Translate

Friday, December 11, 2009

Nguyễn Đạt Thịnh: Giai đoạn chiến tranh dư luận

Trích NguoiViet Boston

Nguyễn Đạt Thịnh

Nếu chia cuộc khủng hoảng Biển Đông thành từng giai đoạn, thì giai đoạn một là giai đoạn cắn răng nuốt nhục, ngư dân chịu đấm, nhà nước ăn xôi, vẫn chưa qua và giai đoạn hai, giai đoạn chiến tranh dư luận đã vừa khởi diễn từ ngày 26.11.2009 ngày Việt Cộng mời trên 50 học giả từ 19 quốc gia đến Hà Nội tham gia cuộc thảo luận về Biển Đông.

Sở dĩ hai giai đoạn này chồng lên nhau, vì giai đoạn 1, không thể nào dứt được, Trung Cộng sẽ không buông nhả Biển Đông, không cho ngư dân Việt Nam đánh cá, không cho chính quyền Việt Cộng bán dầu, dù chiến tranh dư luận có biến thành chiến tranh bom đạn, nguy cơ này hiển nhiên, có thể kéo dài miên viễn, và cần được người Việt Nam phân tách, thấu hiểu và tìm cách thoát ra.

Cuộc hội thảo này đương nhiên là một cuộc quật khởi, dù lớn hay nhỏ, và dĩ nhiên Trung Cộng không vừa ý, vì hội thảo về Biển Đông là đi ngược lại chủ trương của chúng, chủ trương đối phó riêng rẽ với từng quốc gia chúng va chạm quyền lợi, chứ không muốn gặp sức mạnh “bó đũa” của toàn thể các quốc gia mất quyền lợi trên Biển Đông.
Thái độ Việt Cộng chấp nhận đối phó với sự thịnh nộ của Trung Cộng còn được thể hiện qua việc họ mời cả Đài Loan lẫn Trung Cộng tham gia hội nghị. Thái độ này mang ý nghĩa Việt Cộng coi Đài Loan như mọi quốc gia, chứ không như một tỉnh của Trung Hoa, và coi như Đài Loan có quyền lợi bị va chạm trên Biển Đông; hành động này coi thường nguyên tắc “chỉ có một nước Trung Hoa” của Trung Cộng.

Tại sao Việt Cộng lại thay đổi thái độ, không thần phục Trung Cộng nữa? Sử gia Nguyễn Nhã, một chuyên gia về luật Hoàng Việt giải thích là Việt Cộng đang chịu quá nhiều sức ép của dư luận trong nước đòi hỏi chính quyền phải có thái độ mạnh bạo, cứng rắn hơn trong quan hệ với Trung Cộng.

Chỉ được mời vào phút chót, nhưng ông Nhã vẫn phát biểu mạnh mẽ hơn những đại biểu khác của Việt Nam.
- “Tôi cho đây là cuộc giao lưu của những người quan tâm tới Biển Đông trên khắp thế giới,” ông nói.
- “Dần dần dư luận thế giới sẽ biết sự thật là như thế nào, và biết cách giải quyết hợp lý. Và như người ta thường nói: Cái gì của César thì phải trả lại cho César!”. Dĩ nhiên “cái gì́” là hai quần đảo Hoàng Sa và Truờng Sa, và “César” là nhân dân Việt Nam.
Sau hai nét đặc thù của cuộc thảo luận Biển Đông, nét đặc thù thứ 3 là việc Trung Cộng thản nhiên cử phái đoàn đến Hà Nội dự hội thảo, làm như không biết thái độ của Việt Cộng chống đối lại cả hai chính sách Biển Đông, và chính sách Đài Loan của chúng.
Hy vọng thái độ giả dại của Trung Cộng sẽ dạy được Việt Cộng cái kinh nghiệm là không nhất thiết phải làm mọi việc theo ư Trung Cộng.

Khai mạc phiên họp, ông Dương Văn Quảng, giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Cộng, nói:
- “Những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ không hề thuyên giảm ở Biển Đông. Ngược lại, những diễn biến gần đây, nhất là các hành động khẳng định chủ quyền về mặt pháp lý, kèm theo các hành vi đơn phương nhằm tăng cường sự kiểm soát thực địa, tranh chấp các nguồn năng lượng và tài nguyên đã làm cho tình hình thêm phức tạp.”

Trên mặt khẳng định chủ quyền, hồi giữa năm nay cả 3 nước Việt Nam, Trung Hoa, và Mã Lai đã nộp văn phòng Liên Hiệp Quốc hồ sơ và bản đồ khẳng định vùng họ coi là thềm lục địa mở rộng của nước họ; theo bản đồ này thì thềm lục địa của Trung Hoa nằm chồng lên thềm lục địa của Việt Nam và của nhiều nước khác.
Hai chính phủ Việt Cộng và Trung Cộng cũng thành lập các đơn vị hành chính trên các hải đảo tranh chấp tạo mâu thuẫn quyền lợi giữa hai bên.

Trong khi đó, các nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á bày tỏ quan ngại trước sự gia tăng hoạt động quân sự với độ mạnh bạo “chưa từng thấy” của Trung Cộng tại Biển Đông, nơi được cho là có nhiều dầu khí và tài nguyên thiên nhiên.
Con đường tìm kiếm một nguyên tắc chung cho các quốc gia có liên quan đến Biển Đông đang bế tắc.

Lập trường của Trung Cộng trên bàn hội nghị

Trung Cộng gửi sáu chuyên gia và học giả đến tham dự hội nghị Biển Đông; họ đóng góp nhiều bài tham luận về an ninh hàng hải và hợp tác về an ninh.
Giáo sư Lý Quốc Cường, phó giám đốc trung tâm nghiên cứu “sử địa giới” thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Cộng, tỏ thái độ chủ nhà, ông nói với BBC:
- “Chúng tôi muốn sự hợp tác các học giả thuộc nhiều quốc gia khác nhau sẽ giúp tim ra cách hòa giải bất đồng giữa các nước tại Biển Đông. Muốn đạt được an ninh Biển Đông, các nước phải nỗ lực xây dựng lòng tin với nhau.”

BBC bỏ mất cơ hội hỏi ông Cường xem có phải Trung Cộng đang “xây dựng lòng tin” bằng cách đem chiến hạm ủi chìm ngư thuyền Việt Nam và cho phép thủy thủ đánh đập, cướp bóc ngư dân Việt Nam không?
Nếu phóng viên BBC nêu lên được câu hỏi này, thì cả câu hỏi của BBC lẫn câu trả lời của giáo sư Cường sẽ được truyền thông thế giới phổ biến rộng rãi, vì đó chính là lập trường của Trung Cộng sử dụng sức mạnh quân sự trên Biển Đông.
Không bị chất vấn, giáo sư Cường tiếp tục nói thao thao, trình bầy là lập trường muôn thủa của Trung Cộng là “giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng cách đàm phán song phương với những nước có quyền lợi bị va chạm. Tuyệt nhiên ông không nói đến những xung đột giữa hải quân Trung Cộng và ngư dân Việt Nam.

Ông còn cảnh cáo Việt Cộng là cuộc hội thảo này chỉ có giá trị “học thuật”, bàn thảo cho vui tai rồi bỏ qua, chứ đừng trông đợi một giá trị thực sự nào hết. Ông Cường cũng bảo mọi quốc gia tham dự hội thảo là đừng mong đợi chứng kiến mọi việc sớm được giải quyết, vì Trung Cộng chủ trương câu giờ hầu việc chiếm lãnh Biển Đông rơi vào trường hợp “để lâu c.. trâu hoá bùn.”

Xa gần ông nói là sẽ không có chiến tranh trên Biển Đông, vì lực lượng hải quân Trung Cộng là lực lượng hùng mạnh nhất, không nước nào trong vùng muốn chống lại. Trung Cộng sẽ tiếp tục cấm ngư dân Việt Nam ra biển, cấm nhà nước Việt Cộng không được khai thác dầu mà Việt Cộng không làm gì được chúng cả.
Ông Cường khuyến khích các quốc gia có quyền lợi bị va chạm hăy kiên nhẫn thương luợng tay đôi với Trung Cộng, và đừng trông đợi các cuộc thương lượng có kết quả sớm.

Giáo sư Carlyle Thayer, một trong các đại biểu tham dự hội thảo, nói:
- “Trước thái độ ngày càng mạnh bạo của Trung Quốc tại Biển Đông, Chính phủ Việt Nam đã quyết định tăng cường vận động ngoại giao và đây là một trong các sáng kiến của Hà Nội”.

- “Tôi nghĩ họ trông đợi hội thảo này sẽ đưa ra được những ý tưởng chung xem các hoạt động của Trung Quốc cần được kiềm chế như thế nào, hoặc chuyển thành cơ chế hợp tác như thế nào, bởi vậy chủ đề chính của hội thảo là hợp tác” (dù hợp tác để mất biển, mất đảo).

- “Đây là cách Việt Nam không gây áp lực trực tiếp mà thông qua người khác gây áp lực (với Trung Quốc).”

Quan điểm của Thayer là, tiếng nói Trung Cộng sẽ quyết định về số phận Biển Đông, vì họ nắm trong tay tất cả các lá bài: có hải quân hùng mạnh nhất, có quyền lực ngoại giao lớn nhất. Một mình Việt Nam không thể làm được gì”
Thayer cũng nhìn nhận là những hoạt động như hội thảo lần này là cơ hội để Việt Nam thu hút ủng hộ của quốc tế cho một giải pháp Biển Đông.
Ông Thayer hoàn toàn có lý khi ông nói số phận Biển Đông nằm trong tay Trung Cộng; chính Trung Cộng cũng chứng tỏ điều này: song song với việc gửi phái đoàn đến họp tại Hà Nội, Trung Cộng cho tầu “ngư chính” của chúng tuần hành, thị uy quanh Trường Sa, hòn đảo chúng chưa chiếm.

Trang web của Tân Hoa Xã (news.xinhuanet.com) đưa lên mạng hình tàu Ngư Chính 311 và Ngư Chính 303 đang diễu võ dương oai trên Biển Đông. Hãng tin Tầu này còn trơ trẽn nói rằng Trung Cộng có nhu cầu tuần tra vì “có hiện tượng nước ngoài lợi dụng việc tránh bão để vi phạm lãnh hải” của họ. Họ muốn nói về việc ngư dân Việt Nam tránh bão số 9 tại vùng Hoàng Sa và bị hải quân Tầu ngược đăi bằng tác phong của Giặc Cờ Đen ngày xưa.
Trong cuộc họp báo ngày 11/27, bà Nguyễn Phương Nga trả lời câu hỏi của phóng viên truyền thông về bản tin Tân Hoa Xă, đã nói:
- “Việc Trung Quốc cử tàu đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.”

Thông tấn xã Việt Nam còn nói sau khi được tin về 2 tầu “ngư chính” của Trung Cộng phô diễn sức mạnh ngoài Biển Đông, ngày 11/27 bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt các hoạt động này.
Tin tưởng vào sức mạnh quân sự của mình, Trung Cộng đang tiếp tục chính sách ngoại giao bằng chiến hạm dưới chiêu bài tuyên truyền, kêu gọi mọi quốc gia quanh Biển Đông “nỗ lực xây dựng lòng tin của họ vào Trung Cộng.”

Việt Cộng đă nhẫn nhục “xây dựng lòng tin của chúng vào Trung Cộng”, nhưng giờ này chúng phải thay đổi thái độ vì “đang chịu đựng quá nhiều sức ép của dư luận trong nước” như sử gia Nguyễn Nhã nói.
- “Việc chúng ta cần tìm hiểu là phản ứng của Trung Cộng đối với cuộc hội thảo Biển Đông; chúng sẽ làm gì để trả đũa Việt Cộng? Việc chúng có thể làm đã được một đại tá không quân Trung Cộng, đại tá Đới Hy, viết trong một bài đăng trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo ngày 3/18, mang tựa đề “Quân đội của chúng ta cần thiết lập căn cứ quy mô lớn tại Nam Sa để bảo vệ việc phát triển nguồn tài nguyên Nam Hải.”

Cuộc thảo luận về Biển Đông tại Hà Nội có thể giúp Trung Cộng nguyên cớ để thực hiện cuộc tấn công Truờng Sa, hòn đảo vẫn bị chúng khăng khăng nhận là của chúng.
Những kẻ đã coi ngư dân tránh bão là “… hiện tượng nước ngoài lợi dụng việc tránh bão để vi phạm lãnh hải” hầu biện minh cho hành động ngược đăi, đánh đập ngư dân, và cướp bóc tư sản của họ, thì chúng cũng sẽ dễ dàng lẻo lự gọi lực lượng trú phòng Trường Sa là đạo quân xâm lăng, cưỡng chiếm hải đảo của Trung Cộng, để dùng pháo hạm và oanh tạc cơ tiêu diệt.

Trước hành vi bạo lực đó, phản ứng của Việt Cộng, của khối Asean, và của Hoa Kỳ sẽ như thế nào?

Tôi không tin được là sẽ có một phản ứng quân sự, và Trung Cộng cũng biết điều này; chúng biết rất rõ là Hoa Kỳ, quốc gia duy nhất có khả năng quân sự khả dĩ đương đầu được với chúng lại quá bận rộn, quá mệt mỏi với 2 cuộc chiến tranh đang gánh vác tại Trung Đông; không có hy vọng nào về việc Hoa Kỳ dám gánh thêm một cuộc chiến tranh nữa, nhất là cuộc chiến tranh với Trung Cộng lại to lớn, với tầm cỡ không thua 2 trận thế chiến trong thế kỷ trước.

Dĩ nhiên tôi không muốn, nhưng tôi sợ giai đoạn 3 của cuộc tranh chấp Biển Đông sẽ là việc chúng ta mất Trường Sa.