Translate

Saturday, December 5, 2009

Lê Trần Luật

Lê Trần Luật – Điều 79 Bộ Luật Hình sự, sự thay đổi luật sư và một vài nhận định

Posted using ShareThis

Ðà Lạt, thành phố hoa không còn thơ mộng

Trích NguoiViet Online




medium_VN-Dalat-01.JPG

Nhiều ngôi nhà mọc lên đã lấn dần diện tích trồng thông ở Ðà Lạt. (Hình: Phương Thảo/Người Việt)

medium_VN-Dalat-02.JPG

Khẩu hiệu “Thực hiện văn minh - Không nói thách” ở chợ Ðà Lạt. (Hình: Phương Thảo/Người Việt)

medium_VN-Dalat-03.JPG

Ðà lạt đô thị hóa khiến người sắc tộc phải xuống chợ để làm ăn mày. (Hình: Phương Thảo/Người Việt)



Phương Thảo/Người Việt

Chúng tôi đến Ðà Lạt sau khi cơn bão số 9 tràn vào Việt Nam. Thành phố tuy không có những ngôi nhà bị tốc mái, không có gia đình nào bị cơn bão quái ác gây ra cảnh màn trời chiếu đất, nhưng đâu đó trên đường thuộc khu Hòa Bình vẫn thấp thoáng một vài người sắc tộc thiểu số co ro trong chiếc mền dầy đang ngửa tay chờ mong lòng thương của người qua đường. Trên đường Trần Hưng Ðạo, vài ba cây thông bị đổ như cho thấy sự tàn khốc của bão. Buổi tối, thành phố này thật thanh bình với những quán café ven bờ hồ, đối diện với chợ Ðà Lạt thấp thoáng trên đường vài ba đôi tình nhân khoác vai nhau trong không khí se lạnh.

Ðã từ lâu, sương mù đã trở thành thứ gì đó hơi quý hiếm của Ðà Lạt, người dân ở đây không còn được đón nhận nó thường xuyên như trước đây, họ chỉ nhìn thấy nó vào những lúc nửa đêm về sáng nhưng chỉ vào những ngày trời vào Ðông.

Sự huyền ảo của thành phố trong sương đã nhạt dần trong suy nghĩ của ngay cả những người dân bản địa. Nhà cửa của người dân từ nơi khác đến sau năm 1975 đã chiếm dần những đồi thông, họ chặt thông để làm nhà, xây khách sạn, đất canh tác...

Ngay mới đây thôi, một vài khách sạn còn trang bị cả máy lạnh trong phòng vì nhiệt độ vùng này đã tăng lên quá cao. Tuy thế, thành phố này vẫn còn thu hút được những du khách thập phương vì dẫu sao nơi đây vẫn còn lạnh hơn những nơi khác như Sài Gòn và khu vực Nam Trung Bộ vào những tháng nóng. Bên cạnh đó, hoa quả, danh tiếng của Ðà Lạt vẫn còn thu hút được du khách qua những bài hát, câu thơ mà họ đã được nghe.

Sự xuống cấp của Ðà Lạt đã không còn là sự cảnh báo mà nó đang từng ngày bị hủy hoại. Trước đây, khi nói đến Ðà Lạt người ta lại nghĩ ngay đến thác Camly như là một nơi mà ai đã đến Ðà Lạt cũng cần phái ghé thăm. Nhưng giờ đây, địa danh này đã không còn nằm trong danh mục tham quan của tất cả các công ty kinh doanh lữ hành vì độ ô nhiễm kinh khủng của nó.

Ðạo đức kinh doanh của người dân Ðà Lạt cũng là một đề tài làm cho nhiều du khách ngao ngán. Một món hàng thường được nâng giá cao đến gấp 2-3 lần. Phải chăng vì thế mà trong chợ Ðà Lạt có những tấm biển “Thực hiện văn minh thương mại - Không nói thách” treo đầy khắp ngõ đi vào các gian hành kinh doanh trong chợ Ðà Lạt. Trong những mùa du lịch ở Ðà Lạt, giá phòng cao gấp 2-3 có khi cao đến gấp 4 lần ngày thường. Họ đang cố muốn tận thu triệt để từ những con bò sữa béo tốt là du khách nhưng họ có biết đâu cứ với lối kinh doanh như thế sẽ có một ngày chẳng còn con bò nào để cho họ làm thịt.

Du khách sau khi đã tham quan Ðà Lạt khi trở về đều mang cho những bịch hồng giòn, dâu, mứt, rượu... đó là những thứ đặc sản của Ðà Lạt để về làm quà cho bạn bè, người thân ở quê, nếu không tỉnh táo để cảnh giác thì du khách dễ bị lừa bởi những người bán hàng, họ tráo những hộp dâu hư, hoặc phủ trên hộp dâu là những trái ngon, còn phía dưới thì hỏng cả.

Ðến Ðà Lạt, có một thứ bình dân nhưng lại được khá nhiều du khách muốn thưởng thức đó là đi uống sữa đậu nành ở bờ hồ Xuân Hương, khu chợ Hòa Bình. Cái cảm giác lành lạnh của vùng đất cao nguyên, trên tay cầm ly sữa đậu nành xoa qua xoa lại cho bớt lạnh tạo cho nhiều du khách cảm giác thích thú.

Thế nhưng, ngay cả những người bán sữa cũng đang dần dần thay đổi phương thức kinh doanh hoặc họ dùng việc bán sữa để ngụy trang cho một chiêu thức kinh doanh mới: Tiếp thị gái cho những quý ông ham vui tìm của lạ bằng những câu mời chào rất hấp dẫn từ những người bán sữa hay từ những người chạy xe ôm mà loại này có nhan nhản khắp bờ hồ như: “Chỉ cần ngồi uống café giá mười ngàn là có mấy em sinh viên Ðà Lạt xinh đẹp hay đến Ðà Lạt mà không thưởng thức gái Ðà Lạt thì coi như chưa đến.”

Nhiều du khách bị làm phiền bởi những tên ma cô, cò mồi này. Chúng hoạt động khắp khu Hòa Bình nhưng chủ yếu là xung quanh khu vực hồ Xuân Hương, chúng chạy theo chèo kéo, mời mọc làm cho nhiều du khách muốn cuốc bộ thong thả quanh bờ hồ buổi tối nhưng chẳng dám.

Ðối với những ai yêu Ðà Lạt, đã từng sống ở Ðà Lạt khi quay lại thành phố này chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán vì sự thơ mộng, nét đáng yêu, quyến rũ chỉ còn lại trong thi ca mà thôi. Ðà Lạt đang từng giờ, từng ngày chết dần chính bởi sự quản lý yếu kém thiếu trình độ của các quan chức địa phương. Họ chỉ muốn tận dụng, khai thác triệt để nhưng chẳng màng đến việc tôn tạo, tu bổ cho nó. Lối suy nghĩ ăn xổi ở thì không chỉ có ở trong đám quan chức mà còn đến cả những người dân. Nếu một ngày, Ðà Lạt không còn là điểm đến lý tưởng của du khách thập phương nữa thì đó cũng là điều không lạ.