Translate

Wednesday, October 21, 2009

Hoài Phi

Hoài Phi – Lướt net xem người Việt Nam bây giờ

Posted using ShareThis

VN tổ chức hội nghị quốc tế về Biển Đông

Trích BBC News

BBC được tin một hội nghị về Biển Đông do Việt Nam chủ trì sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11 tại Hà Nội.

Trước đây đã có một số hội thảo về Biển Đông ở trong nước, nhưng đây là cuộc gặp đầu tiên có tính quốc tế mà Việt Nam chủ xướng.

Giới chuyên gia cho rằng nó chứng tỏ nỗ lực của Hà Nội trong việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, khu vực đang có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ giữa một số quốc gia trong khu vực, trong có Việt Nam và Trung Quốc.

Hộị nghị "Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển Khu vực" sẽ diễn ra trong hai ngày 26/11 và 27/11. Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam đồng tổ chức hội nghị này.

Danh sách khách mời bao gồm giới học giả, chuyên gia về luật pháp quốc tế và các vấn đề khu vực từ nhiều cơ quan nghiên cứu và trường đại học trên thế giới. Phía Việt Nam ngoài thành phần học thuật còn có đại diện của Ủy ban Biên giới thuộc Chính phủ Việt Nam.

Được biết các chủ đề chính trong hai ngày hội nghị là: "Ý nghĩa khu vực và toàn cầu của Biển Đông trong bối cảnh môi trường quốc tế đang thay đổi", "Các diễn biến mới tại Biển Đông và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực" và "Cách thức giữ hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông".

Giới quan sát nhận định các nỗ lực quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông như thế này chắc hẳn sẽ không làm vừa lòng Bắc Kinh, vốn chủ trương giải quyết bất đồng thông qua đàm phán tay đôi với các nước liên quan.

Nguyên tắc song phương

Cuối tháng trước, Trung Quốc lên tiếng kêu gọi Philippines và các quốc gia liên quan về chủ quyền tại Biển Đông "gác bất đồng để cùng Phát triển".

Đại sứ Trung Quốc tại Manila Lưu Kiến Siêu nói Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đã có bước khởi đầu tốt đẹp với thỏa thuận thăm dò địa chấn chung tại Biển Đông.

Tuy dự án này đã hết hạn năm 2006, sau khi gây tranh cãi và bị phản đối ở Philippines, ông Lưu cho rằng cần nối lại sự hợp tác theo hình thức này.

Ông đại sứ nói: "Tình hình lúc này còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta cần kiên nhẫn. Chúng ta đang tìm cách giải quyết vì lợi ích của tất cả các bên liên quan."

Ông Lưu Kiến Siêu khẳng định Trung Quốc có chủ quyền "không thể chối cãi đối với quần đảo Nam Sa ( Trường Sa) và vùng biển xung quanh".

Tuy nhiên ông nói: "Trong khi giữ vững tuyên bố chủ quyền, chính phủ Trung Quốc muốn tìm cách giải quyết bất đồng thông qua thương lượng hòa bình trên nguyên tắc song phương với các nước có liên quan."

Tiến sỹ Ian Storey, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) đặt tại Singapore, nhận xét Bắc Kinh đã luôn luôn chủ trương giải quyết tranh chấp chủ quyền thông qua nguyên tắc song phương.

"Năm 1999, Trung Quốc có nhượng bộ khi chấp thuận bàn thảo về chủ đề chủ quyền lãnh thổ trên diễn đàn đa phương và sự nhượng bộ này đã dẫn tới Quy tắc ứng xử tại Biển Đông năm 2002."

Ông Storey cũng cho rằng bất cứ sự "song phương hóa" nào trong vấn đề này cũng làm Việt Nam và các nước khác trong khối ASEAN không hài lòng.