Translate

Friday, December 25, 2009

Trần Giang V: Lê Công Định, Người Tù Yêu Nước

Trích NguoiViet Boston

Từ năm 17 tuổi Lê Công Định bắt đầu đọc sử. Lớn lên theo năm tháng, anh không còn là một sinh viên chỉ say mê với những vui buồn lẫn lộn từ những biến cố vừa hào hùng vừa bi thương của lịch sử dân tộc, như anh đã từng chia sẻ trong một bài viết. Cùng với nhiều bạn bè, anh đã mang theo âm vang của tiếng bom Sa Điện, mang theo tiếng gọi Việt Nam muôn năm của ngày tang Yên Bái lên đường đi làm lịch sử.

Với những người bạn chí thiết, Định không ngần ngại chia sẻ về sứ mạng mà anh tự đặt ra cho chính mình. Đi làm lịch sử. Theo anh đó là trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam đối với tiền đồ của đất nước.

Đối với nhiều người, anh viết “vấn đề quan trọng nhất suy cho cùng là làm sao có được vị thuyền trưởng và đội ngũ chuyên viên đủ đẳng cấp để lèo lái con tàu trong chuyến hải hành xuyên đại dương này. Nói cách khác, cần phải có một thuyền trưởng, tức Chính phủ, đủ tầm vóc để lãnh đạo con tàu đất nước…” (1). Tuy nhiên, đối với bạn bè thân cận cùng chí hướng, Định không ngần ngại tự đặt cho mình và anh em trách nhiệm cùng nhau tự xây dựng khả năng, bản lãnh, trí tuệ để trở thành người thuyền trưởng và đội ngũ chuyên viên mà đất nước đang mong đợi. Với ý hướng đó anh nỗ lực thăng tiến, thông thạo hai ngoại ngữ, chọn ngành luật vì cho đó là nền tảng của một xã hội văn minh pháp trị, đi du học, thăm viếng nhiều nơi trên thế giới, tiếp xúc mọi tầng lớp, lắng nghe, thu thập và đọc nhiều.

Tuy vậy anh cũng hiểu rõ tự thân lãnh đạo cũng không thể đứng trên hết. “Trong mọi trường hợp, tầm vóc của nhà lãnh đạo cũng không thể thay thế được tầm vóc của một dân tộc. Việt Nam là dân tộc có tầm vóc, điều này hiển nhiên đã được minh chứng bởi lịch sử. Đối với vận hội lớn lao như thế của đất nước, cần lắng nghe tiếng nói của cộng đồng dân tộc….” (2). Khi đọc những hàng chữ này, cảm nhận chung là anh viết cho những nhà lãnh đạo hiện nay. Tuy nhiên, gần gũi với Định sẽ hiểu anh cũng viết cho chính anh. Trong những lần trao đổi, Định là người nghe nhiều hơn nói. Khi đề cập đến những vấn đề đất nước, Định thường nói nhiều về những quan điểm của những người khác, từ Linh mục Nguyễn Văn Lý, Hòa thượng Thích Quảng Độ… cho đến những người nhỏ tuổi hơn Định như Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân… trước khi chia sẻ những cái nhìn của riêng anh.

Hiểu rõ thực tế xã hội, nắm vững tâm lý quần chúng và lắng nghe tiếng nói đa nguyên là nền tảng cho mọi suy tư và hành động của Định. Anh biết rõ những đồng nghiệp luật sư của anh mong đợi gì, điều gì họ làm được, điều gì họ không thể làm, hay không muốn làm để từ đó anh không lên án những khía cạnh tiêu cực của họ mà nỗ lực nhìn vào những tích cực nhằm khai dụng những đóng góp cho công cuộc chung. Anh nắm bắt nhu cầu thực tế của những người dân oan mất đất, giới công nhân bị chèn ép, nhưng không vì thế để mù mờ mơ tưởng gấp gáp về một tầng lớp cách mạng ngay lập tức. Anh nhận thức tính thiết yếu của những nỗ lực đòi hỏi tự do tôn giáo và vì thế đã tìm mọi cách hỗ trợ, nhưng anh cũng biết rõ cần phải có sự phối hợp đứng lên đồng loạt của nhiều thành phần quần chúng khác nhau mới tạo nên sức mạnh dân chủ. Anh nhìn xuyên suốt nội tình của đảng cầm quyền và anh đi tìm những đảng viên cấp tiến, đang bức xúc trước tình trạng đen tối của quốc gia, để mong mỏi kết hợp cho khát vọng cải thiện đất nước. Trước những phẫn nộ Trường Sa và Hoàng Sa, anh không theo chân xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, nhưng chọn vị trí hữu hiệu nhất mà anh đang có để chấp bút thảo ra bản Tuyên bố về Vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa của Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 3000 chữ ký của luật sư hội viên đồng lòng ký tên khẳng định chủ quyền quốc gia. Đây là một đóng góp giá trị không những về khía cạnh luật pháp trước dư luận quốc tế mà còn thể hiện sự sáng suốt của Định khi chọn phương thức hành động vì lòng yêu nước cao độ. Anh đã không ra đứng trước tòa nhà Quốc hội để bày tỏ lòng yêu nước nhưng đã viết tâm tư của mình gửi đến với thế hệ dấn thân: “Điều may mắn cho dân tộc là khi lòng tự trọng quốc gia bị xâm phạm chúng ta tìm thấy được một thế hệ biết dấn thân, không sợ hãi. Dấn thân để làm việc nghĩa, không sợ hãi vì biết đang làm việc nghĩa. Thế hệ dấn thân ấy cần chi đến sự sát cánh vướng víu của một tổ chức lỗi thời? Thế hệ đó cũng không quá ngây thơ để tin vào lời xúi giục như được cảnh báo, trái lại họ có đủ tri thức để nhận diện động cơ của những ai rêu rao sáo ngữ “vì dân vì nước”.(3)

Trong một lần cùng nhau trở lại thăm trường đại học cũ, đi bộ dọc đại lộ St. Charles, Định kể lại những buổi chiều lang thang dọc theo con đường san sát hàng cây cổ thụ chung quanh khuôn viên đại học, nơi chiếc xe đạp của anh bị đánh cắp ngay ngày đầu mới mua, anh đã ôm ấp giấc mơ vươn ra biển lớn của đất nước. Buổi tối hôm đó anh và bạn bè đi lạc khi tìm kiếm một quán ăn của người bản xứ. Chỉ có giấc mơ và đích đến là rõ ràng một con đường không thể lạc. Giấc mơ đã nổi trôi theo anh từ Sài Gòn, đến Paris, ghé bến New Orleans, về đến Hà Nội, sang đến những lần hội nghị quốc tế khi dừng lại trong một tiệm ăn tối ở Singapore, khu vườn nhỏ Bangkok, quán kem vỉa hè tại Manila…

Đối với Định, ai cũng có thể có một giấc mơ, nhưng làm thế nào để nuôi dưỡng giấc mơ, để biến giấc mơ thành sự thật mới là khó. Có lần Định nói càng khó khăn hơn nếu đó là giấc mơ chung mà cá nhân lại có quá nhiều thứ riêng tư để mất. Hơn ai hết, Định biết rõ Định có rất nhiều để mất mát trong đời sống cá nhân khi lao đầu vào giấc mơ chung đang ấp ủ. Lòng can đảm là sức sống, là nhiên liệu cho con tàu ước mơ tiếp tục tiến tới và sự nhu nhược là kẻ thù chặn đứng mọi giấc mơ. Có lẽ vì thế mà Định hay kể về mẫu chuyện lúc Định gặp Lê Thị Công Nhân trong tù. Lòng kiên cường và tinh thần bất khuất của người thiếu nữ trẻ ấy đã ghi trong tâm khảm Định nhiều ấn tượng. Định hứa sẽ viết kể lại chi tiết và cảm xúc của Định về lần gặp mặt với người nữ luật sư đấu tranh can trường ấy. Có thể vì thế mà Định đã viết “vì nhu nhược, chúng ta không dám phản kháng thói hạch sách, nhũng nhiễu của lớp quan lại mới, chấp nhận dùng tiền vượt qua trở ngại. Đến khi nhìn lại, quốc nạn tham nhũng và quan liêu đã lan tràn, bất trị. Vì nhu nhược, chúng ta che tai không dám nghe lời nói ngay thẳng, mặc nhiên dung túng sự dối trá và xu nịnh. Đến khi bừng dậy, đạo đức đã suy đồi, khó sửa. Vì nhu nhược, chúng ta hài lòng với những gì đang có, cố tin vào sự ổn định giả tạo, đắm mình vào những lễ hội vô nghĩa liên miên. Đến khi nghĩ lại, xung quanh đã đầy dẫy ung nhọt, không còn thuốc chữa. Vì nhu nhược, chúng ta bịt mắt trước những bước đi vũ bão của các dân tộc láng giềng. Đến khi tỉnh ngộ, sự tụt hậu quá rõ ràng, không còn cơ may rút ngắn khoảng cách.”.(4)

Vượt qua tính nhu nhược nhưng không vì thế mà hành động liều lĩnh. Tiếp xúc và làm việc với Định lâu ngày, bạn bè thấy anh phân biệt rõ ràng giữa sự can đảm và liều lĩnh, giữa cẩn thận và nhút nhát, giữa kết quả trước mắt và mục tiêu dài hạn, giữa kỳ vọng của đám đông và nhu cầu chiến lược. Nhiều người mong đợi anh xuống đường biểu tình Hoàng Sa, Trường Sa, có người cho là anh sợ hãi khi không tham gia. Anh không phân trần, chỉ im lặng để sau đó có những đóng góp tích cực trong vai trò phó chủ nhiệm đoàn luật sư của thành phố Hồ Chí Minh; một luật sư đoàn lớn nhất của đất nước. Trong khi dư luận trong đảng lẫn ngoài đảng, lên án ông Võ Văn Kiệt thì Lê Công Định viết “Những người Cộng Sản cấp tiến quy tụ chung quanh ông và tiếp bước ông chắc chắn sẽ là lực lượng không kém quan trọng thúc đẩy sự phát triển tiếp theo của đất nước. Di sản hòa giải và dân chủ của ông sẽ được họ thực thi và biến thành hiện thực, bởi lẽ chưa bao giờ lòng dân lại đồng thuận cho một sự thay đổi mạnh mẽ hơn lúc này, đặc biệt khi lòng người vẫn còn quyến luyến những chiến công hào hùng năm xưa” (5) vì anh nhận thức được vai trò của những người cộng sản cấp tiến trong công cuộc chung. Nhà cầm quyền đưa ra nhiều lý do bắt giam anh, nhưng một lý do lớn họ không thể đề cập đến là quan hệ và khả năng vận động của anh đối với hàng ngũ cộng sản cấp tiến trước vấn nạn bành trướng của Trung Quốc. Khi sự trấn áp dã man của công an đối với thanh niên, sinh viên, giáo dân, các nhà dân chủ leo thang, anh viết “Bạo lực chỉ chuốc lấy oán hận. Oán hận chồng chất sẽ tạo nên những cơn địa chấn cách mạng không lường trước, có thể làm sụp đổ bất kỳ vương triều nào, dù thoạt trông có vẻ vững chắc nhất… (6). Mỗi bài viết của anh đều có những chủ ý nhắm vào những đối tượng cần thiết, dọn đường ý thức cho kế hoạch tương lai, chuẩn bị cho những công việc anh sắp sửa làm. Anh có đức tính và khả năng của một chiến lược gia.

Là một luật sư, Định biết rõ hơn ai hết về hệ thống luật pháp hiện tại, về những quan tòa đảng viên cộng sản, về những bản án đã được viết sẵn, nhưng anh vẫn bào chữa cho các nhà dân chủ. Anh coi đó là nghĩa vụ tranh đấu cho công lý trong tiến trình xây dựng dân chủ. Anh biết trước có lúc anh đóng vai trò luật sư biện hộ cho lẽ phải nhưng sẽ có ngày anh khoác áo tù nhân của chế độ cũng vì lẽ phải. Nhiều người ngạc nhiên khi nghe tin Định bị bắt giam nhưng đối với Định và bạn bè thì đây là thực tế không thể tránh khỏi. Đã nhiều lần Định và anh em cùng chia sẻ về Mahatma Gandhi, Martin Luther King, Nelson Mandela, Aung San Suu Kyi và thường nói với nhau vào tù là một chặng đường phải qua của mỗi nhà cách mạng. Bạn bè cũng thường hỏi Định là bạn làm luật sư bào chữa cho anh Điếu Cày, cho Công Nhân, cho Đài rồi đến lúc bạn vào tù thì ai sẽ là người bào chữa cho bạn. Anh cười, nói thì tự mình bào chữa và anh nói tiếp rằng trước anh đã có những luật sư lương tâm, sau anh sẽ có nhiều luật sư lương tâm khác; công lý có thể bị chà đạp, lương tâm có thể bị trù dập nhưng công lý và lương tâm không bao giờ chết.

Ngày hôm nay, nhiều người cho là anh đã mất tất cả. Chỉ có anh, những người thân yêu và bạn bè cùng chí hướng với anh mới biết rõ là anh luôn có một thứ mà nhiều người đã mất hoặc không bao giờ có, một thứ mà cường quyền không thể cướp đoạt, lao tù không thể giam hãm. Đó là giấc mơ vươn ra biển lớn của anh dành cho đất nước, dân tộc này. Một người bạn thân của Định trong bài “Lê Công Định và Những Tiếng Hót của Loài Chim” đã viết “Ai hiểu được tiếng hót của loài chim cô đơn ấy đang muốn nói gì ? Nào ai có thể hiểu ngôn từ của chúng? Thế sao chúng vẫn cất tiếng hót? Bởi vì chuỗi thanh âm ấy của chúng là một bài ca!. Cho dù chúng ta có thể vẫn không hiểu nổi thông điệp chúng muốn chuyển tải, loài chim vẫn hót chỉ vì chúng có một bản nhạc dấy lên tự lòng không thể không cất lên”. Lê Công Định vẫn đang hót bài ca tự do trong chốn lao lung như nhiều tù nhân Việt Nam yêu nước khác. Những con chim vẫn tự do hót như tiếng hót ngày xa xưa của Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học, Cô Giang. Những tiếng hót ấy vẫn miệt mài theo năm tháng, dù cô đơn, dù lạnh lẽo, dù khốn cùng. Bởi vì, nếu không có những tiếng hót miệt mài ấy, lịch sử làm sao có được những thiên hùng ca bất diệt cho thế hệ mai sau.

Nhà cầm quyền đang chuẩn bị đưa Lê Công Định ra tòa xét xử. Lệnh lạc chạy hàng dọc từ Bắc Kinh xuống Hà Nội xuống Sài Gòn theo đúng hệ thống chỉ huy. Tội danh được nâng cấp từ “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” lên đến “Âm mưu lật đổ chính quyền Nhân Dân”. Tòa án của đảng sẽ hợp thức hóa bản án bằng con dấu made in China. Nhưng tự thâm tâm của mỗi cá nhân lãnh đạo đang cầm quyền, ai cũng ngầm biết rõ Lê Công Định là một người yêu nước !!!. Họ đều biết rõ số phận của những người như Điếu Cày, Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Thanh Nghiên, Lê Công Định… đã được định đoạt trước đó bởi một chỉ thị bằng tiếng Hoa. Họ đều hiểu rõ hàm ý của câu văn Định từng viết “Trong lần đọc lại sử sách nước nhà năm nay, không hiểu vì sao tôi lại quan tâm nhiều đến các nhân vật “thân bại danh liệt” như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống và Hoàng Cao Khải, rồi tự hỏi không biết 30 năm nữa, nếu còn sống, tôi sẽ biết thêm những cái tên nào tương tự như vậy trong lịch sử hiện đại của dân tộc…” (7) . Họ cũng biết trong tương lai sẽ có một phiên tòa lịch sử xảy ra, nhưng họ vẫn ngầm biết rằng những tội nhân ấy sẽ là những người lãnh đạo một ngày thay thế họ, như nhiều người lãnh đạo trước họ đã từng nghĩ thế. Mang cùng não trạng này bởi vì họ không bao giờ đọc sử. Những gì họ đọc vốn chỉ là những bài viết bóp méo của một hệ thống toàn trị. Mai sau, con cháu họ sẽ được đọc những trang sử thơm trong đó nhắc đến tên người thanh niên Lê Công Định – người tù yêu nước hôm nay. Con cháu của họ cũng sẽ dừng lại ở những trang sử hoen ố trong đó có những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, Hoàng Cao Khải – VÀ tên tuổi những kẻ thống trị hiện thời. Đó là quy luật và tính trung thực tất yếu của dòng lịch sử dân tộc.

Trần Giang V

(1) Lê Công Định, Vươn ra biển lớn: Tầm vóc thuyền trưởng, tầm vóc dân tộc

(2) Lê Công Định, Vươn ra biển lớn: Tầm vóc thuyền trưởng, tầm vóc dân tộc

(3) Lê Công Định, Một thế hệ dấn thân

(4) Lê Công Định, Trả lại hào khí Diên Hồng

(5) Lê Công Định, Thủ lĩnh phe cộng sản cấp tiến

(6) Lê Công Định, Bài học Miến Điện

(7) Lê Công Định, Đọc sử để nhìn nhận hôm nayân