Translate

Saturday, September 26, 2009

Mạn đàm với tác giả “Đổi mới Đảng để tránh sụp đổ!”

2009-09-23

Đài Á Châu Tự Do hỏi chuyện Thiện Ý, tác giả bài viết “Đổi mới Đảng để tránh sụp đổ!”, đang được dư luận trong và ngoài nước đặc biệt chú ý.

AFP PHOTO/Hoang Dinh Nam

Bộ tứ lãnh đạo hiện nay của đảng CSVN, từ trái sang: Các ông Nguyễn Phú Trọng chủ tịch quốc hội, Nguyễn Minh Triết chủ tịch nước, Nguyễn Tấn Dũng thủ tướng chính phủ, Nông Đức Mạnh tổng bí thư.

Sau khi bài Đổi mới Đảng để tránh sụp đổ!” được công bố rộng rãi trên mạng rất nhiều người tưởng tác giả Thiện Ý đang sống ở nước ngoài và mới đây khi tác giả bài viết này công khai tuyên bố danh tính thì dư luận rất ngạc nhiên khi biết ông là một nhà báo kỳ cựu của nền báo chí Xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà ông đã gắn bó suốt hơn 50 năm qua.

Thiện Ý chính là Tống Văn Công, nguyên Tổng Biên tập một số tờ báo của hệ thống công đoàn như: báo Lao động Mới báo Công nhân Giải phóng, báo Lao động thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ông xuất thân từ một gia đình cách mạng, cha là Tống Văn Thêm bút hiệu Tăng Ích, tham gia Đảng Cộng sản từ 1929, dịch giả của Tạp chí Tân Trung Hoa thời kháng chiến chống Pháp.

Mặc Lâm có bài phỏng vấn đặc biệt với tác giả Tống Văn Công xoay chung quanh bài viết Đổi mới Đảng để tránh sụp đổ!” hiện đang được dư luận trong và ngoài nước chú ý một cách đặc biệt này.

Đổi mới” và “Trở lại như cũ”

Mặc Lâm: Ông so sánh hai thuật ngữ “đổi mới” và “trở lại như cũ” chỉ là cách đánh tráo khái niệm. Xin ông cho biết cụ thể về những nhận định này.

Tống Văn Công: Tôi nhớ năm 60 cái ông bí thư tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc ổng chỉ làm cái việc khoán hộ thôi thì đã bị cho là gieo mầm cho chủ nghĩa tư bản nên ổng bị mất chức. Sau đó còn nhiều việc nhưng tôi nhớ tới năm 81 chính tôi viết bài đầu đề là Ba Lợi Ích. Bài đó nói về chuyện xé rào của ông bí thư Võ Văn Kiệt.

Xé rào tức là gì? Tức là xé bỏ, tức là vượt qua là làm chui trước những quy định của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Lẽ ra nhằm lợi ích nhà nước thôi nhưng ở đây lại là 3 lợi ích tức là có lợi ích cá nhân của người lao động. Cái điểm này là điều kỵ đối với nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Khi tôi đăng bài đó thì nhiều nhà nghiên cứu cao cấp của đảng và nhà nước phê phán rất dữ. Họ bảo tôi viết láo. Đề cao việc làm của chủ nghĩa tư bản Saigon.

Sau đó tới năm 86 tức là khi đổi mới rồi thì vẫn còn bàn tới bàn lui cho đảng viên làm kinh tế thì chỉ được phép thuê công nhân không được quá 10 người, rồi từ từ tăng lên đến con số không giới hạn… như vậy từ những chuyện ngày hôm qua anh cho làm như vậy là làm theo chủ nghĩa tư bản còn cũng những chuyện đó mà làm hôm nay thì anh cho là đổi mới!

Tôi nghĩ đó là đánh tráo khái niệm. Có lẽ ý của người dùng cái chữ đó là muốn trấn an những đảng viên Cộng Sản già vì sợ mất chủ nghĩa xã hội cho nên không dám nói. Sâu thẳm bên trong là sợ mất quyền lực lãnh đạo nên không dám nói thẳng tên nó ra

Mặc Lâm: Ông khẳng định rằng chính đổi mới đã giúp cho Đảng lấy lại lòng tin của nhân dân nhưng thật ra đổi mới chỉ là xu hướng bắt buộc của thời đại vì nếu không đổi mới tức là chết. Vậy thì trong hoàn cảnh hiện nay, nếu đảng không biết lắng nghe để mà tiếp tục đổi mới trên nhiều bình diện thiết yếu thì cái chết nào được ông tiên đoán sẽ xảy ra?

Tống Văn Công: Tôi nghĩ là cái gì trái với quy luật thì sẽ bị quy luật trừng phạt. Nếu nói về khoa học xã hội thì cái gì chống lại nguyện vọng con người thì con người sẽ khước từ và chống lại. Tức nhiên sớm muộn cũng sẽ bị đào thải, còn bị đào thải lúc nào, hình thức nào thì lại do nhiều yếu tố thực tế lúc xảy ra. Có khi là một nguyên nhân trực tiếp hết sức ngẩu nhiên không ai lường trước.

Điều 4 Hiến pháp

Mặc Lâm: Ông cho rằng điều 4 trong bản hiến pháp không cần phải bỏ hẳn mà chỉ cần viết luật cho nó. Liệu đề nghị này có mâu thuẩn hay không khi điều 4 khẳng định vai trò độc tôn của đảng, mà luật hóa nó tức là đã phủ nhận vai trò này?

Tống Văn Công: Cái câu hỏi của anh có hơi nhầm một chút. Tôi không có cho rằng không cần bỏ hẳn. Tôi cho rằng điều 4 hiện nay đảng vẫn đang độc tôn lãnh đạo thì cần luật hóa điều 4, tức là bước sơ khởi biết rằng lãnh đạo là như thế nào, nội dung nó gồm những điềm gì chứ đừng ôm đồm như hiện nay.

Tức là hiện nay không biết đảng lãnh đạo là như thế nào! Đảng bao biện làm thay cho nhà nước rất là nhiều chuyện tức là can thiệp nó không theo một cái luật pháp gì hết. Nếu nơi nào ông bí thư đảng ổng có năng lực, có thế mạnh gì đó thì ổng lấn át cái ông làm công tác nhà nước nó không minh bạch.

Tôi cho rằng khởi đầu là việc phải minh bạch đảng lãnh đạo như thế nào để không dẫm đạp công việc nhà nước.

Mặc Lâm: Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là hệ thống tư pháp do Đảng lãnh đạo như ông thừa nhận, vậy khi người ta đã có quyền hành tột đỉnh như thế rồi thì mọi đề nghị phủ nhận hay nói đúng hơn là tước đoạt quyền lực tối thượng này liệu có dễ dàng chấp thuận hay sao?

Tống Văn Công: Do đó rất cần những đầu óc lãnh đạo phải sáng suốt và phải có cách xử lý có tầm nhìn thời đại. Người mà không hiểu biết thì cho rằng những việc tôi đề ra là phá bỉnh, tức là muốn cho đảng sụp đổ, nhưng người hiều biết thì thấy làm như vậy không phải lâm vào thế yếu mà làm như thế tức là mạnh lên, mà mạnh thật, tức là được lòng dân. Dân tin cậy, dân gửi gấm chứ không phải là áp đặt. Tới chừng đó thì có lẽ không cần điều 4 nữa.

Nội xâm, Ngoại xâm…

Mặc Lâm: Hai thứ giặc mà ông định nghĩa là giặc nội xâm là chế đô chuyên quyền, tham nhũng và giặc ngoại xâm là Trung Quốc. Theo ông thì giặc nào nguy hiểm hơn cho sự sống còn của Đảng?

Tống Văn Công: Theo tôi nghĩ thì không nên nói bệnh nan y này ít hơn bệnh nan y kia mà vấn đề là tìm thuốc trị. Còn nếu nhìn thực tế thì theo tôi thấy giặc ngoại xâm có thể câu kết với nội xâm.

Ông Đoàn văn Kiểng, tổng giám đốc công ty khoán sản than Việt Nam ông ấy đã dung dưỡng cái việc xuất khẩu than lậu qua Trung Quốc mà báo chí Việt Nam gọi là than thổ phỉ mỗi năm như vậy tới 10 triệu tấn.

Trong vụ chọn nhà thầu Tân Rai Nhân Cơ thì ông ta làm không minh bạch, chọn nhà thầu Trung Quốc. Cho nên nói về vận mệnh quốc gia thì ngoại xâm là nguy hiểm vì nó có thể cấu kết với nội xâm.

Mặc Lâm: Trang Bauxite Việt Nam như ông thấy đã quy tụ hơn 3000 chữ ký và được hàng triệu người truy cập. Phải chăng nhìn ở một góc độ nào đó đã có sự nhân nhượng từ phía nhà nước vì thật ra nếu muốn thì họ có thể đánh sập trang web này chỉ trong một thời gian ngắn. Từ thực tế này ông có đồng ý với quan niệm rằng trong chừng mực nào đó thì vẫn còn có một chút hy vọng mong manh ở cuối đường hầm hay không?

Tống Văn Công: Tôi cũng mong rằng không phải là hy vọng mong manh ở cuối đường hầm mà tôi hy vọng bộ chính trị của đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ thấy được cái xu thế của thời đại. Thấy được cái nguyện vọng của nhân dân, thấy được cái lý lẻ đúng đắn của giới trí thức trong và ngoài nước để có quốc sách thích hợp.

Được như vậy thì giữ vững lòng tin của nhân dân và bảo vệ được đất nước. Còn nếu làm ngươc lại thì rất nguy hiểm. Nguy hiểm cho đất nước, nguy hiểm cho nhân dân và cũng nguy hiểm cho đảng.

Ngọn cờ XHCN?

Mặc Lâm: Ông có một nhận định rất hay đó là “Các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền của nhân loại tiến bộ khi vào Việt Nam đều phải co lại cho vừa cái khung xã hội chủ nghĩa.” Liệu cái phần thừa ra bên ngoài chiếc khung đó có là nguy cơ tiềm ẩn cho chế độ hay không?

Tống Văn Công: Trong bài viết tôi có nói cái đó nó bộc lộ điểm yếu của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa theo mô hình Stalin. Cái điểm yếu đó mà nếu không được khắc phục thì nó càng ngày nó càng yếu hơn nữa nó sẽ kéo theo nhiều hệ quả khác của xã hội

Mặc Lâm: Bài viết này của ông không có gì là bí mật vì mục tiêu là gửi cho đại hội Đảng sắp tới. Thế nhưng tác giả Tâm Việt trên tờ Quân Đội Nhân Dân cho rằng ông muốn xóa bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam và đây cũng chính là mục tiêu của chiến lược "diễn biến hòa bình". Ông có ý kiến gì về những cáo buộc này?

Tống Văn Công: Tôi nghĩ nếu mà báo Quân Đội Nhân Dân đăng bài viết của tôi bên cạnh bài viết của anh Tâm Việt thì sòng phẳng hơn và dễ cho bạn đọc theo dõi. Anh Tâm Việt viết trong bài thì anh thấy như một người nào ở nước ngoài đã viết bài này chứ không phải là người trong nước.Tôi cũng muốn nói cái điều đó. Tôi nghĩ rằng cái gì mà hay của đất nước thì tôi cũng có được hưởng cái phần vẻ vang trong đó.

Cái gì mà xấu xa hư hỏng thì tôi cũng có phần trách nhiệm của đảng ở trong đó. Bởi vì tôi là người đã có 50 năm tuổi đảng chả lẻ tôi coi không có trách nhiệm gì với đất nước trong cái việc tôi là đảng viên của đảng cộng sản hay sao?

Đảng thường hay nói là đảng chiến đấu dưới hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Bây giờ tôi có thể nói hậu quả thế nào thì tôi cũng chịu. Tức là tôi cũng có tự hào là chiến đấu cho cái độc lập dân tộc. Và tôi cũng thấy xấu hổ vì cái ngọn cờ chủ nghĩa xã hội đã đem quá nhiều điều không may mắn cho dân tộc

Mặc Lâm: Xin được hỏi ông một câu cuối cùng nữa là khi viết bài viết này tung lên mạng thì sẽ có ba tình huống xảy ra. Thứ nhất là báo chí và cơ quan an ninh sẽ tập trung đánh ông và bài viết. Thứ hai là sẽ có sự im lặng kéo dài làm như không có sự xuất hiện của bài viết. Và tình huống thứ ba tích cực hơn nếu Đảng bằng lòng bàn luận những vấn đề mà ông nêu ra. Theo ông thì tình huống thứ ba này khả năng xảy ra có cao hay không?

Tống Văn Công: Tôi rất hy vọng nó sẽ xảy ra. Mấy ngày nay khi tôi nói tên thật của mình trong bài viết thì nhiều đảng viên đã gọi để chia sẻ ý nghĩ của họ. Bây giờ tôi có chết đi thì cũng đáng để mà nhắm mắt được rồi. Đó là những đảng viên Cộng Sản nói chứ không phải là ông phản động nào cả…

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.