Translate

Friday, December 31, 2010

Happy New Year {2011}



Năm Mới đối thoại với Dân Làm Báo

Lê Diễn Đức (RFA) và Trang báo điện tử "Dân Làm Báo"
Lời giới thiệu của Dân Làm Báo:
Đây không phải là một cuộc phỏng vấn theo đúng nghĩa của báo chí, đúng hơn là một cuộc trao đổi, đối thoại giữa “Dân Làm Báo” với nhà báo Lê Diễn Đức, người có những liên hệ, hợp tác thân tình với BBT chúng tôi.
Lê Diễn Đức (LDĐ): BBT “Dân Làm Báo” (DLB) quý mến, không gian điện tử tưởng chừng mênh mông, vô tận và chưa hề gặp nhau, nhưng nhờ nó mà chúng ta đã gắn bó với nhau từ hơn một năm nay, bắt đầu từ sự kiện anh Lê Công Định bị bắt giam và xử tù bất công, cùng với sự ra đời của Blog “FreeLeCongDinh” trên WordPress. DLB có thể chia sẻ với tôi và bạn đọc suy nghĩ của mình trước những rủi ro và nguy cơ có thể tới bất cứ lúc nào khi các bạn chấp nhận dấn thân trên mặt trận báo chí, truyền thông độc lập?
Dân Làm Báo: Không gian điện tử đúng là mênh mông, vô tận như anh nói, nhưng cùng lúc nó giúp con người gần gũi lạ lùng. Nó đã nối kết chúng ta lại để từ đó cùng nhau chia sẻ những khát vọng chung về đất nước; điều mà trước đây khi không có nó chúng ta vô cùng cô đơn trong những thao thức tưởng như chỉ có ở riêng mình. Nói lên điều đó để thấy rằng chỉ chừng ấy thôi cũng đủ để chúng ta có thể đánh đổi những rủi ro và nguy cơ để được nắm tay, bắc cầu với nhau, vượt qua cái mà các bạn bè mình thường gọi sự “yêu nước trong cô đơn”.
Bây giờ nói đến rủi ro và nguy cơ. Nếu nhìn cho kỹ thì đất nước này là một đất nước của rủi ro và nguy cơ. Thời thượng một tí, chúng ta có thể đặt tên cho nó là “đất nước của những hố tử thần”. Rủi ro và nguy cơ của quá khứ vẫn là những lý lịch tối om dưới mắt nhìn của đảng, tưởng đã không còn nhưng vẫn rình rập và khi cần là giáng xuống đầu người dân... Rủi ro và nguy cơ của hiện tại là xác xuất chết trên đường nhiều hơn trên giường, là nỗi lo nơm nớp những mặt bằng đang được tính toán lợi nhuận để chờ ngày cán bộ của đảng giải phóng, là những dùi cui của công an “còn đảng còn mình” sẳn sàng giáng xuống cái đầu quên đội nón bảo hiểm... Rủi ro và nguy cơ của tương lai là quả bom bùn đỏ, là những món nợ khổng lồ chồng chất, là tài nguyên cạn kiệt. Và trở thành một tỉnh lỵ của Tàu. Đâu phải chỉ “dấn thân” vào chuyện truyền thông độc lập mới có nguy cơ và rủi ro... Và nhiều lắm lắm nữa!
Thế nhưng đa phần dân mình hình như cứ xem đó là rủi ro của ai khác, “của chung không ai khóc” thì “rủi ro chung lo chi cho mệt xác” - cũng sẽ chẳng bao giờ xảy ra cho mình đâu! Nghĩ như vậy hoặc là vì không nhận ra, hoặc phải như thế để mà yên tâm, vô cảm sống. Nhưng cũng chính vì cảm nhận, lo âu về những rủi ro và nguy cơ to lớn đang phủ kín lên dân tộc này mà nhiều người đã chấp nhận những bất trắc cho riêng bản thân mình để mà lên tiếng nói và hành động nhằm tạo nên những thay đổi cần thiết.
Không ai mà không có lúc sợ hãi. Không ai mà không có những giây phút ngần ngại, chùn bước trước những hiểm họa. Nhưng ở đất nước này, có thực sự mỗi người chúng ta có thể sống an lành, hạnh phúc, tự tại, không nguy cơ, đe dọa? Quyết định không làm gì cả có đem đến “bình an dưới thế cho người thiện tâm”!?
LDĐ: Chúng ta đều là những kẻ vui vẻ với công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Đã đành! Nhưng từ trải nghiệm của bản thân, tôi thấy không hoàn toàn dễ dàng. Mỗi người trong chúng ta đều có gia đình, bố mẹ, vợ con, anh em... Chưa nói tới các mối hiểm nguy từ phía nhà cầm quyền, quỹ thời gian dành cho một trang Web như DLB rất lớn! Ví dụ, trước những sự kiện như cuộc nổi loạn của dân chúng Bắc Giang cuối tháng 7/2010, chúng ta gần như 24/24 thay nhau thức để cùng đưa tin... Các bạn có gặp phản ứng nào không vui từ phía gia đình chưa? Các bạn giải quyết như thế nào để - như cá nhân tôi đã gặp phải - không bị vợ đẩy vào sự lựa chọn: hoặc là tôi hoặc là báo - tùy anh?
Dân Làm Báo: À, anh nói đến nguy cơ... vợ bỏ, con chê, cha mẹ từ! Và dưới ngòi bút được viết theo lệnh của ai đó thì chúng ta còn có nguy cơ bị lên án... quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh nữa chứ! Gia đình, vợ con, cha mẹ già! Lịch sử có bao giờ viết về một anh hùng dân tộc nào đó phải giúp con học bài, rửa chén cho vợ, săn sóc cho mẹ, hầu hạ cho cha trước khi xung trận đối diện với quân thù! Chúng ta chỉ thấy hình ảnh một anh hùng hiên ngang trong hồn nước. Hôm qua một người bạn Hà Nội kể về tình trạng cả năm nay không một đồng ra đồng vào. Anh là một người nổi tiếng, người ta biết đến anh vì những dấn thân cho công lý, lo ngại cho anh là có ngày anh sẽ bị ăn cơm tù. Đâu ai biết được tảng đá lớn nhất đang đè nặng lên vai anh là tiền chợ cho vợ, tiền học cho con. Anh sợ ánh mắt buồn bã của vợ, nỗi lo âu trước tuổi của đứa con, và lời khuyên nhủ thoáng chút trách móc của người mẹ già hơn là cánh cửa nhà tù.
Mỗi người, mỗi gia đình có một hoàn cảnh riêng anh ạ. Cách giải quyết khác nhau và cách nào đi nữa, vẫn còn đó những căng thẳng lúc ít lúc nhiều, lúc hiện lúc ẩn trong cuộc sống gia đình. Vẫn mong là đừng bao giờ dẫn tới chuyện lựa chọn hoặc là tôi hoặc là... gì đó như anh nói. Điều đó cũng dẫn đến một ước ao: làm thế nào ở thời đại này, chúng ta có thể sống, phấn đấu cho sự thăng tiến của cá nhân và gia đình mình thì đương nhiên sẽ góp phần vào sự thăng tiến chung của đất nước.
LDĐ: Về nhân sự của lãnh đạo Đảng CS Việt Nam thì “đi ra đi dzô cũng mấy thằng cha khi nãy”, dù thay đổi ông nọ bà kia ở kỳ đại hội Đảng này hay tiếp theo thì vẫn thế, vẫn là một tập đoàn hàng chục năm nay tự chia nhau nắm trọn quyền lực và dính kết với nhau bằng lợi ích. Công an và cả quân đội đều bị biến thành công cụ phụng sự Đảng, “chỉ biết còn Đảng, còn mình”, ngày càng trở nên hung bạo hơn. Cho nên con đường tới đích dân chủ của Việt Nam có vẻ còn quá xa vời vì tương quan sức mạnh. Các bạn có bi quan trong cuộc đối đầu không cân sức “châu chấu đá xe” này không? Hay là vẫn tin rằng, “tưởng rằng chấu nát ai dè xe nghiêng”?
Dân Làm Báo: Trước hết, không dám gọi họ là mấy... thằng cha vì cha nào cũng đã đến giai đoạn trên bảo dưới không nghe cả rồi. DLB nghĩ rằng nguồn gốc của vấn đề không phải là “ai lãnh đạo” mà là “ai là người quyết định thành phần lãnh đạo”. Nếu “ai” đó không phải là nhân dân thì mọi thứ chỉ là một vở kịch tồi và tương lai chỉ sáng trưng trong bài diễn văn của các lãnh đạo tự phong, vẫn đen như mõm chó trong đời sống của dân ta.
Bi quan? Thử tưởng tượng chúng ta hỏi một người dân Nga trước khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ - Bạn có bi quan không? Đảng CS Liên Xô lúc ấy mạnh gấp trăm lần đảng CSVN. Công an nước ta nhằm nhò gì so với hệ thống an ninh mật vụ KGB. Quân đội Xô Viết gốc Nga sẵn sàng bắn xối xả vào sắc dân khác và ngược lại. Khám đường Phan Đăng Lưu là khách sạn 5 sao so với Gulag... Người dân Nga ấy có bi quan không? Phải nói là tuyệt vọng thì đúng hơn. Nhưng đùng một cái, lịch sử đã sang trang như một phép lạ. Thực tế chẳng có phép lạ nào cả. Sự đổi đời ấy chỉ là quy luật của lịch sử: không một chế độ nào có thể tồn tại mãi nếu nó không đáp ứng nguyện vọng của người dân; mọi thay đổi sẽ được bắt đầu bởi một thiểu số dấn thân để làm ngọn lửa nhỏ thắp sáng tràn lan khát vọng của đại khối dân tộc; và thiện nhất định phải thắng ác. Hình ảnh cuối cùng của một cuộc đổi đời là hàng trăm nghìn người ở quảng trường có nhiều cờ búa liềm. Muốn vậy phải có 10 người, để có 100 người, để có 1.000 người. Từ 1.000 người đến hàng trăm nghìn người đôi khi chỉ là một khoảnh khắc. Khi chúng ta không có được 10 người ấy, 100 người ấy, chúng ta nên bi quan. Nếu ngược lại thì chúng ta hãy cùng nhau nuôi dưỡng niềm hy vọng. Sức mạnh của nòng súng, hàng trăm tay áo đen cảnh sát cơ động sẽ có ngày phải lùi bước trước sức mạnh của chính nghĩa và khát vọng làm người của gần 90 triệu người dân. Chúng ta không phải lo cái ngày đổi đời ấy có đến hay không. Cái lo mất ăn quên ngủ là làm sao ngày ấy đừng quá xa để mỗi ngày lại thêm một cô gái lên xe đò qua Xiêm Rệp làm điếm, thêm một sinh viên bỏ trường lớp đi lao động xứ người, thêm một trẻ thơ cơ nhỡ trên đường phố, thêm một mảnh rừng bị cho thuê, thêm một vùng biển bị dâng hiến, thêm một đường biên giới bị dời cọc cắm... Cái lo mất ngủ là làm sao ngày ấy đừng quá muộn để tổ quốc kiệt lực, không còn đứng nổi trong thế giới cạnh tranh toàn cầu và dân tộc chúng ta nổi tiếng là dân tộc đi làm mướn “giỏi” ở xứ người.
LDĐ: Những người trong nước mà các bạn tiếp xúc có thực sự hiểu được các giá trị dân chủ không, ví dụ tính hơn hẳn của bầu cử tự do và báo chí tự do góp phần quan trọng vào lành mạnh hóa xã hội? Họ có nhu cầu không? Tôi thấy số đông vẫn ngộ nhận về sự thay đổi và phát triển nhanh chóng của Việt Nam từ hai thập niên nay (điều này đúng), với hàm ý xác nhận công lao của Đảng. Phải chăng nhiều người không biết thực chất là nếu đảng CS Việt Nam không liên tục phạm sai lầm trong chính sách kinh tế làm kéo lùi đất nước và số tiền khủng khiếp do tham nhũng, lãng phí từ các công trình đầu tư không vào túi riêng của các quan chức thì đất nước còn phát triển hơn hẳn như thế nào?
Dân Làm Báo: Dân chủ không giản đơn như bài toán 1 + 1 = 2 để nói rằng khi biết là chúng ta biết rõ ngọn ngành. Chúng tôi chưa một ngày sống với dân chủ, chưa trải nghiệm nó thì nói thế nào là “thực sự hiểu”. Nhưng chúng tôi hiểu, biết, và rất rõ thế nào là độc tài; thế nào là 99,9% đi bầu một danh sách đã được định sẵn với những kẻ vô tài, vô đức lên làm vua làm chúa; thế nào là một nền báo chí mà tòa soạn là xưởng làm cá hộp sản xuất ra những hộp cá mòi giống hệt nhau; thế nào là lương tháng chỉ giống như là mẩu bánh mì vụn so với một chầu nhậu của một cán bộ kiêm đại gia...
Dù không được sống, được trải nghiệm một ngày với nó, khi đưa mắt nhìn ra thế giới bên ngoài thì cũng đủ để chúng ta thấy rằng, chí ít cho tới giờ phút này, dân chủ là động cơ dẫn đến sự phát triển vượt bực của rất nhiều quốc gia. Đủ để cho chúng ta biết dân chủ là con đường tốt nhất của nhân loại lúc này. Tuy nhiên, trên con đường chúng ta đi ngày hôm nay, dân chủ là đích đến nhưng lại không phải là điểm khởi đầu. Bác Ba, chị Tư, anh Tám bình dị khó mà vượt qua những rủi ro, nguy cơ như chúng ta đã trao đổi cho một khái niệm xa vời. Họ có thể đứng lên, xuống đường nếu đất đai, nhà cửa của chính mình bị cướp, ngôi nhà cầu nguyện của họ bị phong tỏa, đứa cháu hàng xóm bị công an bức tử... Dân Chủ chỉ được “hiểu” một khi nhu cầu đời sống thiết thực sát sườn của mình và gia đình mình bị “ảnh hưởng”. Xin hỏi một bác nông dân, một anh công nhân, một dân oan mất nhà, ngay cả một sinh viên đại học túng tiền nộp nhà trường... chúng ta sẽ có câu trả lời về sự đứng lên, về bước chân đầu tiên của họ vào con đường đi tìm Dân Chủ.
Sự ngộ nhận của đám đông về sự thay đổi và phát triển nhanh chóng của Việt Nam là hệ quả đương nhiên của hệ thống bưng bít thông tin. Chính vì thế mà đảng và nhà nước đã kiểm duyệt báo lề phải, đánh phá báo lề trái, ngăn chận mọi thông tin, trao đổi để hạn chế người dân cùng nhau biết, cùng nhau hiểu thế nào là phát triển bền vững, để không cho dân chúng nhận thức sự phồn vinh giả tạo hiện tại là kết quả của việc “chà đồ nhôm chôm đồ nhà” - tài nguyên, vốn liếng của đất Mẹ có nhiêu xài, bán, cho thuê hết bấy nhiêu, đại đa số người dân chỉ “hưởng ké” mùi hương của một dạ tiệc phồn vinh đang nằm gọn trong tay một thiểu số giàu có trong một xã hội phân cực giàu nghèo trầm trọng.
Nhưng mọi sự bưng bít thông tin cũng đều vô ích. Bởi nguồn thông tin lớn nhất chính là đời sống của chúng ta và xã hội chung quanh mình. Không ai mà không biết hiện nay tham nhũng và cán bộ là hai gã song sinh dính chùm. Không ai mà không biết cái ổ gà mới lọt hố tối qua, cái cầu nứt nẻ càng sửa càng sụm là do tài năng rút ruột của mấy ổng. Không ai mà không biết cái “dinh” đó là của lão ấy, khách sạn sang trọng này là của mụ kia. Không ai mà không biết mấy thằng Thái, thằng Sing chẳng khôn chẳng giỏi gì hơn dân ta nhưng đã qua mặt ta từ khuya và chúng ta chỉ còn hy vọng ca bài chiến thắng với tụi nó ở những giải bóng đá. Biết, bức xúc, nhưng dân ta vẫn còn sợ và vì thế vẫn yên lặng, kiên nhẫn sống. Cho đến một ngày, 100 người tụ họp đâu đó, 200 người, 300 người... Lúc đó, họ sẽ bước ra khỏi nhà và trở thành một cá thể cần thiết trong con số hàng trăm nghìn người tràn ra khắp nẻo phố phường. Hình ảnh họ sẽ thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Và cũng là họ chứ không ai khác - những người dân bình thường ngày hôm nay làm nên lịch sử ngày mai.
LDĐ: Song song với thái độ bạc nhược và thuần phục Trung Nam Hải của lãnh đạo Đảng CS Việt Nam nhìn thấy rất rõ qua việc cho thuê 300 ngàn hécta rừng đầu nguồn, khai thác bô-xít tại vùng chiến lược Tây Nguyên, hơn 90% dự án EPC lọt vào tay thầu Trung Quốc, là hiện tượng hàng hóa, văn hóa phẩm Trung Hoa tràn ngập lãnh thổ, từ thành thị tới nông thôn. Thái độ của đại đa số dân chúng bình thường trước thảm cảnh này ra sao? Mặc nhiên chấp nhận sự đô hộ, Bắc thuộc hóa, xâm lược “mềm” hiện tại và “cứng” trong tương lai gần – như một sự đã rồi?
Dân Làm Báo: Mấy nghìn năm trước, khi đất nước từ trong nhà ra đến ngoài ngõ đi đâu cũng thấy Thái Thú chắc hẳn cũng có người hỏi câu này giống anh. Suốt chiều dài lịch sử, Hai Bà Trưng đã trả lời, Ngô Quyền đã trả lời, Lê Lợi đã trả lời... Nhưng cũng sẽ không có những tên gọi đó của hai Bà, của những anh hùng dân tộc ấy trong những trang sử hùng tráng nếu không có những người dân Việt Nam bình dị mộc mạc đồng lên tiếng trả lời: không, không bao giờ là một sự đã rồi! không bao giờ vận mạng của đất nước nằm trong tay những kẻ bạc nhược và thuần phục ngoại bang! Lịch sử đã như thế, cha ông đã như thế. Thì tại sao ngày nay có thể thiếu những Điếu Cày với tấm biểu ngữ “lịch sử” chống Bắc Kinh trước nhà hát thành phố? Làm thế nào lại không thể có thêm những Nguyễn Huệ Chi để xuất hiện những thằng tin tặc bất lương trên trang nhà Bô Xít? Tại sao lại có thể quên những người như Lê Công Định, tác giả của bản tuyên bố khẳng định chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa với chữ ký đồng tình của gần 3000 luật sư thuộc Luật Sư Đoàn Thành Phố Hồ Chí Minh. Lịch sử chống Tàu cộng tiếp nối hôm nay với Cù Huy Hà Vũ với những vụ kiện “trên cơ” và “ngài” Nguyễn Tấn Dũng “yếu... thế”... Đấy là những bằng chứng để không thể nào ngộ nhận rằng dân ta“mặc nhiên chấp nhận sự đã rồi”. Chỉ có “đảng” là “mềm hiện tại” chứ “DÂN” lúc nào cũng “cứng”... cứng trong quá khứ và sẽ mãi vẫn còn “cứng” trong tương lai!!!
LDĐ: Tổng kết các nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự sụp đổ chế độ cộng sản ở Ba Lan vào năm 1989, các nhà nghiên cứu xã hội khẳng định vai trò hết sức quan trọng của truyền thông “lề trái”(nói theo cách của người Việt hiện nay), trong đó đáng kể nhất là “Radio Free Europe” phát sóng từ Tây Đức, tạp chí “Kultura” phát hành ở Paris và các nhà xuất bản bí mật của “Công đoàn Đoàn Kết”. Với Internet hiện nay, điều kiện phổ biến của thông tin lề trái lợi thế hơn nhiều. Các bạn có nghĩ chúng ta cũng tự tin vào sự đóng góp không nhỏ của mình cho tiến trình dân chủ hóa của Việt Nam, bất chấp sự đánh phá của tin tặc và chế độ kiểm soát của nhà cầm quyền? Sự hy sinh và chịu đựng trấn áp, tù tội của các Bloggers như Điếu Cày, AnhBaSG, Tạ Phong Tần, Uyên Vũ, v.v... rất đáng cảm phục, cần thiết, tất yếu và chắc chắn sẽ được một đất nước Việt Nam dân chủ sau này ghi nhận và vinh danh?
Dân Làm Báo: Đúng là những gì xảy ra trên thế giới đã chứng minh vai trò quan trọng của truyền thông “lề trái” và chức năng của Internet đã “cách mạng hóa” lãnh vực thông tin, từ người sản xuất tin, chuyển tin cho đến người nhận tin. Internet tự nó không đem lại lợi thế cho ai nếu người đó không biết khai dụng. Nhưng chắc chắn internet đã tạo ra một sân chơi công bằng hơn. Những nhà độc tài không còn độc quyền thông tin qua phương tiện một tờ báo, một đài phát thanh, một đài truyền hình... Một học sinh, sinh viên, một bác về hưu đã dễ dàng trong 30 phút là có thể trở thành “tổng biên tập” của một tờ báo có tên gọi là Blog. 30 phút để có 1 trang blog, nhưng kẻ độc tài phải cần nhiều nhân sự, công sức, tiền bạc để đánh sập trang blog đó. Sẽ như thế nào khi không phải là 1 trang blog mà là 100, 1.000, 10.000 trang blogs... ? Vì thế chúng ta bất chấp đánh phá. Chúng ta cũng không cần xem đó là đánh phá của họ mà xem đó là thành quả của chính chúng ta khi chúng ta đang làm cho những kẻ muốn bịt mồm bịt miệng nhân dân phải điên đầu, tốn công, tốn sức để giải quyết bài toán không thể giải được mà chúng ta đặt ra cho họ. Mỗi ngày nhà độc tài phải loay hoay dựng tường lửa, rình rập cài mã độc, hạ mình làm phường tin tặc đánh phá trang blog của Danlambao, ngày đó là ngày chiến thắng của Danlambao.
Nói đến sự hy sinh và chịu đựng của các blogger, các nhà dân chủ đang bị tù đày hoặc trấn áp thì có lẽ không ai trong chúng ta không cảm kích, ghi nhận và cảm thấy những thể hiện quan tâm, đóng góp của mình thật là vô cùng nhỏ bé. Riêng đối với Danlambao, các anh các chị ấy là những người may mắn. Họ đã không còn nô lệ cho sự sợ hãi. Họ đã sống được một cuộc đời có ý nghĩa. Họ có thể ngẩng mặt và nói với Tổ tiên rằng họ đã sống xứng đáng với những hy sinh xương máu của tiền nhân. Họ có thể nhìn thẳng mặt con cháu và thế hệ mai sau để nói rằng họ đã làm hết sức mình vì tương lai, hạnh phúc của chúng. Trong không gian chật hẹp của bốn vách tường tù, anh Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải thật sự đang sống. Trong không gian mở rộng của bầu trời lắm khói nhiều mây, bao nhiêu người trong chúng ta thật ra đang chết?!
LDĐ: Hiện nay có 2 điều mà tập đoàn cộng sản Ba Đình sợ nhất: một, thông tin khác với bộ máy tuyên truyền. Hai, hình thành tổ chức đấu tranh của quần chúng. Người Việt chúng ta mới chỉ có phần đầu. Trong hơn 40 năm bền bỉ tranh đấu, với hơn 38 triệu người Ba Lan trong nước và hoảng 10 triệu người Ba Lan sống ở nước ngoài, mà họ chỉ có một phong trào “Đoàn Kết” duy nhất, họ không lập ra bất kỳ đảng phái riêng biệt nào khác, nhằm tập trung mọi lực lượng xã hội. Các bạn có hy vọng về một sự đoàn kết có tổ chức chặt chẽ của người Việt trong nước, thay vì tình trạng hiện nay với một số đảng phái lẻ tẻ, mang nặng tính hình thức, trong khi đó thì có vẻ như háo danh, và sự chia rẽ phổ biến trong và cả ngoài nước?
Dân Làm Báo: Xin được nhất trí với anh về 2 điều mà tập đoàn nắm quyền tại đất nước này đang sợ nhất. Cũng đồng ý với anh về kinh nghiệm, không riêng gì của Ba Lan mà còn ở Serbia, Georgia về phương hướng của phong trào quần chúng. Ba Lan có phong trào Đoàn Kết và sau khi phong trào thành công mới thực sự dẫn đến vai trò quan trọng của các đảng phái để tham gia vào bối cảnh sinh hoạt đa đảng. Serbia đã không thành công với mười mấy đảng phái đối lập để cuối cùng một số lãnh đạo đảng phái đã phải ngồi lại với nhau, chịu sự phối hợp của phong trào Otpor phi đảng phái, để có được sự ủng hộ của tuyệt đại đa số quần chúng, hầu hạ bệ guồng máy độc tài Milošević.
Nhưng những gì xảy ra ở Ba Lan hay các nước khác chỉ là kinh nghiệm để chúng ta rút tỉa và từ đó tự tìm ra hướng giải quyết cho chính dân tộc mình. Có lẽ mỗi chúng ta ai cũng đang nằm trong tiến trình đi tìm bài giải cho đất nước này. Có những người đã nằm xuống khi đáp số cho bài toán vẫn còn dở dang. Có những người từng bước thử nghiệm giải pháp của mình dù phải đánh đổi bằng tù ngục. Có những người tưởng đã tìm ra và đăng đàn trình bày phương hướng của mình và vô tình phê phán những phương hướng khác đang được nhiều người hy sinh thì giờ, công sức, ngay cả an toàn của cuộc sống để theo đuổi. Có những người bị nhà cầm quyền với mọi phương tiện, thủ đoạn ngày đêm tạo ấn tượng họ chỉ là những thành phần háo danh, chia rẽ và thủ lợi để ngăn chận mọi sự phối hợp, nỗ lực đoàn kết.
Danlambao tin rằng mọi nỗ lực, phương hướng đều sẽ mang lại nhiều kết quả nếu có sự tham gia của quần chúng. Những tuyên bố, hoạt động, kết hợp giữa tổ chức này, đảng phái kia vẫn chỉ làm những tên độc tài cười ruồi nếu vẫn thiếu bóng dáng của người dân.
Danlambao cũng tin rằng không có gì để đảm bảo một tổ chức lý tưởng, một đảng tiến bộ ngày hôm nay không biến chất khi nắm quyền ngày mai. Vẫn còn đó bài học ung mủ về những con người một thời “từ ấy trong tôi bừng nắng hạ”, những anh hùng vô sản hôm qua dép lốp vẫn vượt được Trường Sơn, ngày nay phải là xe Lexus mới về được dinh thự; ngay cả bây giờ đã thấp thoáng những con người “lý tưởng” bắt đầu khập khểnh “lương tâm không bằng lương tháng”. Lấy gì để đảm bảo chính tâm bền vững khi nắm được quyền lực trong tay? Chỉ có sức mạnh của quần chúng, cái mà tên gọi thời đại là “People Power” mới là đội quân vô địch canh giữ nền dân chủ bền vững. Đã hết cái thời chúng ta phó mặc vận mệnh dân tộc vào một minh chủ, một tập đoàn đỉnh cao trí tuệ, hay một đảng “quang vinh”.
LDĐ: Tôi tin rằng, báo chí truyền thông lề trái không thể làm sụp đổ chế đổ cộng sản Việt Nam, nhưng chắc chắn không có báo chí, truyền thông lề trái thì chế độ cộng sản sẽ không sụp đổ. Các bạn cứ tưởng tưởng một ngày nào đó ở Việt Nam sẽ xảy ra một cuộc tổng bãi công, biểu tình, người ta nhắn tin và cổ vũ nhau qua mọi phương tiện: Twitter, Facebook, Youtube, SMS... giống như đã xảy ra tại Iran. Sát với thời cuộc trong nước, nằm ngay trong lòng dân, DLB có thể dự đoán khả năng về một sự kiện đột phá nào lớn tương tự trong năm nay hay tương lai không? Bao giờ nước lũ bạo hành và bất công dồn đủ mạnh để vỡ bờ? Chúng ta đã từng có những cuộc tập dượt tự phát ở Thái Hà, Đồng Chiêm (Hà Nội), Thanh Hóa, Cồn Dầu, Bắc Giang…
Dân Làm Báo: Giống như anh, Danlambao tin rằng báo chí truyền thông lề trái tự nó không thể làm sụp đổ chế độ độc tài, nhưng cũng tin tưởng mãnh liệt rằng, truyền thông lề trái góp phần rất lớn cho việc đánh tan độc tài. Bên cạnh đó, truyền thông lề trái còn góp phần để phát huy sự tham gia của người dân vào sinh hoạt của xã hội đang sống qua những quan tâm, góp ý, đòi hỏi, yêu cầu. Nó còn tiếp tay nâng cao dân trí qua việc tạo nên những môi trường, cơ hội tiếp cận thông tin nhiều chiều và từ đó góp phần xây dựng nền tảng của một xã hội công dân. Chúng ta không chỉ đo lường kết quả của truyền thông lề trái vào ngày độc tài cuốn gói ra đi. Chúng ta có thể thấy được kết quả mà truyền thông lề trái đang đạt được hàng giờ, hàng ngày trên đất nước này. Những kết quả tích lũy đó không những rút ngắn con đường xóa bỏ độc tài mà còn giúp cho giai đoạn gìn giữ thành quả và xây dựng dân chủ được dễ dàng hơn. Nó đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần vào việc xây dựng sức mạnh quần chúng – People Power. Và đó chính là lý do cho sự có mặt của Danlambao bên cạnh những blogger đàn anh, đàn chị.
Về dự đoán khả năng xảy ra của một đột phá lớn thì Danlambao nghĩ rằng chúng ta không cần phải dự đoán. Sẽ tiếp tục xảy ra những đòi hỏi về dân sinh, sẽ tiếp tục những tập dượt tự phát tương tự như Thái Hà, Đồng Chiêm. Sẽ nhiều lần nữa hàng nghìn người xuống đường vì cán bộ cướp đất, tham ô, công an đánh người, giết người và đảng làm ngơ dung túng. Bản chất của kẻ cướp vẫn là kẻ cướp. Và dân ta đã bắt đầu bước ra khỏi cái thời chịu đấm ăn xôi. Cuộc... chơi nào cũng vậy, khi người ta đã làm được một lần là xem như... xong. Người dân đã xuống đường một lần, họ sẽ xuống đường nghìn lần nữa. Cách mạng sẽ tái diễn. Chắc chắn sẽ tái diễn. Người dân sẽ ngày càng can đảm hơn và cái đê có hình búa và liềm còn sót lại ở nước ta rồi sẽ vỡ, như đã từng bị tháo gỡ ở ngay cái nôi của chủ thuyết đã sản sinh ra nó. Điều mà truyền thông lề trái cần ra sức góp phần là thông tin về những con lũ dâng lên vì bất công và bạo hành để chúng tràn tung khắp nước. Báo lề trái sẽ cần vạch ra được những vết nứt của cái đê vẫn còn đang “ngoan cố” ngăn chận sức sống của cả dân tộc vươn lên, để giúp cho cho sự bộc phá của cơn lũ tập trung vào hầu cuốn tan hai gã song sinh độc tài và tham nhũng..
LDĐ: Năm Mới 2011, xin chúc BBT “Dân Làm Báo” bền bỉ, dẻo dai và lạc quan hướng tới sự thắng lợi tất yếu của xu thế dân chủ, của Cái Thiện trước Cái Ác!
Dân Làm Báo: Danlambao chân thành cám ơn anh Lê Diễn Đức đã tạo cơ hội để chúng ta có cuộc trao đổi này. Anh đã luôn luôn khuyến khích, hỗ trợ DLB như một người đàn anh quý mến. Xin gửi niềm cảm kích đến các bạn đã đến với trang blog mà chúng ta gọi là “Thôn Danlambao”. Dù chưa gặp nhau tận mặt, nhưng mỗi giây phút mở trang blog, ghé vào thôn, các bạn đã cho Danlambao niềm hạnh phúc mà tiền tài vật chất, đồng đô la cũng không mua được - Đó là cảm giác không còn đơn độc trên con đường này.
31/12/2010
© 2010 Radio Free Asia
© 2010Dân Làm Báo

Thursday, December 30, 2010

Đại hội XI của đảng CSVN: Lại cũng thế thôi!

Theo Báo Tổ Quốc

Cứ mỗi 5 năm đảng CSVN tổ chức đại hội một lần. Mỗi lần luôn kèm theo một chuỗi vận động, tuyên truyền nhằm mục đích giới hạn sự chống đối để nâng cao thành quả đại hội. Mỗi lần như vậy, các cơ quan truyền thông, báo chí ngoài luồng và những người ủng hộ tinh thần dân chủ lại mất rất nhiều thời giờ và tâm trí để phân tích, nhận định, phán đoán… Dân chúng thì đặt lòng kỳ vọng cho một sự đổi mới thật sự. Nhưng cuối cùng thì… lại cũng thế thôi!

Đại hội XI lần này có thể cũng sẽ diễn ra tương tự những kỳ đại hội trước đó: Những màn kịch dân chủ được dàn dựng công phu để hợp thức hóa một sự lãnh đạo độc tài.

Cho đến nay, chưa có một nhân vật cao cấp nào của đảng CSVN nói rằng đảng này sẽ trả lại quyền lãnh đạo đất nước cho nhân dân Việt Nam. Ngược lại, họ vẫn luôn khăng khăng khẳng định là đảng CSVN đi đúng đường và xứng đáng với vai trò lãnh đạo đất nước.

Những lời phát biểu của ông Nguyễn Văn An tuy gây được nhiều chú ý nhưng sẽ không thay đổi được hướng đi cố hữu của đảng, vì ông không còn ở trong vị trí có quyền lực nữa. Hơn nữa, những điều ông nói không có gì mới, ngoại trừ từ một người vốn có vị trí quan trọng trong Quốc Hội. Những lý luận của ông thiếu tính khẳng định của nhu cầu tối cần thiết là chế độ độc tài toàn trị ở Việt Nam phải chấm dứt để thay vào đó một chính thể Dân Chủ Đa đảng. Nêu lên những sai lầm của đảng CSVN để đòi hỏi những thay đổi đúng đắn hơn… không phải là chìa khoá của vấn đề Việt Nam. Quyết định cần có của đảng CSVN là thực sự dân chủ hoá Quốc Hội, thực thi các quyền tự do căn bản và chấp nhận tiến trình Tổng Tuyển Củ Tự Do.

Ngoài ông An đang có rất nhiều tiếng nói đúng đắn và ôn hoà khác đầy dẫy trên các mạng truyền thông ngoài luồng. Nhưng chắc chắn là những người lãnh đạo đảng CSVN sẽ không xem đó là quan tâm lớn phải giải quyết.

Nói rằng những người lãnh đạo đảng CSVN không nhìn thấy được sự bế tắc của cả bộ máy… là không đúng.

Với điều kiện và môi trường mở rộng của mặt thông tin ở ngày nay, những người lãnh đạo đảng CSVN chắc chắn hiểu rõ xu hướng thế giới đang như thế nào, đồng thời người Việt Nam ở trong và ngoài nước đang mong đợi ra sao? Tuy nhiên, họ có thừa kinh nghiệm để biết chắc rằng những sự bất mãn thuần tuý trong dư luận chưa có đủ sức mạnh để phải lo ngại.

Đảng CSVN cũng có thừa tự tin để tiếp tục bất chấp dư luận ở trong nước, và cả từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài, khi phong trào dân chủ nói chung vẫn chưa chứng tỏ được là đã trở thành một thế lực đủ sức mạnh và uy thế, có khả năng gây nguy hiểm lớn cho chế độ.

Mặt khác, dù những người lãnh đạo đảng CSVN biết rằng họ đang gặp khủng hoảng về niềm tin của quần chúng, nhưng họ cũng nhìn thấy là tổ chức đấu tranh trong cộng đồng hải ngoại vẫn chưa phục hồi lại được niềm tin của đồng hương. Cùng lúc đó, các tổ chức đối lập trong nước đến nay vẫn còn ở bước đầu trên con đường xây dựng niềm tin trong lòng người dân tại Việt Nam.

Do đó, chỉ đến khi nào đảng CSVN nhìn thấy được rõ ràng là đang có một đối thủ đủ tầm vóc và thế lực đáng kiêng nể, thì họ vẫn tiếp tục lãnh đạo đất nước một cách ngông nghênh, xem thường ý kiến xây dựng của giới trí thức, của nhân dân, và cả những người đảng viên tiến bộ. Những kỳ đại hội đảng sẽ tiếp tục diễn ra cùng một tấn tuồng trơ trẽn với những diễn viên mới và 80 triệu khán giả thường trực.

Kể từ khi đổi mới kinh tế và có một số thay đổi về mặt đối ngoại, đảng CSVN đã tổ chức tổng cộng bốn lần đại hội, và nay là lần thứ năm.

Trong vai trò Tổng Bí Thư, từ Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu đến Nông Đức Mạnh, quá khứ cho thấy là họ đều có cùng mục tiêu chung: là bảo vệ sự lãnh đạo độc tôn của đảng CSVN. Hiện nay, không có dấu hiệu nào cho thấy là đảng CSVN sẽ có một vị Tổng Bí Thư sẵn sàng thuyết phục Bộ Chính Trị chấp nhận một thể chế dân chủ đa đảng.

Trong vai trò Thủ tướng, từ Phan văn Khải, Võ Văn Kiệt đến Nguyễn Tấn Dũng, ai ai cũng nhìn thấy là họ đều có cùng một chủ trương là mở rộng kinh tế để tạo sức mạnh củng cố đảng, nhưng luôn trấn áp các phong trào đấu tranh dân chủ một cách thô bạo. Võ Văn Kiệt có một số phát biểu gây chú ý khi đã về hưu mà thôi. Nếu Việt Nam chưa có dân chủ sớm được, thì một ngày nào đó khi về hưu, Nguyễn Tấn Dũng chắc chắn cũng sẽ có những lời phát biểu tiến bộ khác hẳn lúc đương quyền. KHÔNG có bất cứ nhân vật lãnh đạo nào lên tiếng chỉ trích đảng CS một cách mạnh mẽ khi đang còn nắm quyền lực.

Đến giờ phút này, vẫn chưa nhìn thấy ai trong Bộ Chính trị đảng CSVN có tư tưởng muốn thay đổi chế độ độc đảng đương quyền. Phong thái, ngôn ngữ, cách hành xử chức vụ của mỗi người có thể khác nhau nhưng chưa có ai, và chắc chắn là sẽ không có ai, thật sự muốn trở thành một thứ Yeltsin của Việt Nam.

Lý do không khó hiểu lắm, vì bối cảnh chính trị của Việt Nam hoàn toàn khác với các nước CS đã bị sụp đổ. Mặt khác, là vì đến nay vẫn chưa có một thực thể chính trị nào đủ lớn mạnh để tạo nên yếu tố khích lệ cho một sự thay đổi thể chế. Một nhân vật có tầm vóc nào đó có thể có ý nghĩ làm cách mạng, nhưng ý nghĩ đó sẽ không thể trở thành hành động khi môi trường cách mạng vẫn còn nhiều điểm chưa thích hợp.

Quá khứ cho thấy rằng Bộ Chính Trị đảng CSVN có thể có một số cách nhìn khác nhau về phương hướng giải quyết các bế tắc đang có nhưng đều có chung một mẫu số tư tưởng là phải bảo vệ quyền lực của đảng bằng mọi cách. Do vậy, những phát biểu bất thường, nếu có trong một vài trường hợp, không hàm nghĩa là 15 người lãnh đạo này đang bị phân hoá, mâu thuẫn và sẵn sàng đấu đá triệt hạ lẫn nhau. Kinh nghiệm bị kỷ luật và buộc phải ra khỏi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng của ông Trần Xuân Bách vào năm 1990 khi phát biểu: “Dân chủ không phải là ban ơn, không phải là mở rộng dân chủ hay dân chủ mở rộng… Dân chủ là quyền của dân…” vẫn là một nhắc nhở quan trọng cho những người trong Bộ Chính Trị có ý tưởng muốn bước ra khỏi lề phải của đảng.

Mặt khác, để bảo đảm chủ trương chống thế lực thù nghịch từ bên ngoài và kể cả diễn tiến nội bộ, những người đang nắm quyền lực cao nhất của đảng CSVN không có sự chọn lựa nào khác hơn là phải điền khuyết vào Bộ Chính Trị (thay thế người về hưu, kỷ luật, v.v…) những người có cùng lập trường, quan điểm và chủ trương hành động.

Trong tình huống đó, rất khó để có người trong Bộ Chính Trị có tư tưởng đối lập với số còn lại. Ngay cả có người nghĩ khác cũng chưa chắc đã dám phát biểu thật lòng. Và nếu có thể phát biểu mạnh dạn vì một lý do nào đó, cũng sẽ khó biến thành hành động cụ thể khi lo ngại sẽ bị cô lập, khai trừ.

Tình trạng chênh lệch trong tương quan lực lượng giữa đảng cầm quyền và phong trào đấu tranh dân chủ là trở ngại lớn nhất đang cản trở sự xoay chuyển của cục diện Việt Nam. Muốn giải quyết trở ngại đó, các tổ chức đấu tranh cần mạnh dạn nhìn nhận thực tế trước mắt và tìm thế liên kết cụ thể để cùng nhau xây dựng một thực thể chính trị có đủ sức khôi phục lại niềm tin của đồng bào, vận dụng được sự yểm trợ của thế giới, và tạo được thế đứng đối lập cân xứng với đảng CSVN. Khi có được ưu thế đó, sự ủng hộ của đa số quần chúng sẽ đến.

Diễn biến từ đại hội XI của đảng CSVN cần được theo dõi nhưng điều đáng quan tâm hơn cả là làm sao tạo được thế chủ động trong công cuộc đấu tranh, hơn là tiếp tục đợi chờ thiện chí của đảng CSVN.

Nguyễn Phú Trọng, Phạm Quang Nghị, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng…. ai sẽ đóng Tổng Bí Thư, Chủ tịch Nước , Chủ tịch Quốc Hội và Thủ Tướng? Điều đó không hẳn là quan trọng vì cuối cùng thì đảng CSVN vẫn sẽ tiếp tục lãnh đạo độc quyền và phong trào đấu tranh dân chủ sẽ tiếp tục bị trấn áp.

Những tấn tuồng đại hội này chỉ chấm dứt khi không còn ai trông đợi ở đảng CSVN nữa, và thay vào đó là một ý chí sắt đá: Phải giải thể chế độ độc tài này bằng mọi giá!

Có phải chăng đây là một thử thách quá lớn đối với dân tộc Việt Nam?

Lâm Thế Nguyên
(Đảng Vì Dân Việt Nam)

Wednesday, December 29, 2010

Simon Long: Biển Đông Đầy Sóng Gió (Nguyễn Quốc Khải dịch)

Theo NguoiViet Boston

SeaOfTroubles-TheEconomist-400x225
A Sea of Troubles
Simon Long, Columnist, Singapore
The World in 2011, The Economist
December 2010
Bản tiếng Việt: Nguyễn Quốc Khải
Hình (Economist): Biển Đông.

Đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam trên đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) mà hiện nay Trung Quốc đang chiếm đóng, sẽ rất có thể đưa đến xung đột.

Trong 10 năm vừa qua, giới hàn lâm và những học giả về luật pháp có những cuộc tranh luận về một đề tài mà chỉ một số ít người hiểu biết. Đó là chủ quyền trên một số đảo, đảo san hô, và những bãi cát trong vùng Biển Đông (South China Sea). Tuy nhiên, trong năm 2010, vùng biển này đã trở thành một vấn đề được chú ý tới. Trung Quốc tập luyện hải quân ở đây. Hoa Kỳ gửi hàng không mẫu hạm nguyên tử George Washington tuần tra ở khu vực này, kể cả cuộc viếng thăm Việt Nam đầu tiên của chiến hạm này. Hoa Kỳ, Trung Quốc và những quốc gia Đông Nam Á ven biển tranh cãi về Biển Đông. Những cuộc tranh cãi này sẽ làm inh tai nhức óc trong năm 2011.

Có bốn diễn biến gặp nhau ở vùng Biển Đông. Một là chính quyền Obama tái xác nhận vai trò của Hoa Kỳ với tư cách một cường quốc ở Á châu, một thế lực duy trì hòa bình, và cộng tác viên đối với một số quốc gia láng giềng của Trung Quốc. Thứ hai, Trung Quốc xác định là một cường quốc ở trong vùng. Thứ ba, Trung Quốc tăng cường biểu dương sức mạnh quân sự để hỗ trợ vị thế cường quốc. Thứ tư, cho đến nay chưa tìm kiếm ra một diễn đàn nào hiệu quả để có thể đưa những tranh chấp ra bàn cãi và sau cùng có thể đi đến một giải pháp.

Trước khi đến Việt Nam, hàng không mẫu hạm George Washington đã hoạt động ở ngoài khơi Nam Hàn. Hoa Kỳ ủng hộ luận điểm của Nam Hàn – được hỗ trợ bởi một một cuộc điều tra quốc tế – theo đó, Bắc Hàn chịu trách nhiệm về việc đánh chìm chiến hạm Cheonan của Nam Hàn vào tháng 3, 2010. Điều này đặt Hoa Kỳ vào vị thế đối nghịch với Trung Quốc khi quốc gia này từ chối không quy trách nhiệm cho một đồng minh lâu năm. Biến cố Cheonan cũng đã đưa đến một cuộc biểu dương lực lượng hải quân bởi cả hai quốc gia ở ngoài hải phận của Bắc và Nam Hàn. Trong năm 2011, sự căng thẳng sẽ gia tăng. Ngoài khác biệt về lập trường liên quan đến vụ chiến hạm Cheonan và chiến thuật thuyết phục Bắc Hàn hủy bỏ võ khí nguyên tử, hai nước sẽ có hai đường lối khác nhau đối với việc thay đổi cấp lãnh đạo tại Bắc Hàn.

Căng thẳng có thể gay gắt hơn tại vùng Biển Đông so với vụ Nam Bắc Hàn. Việc Trung Quốc công bố lập trường coi Biển Đông là một vấn đề quan trọng chính như Tây Tạng và Đài Loan đã làm Hoa Kỳ quan ngại và đã khiến Hoa Kỳ xác định quyền lợi quốc gia đối với vấn đề tự do lưu thông ở Biển Đông. Lập trường này được công bố trong những buổi họp ôn hòa và bình thường của Diễn Đàn Quốc Gia Đông Nam Á được tổ chức tại Hà Nội. Gần một nửa trong số 27 quốc gia có mặt tại hội nghị đã bầy tỏ sự ủng hộ đối với lời kêu gọi của Hoa Kỳ về việc tìm phương thức mới để giải quyết tranh chấp.

Trên hết, Trung Quốc (Đài Loan), Brunei, Mã Lai, Phi Luật Tân, và Việt Nam đều đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ trong Biển Đông. Ngay cả Nam Dương cũng có một phần lãnh hải nằm trong bản đồ của Trung Quốc. Nhưng đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam trên đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) hiện nay Trung Quốc đang chiếm đóng, sẽ rất có thể đưa đến xung đột. Chính vì vậy mà sự thân thiết giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, một đối thủ truyền thống của Trung Quốc, mang tính cách khiêu khích. Điều này sẽ còn thể hiện mạnh mẽ hơn vào năm 2011, khi Hoa Kỳ tăng cường thỏa hiệp với Việt Nam về sự hợp tác nguyên tử dân sự. Đối với những quan sát viên Trung Quốc, việc này nhắc nhở đến sự hợp tác gây tranh cãi tương tự với Ấn Độ và có vẻ liên hệ tới chiến lược be bờ của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã gây ra sự nghi ngờ của các nước láng giềng. Các tầu của Trung Quốc coi Biển Đông như một cái hồ của Trung Quốc. Những bản đồ bí ẩn của Trung Quốc cho thấy Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên những vùng rất lớn vượt ra ngoài cả những phạm vi có thể chứng minh được dù sử dụng cả chủ quyền trên các hòn đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong năm 2010, Trung Quốc phô trương bằng cách cho một tầu ngầm nhỏ cắm cờ dưới lòng biển sâu đến hơn hai dặm (chính xác là 3,759 thước).

Tầm ảnh hưởng của hải quân Trung Quốc không những bành trước sâu hơn mà còn phát triển xa hơn từ bờ biển. Vào năm 2010, Sri Lanka khánh thành một hải cảng do Trung Quốc xây ở phía nam tại Hambantota. Công việc xây cất một hải cảng khác đang được tiến hành tại Gwadar, Pakistan. Chiến hạm của Trung Quốc đã viếng thăm Myanmar lần đầu tiên. Tất cả những sự việc này làm tăng sự nghi ngờ của Ấn Độ về một chiến lược gọi là “chuỗi hạt trai” nhắm vào việc ngăn chặn sự vận chuyển của tầu bè Ấn Độ. Đây là một phần của việc bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc và Biển Đông sẽ là trọng điểm của mối lo ngại.

Thời gian để chuẩn bị cho một ngày mưa gió

Sự lo ngại này được tăng cường bởi hai khía cạnh đặc biệt của việc hiện đại hóa quân lực Trung Quốc. Thứ nhất, chương trình không được công bố về việc chế tạo hàng không mẫu hạm. Thứ hai, chương trình chế tạo hỏa tiễn đạn đạo chống chiến hạm lần đầu tiên trên thế giới mà Trung Quốc và một báo ngoại quốc đã giới thiệu là một loại võ khí nhắm tiêu diệt các hàng không mẫu hạm và sẽ làm đảo lộn chiến thuật trên biển.

Tuy nhiên nhiều chiến lược gia Hoa Kỳ tiếp tục tin tưởng rằng quan niệm Trung Quốc bắt kịp sức mạnh kỹ thuật của Hoa Kỳ là vượt xa thực tế. Trong khoảng thời gian sắp tới, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là một lực lượng hàng hải đứng đầu trong Biển Đông, nhưng không đủ để có thể bảo đảm nền hòa bình. Công việc này đòi hỏi những diễn đàn để giải quyết những tranh chấp trong vùng chứ không chỉ là những nơi để trò chuyện. Trung Quốc đã có thể ấn định những điều kiện để tranh luận về Biển Đông bằng cách từ chối tất cả những việc bàn cãi về những tranh chấp ngoại trừ những buổi họp song phương.

Trong năm 2011, tình hình sẽ rõ rệt hơn đối với Đông Nam Á rằng một hoạt động ngoại giao đa phương sẽ mang lại lợi ích cho cả vùng. Quyền lợi của Đông Nam Á đòi hỏi một cơ chế để giải quyết những căng thẳng nội bộ một cách dễ dàng – thí dụ như giữa Nam Dương và Mã Lai hoặc giữa Cam Bốt và Thái Lan. Chiếc dù Hoa Kỳ tiếp tục bảo vệ sự an toàn trong vùng nhưng sẽ không chống được mưa mãi mãi.

Tuesday, December 28, 2010

Tq Mơ Trận Xích Bích

TRẦN KHẢI . Việt Báo Chủ Nhật


Trung Quốc hù doạ đánh trận Xích Bích với Mỹ? Nói hù dọa, đây là hù dọa Mỹ, và như thế cũng là hù dọa toàn cầu. Không phải chuyện hù dọa nói bâng quơ ngoài phố, không phải cho dân chúng biểu tình trước tòa đại sứ Mỹ, không phảỉ tuyên truyền qua góp ý trên các làn sóng radio... mà là từ mạng thông tin BBS của tờ Huanqiu Shibao (Hoàn Cầu Thời Báo), cũng thuộc tờ Nhân Dân Nhật Báo của chính phủ TQ.
Bài chúng ta chú ý nơi đây là Hoa Ngữ, do 4 người ký tên chung, và đã dịch ra Anh Ngữ. Đăng ngày 29-11-2010, bản gốc ở http://bbs.huanqiu.com/thread-474407-1-1.html.
Điều để suy nghĩ còn là: báo Hoàn Cầu Thời Báo có mục tiêu nhắm vào Hoa Kiều hải ngoại, đặc biệt là những người sinh sống tại Mỹ. Trung Quốc xách động giấc mơ Đạị Hán thế nào? Bản văn này sẽ cho chúng ta thấy một phần tham vọng của họ.
Bài này có nhan đề “Quân Đội TQ Phải Có Tự Tin Để Bắn Chìm Chiến Hạm Mỹ và Nam Hàn tại biển Hoàng Hải.”
Duyên khởi của bài này được ban chủ biên ghi là, Nam Hàn tập trận đã gây ra chạm súng giữa Nam Hàn và Bắc Hàn, rồi Bắc Hàn pháo kích vào đảo Nam Hàn là Yeonpyeong Island ngày 23-11-2010. Tư Lệnh Quân Lực Mỹ tại Nam Hàn loan báo hôm 24-11-2010 rằng Nam Hàn và Mỹ sẽ tập trận chung từ 28-11-2010 tới ngày 1-12-2010 trên vùng biển phía tây Nam Hàn, nơi Hoàng Hải của TQ. Hàng không mẫu hạm nguyên tử USS George Washington sẽ tới Hoàng Hảỉ dự tập trận...
Và thế là Trung Quốc phảỉ lớn tiếng hù dọa.
Bài này giải thích rằng Bắc Kinh từ lâu đã phản đối tình hình Mỹ đưa hàng không mẫu hạm nguyên tử vào tuần tra Hoàng Hải, đặc biệt là với mẫu hạm nguyên tử USS George Washington vì vùng lãnh thổ chiến lược của Trung Quốc, kể cả Bắc Kinh, sẽ nằm trong tầm tấn công của mẫu hạm -- cả tầm không quân tác chiến, tầm đaị bác và tầm phi đạn. Như thế không chỉ là hiểm họa lớn nhất cho an ninh quốc gia Mỹ, mà còn bị TQ xem như thực tập để đổ bộ và xóa sổ TQ. Đó là “vấn đề sinh tử của TQ và của nhân dân TQ.”
Bài viết nói rằng, trước đe doạ quân sự do Nam Hàn và Mỹ đưa ra, việc “bàn xem có phải Nam Hàn hay Bắc Hàn kích động chiến tranh từ đảo Yeonpyeong Island đã trở thành vô nghĩa.”
Các tác giả ghi nhận định của các phân tích gia quân sự rằng “tình hình tàu chiến Mỹ và Nam Hàn vào biển Hoàng Hải tự nó đã là một khiêu khích xâm lăng, y hệt chiến tranh. Đó là những quân đội cọp và sói, mà xâm lăng là bản chất thứ nhì, và năn nỉ sẽ chỉ gợi thèm khai vị cho chiến tranh. Ngay cả thương thuyết ôn hòa cũng sẽ không cho lối thoát, và số mệnh TQ sẽ như số phận Iraq, nơi đã bị xâm chiếm và tàn phá. Chỉ có một cách cho dân TQ, những người không muốn bị sỉ nhục và áp lực từ Hoa Kỳ: cầm vũ khí lên và sửa soạn phản kích.”
Các tác giả viết cụ thể:
“Không ngờ vực gì, nếu vùng chiến lược Trung Quốc bao gồm Bắc Kinh muốn tránh bị tấn công hay bị bom bởi quân đội Mỹ hay Nam Hàn, thì Trung Quốc phải đánh chìm toàn bộ tàu chiến của Mỹ và Nam Hàn ở biển Hoàng Hải. Dĩ nhiên, bởi vì chưa có chiến tranh bùng nổ, TQ không có cớ cụ thể để khởi sự tấn công vào tàu chiến Mỹ và Nam Hàn. Tuy nhiên, TQ phải sẵn sàng và có đủ tự tin là có thể đánh chìm toàn bộ chiến hạm Mỹ và Nam Hàn trong vòng 24 giờ đồng hồ. Để được như thế, quân đội TQ không chỉ có đủ trang bị quân khí, mà cũng phaỉ có đủ huấn luyện. Để thực hiện việc huấn luyện này, việc tập trận của Mỹ và Nam Hàn ở biển Hoàng Hải cung cấp một cơ hội tốt: quân đội TQ phải có cuộc tập trận ở Hoàng Hải cùng thời gian mà Mỹ và Nam Hàn tập trận. Mục tiêu sẽ là đánh chìm toàn bộ tàu chiến Mỹ và Nam Han ở biển Hoàng Hải. Không chụp lấy cơ hội này nghĩa là bỏ lơ nhiệm vụ căn bản cuả quân lực TQ để bảo vệ an ninh quốc gia.” (hết trích)
Các tác giả sau đó phân tích rằng Trung Quốc bây giờ đã có nền kinh tế vững mạnh xây dựng quân đội có đủ sức mạnh vũ khí để đánh chìm toàn bộ tàu chiến Mỹ và Nam Hàn vào Hoàng Hải. Mà không chỉ Hoàng Hải, tác giả nói là quân đội TQ phải có khả năng đánh chìm tàù chiến Mỹ ở bất kỳ vùng biển nào.
Đẩy xa thêm một bậc, các tác giả viết rằng “chúng ta cần có đủ huấn luyện. Chúng ta phải chọn bất kỳ tàu chiến Mỹ hay Nam Hàn nào vào biển Hoàng Hải làm mục tiêu huấn luyện. Chúng ta không chỉ thực tập để có đủ tự tin để tấn công và đánh chìm toàn bộ tài chiến Mỹ và Nam Hàn trong biển Hoàng Hải trong vòng vaì giờ đồng hồ, nhưngc ũng duy trì để thực tập khả năng này vào mọi thời điểm.”(hết trích)
Sau đó, bài viết phân tích thêm về sức mạnh kinh tế giưã Mỹ và TQ, và kèm theo nhiều lời xách động tác chiến.
Trong phần góp ý từ những người sử dụng Internet, có một số ý kiến đáng chú ý như sau.
“Đây là cuộc chiến thầm lặng không phải sao? TQ vẫn bình thản làm chuyện riêng của mình, Bây giờ TQ đã hợp tác với Nga để khai tử việc thương mại song phương bằng Mỹ Kim. Không phải đó là cú đấm vào Mỹ sao?”
Hay là góp ý từ người khác:
“Ai cũng có lá bài trong tay. Mỹ có nhiều lá bài, nhưng hầu hết đã chơi và ảnh hưởng thì cũng vậy vậy. TQ không có nhiều lá bài, nhưng có một lá bài tốt vẫn chưa tung ra. Điều đó làm Mỹ khó chịu.”
Hay là một góp ý khác:
“Phải tác chiến bí mật, không để lộ!”
Và một góp ý khác:
“Bằng cách đồng thời tung ra tấn công từ hải lục không quân để làm mạng lưới hỏa lực tứ phía, sẽ không khó đánh chìm một hàng không mẫu hạm của Mỹ. Vấn để chỉ là làm sao để trả giá ít nhất.”
Và một ý kiến khác:
“Không sai gì hết khi phaỉ dùng chiến tranh để chận đứng chiến tranh. Nhưng sẽ là hoang phí để đánh chìm hết. Chúng ta sẽ phai chi trả cho giá bom. Như thế sẽ làm chúng ta phá sản! Cách siêu đẳng là mở một cuộc chiến với kế hoạch tốt. Chiến tranh quân sự không nhất thiết giải quyết bằng phương tiện quân sự. Chúng ta phải lấy lợi thế của mình để đánh vào cái yếu thế của địch. Lần trước, tôi đã đề nghị đón khách bằng súng bazookas. Lần này, TQ cũng không thiếu món ăn hảo vị. Các bạn có biết chiến tranh là gì? Chiến tranh là giết và đốt. Ai là tiền nhân đã khai hỏa? Chúng ta không cần nhắc tới lửa trận Xích Bích. Trung Quốc chỉ cần cung cấp nhiều tàu dầu để đón khách Mỹ. Khi dầu tràn ra và bắt lửa, lúc đó mới bắn từ xa. Quân Mỹ sẽ có thịt nướng. Nhân dân Bắc Hàn sẽ không đói trong thời gian nướng thịt lính Mỹ. Nhân dân TQ cũng có thể thu góp một số sắt. Xác lính Mỹ cũng có thể dùng để kiếm nhiều tiền. Tại sao lại bỏ lơ kinh doanh nhiều lợi nhuận này? Ha ha.” (hết trích)
Có thể bùng nổ trận Xích Bích hay không? Có lẽ sẽ không, vì không ai muốn đẩy xa tới bùng nổ cuộc chiến. Nhưng ngôn ngữ kích động trên mạng chính phủ TQ cho thấy một khuôn mặt khác, rất khác: họ luôn luôn sẵn sàng đánh Mỹ. Thậm chí ông nhà giàu Bắc Kinh còn mang tâm thức kiểu nhà nghèo Hà Nội: lấy xác lính Mỹ để kiếm tiền.
Nhưng điều để suy nghĩ còn là, khi TQ hung hăng như thế với Mỹ, và sẵn sàng tấn công Mỹ, thì Việt Nam sẽ không là cái gì hết dưới mắt TQ. Nghĩa là, VN chỉ là chuyện nhỏ với TQ.
Vấn đề chúng ta thắc mắc: chính phủ VN đã sửa soạn cho các trận Xích Bích Biển Đông ra sao, và Đại Hội Đảng CSVN lần này đưa ông Nguyễn Phú Trọng, một người thân TQ, lên giữ chức Tổng Bí Thư có phải là kế sách lâu dài gìn giữ hòa bình, hay chỉ sẽ làm mất quân bình thế quốc tế ở Biển Đông?

TRẦN KHẢI

Monday, December 27, 2010

Quân Lực Trung Quốc Đe Dọa Các Nước Láng Giềng và Hoa Kỳ (The Economist, Nguyễn Quốc Khải dịch)

Theo NguoiViet Boston

The Fourth Modernisation
Friend or Foe – Special Report on China’s place in the world
Nguồn: The Economist, 04-12-2010
Người dịch: Nguyễn Quốc Khải

image001
Hình 1: Hỏa tiễn và tầu ngầm là hai võ khí lợi hại của Trung Quốc.

Trung Quốc trở thành một lực lượng quân sự phải đối phó trong vùng Tây Thái Bình Dương. Hoa Kỳ nên phản ứng ra sao?

Vào 35 năm trước đây, Chủ Tịch Đặng Tiểu Bình kết tội Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc (People’s Liberation Army – PLA) là “bệ rạc, biếng nhác, tự cao tự đại, phung phí, và chậm chạp.” Mặc dù vậy, ba năm sau khi khởi sự canh tân đất nước, ông Đặng Tiểu Bình đặt quân đội vào ưu tiên thứ tư sau nông nghiệp, kỹ nghệ, và khoa học. Khi vị tư lệnh hải quân đưa ra kế hoạch để biến Trung Quốc thành một lực lượng hải quân hùng mạnh của thế giới, ông ta đã không biết trước rằng ông phải đạt được mục tiêu này trước năm 2040.

Về sau hiện đại hóa quân đội đã trở thành một ưu tiên nhờ vào hai trường hợp Hoa Kỳ sử dụng hỏa lực tân tiến. Thứ nhất, việc Hoa Kỳ sử dụng võ khí chính xác trong chiến dịch Desert Storm thuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất [1990-1991] đã làm cho Trung Quốc nhận thức được rằng không thể phòng vệ bằng số lượng. Thứ hai, khi Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc hăm dọa Đài Loan bằng cách thử nghiệm hỏa tiễn vào năm 1996, Tổng Thống Bill Clinton đã ra lệnh cho hai hải đoàn xung kích với hàng không mẫu hạm tiến vào vùng eo biển Đài Loan. Một trong hai lực lượng này dẫn đầu bởi hàng không mẫu hạm mang một cái tên khiêu khích là USS Independence [Đài Loan muốn trở thành một quốc gia độc lập với Trung Quốc].

Sự đổ vỡ của Liên Bang Xô Viết đã thuyết phục những nhà lãnh đạo Trung Quốc là một cuộc chạy đua võ trang với một đại cường duy nhất sẽ phung phí tiền bạc và sẽ đe dọa đến uy quyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Đối đầu để thử thách Hoa Kỳ là một việc vô nghĩa. Thay vào đó, Trung Quốc tập trung vào việc sản xuất võ khí không đối sứng (asymmetric weapons). [Đây là loại vũ khí nhắm vào yếu điểm của kẻ thù tương đối mạnh].

Sự tiến bộ của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc rất khó có thể đo lường được với chiến lược phi chính thống này. Tây Phương có những quan điểm rất khác biệt nhau. Những nhà phân tách quân sự nhận thấy ưu thế của Hoa Kỳ trên biển bị đe dọa nhiều hơn trong vùng phía tây Thái Bình Dương. Những chuyên viên an ninh của Trung Quốc thường chế giễu tất cả những tin đồn gây ra hốt hoảng. Ai đúng ai sai?

Vấn đề hiện đại hóa PLA nổi bật về ba lãnh vực. Trước hết, Trung Quốc đã thiết lập cái mà Ngũ Giác Đài gọi là “chương trình hỏa tiễn đạn đạo (ballistic missile) và hỏa tiễn hành trình (cruise-missile) năng động nhất thế giới với căn cứ ở trên đất liền” Quân Đoàn Pháo Binh II của Trung Quốc trang bị hỏa tiễn với tầm ngắn 1,100 dặm nhắm vào Đài Loan và đang được cải thiện để bắn xa hơn, chính xác hơn và mang được đầu đạn lớn hơn. Quân Đoàn Pháo Binh II cũng đang cải thiện hỏa tiễn tầm trung, có khả năng mang theo đầu đạn quy ước hoặc nguyên tử. PLA cũng dàn trận hàng trăm hỏa tiễn hành trình tầm xa bắn từ trên không hoặc từ mặt đất. PLA đang phát triển loại hỏa tiễn chống chiến hạm đầu tiên trên thế giới trang bị với một bộ phận mang theo đầu đạn nguyên tử và có khả năng từ bên ngoài quay trở lại bầu khí quyển để tăng phần hiệu quả.

Thứ hai, Trung Quốc đang cải tiến và bành trướng đội tầu ngầm. Những tầu ngầm này nay có thể đậu tại căn cứ mới hoàn tất ở Đảo Hải Nam, ở ngoài khơi bờ biển phía nam của Trung Quốc. Trong giai đoạn 8 năm tính đến 2002, Trung Quốc đã mua 12 tầu ngầm của Nga thuộc loại Kilo, đây là một cải tiến lớn so với loại tầu ngầm cũ thuộc loại Ming và Romeo. Kể từ lúc đó đến nay, Hải Quân Trung Quốc đã bắt đầu loại tầu ngầm do Trung Quốc vẽ kiểu có tầm xa và khó bị lộ, kể cả loại Jin chạy bằng nguyên tử trang bị hỏa tiễn đạn đạo và loại Shang, tầu ngầm tấn công chạy bằng nguyên tử. Trung Quốc có khoảng 66 tầu ngầm so với 71 tầu ngầm của Hoa Kỳ tương đối tối tân hơn. Theo Kokoda Foundation, một tổ chức nghiên cứu của Úc, Trung Quốc có thể có tới 85-100 chiếc tầu ngầm vào năm 2030.
Thứ ba, Trung Quốc tập trung cố gắng vào cái gọi là “informatisation” theo lối nói ngọng do Chủ Tịch Giang Trạch Dân sáng tạo ra vào năm 2002 để mô tả làm sao PLA cần phải hoạt động như một lực lượng duy nhất, biết sử dụng những dụng cụ đo lường vật lý bén nhậy (sensor), thông tin, chiến tranh điện tử và chiến tranh liên mạng. Trung Quốc ngày nay biết rõ hơn những gì đang xẩy ra phía xa trong Thái Bình Dương nhờ vào sự phối hợp của vệ tinh, hệ thống ra đa vượt qua khỏi chân trời, hệ thống ra đa tần số cao dò tìm sát mặt đất, phi cơ thám thính không người lái và những vật dụng thăm dò dưới mặt nước.
Trung Quốc cũng đang chế tạo võ khí hủy diệt vệ tinh. Các vệ tinh của Hoa Kỳ bị mờ bởi tia laser bắn từ mặt đất. Vào năm 2007, một hỏa tiễn đạn đạo phóng đi từ căn cứ không gian Xichang ở Sichuan phá vỡ một vệ tinh thời tiết – Đây không phải là một kỳ công, tuy nhiên đã làm các nước khác giận dữ vì nó tạo ra 35,000 mảnh vụn trong không gian.
Tin tặc của Trung Quốc cũng bận rộn. Vào tháng 3 năm vừa qua, những nhà nghiên cứu Canada đã khám phá ra một hệ thống do thám bao gồm 1,300 máy điện toán, trong đó có nhiều máy nằm ở bên trong Trung Quốc, đã xâm nhập vào các hệ thống điện toán của chính phủ. Trung Quốc đã tấn công vào những mục tiêu của Đài Loan và Tây Phương ít nhất 35 lần trong một thập niên kết thúc vào năm 2009 theo Northrop Grumman, một công ty đấu thầu của Hoa Kỳ. Ngũ Giác Đài công nhận không rõ là PLA là thủ phạm của những cuộc tấn công này, nhưng lập luận rằng những nhà phân tách có thẩm quyền của Trung Quốc nhận thấy rằng võ khi điện toán là quan trọng.

Vũ khí mới
Những chuyên viên quân sự Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản nghĩ rằng những võ khí mới của Trung Quốc vừa kể trên tạo thành một đe dọa to lớn hơn là những kế hoạch nổi cộm như hạ thủy những hàng không mẫu hạm trong 10 năm tới. Ông Alan Dupont của Đại Học Sydney tại Úc nói rằng “những hỏa tiễn và võ khi điện toán đang trở thành những võ khí chọn lựa cho những quốc gia thua kém về võ khi quy ước.”

Theo Trung Tâm Thẩm Định Chiến Lược và Ngân Sách (Centre for Strategic and Budgetary Assessments – CSBA), một viện nghiên cứu của Hoa Kỳ, hỏa lực của Trung Quốc sẽ đe dọa các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại Á châu. Cho đến nay các căn cứ này được an toàn đối với mọi cuộc tấn công ngoại trừ võ khí nguyên tử. Hỏa tiễn của Quân Đoàn Pháo Binh II của Trung Quốc có thể làm hệ thống phòng vệ các căn cứ mất tác dụng, phá hủy các sân bay, cũng như một số lớn binh sĩ và chiến hạm. Nhật Bản hiện nay đã nằm trong tầm bắn của hỏa tiễn Trung Quốc. Một số hỏa tiễn này đang nhắm thẳng vào Đài Loan. Guam sẽ nằm trong tầm hỏa tiễn không bao lâu nữa.
Tầu ngầm, hỏa tiễn, và hỏa tiễn hành trình chống chiến hạm đe dọa những hải đoàn xung kích bao gổm hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ trong vòng 1,000 – 1,600 hải lý tính từ bờ biển Trung Quốc. Theo Ông Ross Babbage, một nhà phân tách quân sự Úc và là sáng lập viên của Kokoda Foundation, nếu Trung Quốc có hỏa tiễn chống chiến hạm, bay nhanh và không báo trước, rất khó mà có thể chống lại những hỏa tiễn này. Những võ khí không gian và võ khí điện toán mà Trung Quốc gọi là cái chùy của kẻ sát nhân trong cuộc tấn công bất ngờ được hoạch định để phá nát hệ thống điện tử tinh vi nhưng mong manh của Hoa Kỳ. Điều này làm cho quân lực của Hoa Kỳ mù một nửa và câm và những căn cứ và hàng không mẫu hạm càng dễ bị tấn công.
image002

Hình 2: Khả năng hỏa tiễn của Trung Quốc.

Nói tóm lại, khả năng tấn công của Trung Quốc đã tiến xa hơn là việc ngăn chặn Hoa Kỳ can thiệp vào bất cứ cuộc xung đột nào giữa Trung Quốc và Đài Loan. Ngày nay, Trung Quốc có thể phóng hỏa lực của mình vượt xa giới hạn 12 dặm (19km) tính từ bờ biển nơi mà Hoa Kỳ đã một thời tự do tung hoành mà không cần suy đi nghĩ lại. Ông Okamoto, một nhà phân tách an ninh Nhật Bản, tin rằng chiến lược của Trung Quốc là kiểm soát hoàn toàn cái mà những kế hoạch gia gọi là chuỗi đảo thứ nhất (First Island Chain). Cuối cùng, Trung Quốc muốn chặn đứng khả năng của hạm đội của Hoa Kỳ về việc bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ ở vùng Tây Thái Bình Dương.

Những viên chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ đã để ý đến những biến chuyển trên. Năm ngoái, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Robert Gates báo động rằng “đầu tư [của những quốc gia như Trung Quốc] vào các lãnh vực võ khi điện toán, chống vệ tinh, chống chiến hạm, võ khí không gian, và hỏa tiễn đạn đạo có thể đe dọa sự phát triển hỏa lực của Hoa Kỳ và yểm trợ đồng minh ở Thái Bình Dương – đặc biệt là những căn cứ không quân tiền phương và những hải đoàn xung kích bao gồm hàng không mẫu hạm.”

Ông Ross Babbage nói thẳng thừng hơn: “kế hoạch quốc phòng hiện nay là vô giá trị.” Ông và những nhà phân tách thuộc CSBA lập luận rằng Hoa Kỳ cần phải suy tính lại về chiến lược tại Thái Bình Dương. Hoa Kỳ cần phải tăng cường các căn cứ và khả năng phá vỡ những cuộc tấn công của Trung Quốc với các vật nghi trang và bằng cách phân tán rộng phi cơ và chiến hạm trong toàn vùng. Quân lực của Hoa Kỳ phải có kế hoạch tiếp vận tốt hơn và có thể chiến đấu ngay cả trong trường hợp hệ thống tin tức bị hư hỏng.

Một việc nghiêm trọng là quân lực của Hoa Kỳ cần phải có khả năng hủy diệt hệ thống trinh sát, do thám điện tử và thẩm định thiệt hại của Trung Quốc. Một số những hệ thống này được bảo vệ bởi một hệ thống đường hầm ngoài tầm hủy diệt của võ khí Hoa Kỳ.

Thái Bình chỉ là cái tên
Những nhà phê bình thường nói rằng những người tham dự vào chiến tranh lạnh đang mắc phải căn bệnh gọi là hội chứng mất kẻ thù (enemy deprivation syndrome). Để bắt đầu, một số người có cảm tưởng sai lầm rằng chi tiêu về quốc phòng của Trung Quốc gia tăng. Ngân sách của PLA giữ cùng một nhịp độ với tổng sản phẩm nội địa (gross domestic product – GDP) trong 10 năm vừa qua. Trong hai thập niên trước đó tỉ lệ của ngân sách này so với GDP giảm. Các chuyên viên không đồng ý với nhau về kích thước của ngân sách quốc phòng của Trung Quốc mà nhà cầm quyền chỉ tiết lộ có một phần. Ông Sam Perlo-Freeman thuộc Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm ước tính rằng chi phí quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2009 là $99 tỉ theo giá biểu của năm 2008. Một số ước tính khác cao hơn và con số chính thức của Trung Quốc là $70 tỉ. Hoa Kỳ dự trù một chi phí quốc phòng là $663 tỉ. Tỉ lệ chi tiêu quốc phòng trên GDP của Trung Quốc không bằng một nửa con số của Hoa Kỳ và thấp hơn các con số của Trung Quốc trong những năm 1990s. Ông Perlo-Freeman nói: “Không có nhiều bằng chứng của một cuộc chạy đua võ trang.”

Một số người nghi ngờ về phẩm chất của võ khí do Trung Quốc chế tạo. Một đô đốc hải quân Hoa Kỳ về hưu nói rằng phần lớn dụng cụ của Nga mà Trung Quốc mua là đồ vô dụng. Mặc dù đạt được một số tiến bộ, Trung Quốc chậm trễ về hướng dẫn, kiểm soát, động cơ turbine, dụng cụ chế tạo máy móc, dụng cụ định bệnh và nhận diện (diagnostic and forensic equipment), và việc phác họa và chế tạo với sự trợ giúp của máy điện toán. GS Dupont nói: “Trung Quốc đã đạt một bước tiến xa nhưng hiện đại hóa quân đội từ nay về sau trở nên khó khăn hơn.”

Một số người nghi ngờ về nhân lực của Trung Quốc. PLA chuyên nghiệp hơn so với thời kỳ còn là một quân đội nông dân, nhưng thiếu kinh nghiệm. Ông Nigel Inkster thuộc Viện Nghiên Cứu Quốc Tế về Chiến Lược (International Institute for Strategic Studies – IISS) nhớ lại rằng một trong những người sáng lập ra hải quân Trung Quốc đã nói: “Không phải là tôi không biết lái tầu, nhưng vấn đề là tôi chưa bao giờ nhìn thấy biển.”

Những vấn đề phức tạp như chiến tranh tầu ngầm cần nhiều năm mới nắm vững. Ông Christian Le Mière thuộc IISS nói rằng: “Khi ông chiến đấu, sẽ thấy có nhiều lỗ hổng. Khi chưa chiến đấu, ông không biết những lỗ hổng đó nằm ở đâu.” Vị đô đốc về hưu nghĩ rằng quân lực Trung Quốc thiếu sự tin cậy. Điều này sẽ làm họ chậm chạp ở chiến trường. Ông nói: “Chúng ta cho lực lượng của chúng ta trách nhiệm và sáng kiến. Đối với họ, điều này rất kỵ”

Ông Robert Ross thuộc Đại Học Harvard lý luận rằng những người bi quan đánh giá quá cao mối đe dọa của Trung Quốc và đánh giá quá thấp sức mạnh của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ có khả năng để theo rõi tầu ngầm của đối phương tốt hơn. Hoa Kỳ tài giỏi hơn về võ khí điện toán và ít nhược điểm hơn Trung Quốc về không gian – cũng chỉ vì Hoa Kỳ có sẵn hệ thống dư phòng. Trung Quốc sẽ gặp khó khăn để xâm nhập hệ thống phòng thủ chiến hạm bằng những biện pháp trả đũa và bằng cách ngụy trang điện tử của Hoa Kỳ. Ông Carlyle Thayer của Viện Nghiên Cứu Quốc Phòng Úc ghi nhận rằng Hoa Kỳ đã đưa vào Thái Bình Dương 32 trong số 53 tầu ngầm tấn công nhanh và ba tầu ngầm nguyền tử loại Ohio.

Mặc dù cuộc tranh luận này có những sự kiện không chắc chắn, nhưng có ba điều sau đây mọi người đồng thuận. Thứ nhất là Trung Quốc đã buộc chiến hạm Hoa Kỳ phải suy nghĩ làm sao và khi nào có thể tiến gần vào bờ biển Trung Quốc. Càng gần bờ bao nhiêu, các chiến hạm Hoa Kỳ càng phải đối phó với hỏa tiễn và tầu ngầm và càng có ít thời gian để phản ứng. Bất cứ ai lái một hàng không mẫu hạm trị giá $15 tỉ – $20 tỉ với một thủy thủ đoàn khoảng 6,000 người sẽ phải suy nghĩ hai lần trước khi chấp nhận thêm rủi ro. Để phủ nhận quyền sở hữu biển cả mà Hoa Kỳ đã ngự trị nhiều thập niên vừa qua, Trung Quốc không cần phải kiểm soát duyên hải của mình mà chỉ cần đe dọa những chiến hạm của Mỹ tại đó. Ông Hugh White, cựu viên chức về an ninh và quốc phòng Úc tiên đoán rằng miền tây Thái Bình Dương sẽ trở thành “vùng không hoạt động của hải quân.”

Thứ hai, Trung Quốc tăng cường khả năng sức mạnh. Tầu ngầm, phi cơ chiến đấu, hỏa tiễn, chiến tranh Internet và điện tử, trước đây tồi tệ, nay là một mối đe dọa. Võ khí của Trung Quốc sẽ tiếp tục cải thiện, và quân lực Trung Quốc sẽ gặt hái được kinh nghiệm. Nếu kinh tế không lụn bại, ngân sách sẽ gia tăng về mức tuyệt đối hay theo tỉ lệ của GDP. Nếu mọi thứ khác không thay đổi, Trung Quốc có thể phóng hỏa lực vào sân sau của mình dễ hơn là Hoa Kỳ phải phóng hỏa lực qua Thái Bình Dương. Như ông Gates nói: “Những căn cứ trú ẩn an toàn trong vùng tây Thái Bình Dương mà hải quân Hoa Kỳ hưởng trong gần cả sáu thập niên vừa qua sẽ phải chịu rủi ro.”

Thứ ba, mặc dầu Hoa Kỳ có thể trả đũa Trung Quốc, nhưng trước hết Hoa Kỳ phải vượt qua một số trở ngại. Chi thiêu về quân sự của Hoa Kỳ tại Á châu bị lu mờ bởi sự cần thiết cắt giảm chi phí của chính phủ nói chung và những ưu tiên quân sự khác như Afghanistan. Ông Jonathan Pollack thuộc Brookings Institution, cho thấy rằng một vài ý kiến như thay thế hàng không mẫu hạm bằng tầu ngầm, sẽ gập sự chống đối của hải quân và của những dân biểu muốn bảo vệ quyền lợi của cử tri. Ông Pollack nói tiếp: “Đối với nhiều sĩ quan, đặc tính để nhận biết hải quân gắn liền vào hàng không mẫu hạm và hỏa lực mà các hàng không mẫu hạm này phóng ra. Giảm số lượng của các hàng không mẫu hạm là một tiến trình khó nhọc.” Trên hết, những thay đổi lớn về hoạch định quân sự cần vài thập niên: Hoa Kỳ cần nghĩ về Trung Quốc vào năm 2025.

Tất cả những phân tích trên đây đều hướng về một nguyên tắc quan trọng. Hoạch định quân sự khác với ngoại giao. Những nhà ngoại giao chú trọng đến những gì họ nghĩ rằng nhà nước có khuynh hướng làm, nhưng những kế hoạch gia quân sự phải làm việc với những gì mà họ nghĩ nhà nước có thể làm. Ý định thay đổi và nhà nước có thể làm lạc hướng. Nếu ông có trách nhiệm bảo vệ quốc gia của ông, ông cần phải có khả năng đối phó ngay cả với những đe dọa không chắc có thực.

Lập luận này cũng đúng với Trung Quốc. Hoa Kỳ không ngần ngại tham chiến trong những năm vừa qua. Cách đây không lâu một đô đốc Trung Quốc đã về hưu ví hải quân Hoa Kỳ như một kẻ tội phạm “lang thang ngay ngoài cửa của một gia đình.” Sức mạnh của Hoa Kỳ vào những năm 1990s đã làm cho Trung Quốc cảm thấy bất an. Vì vậy Trung Quốc đã biến cải PLA để hỗ trợ chính sách đối với Đài Loan và bảo vệ vùng duyên hải quan trọng về phương diện kinh tế. Tuy nhiên, bởi gia tăng bảo vệ an ninh cho chính mình, Trung Quốc làm giảm an ninh của các nước láng giềng và Hoa Kỳ. Có thể, Trung Quốc không có ý định sử dụng võ khí một cách hung hăng. Nhưng những kế hoạch gia quân sự Hoa Kỳ không thể dựa vào tiên đoán này. Do đó họ phải có phản ứng.

Theo chiều hướng này, hai quốc gia không bao giờ có ý định làm hại, nhưng có thể bắt đầu cảm thấy mỗi đe dọa từ quốc gia kia. Nếu ông không trang bị võ khí, ông bỏ ngỏ để dễ dàng bị tấn công. Nếu ông võ trang, ông đe dọa quốc gia kia. Ông Herbert Butterfield, một sử gia Anh gọi trường hợp này là “một tình trạng khó khăn tuyệt đối và một nan giải không thể giảm bớt được”. Đây là một lý do tại sao mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ có thể trở nên tồi tệ.

Sunday, December 26, 2010

Ông già Noel rời khỏi Việt Nam

Theo Dân Làm Báo

Dân Làm Báo – “Và cũng đêm nay một người ôm kỷ niệm” – Sir Herrström, Đại sứ Thụy Điển ở Hà Nội hiểu hơn ai hết lời ca khúc này. Tiếng chuông Nhà Thờ Lớn Hà Nội ở phố Nhà Chung có dư âm buồn của tiếng chuông Chùa ở Tu Viện Bát Nhã tận Lâm Đồng. “Người ơi, đêm nay Noel về. Hồn ơi lắng tai nghe”. Hồn Dân Tộc trong mỗi chúng ta còn hay chết rồi? Người ơi!

Hôm nay, khắp nẻo đường trên quê hương Việt Nam đón Giáng Sinh. Từ các thành phố lớn đến các thôn xóm, các buôn làng, phom, sóc, thôn ấp nhỏ có những cung bậc đón Giáng Sinh khác nhau. Thăm dò trên báo chí và thực tế thì năm nay Giáng Sinh không vui như mọi năm trước.

Đồng tiền Việt nam mất giá do lạm phát, giá cả tiêu dùng tăng lên chóng mặt. Noel năm nay người ta đi coi nhiều hơn là mua sắm. Hình ảnh các cửa hàng ế ẩm ở Hà Nội và Sài Gòn cả tuần trước Giáng Sinh cho thấy năm nay có một Giáng Sinh buồn.

Giáo hội Công Giáo đón Giáng Sinh với những chuyện đau lòng ở Thái Nguyên, Nam Định, Cồ Dầu ( Đà Nẵng). Một năm buồn của Giáo Hội.

Các hệ phái Tin Lành bị bắt bớ ở Hà Nội, Tây Bắc và ngay tại Sài Gòn thì mục sư Nguyễn Hồng Quang bị đánh đập không có nhà để đón Giáng Sinh. Ngay cả người chết của Hội Thánh Mennonite Việt Nam cũng không yên với an ninh Sài Gòn.

Một năm mà phong trào dân chủ bị tấn công nhiều nhất. Các phiên tòa xét xử Luật sư lê Công Định, Trần Hùynh Duy Thức, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung gây bất bình dư luận trong và ngòai nước. Chấn động là vụ dàn dựng bẩn thỉu của nhà cầm quyền bắt bớ Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ.

Các trang web không phải của nhà cầm quyền bị tấn công một đợt mới ngay trước lễ Giáng Sinh gây nên một số thiệt hại không đáng kể. Năm nay là năm được mùa đánh phá các trang web cổ xúy phong trào dân chủ ở Việt Nam của an ninh mạng.

Nhưng tiếng chuông Giáng Sinh lại ngân vang trên mọi miền đất nước.

Thêm một tin buồn là MỘT “ÔNG GIÀ NOEL” RỜI KHỎI VIỆT NAM

Đó là tuyên bố trên trang blog của Đại Sứ Thụy Điển tại Hà Nội, trong entry có tên. ” Dark days in Hanoi”. Tạm dịch là: ” Những ngày đen tối ở Hà Nội”.

Thụy Điển đóng cửa đại sứ quán ở Hà Nội sau 40 năm họat động tại Việt Nam.

Entry này hiện có hơn 70 comment( tính đến trưa ngày 24.12.2010)

Tuyên bố này phát đi ngày 23.12.2010.

Quê hương của các giải Nobel ở Bắc Âu đóng cửa một cơ sở ngoại giao tại Hà Nội, Việt Nam. Xứ sở của Ông Già Noel không còn có nhân viên ngoại giao nào ở Bắc Việt Nam kể từ năm 2011. Những món quà của Ông Già Tuyết sẽ khó khăn đến với các chương trình nhân đạo của tổ chức SIDA( không phải HIV/AIDS), các học bổng về báo chí…
Một mùa Giáng Sinh buồn……

“… Đêm nay Giáo Đường vang tiếng kinh cầu.. Nơi xưa mình EM đứng, không thấy bóng ANH đâu Nữa đêm tan lễ, bóng EM bơ vơ trở về .” ( Vợ của Anh Ba SG, Vợ Anh Điếu Cày, Chị Dương Hà vợ anh Hà Vũ) đúng tâm trạng này.

….” Và cũng đêm nay một người ôm kỷ niệm” Sir Herrström, Đại sứ Thụy Điển ở Hà Nội hiểu hơn ai hết lời ca khúc này.

Nhưng không, kể từ sau 30.4.1975 có hàng triệu người Việt Nam có tâm trạng này mới đúng . Nhất là mỗi mùa Giáng Sinh về. Tiếng chuông Nhà Thờ Lớn Hà Nội ở phố Nhà Chung có dư âm buồn của tiếng chuông Chùa ở Tu Viện Bát Nhã tận Lâm Đồng.
Và dù gì thì cũng: “ Người ơi, đêm nay Noel về. Hồn ơi lắng tai nghe”. Hồn Dân Tộc trong mỗi chúng ta còn hay chết rồi? Người ơi!

Danlambao

Saturday, December 25, 2010

Lời chúc Giáng Sinh của blogger

Một năm lại trôi qua, mùa Giáng Sinh lại trở vế. Tiết trời lành lạnh của mùa Đông làm cho lễ Giáng Sinh mang một nét đặc biệt. Ở những vùng hàn đới và ôn đới, Giáng Sinh đến trong khung cảnh tuyết đang rơi, nhưng ở California thì chỉ thấy lành lạnh một chút chớ không có cảnh tuyết rơi. Cũng vì vậy mà có chuyện những ông già Noel ngồi trên những cỗ xe do các chú nai kéo trên tuyết trắng mang quà đến cho mọi người [nhất là các em nhỏ rất thích thú]. Sau một năm làm 3 blogs, cũng có những lúc vui, nhất là khi thấy được có những bạn đọc từ trong nước đã có viết những bức thơ gởi. Thật là một niềm vui to lớn. Mong ước rằng những blogs này là một chút góp sức nhỏ cùng các blogger trong nước tranh đấu chống lại những kẻ cường quyến bạo ngược đang chà đạp nhân quyền và nhân phẩm của người dân Việt thấp cổ bé miệng. Cầu mong Chúa lòng lành hãy ban phước cứu giúp dân tộc Việt Nam thoát khỏi đại họa Cộng Sản, quét sạch loài quỷ đỏ ra khỏi quê hương Việt Nam yêu dấu, để niềm vui lại về với người dân Việt, để đất nước rồi lại nở hoa dân chủ, để Việt Nam được tự chủ, tự cường, thoát khỏi hiểm họa của giặc Tàu.

Cuối cùng xin chúc các bạn có một mùa Giáng Sinh vui vẻ và một năm mới nhiều bình an và tốt đẹp.

Phi Vũ