Translate

Saturday, February 7, 2009

Sổ tay thường dân Tưởng Năng Tiến: Đầu năm trâu nói chuyện cá

Sổ Tay Thường Dân Tưởng Năng Tiến: Đầu Năm Trâu Nói Chuyện Cá
“Thuyền nhân, cái danh từ có một âm tượng mà mỗi khi chính quyền Hà Nội nghe đến nó thì họ nghĩ ngay đến từ đồng 'đô la'. Thế nhưng cho đến bao giờ người ta mới biết hết được những bất hạnh xẩy ra cho danh từ đó.”
Michelle Tauriac (Viet Nam Le Dossier Noir Du Communism).
Trước hết, để tránh mọi ngộ nhận, xin nói ngay rằng đây là chuyện của cá hồi, và chỉ riêng có cá hồi mà thôi. Nói theo tiếng Mỹ là cá hồi only. Chớ còn cá chim, cá chuồn, cá chép, cá lóc, cá lạt, cá lìm kìm, cá mập, cá mú, cá măng, cá cơm, cá cam, cá cờ, cá trê, cá trích, cá trẻm, cá heo, cá hương, cá hố, cá lù đù, cá lìm kìm, cá lia thia, cá đổng, cá đối, cá đèn cầy, cá bè, cá bẹ, cá bống - bất kể là bống kèo hay bống đá - hoặc bất cứ một loại cá thổ tả nào khác đều hoàn toàn (và tuyệt đối) không có dính dáng gì tới vụ này.
Cá hồi sinh ở sông nhưng sống phần lớn thời gian sống ở biển. Đặc điểm của loài cá này là dù có rong chơi phiêu du ở chân trời góc biển nào chăng nữa, thế nào cũng tìm về nơi chôn nhau cắt rốn để sinh nở. Cá hồi Thái Bình Dương (Pacific salmon), sau khi từ giã nếp sống hải hồ, sẽ không bao giờ trở lại biển cả nữa. Lý do giản dị chỉ vì chúng sẽ chết sau khi đẻ và cho thụ tinh lứa trứng đầu tiên.
Cá hồi Đại Tây Dương (Atlantic salmon) thì khác. Chúng có thể đi đi về về từ sông ra biển và ngược lại nhiều lần mà không hề do dự hay nao núng, dù khoảng cách phải vượt qua có thể dài đến hàng ngàn dặm, với vô số khó khăn và chướng ngại.
Bản năng về nguồn của cá hồi, tất nhiên, đã được loài người ghi nhận và khai thác từ lâu. Riêng người Nhật, dân tộc đứng thứ nhì về kỹ nghệ cá hồi, vẫn đều đặn sản xuất ra thị trường mỗi năm cỡ một trăm ba mươi ngàn tấn.
Xét về số lượng, mức sản xuất của người Nhật không hơn người Nga bao nhiêu và thua xa người Mỹ. Tuy nhiên, cách thức mà dân Nhật bắt cá hồi mới là điều cần cần phải được lưu tâm và học hỏi.
Họ thiết lập nhà máy đóng hộp cá hồi ngay ở ven sông. Cũng chính nơi đây cá được nuôi nấng, đẻ trứng, thụ tinh để mỗi cặp sẽ cho từ hai đến mười ngàn chú cá hồi con ra đời. Sau đó, chúng sẽ được cho phiêu lưu vào đại dương, để bắt đầu cuộc đời “tha phương cầu thực.”
Tùy theo từng loại, cá hồi sẽ sống ở biển từ sáu tháng đến năm năm. Nhờ vào khả năng “cảm” đuợc từ trường của lòng đất và sự chuyển động của hải lưu, nó sẽ tìm được về chốn cũ. Khi vào gần đến bờ, giác quan đặc biệt của loài cá này giúp chúng nhớ được đúng hương vị quê nhà - tức sông xưa bến cũ - và cứ theo đó mà lần về nguồn cội, đến tận nơi sinh nở.
Người ta đặt sẵn nhiều dụng cụ từ cửa sông để giúp cho cá hồi dễ dàng và mau chóng vào đến nhà máy. Tại đây, họ sẽ tạo ra một loại chướng ngại vật giả khiến chúng phải phóng lên cao và khi rơi xuống thì rớt ngay vào một mạng lưới di động. Màng luới này chuyển động không ngừng, qua nhiều khâu chế biến, để đưa cá từ sông vào…hộp !
Nói tóm lại là người Nhật thả cá hồi con ra biển, theo kiểu “đem con bỏ chợ,” để biển cả nuôi nấng. Rồi khi chúng theo bản năng trở về, họ dụ cho cá vào nhà máy để đóng hộp, và mang bán.
Cách họ kiếm tiền ngó bộ dễ và (chắc) là nhiều. Bởi vậy, có kẻ bắt chiếc. Chính phủ Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (tên kêu gọn thường dùng là Việt Cộng) cũng học theo cách làm ăn không vốn gần như vậy. Chỉ khác có chút xíu xiu là họ dùng người để kinh doanh, thay cá.
Từ năm 1978 cho đế năm 1990, bằng hình thức này hay hình thức khác, Việt Cộng đã “thả” ít nhất là hai triệu người dân ra biển. Người ta ước tính rằng trên bước đường lưu lạc cứ ba con cá hồi rời bến sông ra đi thì ít nhất cũng có một con bỏ mạng. Nó trở thành mồi săn cho loài người, cho loài chim, hoặc những loài cá khác. Tương tự, trong số hai triệu người Việt phiêu lưu vào biển cả - tối thiểu - cũng phải một phần ba đã vong mạng.
Họ chết vì bão tố, vì hải tặc, hay vì bị xô đuổi một cách lạnh lùng tàn nhẫn tại bến bờ của những quốc gia lân cận. Nơi đây thuyền bè của họ thường bị lôi kéo trở ngược ra khơi. Họ sẽ lênh đênh giữa trời nước bao la cho đến chết vì không còn tìm được nơi để đến, và cũng không còn đủ lương thực (cũng như nhiên liệu) để tiếp tục đi.
Những kẻ may mắn thoát nạn đều sẽ biến thành cá hồi (theo tinh thần của Nghị Quyết 36) của nhà đương cuộc Hà Nội. Đám dân “trôi sông lạc chợ” này sẽ bị tận tình khai thác, và khai thác dài dài, cho đến khi tắt thở , bằng nhiều cách.
Nếu cá hồi Thái Bình Dương chỉ hồi hương một lần rồi chết thì những thuyền nhân rời khỏi Việt Nam sau ngày 19 tháng 6 năm 1988 - đã có thời gian dài sống tạm trú ở những quốc gia Đông Nam Á - cũng mang số phận y như vậy. Họ bị cưỡng bách hồi hương và không bao giờ còn có dịp ra đi nữa. Riêng với những thuyền nhân ở Hồng Kông - khi phần đất này còn thuộc Anh - Anh Quốc đã thoả thuận trả sáu trăm hai chục Mỹ Kim mỗi đầu nguời để Hà Nội chịu nhận họ trở về, cùng với lời hứa hẹn là họ sẽ không bị hành hạ hay ngược đãi !
Số người Việt may mắn hơn, hiện đang phiêu bạt tứ tán khắp bốn phương trời, có thể được coi như là cá hồi Đại Tây Dương - giống cá có khả năng đi đi về về nhiều lần từ sông ra biển và ngược lại. Những kẻ này vẫn tiếp tục kiếp sống tha phương cầu thực, chăm chỉ cặm cụi kiếm và để dành tiền, rồi hàng năm làm đơn “xin phép” được hồi hương. Mỗi Việt Kiều về thăm quê nhà chắc chắn đều chi trải một số tiền không phải chỉ là sáu trăm Mỹ Kim mà có thể là đến sáu ngàn Đô La, hay nhiều hơn nữa.
“Ngân hàng Nhà nước VN dự báo lượng kiều hối từ nước ngoài gửi về nước năm nay có thể lên tới 8 tỷ đôla, tăng 2,5 tỷ so với 2007” - theo như nguồn tin của BBC, nghe được vào ngày 3 tháng 12 năm 2008.
Hà Nội có lý do để hãnh diện về thành quả này - thành quả kinh tế duy nhất (thực sự) vượt chỉ tiêu - về kỹ nghệ xuất và nhập cảng người, sau hơn nửa thế kỷ mà họ đã nắm được quyền bính ở Việt Nam. Họ đẩy ra khỏi nuớc những con nguời cùng quẫn và sôi xục bất mãn, rồi “thu về” những Việt kiều yêu nuớc và giàu sang.
Thiệt khoẻ !
Tưởng Năng Tiến

Trích Việt Báo

Thư Giáo Già: Nhận diện nội thù

By Hoang Hieu • Feb 5th, 2009 • Category: Thời Sự

Ngày 4 tháng 2 năm 2009

H,

Khi được Ông Thomas P. DiNapoli, comptroller [kiểm soát viên ngân sách] của tiểu bang New York căn cứ trên những tài liệu về mùa bonus [tháng Chạp và tháng Giêng], nhứt là trên những tài liệu khai thuế của những yếu nhân kinh tế, đã khám phá ra những trường hợp các ông Chủ tịch Tổng Giám Ðốc [CEO] của các công ty tài chánh lớn đã tự thưởng công cho mình những món tiền bonus lên tới $18.4 tỷ đô la vào dịp cuối năm 2008, trong lúc họ lớn tiếng kêu gào chánh phủ đem tiền thuế của dân chúng Hoa Kỳ ra giúp họ. Họ không ngần ngại cảnh cáo rằng nếu chánh phủ không kịp thời cứu giúp thì họ sẽ… chết, và nếu họ chết, tức doanh nghiệp của họ… sập tiệm, thì Hoa Kỳ cũng… chết, kéo theo hệ quả là hàng chục triệu người sẽ thất nghiệp [điển hình thấy rõ là số công nhân thất nghiệp đã gia tăng 159,000 chỉ riêng trong tuần lễ từ 10-1 đến 17-1-2009, nâng số thất nghiệp toàn quốc lên tới 4.78 triệu người]. Như vậy là coi như chánh phủ bị họ bắt bí, chánh phủ không dám để họ chết, phải đổ vào 800 tỉ đô la để cứu họ, khiến Tổng thống Obama bực bội nói:

“Ðây là điểm tột cùng của vô trách nhiệm; thật là điếm nhục. Một trong những điều chúng ta cần phải có (để tái thiết kinh tế) là những người tại Wall Street, những người đang kêu cứu (vì thua lỗ), phải tỏ ra biết giới hạn, biết đôi chút kỷ luật, và đôi chút trách nhiệm.”

Tổng thống Obama nói thêm rằng:

“Người Mỹ chúng ta hiểu là chúng ta đang rơi vào vực thẳm, và phải tự lực thoát ra; chúng ta không chấp nhận những kẻ còn đang ra sức đào cho vực thẳm sâu hơn… Họ còn nhiều thì giờ, nhiều cơ hội để tạo lợi nhuận, để tự tưởng thưởng; nhưng cơ hội đó không phải là thời điểm này”.

Phải chăng vì vậy mà ông Richard D. Parsons, tân Chủ tịch của Citigroup, một doanh nghiệp được chánh phủ cấp cứu bằng ngân khoản TARP (Troubled Assets Relief Progam - chương trình trợ giúp những doanh nghiệp gặp khó khăn), trong số những CEO có mặt hôm đó [01/28], đã theo đề nghị của chánh quyền, để Citigroup chấp nhận hủy bỏ việc họ đặt mua một chiếc máy bay phản lực riêng trị giá $50 triệu đô la. Nó cũng khiến ông John A. Thain, viên chức cao cấp của tổ chức kinh tài Merrill Lynch, vừa bị đuổi sở tại Bank of America, nói ông tự nguyện hoàn lại tiền trang bị văn phòng ông, trong đó có một tấm thảm được mua với giá $87,000 đô la và một cái tủ trị giá $35,000 đô la.

Sự phẫn nộ của Tổng thống Obama khiến người theo dõi tình hình Việt Nam liên tưởng tới sự phẫn nộ của Bộ Chính Trị Ðảng Cộng sản Việt Nam khi loạt ảnh chụp trong tư gia của cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, tội phạm hàng đầu dâng đất hiến biển của đất nước Việt Nam cho Trung Quốc, được đưa lên Internet vài ngày qua làm lộ rõ mặt “đểu” hết đường chối của Ðảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, gây phản cảm trong dư luận. Nội vụ được ghi nhận cho biết:

“Ngày 28 Tháng Chạp Âm lịch (24 Tháng Giêng Dương lịch), Ban Liên lạc Ðồng hương Thanh Hóa ở Hà Nội gồm 8 quan chức và lãnh đạo của những công ty quan trọng mặc veston thẳng nếp và cả quân phục, khệ nệ khiêng những thùng quà hiếm quý biếu Tết để tặng cựu lãnh tụ Ðảng Cộng sản Việt Nam, người từng cho rằng mình là lãnh đạo liêm khiết, đi đầu trong việc chống tham nhũng. Ðó là các ông: Lê Thế Chữ - Trưởng ban Liên lạc Ðồng hương Thanh Hóa, Lê Xuân Thảo - Trưởng ban Doanh nghiệp Ðồng hương Thanh Hóa, Hoàng Văn Ðoàn - Phó ban Doanh nghiệp Ðồng hương Thanh Hóa, Lữ Thành Long - Tổng Giám đốc Công ty Misa, Nguyễn Hồng Chung - Chủ tịch Công ty Luật Ðại Việt, Bùi Việt Hà - Giám đốc Công ty HINCO, Nguyễn Hữu Hùng - Công ty Truyền Thông Dầu khí Việt Nam, Lê Xuân Tiến Trung - Công ty Việt FT và một số người khác, cùng là dân Thanh Hóa. Các thành viên trong đoàn đã được ông Lê Khả Phiêu đưa đi thăm tư gia và không rõ ai đó đã đưa hàng loạt ảnh lên Internet để tất cả mọi người có thể tận mắt mục kích cuộc sống xa hoa của một cựu Tổng Bí thư của Ðảng CSVN, để được thấy người tự sùng bái cá nhân mình ra sao [khắp nhà Lê Khả Phiêu, chỗ nào cũng có tượng đồng, tranh, ảnh của cá nhơn Lê Khả Phiêu, nhơn vật này còn tặng cho các thành viên đến thăm, mỗi người một cuốn sách do Lê Khả Phiêu tự viết về mình với tên sách là... “Mênh mông tình dân” khiến dư luận liên tưởng đến chuyện Hồ Chí Minh đã tự đề cao mình trong cuốn sách tự ký dưới bút danh Trần Dân Tiên...]

Ngoài ra, mọi người từng nghe Ðảng và Nhà nước ca tụng Lê Khả Phiêu là nhân vật được xem như “tuyệt đối trung thành với lý tưởng Cộng Sản”, từng lớn tiếng dạy dỗ Tổng thống Bill Clinton của Hoa Kỳ khi ông đến thăm Việt Nam về sự ưu việt của Chủ Nghĩa Cộng Sản nổi tiếng vô thần, nhưng trong tư gia của ông lại có riêng một gian thờ Phật mà tượng bán thân của tội phạm Hồ Chí Minh có kích thước rất nhỏ nằm dưới chân tượng Phật.

Ðiều đáng lưu ý hơn nữa là một nhơn vật tháp tùng đoàn đại biểu viếng thăm nhà Lê Khả Phiêu đã nói: “Mình đã đi nhiều nhà lãnh đạo, và thật thương bác Phiêu vì nhà bác sao mà đơn sơ quá, còn thua xa cả những lãnh đạo cấp nhỏ ở tỉnh mình nữa”. Như vậy là những lãnh đạo cấp nhỏ ở tỉnh còn có cuộc sống xa hoa “cao cấp” đến thế nào nữa!

Chính loạt ảnh chụp tư gia kèm theo lời bình về sự giả dối, xa hoa của Lê Khả Phiêu, cũng như các viên chức cao cấp khác của Ðảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đã khiến dư luận trong nước rúng động. Những hình ảnh và lời bình được phát tán rộng rãi trên Internet khiến Bộ Chánh trị Ðảng Cộng sản Việt Nam phải có một cuộc họp bất thường để mổ xẻ. Theo đó, Trương Tấn Sang, ủy viên Bộ Chính Trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Ðảng, đòi phải: “Làm rõ và vạch mặt những kẻ phá hoại giấu mặt trong nội bộ đảng” [như vậy phô bày cuộc sống xa hoa của cựu lãnh đạo Ðảng là phá hoại?]. Chính Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính Trị, Bộ trưởng Công an nhận trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo điều tra nội vụ.

Ðến nay, công an xác định, trong nhóm đến thăm tư gia Lê Khả Phiêu, có ít nhất ba người mang máy ảnh và cả ba đều đã bị triệu tập để lấy lời khai, nhưng chưa xác định được người đưa tin vô danh là ai… Dầu vậy, di lụy của nó đã khiến các viên chức lãnh đạo đảng và Nhà nước hết sức dè dặt khi tiếp khách tại nhà riêng. Tất cả các cuộc viếng thăm đều bị giám sát chặt chẽ. Ðồng thời sự nghi ngại nhau trong nội bộ đảng và Nhà nước cũng tăng vọt. Trong các câu chuyện xoay quanh sự kiện này cho thấy cán bộ, đảng viên, kể cả sĩ quan an ninh đã thôi không nói đến “thế lực thù địch, phản động bên ngoài” để bàn về “nội thù”.

Chưa biết nội thù từ cuộc sống xa hoa của Lê Khả Phiêu sẽ còn đi tới đâu nữa [Phiêu là Tổng Bí thư bị phê phán là quá thân Trung Quốc, quá ngả về phía Trung Quốc, khiến tại Hội nghị ở Bắc Kinh, Phiêu đã nhượng bộ trước sức ép của Trung Quốc về việc phân định Vịnh Bắc bộ (Theo Zachary Abuza, Phiêu làm điều này không có sự chấp thuận trước của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương và cả Bộ Ngoại giao)]; nhưng chuyện “nội thù” trên cái “lề đường đỏ” của Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Lê Doãn Hợp đã rõ mặt hiện ra trên Giai phẩm Xuân của tờ Du Lịch [cơ quan chủ quản là Tổng cục Du lịch, thuộc Bộ Văn hóa-Thể thao-Du kịch Việt Nam] được phát hành trước Tết Kỷ Sửu, với số lượng khoảng 10.000 bản. Ấn phẩm này vừa ra mắt bạn đọc đã gây xôn xao trong dư luận xã hội đặc biệt là giới trí thức, sinh viên, học sinh…

Nó thu hút ngay sự chú ý lớn từ dân chúng bởi sự góp mặt của khá nhiều tác giả từng là những nhân vật bị Ðảng và Nhà nước xếp vào loại đối kháng như nhà thơ Bùi Minh Quốc hoặc có lời nói khiến Nhà nước khó chịu như Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang A,… Nó còn đăng bài “Hận Nam Quan” của Hoàng Cầm để phê phán Vũ Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng sản Viêt Nam, khi ông này tuyên bố láo lếu trên báo điện tử VietNamNet, ngày 2 tháng 1 năm 2009, rằng: “Theo lịch sử, thác Bản Giốc, ải Nam Quan đã là của Trung Quốc từ đời nhà Minh, nhà Thanh”.

Nó đã khiến sáng ngày 3/2/2009, tại cuộc “họp giao ban” báo chí đầu Xuân Kỷ Sửu, với sự có mặt của Tô Hy Rứa, kẻ cứng đầu mới được cho ngồi vào cái ghế thứ 15 trong Bộ Chính trị [bị bỏ trống hơn 2 năm qua], đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin & Truyền thông, đã thay nhau lên án báo Du lịch dám lên tiếng ca ngợi những thanh niên, sinh viên từng xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa là bất khả xâm phạm…, khiến dư luận chú ý thêm nữa bài “Tản Mạn Cho Ðảo Xa” của Trung Bảo, được trích đăng lại dưới đây:

“Một năm với đời người đã ngắn; đối với đất nước, với dân tộc chỉ như một cái chớp mắt. Có khi người ta không đo một năm bằng 12 tháng, bằng một vòng luân chuyển của đất trời mà người ta đo một năm bằng những sự kiện diễn ra. Có những sự kiện đậm trong trí nhớ con người đến độ một năm trôi qua mà như thấy mới chỉ hôm qua.
Những ngày cuối năm 2007 đầu năm 2008, lần đầu tiên kể từ sau ngày thống nhất đất nước, thanh niên Việt Nam đã xuống đường để bày tỏ lòng yêu nước khi Trung quốc công khai thể hiện dã tâm trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Dẫu rằng vì nhiều lý do, những lần xuống đường đó không được báo chí trong nước thông tin rộng rãi. Dẫu rằng những tấm lòng yêu nước trong sáng, sự hiên ngang khí phách kia không được ngợi ca công khai… nhưng người ta sẽ phải nhớ rằng tấm lòng nhiệt tình với đất nước của thanh niên trí thức trẻ sẽ không bao giờ thay đổi.
Một năm sau, tờ giấy khổ A4 với dòng chữ vi tính: “Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu là của Việt Nam” cùng vài chữ viết tay nguệch ngoạc: “9.12, ngày lịch sử” giờ đây đã ngả màu. Tờ giấy này của một bạn trẻ nào đó, tôi nhặt được trên lề đường Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 1. Tp. HCM), đối diện Lãnh sự quán Trung quốc, trong những ngày đẹp trời cuối năm 2007. Tôi đem nó về dán lên tường nhà mình như một kỷ niệm đẹp. Cái ngày 9.12.2007 có lẽ chẳng bao giờ khiến tôi quên được. Quên sao được cái không khí bừng bừng khí thế. Quên sao được khi tình cờ, tôi được đứng lẩn vào cùng những người đã tạo nên những ngày lịch sử.
Tôi chưa có dịp đến Trường Sa, Hoàng Sa lại càng quá xa xôi mịt mờ… dù hòn đảo này là một huyện của thành phố nơi tôi sinh ra. Thỉnh thoảng khi đắm mình trong làn nước biển trong veo giữa những buổi trưa hè chói chang, tôi nhìn ra phía khơi và dường như thấy thấp thoáng lá cờ phần phật của những hải đội lĩnh ấn vua ban đang vượt sóng ra trấn thủ đảo xa. Vậy nên tôi biết mình sẽ lại sẵn sàng đứng cùng những người bạn chưa từng quen để lại được hô to “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Và tôi cũng biết còn có rất nhiều người luôn đau đáu trong tim mình về nhũng phần lãnh thổ đang còn xa tay mẹ tổ quốc.
Nếu có “kẻ xấu” nào đó “kích động” người ta đi biểu tình vì yêu nước, ta nên tôn trọng những “kẻ xấu” này. Ngược lại, khi “người tốt” tìm cách ngăn cản sự biểu lộ đầy phẫn uất một cách chính đáng của người dân vì chứng kiến đất mẹ bị xâm phạm, thì hẳn những kẻ vẫn mạo xưng “người tốt” này cần phải được xem lại. Khi mà kẻ tham lam ở phương Bắc không chỉ thể hiện sự bá quyền trên các văn bản tuyên bố mà chuyển qua hành động đầu tư, khai thác dầu khí ngay trong khu vực lãnh hải của chúng ta thì sự sát cánh của nhân dân và Nhà nước lại càng cần kíp hơn bao giờ.
Lịch sử do chính chúng ta làm nên. Do chính những người đã bất chấp sợ hãi thường nhật, bất chấp thói quen trì trệ để kẻ khác quyết định thay mình… để bước xuống đường giương cao lá cờ Việt Nam, hô to: “Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam”. Lịch sử cũng sẽ không bỏ qua cho chúng ta khi cứ giả như không có, không biết một phần đất nước vẫn đang còn bị xâm lấn. Vậy thì thật tự hào, vô tình tôi đã được đứng về phía mặt sáng của lịch sử”.

[Du lịch (Cơ quan của Tổng cục Du lịch – Bộ Văn hoá, Thể thao, Du lịch), số Xuân Kỷ Sửu 2009, trang 23] - Saturday January 31, 2009 - 06:39pm (ICT)

Ðã vậy, kẻ “nội thù” còn làm thêm chuyện “bôi bác” khiến Ðảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nhức nhối, đó là chuyện được báo Lao Ðộng số 23 ngày 04/02/2009 cho biết:

“Sáng ngày 3 tháng 2, khách đến liên hệ công tác tại Ban quản lý các KCN-KCX Hà Nội đóng tại toà nhà CC2, khu đô thị Mỗ Lao, đều ngạc nhiên vì thấy một số bằng khen vẫn trong khung kính, có cái mới được trao tặng tháng 4.2008, bị vứt trong thùng rác bên hông nhà của Ban quản lý”.

Nó, kẻ “nội thù”, cũng được ghi đậm qua bài viết của “Bảo Khánh - Vietnam Sydney Radio - viết nhân kỷ niệm ngày thành lập đảng cướp mùng 3 tháng 2 năm 2009” [ý chỉ Ðảng Cộng sản Việt Nam] - Cũng xin được trích vài đoạn đáng lưu ý về dân oan và kẻ “nội thù” gây nên cảnh dân oan:

“Mấy ngày qua được xem những ‘hình ảnh hoành tráng’ ghi nhận thành tích chống tham nhũng ‘dzách lầu’ của các bác lãnh đạo đảng ‘cướp’ nổi tiếng Việt Nam làm tôi phải đổ siêng hơn, và quyết định ghi xuống những phần audio từ quê nhà của những người đã từng hợp tác chống tham nhũng với mấy bác trùm CS gộc, như Lê Khả Phiêu, Nguyễn Tấn Dũng, Nông Ðức Mạnh, Phan Văn Khải…!!! Chống tham nhũng như “bác” Khả Phiêu thì nhà mới có tượng đồng bán thân, ảnh chân dung trang trí hai bên ngà voi, trống đồng cổ cùng biết bao báu vật quý giá khác rồi cả vườn rau sạch tinh khiết nữa… vv…
Rồi như “bác” thủ tướng CS đương kiêm Nguyễn Tấn Dũng thì có điện thờ tổ tông trị giá hàng vạn tỉ đồng ở quê nhà xa tít trong Nam tại tỉnh Kiên Giang. Ấy là chưa kể hệ thống tài sản trùng trùng điệp điệp cũng của bác Dũng này, như một loạt cây xăng, khách sạn, nhà hàng cao cấp, bệnh viện tư nhân đồ sộ cũng tại tỉnh nhà và đã được ký giả Trương Minh Ðức cho ‘công chiếu’ trên Mạng hồi giữa năm 2007 rồi đấy. Chứ còn chống tham nhũng như kiểu của các phó thường dân, hay như kiểu của nhà báo đồng hương với ông Nguyễn Tấn Dũng là Trương Minh Ðức, hay kiểu của anh Nguyễn Việt Chiến thì chắc chắn được ÐCSVN thưởng cho nhà tù cùng bao nhiêu điều khủng bố đàn áp khác nữa không kể sao cho xiết!!! Nghĩ mà tội nghiệp cho nhiều người dân nước ta quá thật thà, đơn giản vì mỗi lần họ gọi cho tôi để xin lên tiếng thì đều nhờ tôi gởi lời lên các vị lãnh đạo đảng, lên Thủ tướng hay Chủ tịch Quốc hội dùm…
Vào tối mồng Ba Tết Kỷ Sửu (tức thứ Tư 28 tháng Giêng 2009) tôi được một chị dân oan tại Mai Xuân Thưởng Hà Nội gọi điện cho tôi để xin được phỏng vấn, chị có tên là Hương người dân thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội. Sau đây xin ghi xuống một phần quan trọng của cuộc phỏng vấn đã có phát trên đài Vietnam Sydney Radio (website: www.vnsr.net) trong chương trình ngày thứ hai 02/02/2009”

“…Về tiền vốn ODA vay của người Nhật cho để làm cầu cống, đường rãnh mà cuối cùng không làm đến nỗi kỳ rồi lụt ở Hà Nội như là một con sông đấy, người dân phải bơi thuyền giữa thành phố. Trong khi cái dự án ODA, tụi nó đứng ra nó ôm đất của huyện Thanh Trì, nó đi cướp đất của dân nó mua bằng cái giá rẻ mạt xong rồi nó bán, rồi nó lại đi bán theo dự án để kiếm lãi. Trong khi đó dân chúng có hàng trăm cuộc biểu tình lên mà quận Hoàng Mai không ai giải quyết, mà cũng không hiểu sao bây giờ cả thủ tướng, cả nước biết quận Hoàng Mai sự việc xảy ra như thế mà còn cấp huân chương lao động hạng Ba để động viên cho chúng nó để chúng nó đi ăn cướp của dân!!!

Nói thêm về nguồn vốn ODA của huyện Thanh Trì, chứng minh bằng chính những văn bằng, những tấc đất tái định cư, năm 1990, 1991 dân được cấp đất đến khi giải phóng mặt bằng được. Trong khi đấy thì phường Yên Sở nó khai khẩn 356 xuất, mỗi một xuất là 100 mét, mỗi 100 mét là 14 triệu, vậy 356 nhân cho 14 triệu trong khi đó nó đền bù dân có 90000 đồng một mét, nó bán ra 4 triệu 6/một mét, xong rồi, từ 4 triệu 6 đó lại bán ra ngoài thành 30 hay 35 triệu/một mét vuông, như vậy cộng với nguồn tiền tham nhũng ra sẽ là bao nhiêu? Mà họ dùng bằng 4 con dấu quốc huy của nhà nước chứ không phải bằng một con dấu nữa. Trong lúc làm sai như thế mà có văn bản pháp luật đàng hoàng chứng minh, báo cáo cả thủ tướng, phó thủ tướng, cả nước biết, cả quốc tế biết chuyện này”.

Rời quốc nội, bước ra hải ngoại, “khúc ruột ngàn dặm” có lúc bị gọi là “nội thù” lại làm thêm chuyện khiến Nhà nước điên đầu với là cờ Quốc gia Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ được thêm một lần nữa có thêm một thành phố ở Hoa Kỳ ban hành Nghị quyết vinh danh. Nó được đài RFA phát thanh ngày 02-03-2009 ghi nhận như sau:

“Lá cờ vàng ba sọc đỏ, nguyên là quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà, vừa được Hội đồng thành phố Santa Ana thuộc quận Cam, California, công nhận là biểu tượng của sự kiên trì, tự do và dân chủ.
Báo Orange County Register loan tin này lúc sáng thứ ba tại California. Cuộc biểu quyết với tỉ lệ 7 phiếu thuận, không phiếu chống, diễn ra vào tối thứ hai mùng 2 tháng 2.
Hội đồng thành phố Santa Ana chính thức công nhận lá cờ vàng với tính cách biểu trưng như đã nói, sau khi các viên chức thành phố đóng cửa một cuộc triển lãm (có trưng bày cờ đỏ sao vàng và tượng HCM) gây nên làn sóng phản đối của nhiều người Việt tị nạn tại quận Cam.
Hồi năm 2005, quận Cam California đã công nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng chính thức của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Thống đốc California đã ký văn bản công nhận lá cờ này năm 2006”.

Ðược biết Nghị quyết công nhận lá cờ Quốc gia Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ được Nghị Viên Vincent Sarmiento bảo trợ và được toàn thể 7 nghị viên của thành phố thông qua ngày 2-2-2009 với số phiếu 7 thuận, không phiếu chống.

Trong khi đó, từ Orlando của Tiểu Bang Florida, ông Tổng thư ký Trần Minh Hiền của Hội VAALA FLORIDA đã ký văn thư ngày 1 tháng 2 năm 2009 cho biết:

“Sau khi VAALA California triển lãm tranh ảnh (có hình cờ đỏ và tượng HCM) gây phẫn nộ trong cộng đồng. Ðường lối chủ trương thân cộng của VAALA California đã đi ngược lại chủ trương đường lối sáng tác của mọi nhà văn nhà thơ chính nghĩa quốc gia nên chiếu theo Biên bản cuộc họp VAALA Florida Chủ Nhật ngày 1 tháng 2 năm 2009 tại Orlando Florida, sau khi đã có cuộc biểu quyết và 100% thành viên VAALA Florida đã bỏ phiếu đồng ý giải tán Hội VAALA Florida. Nay thông báo cho cộng đồng và công chúng cùng văn nghệ sĩ Việt Nam hải ngoại, kể từ ngày 1 tháng 2 năm 2009, VAALA Florida chính thức không còn hoạt động nữa”.

Ðã vậy, ngày 3-2-2009, trường Belmont High School ở Los Angeles vừa treo cờ đỏ sao vàng của Cộng sản Việt Nam đã bị Cộng đồng Việt Nam Nam California lên tiếng phản đối. Cờ đỏ liền bị trường hạ xuống, như bao nhiêu trường hợp khác đã xảy ra, trước sự tức tối của Tổng Lãnh sự Cộng sản Việt Nam có mặt tại San Francisco, đồng nhịp với nỗi rung sợ con gà đá Madison Nguyễn, kẻ láo lường, phản bội, sống giữa lòng dân chủ lại làm chuyện trơ trẽn vùi dập dân chủ, đang từng ngày bối rối chờ bị bãi nhiệm ở thành phố San Jose.

Hẹn con thư sau
Giáo Già


Ôi! Những cánh đồng quê chảy máu

Người nông dân Việt Nam bao đời dùng đất làm phương tiện để nuôi sống bản thân và gia đình. Hiện nay, trên khắp đất nước , những khu công nghiệp, khu đô thị mới, sân golf được mở ra. Nguồn đất sử dụng dĩ nhiên là từ đồng ruộng. Có một điều rất đau lòng là đồng tiền đền bù cho người nông dân không thỏa đáng khiến khắp nước nổ ra những vụ khiếu kiện của dân oan. Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy từ Hà Nội đau lòng trước vấn đề trên đã có bài viết
Ôi! Những cánh đồng quê chảy máu đã nêu bật được những khía cạnh nhức nhối và đau lòng này.