Translate

Saturday, October 16, 2010

Chín ngư dân Quảng Ngãi đã liên lạc được với gia đình

Theo RFI

Tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi neo đậu tại cảng Dung Quất.
Tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi neo đậu tại cảng Dung Quất.
Ảnh: Reuters
Thanh Phương

Theo tin từ báo chí trong nước, hôm nay 16/10, sau nhiều ngày trôi dạt trên biển, 9 ngư dân Quảng Ngãi đã có thể liên lạc được với gia đình. Theo báo Tuổi Trẻ, anh Lưu, một trong 9 ngư dân, cho biết là sau khi Trung Quốc thả ra, chiếc tàu của họ đã bị chết máy, toàn bộ lương thực, nước uống, dầu máy đều cạn kiệt và họ đã phải dùng chăn, mùng căng lên làm buồm để điều khiển con tàu.

Đến trưa nay, khi họ bắt đâu kiệt sức và vô vọng, 9 ngư dân Quảng Ngãi mới được tàu tuần tra của Trung Quốc cứu và kéo về đảo Trụ Cẩu, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Họ đã liên lạc với gia đình qua điện thoại của các thuyền viên Trung Quốc. Hôm nay, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn đã gặp đại sứ Trung Quốc để yêu cầu xác minh thông tin nói trên và thông báo cho phía Việt Nam để đưa ngư dân và tàu cá về nhà.

Chín ngư dân Quảng Ngãi đã bị Trung Quốc bắt giữ từ ngày 11/9. Họ bị cáo buộc là đã sử dụng chất nổ để đánh cá và bị buộc phải nộp phạt mới được thả ra. Tuy nhiên, phía Việt Nam đã bác bỏ lời cáo buộc đó, khẳng định các ngư dân nói trên đã hoạt động bình thường trong lãnh hải Việt Nam. Hà Nội đã đòi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho 9 ngư dân Quảng Ngãi.

Đến ngày 11/10, ngay trước ngày khai mạc Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc mới thông báo cho đồng nhiệm Việt Nam là các ngư dân đó đã được thả ra. Thế nhưng, từ đó cho đến trưa hôm nay, 9 ngư dân vẫn biệt tăm, khiến gia đình rất lo lắng. Hôm nay, tuy mừng là đã bắt liên lạc được với các ngư dân nhưng gia đình họ chưa hết lo, khi nào mà thân nhân của họ vẫn còn trên biển.

Cũng liên quan một phần với Việt Nam, Ủy ban Sông Mêkông ( MRC ) yêu cầu nên đình hoãn các dự án đập thủy điện trong 10 năm. Trong một nghiên cứu được công bố hôm qua, Uỷ ban Sông Mêkông cho rằng phải có thời gian để nghiên cứu cặn kẽ những nguy cơ của các đập này đối với hệ sinh thái và người dân sống ven sông, trước khi tiến hành xây các đập thủy điện.

Tuy nhiên, Ủy ban Sông Mêkông chỉ là một cơ quan có tính chất tham vấn và cũng chỉ bao gồm bốn quốc gia Việt Nam, Cam Bốt, Lào và Thái Lan, chứ không có liên quan đến Trung Quốc, quốc gia ở thượng nguồn. Bản nghiên cứu nói trên của Ủy ban Sông Mêkông sẽ được các nước có liên hệ phân tích trong nhiều ngày.

Từ nhiều năm năm qua, các tổ chức bảo vệ môi trường vẫn đấu tranh để bảo vệ sông Mêkông, nổi tiếng là sông có nhiều cá nhất thế giới và là khu vực sinh sống của 60 triệu người.