Translate

Friday, November 13, 2009

Luật giang hồ trên Biển Đông

Khánh An, phóng viên đài RFA
2009-11-12

Sự kiện Hạ viện Indonesia sửa đổi Luật Thủy Sản, cho phép tàu tuần tra được bắn và đánh chìm tàu cá nước ngòai đánh bắt hải sản trái phép trong vùng biển của Indonesia, đã gặp phải phản ứng của một số quốc gia trong khu vực. 
 


Hải quân Indonesia di chuyển theo đội hình trong buổi tập dợt

Tuy nhiên, hành động của chính phủ Indonesia mặt khác cho thấy sự cứng rắn, không khoan nhượng của nước này trong việc bảo vệ quyền lợi, chủ quyền của mình trên Biển Đông. 

Khánh An tìm hiểu và so sánh phản ứng của một số nước trong khu vực và Việt Nam trong vấn đề khẳng định chủ quyền của mình.

"Chỉ một tuần trước khi Bộ luật sửa đổi của Indonesia được thông qua, tàu chiến của Indonesia đã nã đạn vào một tàu đánh cá Trung Quốc, khiến cho một thủy thủ chết và hai người khác trên tàu bị thương. 


Bài học về tinh thần dân tộc

Có thể nói, Indonesia và Philippines là hai nước ít nhượng bộ Trung Quốc nhất trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. 

Chỉ một tuần trước khi Bộ luật sửa đổi của Indonesia được thông qua, tàu chiến của Indonesia đã nã đạn vào một tàu đánh cá Trung Quốc, khiến cho một thủy thủ chết và hai người khác trên tàu bị thương. Trước đó không lâu, đã xảy ra vụ bắt giữ ngư dân Trung Quốc lớn nhất từ trước đến giờ từ phía chính phủ Indonesia, với 8 tàu đánh cả và 75 ngư dân, khiến cho chính quyền Bắc Kinh phải chính thức lên tiếng đòi trả tự do cho những ngư dân này. Phía Indonesia khẳng định các tàu này họat động trong khu đặc quyền kinh tế của Indonesia trên Biển Đông trong khi Trung Quốc liên tục bảo rằng đó là “khu vực đánh cá truyền thống” của nước này. Ngay sau khi vụ bắt giữ xảy ra, phía Trung Quốc đã lập tức tổ chức họp báo bác bỏ những tin tức mà phía Indonesia đưa ra, đồng thời gửi kháng thư khẩn cấp đến chính phủ Indonesia. Phát ngôn viên Bộ Ngọai giao Trung Quốc lên tiếng rằng “chúng tôi rất không hài lòng với chính quyền Indonesia” và “đòi hỏi chính quyền Indonesia thả ngay lập tức các ngư phủ và trả lại các thuyền đánh cá”. 

"Trước đó không lâu, đã xảy ra vụ bắt giữ ngư dân Trung Quốc lớn nhất từ trước đến giờ từ phía chính phủ Indonesia, với 8 tàu đánh cả và 75 ngư dân,



Trong khi đó, ở cùng thời điểm, 37 ngư dân của Việt Nam lại bị phía Trung Quốc bắt giữ khi đang đánh cá ở khu vực biển thuộc quần đảo Hòang Sa của Việt Nam, nhưng phía Bộ Ngọai giao Việt Nam chỉ gửi công hàm “yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay các ngư dân và các tàu cá” sau khi có rất nhiều phản ánh từ phía các cơ quan truyền thông và người dân trong ngòai nước. 

Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định chủ trương giải quyết các bất đồng thông qua thương lượng hòa bình. Tuy nhiên, thái độ và phản ứng của chính phủ Việt Nam trong nhiều tình huống đã không mang lại hiệu quả thực tế. Ông Dương Văn Thọ, chủ tàu đánh cá mang số hiệu QNg 6597 TS, có lần cho phóng viên Trân Văn biết:  

“Tôi thường gặp Hồng Kông, Đài Loan hay Nhật Bản cũng đều làm ở quần đảo Hoàng Sa nhưng mà mình chưa nghe bắt các nước ấy. Bắt Việt Nam không à! Nó lạ kỳ!”
Việt Nam nhượng bộ đến mức độ khó hiểu

Giáo sư Ngô Vĩnh Long chuyên về các vấn đề Á Châu tại Đại Học Maine (Hoa Kỳ) khi trả lời phỏng vấn với biên tập viên Thanh Quang, đã nhận xét rằng những “yêu cầu”, “đề nghị” của Việt Nam đối với những hành động lấn lướt của Trung Quốc là không thích hợp. Ông nói:

“Đây là cơ hội rất tốt cho Việt Nam để đem vấn đề này ra trước công luận thế giới, trước Liên Hiệp Quốc, mà bây giờ Việt Nam đang là thành viên của Hội Đồng Bảo An, cho nên nếu Việt Nam đưa vấn đề này ra thế giới thì Trung Quốc sẽ bị kẹt. Đây là một cơ hội để Việt Nam phản công, vậy mà Hà Nội lại phản ứng bằng cách đề nghị Trung Quốc đừng bắt ngư dân, đề nghị thế này đề nghị thế kia, mà là những đề nghị không ra gì cả.”



Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định chủ trương giải quyết các bất đồng thông qua thương lượng hòa bình. Tuy nhiên, thái độ và phản ứng của chính phủ Việt Nam trong nhiều tình huống đã không mang lại hiệu quả thực tế. 


Ngay trong vụ Trung Quốc tự ý ra lệnh cấm đánh bắt cá ngay trong vùng lãnh hải của Việt Nam từ thời điểm 16/5 đến 1/8 vừa qua cũng khiến cho dư luận phẫn nộ, nhất là sau khi phía Trung Quốc bác bỏ đề nghị của Việt Nam muốn Trung Quốc bãi bỏ lệnh cấm đánh bắt cá hằng năm. Người phát ngôn của Bộ Ngọai giao Trung Quốc, ông Tần Cương, còn thẳng thắn tuyên bố đây là vấn đề “không thể tranh cãi”. Sự kiện này khiến giới quan sát nhắc lại một tình huống tương tự xảy ra cách đây 10 năm đối với Philippines. Khi đó, Trung Quốc cũng ra lệnh cấm ngư dân Philippines đánh bắt cá trên Biển Đông trong vòng 2 tháng. 

Ngay lập tức, chính phủ Philippines đã lên tiếng phản đối và nói rằng lệnh cấm hòan toàn không có hiệu lực đối với ngư dân Philippines. Bộ trưởng quốc phòng Philippines lúc đó đã nhấn mạnh rằng “chúng tôi đang đánh bắt cá trong vùng lãnh hải của chúng tôi. Họ (Trung Quốc) mới chính là người xâm phạm lãnh thổ của chúng tôi”. 

Riêng về vấn đề tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa trong thời gian gần đây, Philippines luôn tỏ một thái độ khá cứng rắn đối với Trung Quốc và các quốc gia liên quan. Nước này đã thông qua một đạo luật khẳng định chủ quyền một phần thuộc Trường Sa vào hồi tháng 3. Sau đó, Philippines liên tục đầu tư nâng cấp các cơ sở hạ tầng quân sự trên 9 đảo thuộc Trường Sa mà nước này chiếm đóng, trong đó bao gồm cả việc xây dựng một sân bay quân sự. 

"Trung Quốc tự ý ra lệnh cấm đánh bắt cá ngay trong vùng lãnh hải của Việt Nam từ thời điểm 16/5 đến 1/8 vừa qua cũng khiến cho dư luận phẫn nộ, nhất là sau khi phía Trung Quốc bác bỏ đề nghị của Việt Nam .Phát ngôn của Bộ Ngọai giao Trung Quốc, ông Tần Cương, còn thẳng thắn tuyên bố đây là vấn đề “không thể tranh cãi”



Trong lịch sử, Philippines cũng có nhiều “thành tích” trong việc đuổi bắt tàu cá Trung Quốc, thậm chí theo lời của các quan chức Trung Quốc, Philippines đã tấn công và đâm vào tàu ngư dân Trung Quốc. Tuy nhiên, các quan chức Philippines luôn quả quyết đó chỉ là tai nạn và tai nạn ấy sẽ không xảy ra nếu các ngư dân Trung Quốc không xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Âm mưu bá chủ của Trung Quốc


Tờ “Nhật báo Đông Á” của Hàn Quốc nhận định, các tàu đánh cá Trung Quốc đang “càn quét” tất cả các vùng biển, gây ra tranh chấp khu vực và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên biển.

Việt Nam là một trong những nạn nhân đầu tiên cho tham vọng Trung Quốc chỉ vì cái “thế” địa chính trị của mình. Chính vì vậy, nhận định về những đối pháp mà Việt Nam có thể làm để giải quyết tranh chấp Biển Đông, Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng:

“Bây giờ nếu Việt Nam không khéo thì như tôi đã nói nhiều lần, Việt Nam cũng giống như một tuýp thuốc đánh răng, Trung Quốc sẽ ép từ biên giới phía Bắc xuống, Biển Đông sang, nó bóp Việt Nam bây giờ anh có phọt ra Phú Quốc thì nó cũng không tha, giống như là nó ép Tưởng Giới Thách ngày xưa chạy ra Đài Loan rồi bây giờ nó cũng không tha, thành ra Đài Loan phải nhờ cậy mấy nước khác mới có thể giữ được. 

An ninh Biển Đông là an ninh cho cả khu vực Đông Nam Á, vì thế phần lớn những nước trong khu vực đối với họ an ninh trên Biển Đông là vấn đề rất quan trọng. Nếu Việt Nam biết kéo sự đồng tình của các nước trong khu vực và ngoài khu vực như Mỹ và các nước khác, thì có thể không những bảo đảm vấn đề an ninh Biển Đông mà bảo đảm cả tương lai của đất nước việt Nam.”

Trở lại với sự kiện Indonesia sửa đổi Bộ Luật Thủy sản, mặc dù đây là một đạo luật gây nhiều phản ứng mạnh mẽ từ các quốc gia láng giềng nhưng xét về một khía cạnh nào đó, nó là một hành động tiêu biểu cho thấy câu trả lời rõ ràng, dứt khoát của nước này trước những hành vi xâm lăng của kẻ xâm phạm.