Translate

Monday, November 30, 2009

Tìm kiếm giải pháp Biển Đông

Hồng Nga

BBCVietnamese.com



Cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia tổ chức được nhiều người xem như một cử chỉ mạnh bạo của Việt Nam về ngoại giao nhằm thúc đẩy khuynh hướng đa phương hóa và quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông.

Tuy nhiên, Hà Nội còn cả núi việc phải làm để có thể huy động trợ giúp quốc tế, biến cử chỉ này thành hành động khẳng định chủ quyền, nhất là khi Việt Nam nhận ghế Chủ tịch khối Asean vào năm tới.

Quá trình chuẩn bị đi đến Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ nhất (26/11/2009-27/11/2009) cho thấy một sự dè dặt bớt dần trong cách hành xử của Hà Nội: từ chỗ cho tới tận mấy ngày trước khi sự kiện diễn ra báo chí trong nước vẫn không được đưa tin, đến việc bật đèn xanh để ngay sau ngày thứ nhất của hội thảo, hàng chục bài báo xuất hiện trên các đài báo chính phủ; rồi đến bài tham luận của diễn giả Hoàng Việt từ TP Hồ Chí Minh trong ngày hội thảo thứ hai chỉ trích thẳng tham vọng bành trướng của Trung Quốc khiến học giả nước này phải lên tiếng phản bác ...

Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia Việt Nam nổi tiếng từ Học viện Quốc phòng Úc châu, nói bằng những hành động như cuộc hội thảo này, Việt Nam đã tiến tới vai trò thứ chính trong tiến trình xem xét các bất đồng và tranh chấp ở Biển Đông.

Và như vậy, Hà Nội đã đặt mình ở thế mặt đối mặt với Trung Quốc, nước chủ bài trong thế cờ vô cùng phức tạp tại khu vực giàu tài nguyên và cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ to lớn này.
Bàn tay sắt ở Biển Đông

Cách ứng xử của Trung Quốc mang tính quyết định trong tranh chấp Biển Đông.

Ngoài một thời gian vào cuối những năm 1990, khi Bắc Kinh có chính sách tạm gọi là mềm dẻo hơn và các nước liên quan tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông có thể ký với nhau một Tuyên bố chung về Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (DOC) vào năm 2002; Trung Quốc đã quay lại đường lối ngày càng cứng rắn.

Nguyên do có thể là vì một loạt yếu tố, như nhu cầu năng lượng trong nước ngày càng gay gắt; lợi ích về dầu lửa và về các tuyến hàng hải; và cả tinh thần dân tộc chủ nghĩa đang bùng cháy ở trong nước.


GS Thayer cho rằng Việt Nam đang lãnh vai thứ chính trong cuộc chơi mới

Nghiên cứu mới ra mang tựa đề "Tranh cãi Biển Đông: thêm nguy cơ, tăng căng thẳng" (The South China Sea dispute: increasing stakes and rising tension), của Clive Schofield và Ian Storey thuộc Quỹ Jamestown (Tiến sỹ Storey cũng có mặt trong cuộc hội thảo ở Hà Nội), phân tích rất rõ rằng bàn tay của Trung Quốc tại Biển Đông càng trở nên mạnh mẽ hơn với quá trình hiện đại hóa hải quân.

Từ giữa những năm 1990, quân đội Trung Quốc đã có thêm 12 tàu ngầm hạng Kilo mà Việt Nam vẫn còn đang cân nhắc mua từ Nga với số lượng ít hơn và Trung Quốc cũng đang tự mình đóng mới bốn tàu ngầm khác kể cả tàu hạng Kim và hạng Thương có sử dụng năng lượng hạt nhân; đồng thời loan báo tham vọng đóng hàng không mẫu hạm.

Bắc Kinh còn cho thiết lập căn cứ tàu ngầm tại đảo Hải Nam trấn ngữ Biển Đông, mà quân đội Việt Nam đã được tổ chức tham quan để chứng kiến sự hùng mạnh của nước láng giềng.

Các động thái như thiết lập đơn vị hành chính, sách nhiễu, hành hung ngư dân nước ngoài hay xua đuổi công ty dầu mỏ ngoại quốc muốn làm ăn với Việt Nam trong vùng tranh chấp chỉ chứng tỏ lập trường của Bắc Kinh, rằng Trung Quốc giữ "chủ quyền không thể chối cãi" trong phần lớn khu vực Biển Đông.

Một điều đáng chú ý là Trung Quốc dường như cố tình giảm nhẹ tầm quan trọng của cuộc hội thảo mà Việt Nam mất công của để dàn xếp.

Hãng thông tấn hàng đầu của nước này, Tân Hoa Xã, vốn nhanh nhạy trong việc thu thập các tin liên quan tới Trung Quốc, không có dòng nào nói về hội thảo. Báo chí Trung Quốc cũng im tiếng.

Trong số sáu học giả Hoa lục được cử tham gia hội thảo, không có ai từ Quảng Tây là trung tâm hàng đầu nghiên cứu thời sự chính sách liên quan tới Việt Nam.

Xem ra nước lớn này không mấy hào hứng với các cuộc chơi do người khác khởi xướng.
Dựa vào ai?

Thời gian gần đây, Việt Nam không che dấu một số mục tiêu mà Hà Nội mong muốn cùng các nước khác phấn đấu vươn tới, như đạt được Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) để thay cho DOC và mang các tranh chấp ra trước Tòa án Công lý Quốc tế, Tòa án Luật biển Quốc tế và Cơ chế trọng tài quốc tế để xem xét.

Quy tắc Ứng xử COC chỉ là một quyết định chính trị, chứ không phải là một khung luật pháp. Tuân thủ nó hay không lại là một câu chuyện khác.

Tiến sỹ Yann-Huei Song, Đại học Quốc gia Chung Hsing, Đài Loan

Để làm được việc đó, không thể thiếu cam kết của các nước liên quan.

Các học giả tham gia hội thảo quốc tế về Biển Đông đã đề cập khá nhiều tới vai trò của khối Asean và sự tham gia của các quốc gia quan tâm, như Hoa Kỳ và Ấn Độ.

Phản ứng của các nước Asean trong tranh chấp Biển Đông từ trước tới nay phải nói là yếu ớt và càng cho thấy sự bất lực của khối này trong nhiều lĩnh vực, trong có giải quyết các xung đột.

Ngoại trừ văn bản DOC ký năm 2002 mà thoạt tiên giúp giảm căng thẳng ít nhiều, quá trình tìm kiếm giải pháp Biển Đông của Asean nhanh chóng rơi vào bế tắc. Dưới áp lực của Trung Quốc, chủ đề Biển Đông thậm chí còn không được nhắc tới trong nhiều cuộc hội họp khu vực, như hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất, tháng 10/2009.

Sở dĩ Bắc Kinh có thể gây áp lực như vậy là vì các nước Asean, vốn rời rạc trong liên hệ, còn bị chi phối của quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Một số học giả nhắc tới vai trò của Hoa Kỳ và cho rằng Mỹ đang ngày càng quan tâm tới an ninh khu vực.

Luôn khẳng định "không đứng về bên nào", nhưng Mỹ đã nhiều lần bày tỏ quan ngại trước tình hình căng thẳng gia tăng tại Biển Đông và ủng hộ giải pháp thương lượng cho các tranh chấp.


Cuộc hội thảo được tổ chức trong hai ngày 26/11-27/11

Tuy nhiên số đông các nhà nghiên cứu thống nhất rằng quả bóng nằm trong sân của Asean và Trung Quốc. Họ cho rằng các nước liên quan đều nghiêng về giải pháp hòa bình, ngoại giao.

Tiến sỹ Storey nói: "Điều cần nhất là Asean với tư cách của một khối phải thẳng thắn đề cập vấn đề này với Trung Quốc."

Tiến sỹ Yann-Huei Song từ Đai học Quốc gia Chung Hsing, Đài Loan, nói với BBC rằng nhìn chung thì không thể nói là các nước riêng lẻ thuộc Asean không có "ý chí chính trị" để giải quyết vấn đề Biển Đông, nhưng mức độ cam kết thì khá khác nhau.

Ông nói: "Cứ đặt ra thang bậc từ một đến năm, thì có nước được hai-ba, có nước chỉ được một."

Chính vì cam kết lỏng lẻo như vậy, theo Tiến sỹ Song, ngay cả khi một bộ quy tắc COC có đạt được, thì hiệu quả của nó cũng sẽ hạn chế.

"COC chỉ là một quyết định chính trị, chứ không phải là một khung luật pháp. Tuân thủ nó hay không lại là một câu
chuyện khác."