hội nghị trung ương 9 đảng Cộng sản không tránh khỏi phải bàn đến việc chấn chỉnh và bổ sung nhân sự. Dù cho hầu hết 14 vị uỷ viên bộ chính trị đều muốn giữ nguyên như cũ (“Vũ Như Cẫn”) để yên ổn tại vị hơn 2 năm nữa.

Nhưng Hội nghị 9 này phải đóng vai trò Mini Đại hội - Đại hội nửa nhiệm kỳ, nên nó buộc phải bàn đến chuyện thay đổi nhân sự, nghĩa là thay đổi, bổ sung Ban chấp hành trung ương và bộ chính trị.

Theo tin tức tiết lộ ra câu lạc bộ Thăng Long, Hội nghị trung ương đã để đến 4 ngày bàn về thay đổi nhân sự. Và nhiều cuộc to tiếng sát phạt nhau đã vọng ra bên ngoài.

Việc ông Mạnh về nghỉ đã thành chuyện thật, vì ông đã sang tuổi 69, vượt tuổi nghỉ hưu 65 đến 4 tuổi, và theo đúng lời ông từng hẹn hơn 2 năm trước là chỉ ở thêm nửa nhiệm kỳ. Kỳ này ông vẫn còn nài để mặc cả, xin cho cậu con trai Nông Quốc Tuấn vào Trung ương trong danh sách bổ sung trung ương, điều mà ông đã thất bại hơn 2 năm trước. Thì ra vị số 1 của chế độ vẫn có thể không biết trơ trẽn là gì. Ai cũng biết còn ông Mạnh tại vị thì vụ án PMU18 và vụ án PCI quan hệ với nước Nhật sẽ còn tắc tị dài dài, vì ông Mạnh đã bảo kê cho những kẻ tội phạm, từng là ân nhân của con cái ông trong ngành Giao thông vận tải, ngành nổi tiếng là lắm "màu", cờ bạc và ăn chơi vung vít.

Ai sẽ thay ông Mạnh ? Ông Triết thèm vị trí này, kiêm nhiệm chức Chủ tịch nước, nhưng bệnh ung thư không cho ông hy vọng. Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng muốn chức này, nhàn hơn chức thủ tướng, nhưng ông không còn đủ uy tín, sau khi làm nông dân đồng bằng sông Cửu Long mất đứt 2 tỉ đôla xuất khẩu hụt lúa, mà không có một lời xin lỗi. Ông Trương Tấn Sang thì thèm chức vị này ra mặt, nhưng ông mang nhiều tiếng không đẹp: "công tử Bạc Liêu", "play boy", nhiều bê bối, từng dính sâu vụ Năm Cam, "ưa ăn nhậu và mát mẻ", "thích hiếu hỉ" hơn là làm việc...

Để xem mặt mũi tổng bí thư mới của đảng sẽ là ai, trong 2 ngày nữa.

Hay là sẽ để treo, với nguyên trạng, kiểu đèn cù. Loanh quanh để... về chỗ cũ.

Còn bổ sung bộ chính trị? Người ta được biết ông Tô Huy Rứa, trưởng ban tuyên giáo, ông Nguyễn Thiện Nhân, phó thủ tướng, bộ trưởng giáo dục và đào tạo, bà Tòng Thị Phóng trưởng ban Dân vận (hay Dân giận vì bị mất đất?), là những người được nhắc đến, đều là những nhân vật trung bình, mờ nhạt.

Còn những người trong bộ chính trị bị chê bai, "mổ xẻ" trong hội nghị được tiết lộ là có ông Lê Thanh Hải, bí thư thành uỷ, nguyên chủ tịch Sài Gòn, trong tội ăn quá nhiều đất cát và bất động sản, còn đồng mưu với bị cáo Huỳnh Ngọc Sỹ trong vụ án lớn PCI đang tắc nghẽn, cũng là thông gia của ông Hải; ông Phạm Quang Nghị với vụ án tham nhũng lưu cữu khi còn làm bộ trưởng văn hoá, ăn bớt hàng triệu frăng trong vụ chính phủ Pháp viện trợ tân trang Nhà Hát Lớn Hà Nội, gần đây mắng mỏ dân thủ đô "chuyên ỷ lại chính quyền", lại còn xuyên tạc một cách thấp hèn lời tâm huyết của Ngài Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt. Có ý kiến nên cho ông Nghị về nghỉ sớm vì kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long với bí thư thành uỷ bê bối thì rất khó coi.

Cũng có tin ông Trương Vĩnh Trọng phó thủ tướng chuyên trách chống tham nhũng có thể bị mất chức uỷ viên bộ chính trị, vì quá ư bất lực và bất động trong việc chống tham nhũng - giặc nội xâm, được coi là nhiệm vụ ưu tiên số 1 của chế độ.

Cũng có tin ở Bộ Nội vụ, cuộc xung đột ngầm giữa ông bộ trưởng Lê Hồng Anh và ông Thứ trưởng thường trực Nguyễn Khánh Toàn - một nhân vật nhiều mưu đồ và tham vọng đã được giải quyết, với việc chỉnh đốn, sắp xếp lại ở bộ nội vụ, cho ông Nguyễn Khánh Toàn về nghỉ và đưa ông Lê Hồng Anh về làm bí thư thành uỷ Sài Gòn, thay ông Hải về nghỉ.

Xin thông báo vài tin vắn hiếm hoi tiết lộ từ Hà Nội dể các bạn tham khảo, với những thận trọng cần thiết.

Quý mến chào các bạn.

Paris 13-1-2009 - Bùi Tín
14 Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Công sản Việt Nam không ai mất ghế

Những đồn đại là tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 9 sẽ có sự xáo trộn trong hàng ngũ lãnh đạo chóp bu là có thể một số người trong Bộ Chính trị hiện nay có thể bị mất ghế. Nhưng rốt cuộc mọi việc vẫn như cũ, chẳng có ai phải rời bỏ cái ghế đầy quyền uy này.

Trước hội nghị người ta nghĩ ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị lung lay cái ghế Uỷ viên Bộ Chính trị vì bị tai tiếng trong vụ bê bối PCI khiến cho Nhật Bản quyêt định tạm ngưng cung câp vốn ODA cho Việt Nam. Có người còn đoán là ngay đến cái ghế Tổng bí thư của ông Nông Đức Mạnh cũng bị lung lay vì đức chẳng có, mà tài thì nông cạn. Nhưng đến khi hội nghị kết thúc vào chiều 13/1/2009, mọi sự dàn xếp, chia sẻ quyền lực đã được ổn thoả giữa phe bảo thủ và cấp tiến. Hai phe tuy có mâu thuẫn, nhưng vì quyền lợi sống còn của mỗi phe nên tạm thời phải dàn hoà để bảo toàn đươc cái ghế của phe mình trong Bộ Chính trị.

Tuy nhiên phe bảo thủ có phần lấn lướt hơn, bởi cái ghế Bộ Chính trị còn khuyết không bầu được ở Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đến chiều ngày 13/1/2009, đã được trao cho Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng, người của phe bảo thủ. Hiện nay Tô Huy Rứa giữ Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội đồng lý luận Trung ương. Hai nhân vật khác của phe bảo thủ là Ngô Văn Dụ, năm giữ chức Chánh văn phòng Trung ương Đảng và Hà Thị Khiết nắm giữ Trưởng ban Dân vận Trung ương được bầu bổ sung vào Ban Bí thư Trung ương Đảng…

Thế là màn kịch về nhân sự ở Hội nghị Trung ương 9 đã kết thúc. Bộ máy cầm đầu chóp bu Đảng Cộng sản Việt Nam tạm thời chưa có gì thay đổi. Với khuôn mặt 15 Uỷ viên Bộ Chính trị người ta thấy rõ triễn vọng đen tối của đất nước Việt Nam những ngày sắp tới: Tham nhũng tiếp tục hoành hành trắng trợn hơn. Tư do, dân chủ sẽ càng bị bóp nghẹt nhiều hơn. Khoảng cách giữa kẻ giầu sang trên sự bóc lột, đục khoét, tham nhũng và người nghèo sẽ có khoảng cách ngày càng xa hơn.

Lê Phương Nga

Cái chết của một dòng sông

Đọc bài Cái chết của một dòng sông của Đỗ Thái Nhiên, ta sẽ cảm thấy đau lòng và ngậm ngùi khi nghĩ đến nhân dân Việt Nam đang bị đè đầu cưỡi cổ bởi một nhóm người lãnh đạo đầu óc ngu muội, coi quyền lợi bản thân lớn hơn quyền lợi của tổ quốc và nhân dân.

Cái chết của một dòng sông

Nguyen Thai Hoc Organization

Đỗ Thái Nhiên


Từ hơn một thập niên qua, tại Việt Nam, dư luận quần chúng cũng như báo chí đã có những tranh cãi ồn ào về sự việc công ty Vedan ra đời năm 1991, chuyên sản xuất bột ngọt, tinh bột và các hóa chất khác… Vedan là công ty với vốn 100% của Đài Loan đã gây ô nhiễm môi trường, làm cho tôm, cá chết hàng loạt trên sông Thị Vải. Năm 1995, một cách gián tiếp nhận lỗi về phần mình, công ty Vedan chấp nhận tự nguyện đóng góp 15 tỷ đồng Việt Nam để trợ giúp những nơi xảy ra tai nạn cá tôm chết hàng loạt.

Ngày 12 tháng 09 năm 2008, công ty Vedan bị bắt quả tang là đã xả nước hóa chất phế thải chảy trực tiếp xuống sông Thị Vải. Bề ngoài công ty Vedan cho xây dựng một hệ thống giả xử lý nước thải. Dung tích của hồ chúa nước dành cho sản xuất là 60.000 thước khối. Tuy nhiên, đàng sau hệ thống giải quyết nước thải giả kia, Vedan lại bí mật thiết kế một hệ thống ngầm rất tinh vi (1) để xả thẳng nước thải độc hại xuống đáy sông Thị Vải. Trong trường hợp bị thanh tra, nhân viên Vedan chỉ cần một động tác gọn nhẹ là có thể làm cho hệ thống xử lý nước thải giả vận hành rầm rộ để dễ dàng qua mặt đoàn thanh tra. Công việc giải quyết chất thải theo đúng luật bảo vệ môi sinh rất tốn kém. Đó là lý do giải thích tại sao Vedan đã gian dối buộc sông Thị Vải mỗi ngày phải nhận khoảng 50 ngàn thước khối nước thải độc hại. Mười bốn năm qua sông Thị Vải hứng chịu hàng chục triệu thước khối chất độc. Ngày nay, hai bên bờ sông Thị Vải bốc mùi hôi thối, nước sông đen ngòm, tôm cá hoàn toàn vắng bóng. Sông Thị Vải đã chết. Tiến sĩ môi trường Nguyễn Hữu Ninh từ Hà Nội cho rằng khi xây dựng nhà máy, công ty Vedan đã khai gian ở phần đánh giá tác động của nhà máy đối với môi trường chung quanh. Đó là cốt lỏi của câu chuyện Vedan giết chết Thị Vải.

Ts. Lâm Minh Triết
Nguồn: thuonghieuviet.com
Ngày 08/10/2008 Bộ Tài Nguyên Môi Trường ra quyết định xử phạt công ty Vedan 267 triệu đồng Việt Nam tương đương với 17 ngàn mỹ Kim. Tiến sĩ Lâm Minh Triết, phó chủ tịch hội Bảo Vệ Thiên Nhiên và Môi Trường bảo rằng tiền phạt vừa nói đã được tính toán tới mức cao nhất. Mặt khác, bộ Tài Nguyên Môi Trường còn cho rằng vụ Vedan không có đủ bằng chứng cấu thành để khởi tố hình sự. Như vậy sinh mệnh của một dòng sông đi kèm với sức khẻo và quyền lợi kinh tế của nhiều triệu dân nghèo sinh sống ở ven sông Thị Vải chỉ đáng giá 17 ngàn Mỹ kim.

Ngày 02/11/2008, phóng viên Đỗ Hiếu của đài Á Châu Tự Do cho biết: Bộ Tài Nguyên và Môi Trường đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động sản xuất của Vedan cho đến khi hoàn thành biện pháp xử lý nước thải theo đúng tiêu chuẩn bảo đảm an toàn về môi sinh. Thế nhưng mãi cho đến ngày 30/10/2008 Vedan vẫn chưa chấp hành nghiêm chỉnh các yêu cầu cấp thiết của Bộ Tài Nguyên Môi Trường.

Ngày 07/11/2008, Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CHXHCNVN nhấn mạnh cần phải duy trì việc sản xuất kinh doanh của Vedan để giải quyết việc làm, bảo đảm quyền lợi cho công nhân.

Ngày 19/12/2008, báo Người Lao Động ở Hà Nôi loan báo:

Người dân phải tự đi kiện để đòi công ty Vedan bồi thường thiệt hại chứ nhà nước không thể dứng ra kiện giùm. Người Lao Động còn nhấn mạnh: ai có quyền lợi bị xâm hại, chính người đó mới có quyền khởi kiện. Cơ quan nhà nước tức tỉnh Đồng Nai kiện giùm là sự việc bất bình thường.

Sự thiệt hại do Vedan gây ra cho sông Thị Vải và cho cư dân tỉnh Đồng Nai là hiển nhiên và vô cùng trầm trọng. Thế nhưng phản ứng của Hà Nội chỉ có tính chiếu lệ. Ngay cả số tiền phạt chỉ là 17.000 Mỹ kim, Vedan cũng lờ đi không nộp phạt. Những hành động bao che của CSVN dành cho Vedan được dựa vào hai lý lẽ căn bản một là Hà Nội cho rằng “ Vụ việc Vedan không có bằng chứng cấu thành để khởi tố hình sự”. Hai là Hà Nội yêu cầu người dân phải tự mình đi kiện Vedan, nhà nước CSVN không thể kiện giùm.

Mỗi quốc gia có hệ thống luật pháp riêng. Tuy nhiên thế giới có những nguyên tắc chung về luật pháp, gọi tắt là nguyên tắc pháp căn quốc tế. Đến chừng mực nào thì hành động của một người bị xem là có tính hình sự? Nguyên tắc pháp căn trả lời rằng tính hình sự được xác định bởi hai thành tố.

Thứ nhất: hành động của bị can có tính gian trá. Vedan thiết lập hai hệ thống thoát nước. Hệ thống giả chỉ dùng để dối gạt giới chức kiểm tra môi sinh. Hệ thống bí mật dùng để thường xuyên thải hóa chất độc hai vào lòng sông Thị Vải. Như vậy hành động của Vedan là một gian dối lớn. Một mưu tính rất hiểm ác.

Máy vận hành hệ thống xả nước thải lén của Công ty Vedan VN; Một đường ống xả chất thải không qua xử lý
Nguồn: baovietnam.vn/Ảnh: Cục CSMT
Thứ hai: hành động của bị can gây thiệt hai cho cá nhân hay cho xã hội. Nếu tuân thủ nguyên tắc bảo vệ môi sinh khi đào thải hóa chất, Vedan sẽ phải hao tốn tài chánh. Vì vậy Vedan quyết định bí mật giết chết sông Thị Vải, đồng thời tàn phá sức khỏe và đời sống kinh tế của hàng triệu lương dân. Đó là tất cả những thiệt hại Vedan đã gây ra cho con người và cho xã hội.

Có thể nói được rằng trên thế giới này, ngoài trừ CSVN, không ai không nhận ra tính hình sự trong vụ Vedan. Đối với những vụ án hình sự, cơ quan công tố (Viện Kiểm Sát) phải đứng khởi tố. Người bị thiệt hại chỉ đứng dân sự nguyên cáo để đòi bồi thường thiệt hại. Do đó lý luận cho rằng nhà nước CSVN không thể đi kiện Vedan giùm cho người dân hẳn nhiên là lý luận của nhà cầm quyền thiếu hẳn những hiểu biết sơ đẳng về luật pháp.

Vedan vi phạm luật hình sự, CSVN không dám truy tố. Ngược lại CSVN nhanh chóng giam tù tất cả những ngừoi đòi hỏi tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng, tự do báo chí... Mặc dầu những người này hành động ôn hòa, không hề gian dối, không hề gây thiệt hại cho xã hội. Tại sao CSVN có thái độ bên bảo vệ, bên đàn áp như vừa kể? Câu trả lời như sau.

Đài Loan là quốc gia gốc của công ty Vedan. Vedan chuyên sản xuất: bột ngọt, tinh bột nước đường, acid glutamic, hóa chất lysine (α-amino acid - DCVOnline) và các loại hóa chất khác. Sản phẩm do Vedan sản xuất được thị trường thế giới tiêu thụ rất mạnh. Tuy nhiên luật lệ bảo vệ môi sinh đòi hỏi công ty biến chế ra những sản phẩm kia phải trả một phí tổn rất cao. Nhằm giảm thiểu tối đa phí tổn bảo vệ môi sinh trên lãnh thổ Đài Loan năm 1991 Vedan khởi công xây dựng nhà máy trên khu đất diện tích 120 hecta, tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, Đông Nam Saigon. Website của Vedan Đài Loan (www.vedan.com) xác nhận:

“Hiện nay qui mô sản xuất bột ngọt và acid glutamic của công ty Vedan Việt Nam đã có thể thay thế cho Vedan Đài Loan, trở thành nhà máy sản xuất lớn nhất thế giới”.

Nói rõ hơn, thế giới có hai Vedan: Vedan chủ đóng ở Đài Loan và Vedan tớ đóng tại Việt Nam. Vedan chủ chỉ biết thu lợi nhuận. Vedan Việt Nam cung ứng cho Vedan chủ hai dịch vụ trọng yếu. Một là công nhân với tiền lương rẻ mạt đi kèm với luật cấm đình công. Hai là bãi rác chứa hóa chất độc hại. Chính vì các lợi ích to lớn vừa kể, ông chủ Đài Loan đã lên kế hoạch thiết lập thêm hai nhà máy tinh bột với qui mô lớn: một ở VeThái tỉnh Gia Lai và một ở Phước Long tỉnh Bình Phước.

Nhìn vào diễn trình bành trướng Vedan tại Việt Nam: Từ Đồng Nai qua Gia Lai đến Bình Phước, giới quan sát hiểu ngay rằng: CSVN và Vedan đang gắn bó với nhau thông qua trao đổi quyền lợi.

Một đàng là tư bản Đài Loan. Vedan có tiền vốn, có máy móc, có chuyên viên chế tạo ra sản phẩm. Vedan cần tiêu hủy rác hòa chất, nhưng không muốn trả chi phí bảo vệ môi sinh.

Đàng kia là tư bản đỏ Việt Nam. Nhờ vào bản chất của chế độ độc tài khắc nghiệt, tư bản đỏ Việt Nam có khả năng cung cấp cho Đài Loan giá lao động rẽ mạt và nhất là cung cấp cho Đài Loan quyền được tùy nghi sử dụng lãnh thổ Việt Nam làm bãi rác chứa hóa chất độc hại của Vedan. Dĩ nhiên bãi rác kiểu CSVN chỉ biết chứa rác, mọi kỹ thuật bảo vệ môi sinh đều bị CSVN dẹp bỏ. CSVN chỉ cần tiền cho thuê bãi rác.

So chiếu những cái có và những cái cần của hai đàng mọi người hiểu ngay là tại sao Đài Loan Vedan và CSVN gắn bó với nhau, tai sao CSVN chỉ phạt 17000 Mỹ Kim nhưng Đài Loan lại lờ đi, không nộp phạt, tại sao CSVN khúm núm trước Vedan , và sau cùng, tại sao dòng sông Thị Vải bị cưởng bách đi vào cõi chết.

Viết về cái chết của Thị Vải, bài viết này muốn nêu bật thực tế rằng tại Việt Nam ngày nay có rất nhiều dòng sông, rất nhiều miền đất đã chết hay sẽ chết như Thị Vải đã chết. Trên quê hương Việt Nam mỗi lần một phần lãnh thổ, một vùng biển bị mang đi triều cống Bắc Phương, hoăc một dòng sông, một vùng đất gục chết trong môi sinh khắc nghiệt là mỗi lần CSVN có cơ hội chiếm giữ thêm lợi lộc tài chánh và quyền hành. Đó là nội dung tội ác phản quốc của CSVN.



Đường dây buôn lậu


Việt Nam hiện nay có một đường dây buôn lậu quốc tế. Đọc bài sau đây được trích từ BBCVietnamese.com để thấy rõ ràng hơn.

Báo Nhật nói về đường dây buôn lậu ở VNA
Đại lý hàng không
Báo Nhật nói có cả đường dây buôn lậu hàng từ Việt Nam sang Nhật

Cựu phi công Vietnam Airlines Đặng Xuân Hợp trong khi bị bắt đã khai với cảnh sát Nhật Bản về vai trò của 'người thủ trưởng' (boss), giới thiệu cho ông việc làm ăn của đường dây phi pháp.

Báo Nhật tờ Yomiuri Shimbun công bố các chi tiết về đường dây buôn lậu của cựu phi công Hàng không Quốc gia Việt Nam, ông Đặng Xuân Hợp vào Nhật Bản.

Theo bài trên báo ngày 3/02/2009, đường dây chuyển lậu hàng từ Việt Nam vào Nhật là một phần của hệ thống mua hàng ăn cắp từ Nhật để đem ra khỏi nước này.

Bài báo nói điều tra từ 14 địa phương của Nhật cho thấy ít nhất 10 cửa tiệm tại Gunma và Hyogo mua hàng của đường dây mà ông Hợp chỉ là một mắt xích.

Cảnh sát Nhật từ năm 2006 đã điều tra những người Việt mua bán hàng ăn cắp từ các siêu thị và tiệm bán đồ của Nhật.

Nhưng nối hai đoạn của đường dây này là dịch vụ như báo Yomiuri Shimbun gọi là 'ngân hàng ngầm', để tạo điều kiện cho cả việc thu mua hàng nhập lậu và tiêu thụ hàng đánh cắp.

Bắt giữ

Nhà chức trách Nhật đã bắt 84 người liên quan.

Nhưng vụ nổi bật nhất là việc bắt phi công Vietnam Airlines Đặng Xuân Hợp, 33 tuổi và hai người khác ở Tokyo, một nam, một nữ.

Người thứ tư mà cảnh sát Nhật tin là trưởng nhóm là một phụ nữ 34 tuổi ở TP Hồ Chí Minh.

Bài báo nói Nhật Bản đã có được trát bắt người này.

Người ta cũng cho hay ông Hợp trong khi bị bắt đã khai với cảnh sát Nhật Bản về vai trò của 'người thủ trưởng' của ông ta.

Theo đó, chính người lãnh đạo ông Hợp (his boss) đã giới thiệu ông cho người phụ nữ nọ ở TPHCM.

Cựu phi công Hợp cũng khai rằng ông nhận lời chuyển hàng để 'nhận thưởng'.

Nhưng báo Nhật không nêu tên người chỉ đạo ông Hợp là ai và có phải là một quan chức của chính Vietnam Airlines hay không.

Chệnh lệch giá

Bài báo cũng giải mã việc làm ăn của đường dây phi pháp mà phi công Hợp chỉ đóng vai trò vận chuyển.

Nhờ chênh lệch giá cả hàng hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản, nhóm làm ăn đã đưa vào Nhật các mặt hàng, như gia vị phở, thức ăn từ Việt Nam, và chuyển ngược lại mỹ phẩm, đồ video v.v.

Họ dùng phi công Vietnam Airlines vì không phải khai báo hải quan chặt chẽ mà nói là chuyển 'quà' cho ai đó.

Nhưng việc làm ăn lớn tới mức từ 2006 đã lên tới nhiều triệu yên Nhật tính theo trị giá hàng đánh cắp tại Nhật để mang về Việt Nam tiêu thụ.

Phi công Hợp đã bị bắt giữ vào tháng 12/2008 do bị nghi ngờ tiếp tay chuyển hàng ăn cắp của các nhóm tội phạm người Việt hoạt động tại Nhật Bản. Phi công này sau đó đã nhận được cáo buộc chính thức vì hành vi phạm pháp vào hôm 7/01/2009.

Theo cơ quan điều tra Nhật Bản, các phi công và các tiếp viên của Vietnam Airlines thường vận chuyển các khối lượng lớn bất thường hành lý mỗi khi tới Nhật Bản.


Maida, Hoa Kỳ
Đề nghị VTV 1 và báo Hà Nội Mới (đại diện truyền thông VN, vì vừa nhận giải thưởng cao quí về truyền thông năm 2008) nên đưa tin là đường dây buôn hàng ăn cắp nầy cũng chỉ là "cá nhân" chứ không liên quan gì đến bộ mặt VN Airline và đặc biệt hơn là việc "xấu hổ cầm hộ chiếu VN khi đi ra nước ngoài"! Đây là cơ hội rất cao để quí vị nhận tiếp giải trong năm 2009!

Bad
Phi công Hợp là trường hợp xui xẻo trong ngàn trường hợp bê bối nên bị tóm. Đường dây ăn cắp buôn lậu đã hình thành từ rất lâu trong ngành hàng không dân dụng VN. Bê bối trong ngành này nổi tiếng đến nỗi người ta bảo "Ai trong ngành này mà không buôn lậu mới là lạ!".

Không những mang tiếng về những tệ nạn đáng xấu hổ trên, mà ngành này từ lâu còn mang tiếng "chúa kỳ thị"! (Không phải là người miền Bắc, hay ít ra nói giọng Bắc thì đố ai cho anh vào. Đó là sự thật 100%, không dám nói ngoa, cứ vào các sân bay thì thấy hoặc hỏi ai đã từng đi thi vào ngành này thì rõ thôi!). Ngoài ra, muốn vào ngành này còn phải có kèm "bao thư" dày hay mỏng tùy theo chức vụ béo bở nhiều hay ít (?).

Có điều người ta thắc mắc hệ thống camera giám sát ở các cửa hàng bách hóa hay siêu thị bên Nhật sao "kém" quá vậy? Bị mất cắp "ồ ạt" như thế mà bây giờ mới biết kể cũng lạ? Hay là hiện tượng ăn cắp trong siêu thị là điều quá mới mẻ và lạ lùng "được" du nhập vào Nhật mà đối với một nước văn minh như họ không hề mảy may nghĩ đến? Làm đến nơi đến chốn, truy ra cho hết bọn ăn cắp buôn lậu trong ngành hàng không là một việc rất gay go, dễ đụng

Thamnhung everywhere
Có ai đã từng chứng kiến cảnh này tại Kobe chưa: 2 người Việt nói chuyện với nhau, khi biết là người VN, tất cả hành khách Nhật đều xuống xe tại trạm gần nhất, họ sợ Vietnamese mình lắm, vì họ biết người mình ăn trộm nhưng họ lịch sự không nói ra, nhục không?

Kha, Sài Gòn
Xấu hổ, đó là từ duy nhất để nói về hành vi trộm cắp này. Việc trộm cắp của các thành phần có thế lực đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện" đối với quan chức có quyền tại Việt Nam. Cảnh sát điều tra Nhật Bản nếu có tên của người chỉ đạo ông Hợp, thì cũng nên nêu lên mặt báo. Vì chắc chắn rằng, nếu ở Việt Nam thì sự việc sẽ chìm xuồng.

Cám ơn báo chí Nhật Bản và BBC đã đưa tin cho dân chúng Việt Nam cùng biết. Người Nhật họ điều tra rành rành thế, mà chính quyền Việt Nam vẫn che đậy việc này. Thật sự là điều khó hiểu.