Translate

Sunday, October 24, 2010

Đại lễ ngàn năm Thăng Long: “úm ba la ba ta cùng đã” (có âm thanh)

Tuệ Vân
tamthucviet.com
October 20, 2010
Nghe
Tải xuống để lưu giữ




Mười ngày đại lễ mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, rất xa hoa, tốn kém, với ngân sách 4,5 tỷ Mỹ Kim tương đương 94 ngàn tỷ đồng tiền thuế của dân, hay 1/10 tổng thu nhập quốc gia và tám năm chuẩn bị với 65 công trình thuộc về các lĩnh vực văn hoá xã hội, chính trị, lịch sử, giáo dục chào mừng đại lễ rồi cũng đi qua. Khoảng 290 buổi biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước, một cuộc diễu binh và diễn hành theo như báo chí trong nước mô tả là lớn nhất lịch sử với trên 30 ngàn người và một cuộc bắn pháo bông được xem là “hoành tráng”, vĩ đại, rồi cũng chấm dứt. Dấu vết còn lại là những bãi cỏ dập nát tang thương, những vĩa hè, lòng đường, các công viên trong khu vực tổ chức tràn ngập rác, đồ ăn do người đi xem đại lễ bỏ lại, và những chỉ trích của người dân trên các blog, các trang mạng điện tử.

Trên trang blog của blogger Trương Duy Nhất người ta đọc được những giòng oán thán:
Không có đất nước nào lại đi nhảy múa hò reo, bắn pháo hoa làm lễ hội giữa lúc hàng chục vạn ngôi nhà đang chìm trong lũ, gần 50 người chết và hàng vạn sinh mạng đang cầu cứu. Cứ tưởng sau sự cố nổ hôm qua, chương trình pháo hoa nghìn năm sẽ hủy. Nhưng không, chẳng những không hủy, mà còn tức tốc chi thêm tiền nhập pháo. Cứ tưởng sẽ có thêm những chiếc trực thăng bay về cứu dân vùng lũ. Nhưng không, khi ông Bí thư Quảng Bình gào xin như van lạy mới có được 2 chiếc trực thăng bay về cứu dân. Trong khi 10 chiếc trực thăng khác lại đang được tập trung cho việc tập dượt kéo mấy lá cờ duyệt binh mừng đại lễ nghìn năm. Cứ tưởng sẽ có Cụ này, Bác nọ bay về vùng lũ động viên dân. Nhưng không, vẫn chưa thấy ai nhấc chân khỏi Hà Nội.
Gần 50 mạng người- quốc tang đấy chứ! Trước thời khắc này, nên ứng xử ra sao
?”

Blogger Mẹ Nấm thì lưu ý đảng và nhà nước cộng sản:
Với hoàn cảnh xã hội VN hiện tại, không nhất thiết phải hao tiền tốn của cho những dịp lễ lạc như thế này. Người dân còn nghèo, trẻ em vùng cao, vùng sâu còn chưa có ăn, có mặc đầy đủ, chưa được tạo điều kiện học hành đến nơi đến chốn, điều kiện chăm sóc y tế tại nhiều địa phương còn lạc hậu, tệ nạn xã hội ngày càng nhiều. Tất cả những vấn đề quan trọng của xã hội đều chưa được nhà nước chăm lo giải quyết xác đáng. Làm sao dân tộc Việt có thể vững mạnh khi cứ mãi theo đuổi truyền thống tự hào trong quá khứ và cố gắng xây dựng một hình ảnh no đủ vá víu như thế này?”

Nhà văn Võ Thị Hảo trong bài “Hội chứng 1000 năm” viết cho BBC thì thẳng thừng: “Mà cách gì cũng phải dính tới chữ “ngàn năm TLHN” để moi được tiền ngân sách. Càng hoành tráng càng được nhiều tiền. Đồng nào lên rừng đồng nào xuống phố đồng nào vào túi ai thì là cái chuyện trời biết, dân biết, nhưng dân không được bàn mà dân cũng không được kiểm tra... Là mừng tuổi cụ Thủ đô đấy. Đại lễ ngàn năm TLHN trùng ngày quốc khánh TQ.”

Cuối cùng, sau mỗi sai sót, khuyết điểm của lãnh đạo CSVN, câu chuyện rồi sẽ trôi vào quên lãng, tất cả mọi dư luận rồi cũng sẽ chấm dứt, chỉ có túi tiền của các lãnh đạo Việt Nam sẽ tiếp tục căng phình lên theo thời gian, trên nỗi đau khổ triền miên của dân tộc. Tiền đến từ nhiều nguồn, trong đó có những khoản hoa hồng mà các công ty cung cấp hàng và dịch vụ cho đại lễ trao lại cho các người trách nhiệm ký giao kèo. Tiền đến từ các cắt sén và hối lộ khi thực hiện các công trình, các phương tiện dùng cho đại lễ. Lớn ăn lớn, nhỏ ăn nhỏ, trung ương có giá trung ương, điạ phương có giá điạ phuơng.

Tuy nhiên nghĩ cho kỹ, trong cái gọi là “hoành tráng” và vĩ đại của đại lễ ngàn năm, tối thiểu thì những người dân xã hội chủ nghĩa cũng có dịp mà đi xem những thứ, những trò chưa từng được thấy, mường tượng rực rỡ như thế nào của pháo bông. Cũng chưa bao giờ có điều kiện để mà tụ hội đông người giữa nơi công cộng mà chè chén xả rác một cách hả hê. Lại cũng chưa bao giờ có mặt đủ loại đủ cỡ áo quần rực rỡ, son phấn loè loẹt của các bà các cô như thế ở nơi công cộng. So với thời toàn trị cách đây chừng hơn chục năm áo quần chỉ một mầu một kiểu, thì rõ ràng là đảng và nhà nước ta đã tiến xa vượt bực

Cái tâm trạng này không phải là không đáng để ý cho những nhà chính trị, vì những người dân này không thấy được những chuyện buôn dân bán nước và chi phí theo lối “vén tay áo sô đốt nhà tang giấy” như vụ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long này của giới lãnh đạo CS biến thái, đưa đất nước vào nợ nần nhiều năm không trả nổi. Những tiếng nói chỉ ra sự thực nhưng rồi cũng sẽ qua đi, quên đi. Và chưa biết chừng sẽ có kẻ nói “phí phạm nợ nần đâu không thấy, pháo hoa gái đẹp coi không mất tiền chẳng đã mắt hay sao?” Có lẽ thế thật: đảng đã, nhà nước đã vì có tiền bỏ túi, còn người xã hội chủ nghĩa đã vì được rửa con mắt không mất tiền.

Tuệ Vân
Ngày 20 tháng 10 năm 2010