Translate

Wednesday, December 2, 2009

Bùi Văn Phú

Bùi Văn Phú – An ninh Mỹ, công an Việt

Posted using ShareThis

Việt Nam cần tách biệt vấn đề đảo và biển trong phương cách đối phó với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông

Tri1ch RFI

Trọng Nghĩa

Từ trên xuống dưới và từ trái sang phải: Đảo Phú Lâm (Hoàng Sa), đảo Hoa Lau và Vành Khăn (Trường Sa)(Ảnh: DR)
Từ trên xuống dưới và từ trái sang phải: Đảo Phú Lâm (Hoàng Sa), đảo Hoa Lau và Vành Khăn (Trường Sa)
(Ảnh : DR)
Yêu sách của Trung Quốc đòi chủ quyền trên đảo, vùng biển và vùng đặc khu kinh tế tại Biển Đông căn cứ vào bản đồ hình chữ U mà họ công bố rất phi lý. Theo tiến sĩ Vũ Quang Việt, căn cứ vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, các nước như Việt Nam có thể nêu bật những điểm vô lý trong các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh và đưa vấn đề ra trước quốc tế.

Tình hình căng thẳng tại Biển Đông do hành động lấn áp của Trung Quốc đối với các nước không chấp nhận chủ quyền tự tuyên bố của Bắc Kinh ngày càng đánh động dư luận quốc tế. Các mối quan ngại này vừa được các nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế nêu bật trong hai ngày hội thảo ở Hà Nội hôm 26 và 27/11/2009. Trước đó không lâu, ngày 18/11, một nhóm học giả Mỹ Việt cũng đã lên tiếng cảnh báo về các diễn biến đáng lo ngại nói trên nhân một cuộc hội thảo do Đại học Yale nổi tiếng tại Hoa Kỳ tổ chức với chủ đề ”Biển Đông trong bối cảnh Việt Nam” (South China Sea in the Vietnamese Context).

Cuộc họp đã tập hợp được nhiều chuyên gia về Châu Á và Việt Nam, nhất là những người thường xuyên theo dõi tình hình Biển Đông đang làm việc tại Mỹ như nhà báo tên tuổi Nayan Chanda, thuộc Đại học Yale, giáo sư Ken MacLean, Đại học Clark, học giả Nguyễn Trung, nguyên thành viên ban cố vấn chính phủ Việt Nam, giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine, Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên chuyên gia thống kê cao cấp tại Liên Hiệp Quốc.

Có ba bài tham luận đã được dùng làm cơ sở cho ngày hội thảo tại Đại Học Yale: Trước hết là bản báo cáo của Giáo sư Ken MacLean: ”Tranh chấp trên vùng Biển Đông mở rộng” (Dispute over the Greater South China Sea); kế đến là bài tường trình của học giả Nguyễn Trung: ”Biển Đông và các vấn đề an ninh tại Đông Nam Á” (South China Sea and Security Issues in Southeast Asia); sau cùng là tham luận của tiến sĩ Vũ Quang Việt về đề tài: ”Tìm kiếm một giải pháp đúng đắn và hoà bình cho vùng Biển Đông Nam Á” (In Search of a Just and Peaceful Solution to the Southeast Asian Sea).

Bài tham luận của ông Vũ Quang Việt đã thu hút sự chú ý của cử tọa do một số đề nghị khá độc đáo ít được nêu lên từ trước đến nay: cần phải tách biệt hai loại tranh chấp đang diễn ra trong vùng Biển Đông để tìm ra một giải pháp thích ứng, một bên là tranh chấp về các hòn đảo trong vùng Trường Sa và Hoàng Sa, và bên kia là tranh chấp các vùng biển trong khu vực.

Theo ông Vũ Quang Việt, căn cứ vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, các nước như Việt Nam có thể nêu bật những điểm vô lý trong các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, đồng thời vận động quốc tế để tạo ra sức ép trên Trung Quốc.

Phi đạo dài 2.600 mét mà Trung Quốc đã xây dựng trên đảo Phú Lâm, hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa (Ảnh: DR)Phi đạo dài 2.600 mét mà Trung Quốc đã xây dựng trên đảo Phú Lâm, hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa.
(Ảnh: DR)

Đối với ông Vũ Quang Việt, duy trì nguyên trạng như hiện nay là điều không tưởng vì lợi dụng sức mạnh về quân sự và kinh tế, Trung Quốc sẽ ngày càng lấn lướt, để áp đặt chủ quyền của họ trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông mà lần đầu tiên họ đã nêu rõ trong tấm bản đồ hình chữ U công bố tháng năm vừa qua.

Theo ông Việt, Việt Nam và ASEAN cần phải khai thác những cái vô lý trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là những điểm nhập nhằng giữa vấn đề đảo đá, đảo thực thụ và vùng biển lịch sử, vùng đặc quyền kinh tế, để tìm kiếm những phương cách ngăn chặn ý đồ của Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành ”cái hồ” của họ.

Đối với ông Vũ Quang Việt, ASEAN, các nước Châu Á khác, thậm chí Hoa Kỳ cũng vậy, cần đưa vấn đề này ra Tòa án quốc tế vì tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông đe dọa nghiêm trọng quyền tự do lưu thông hàng hải.

Một cách cụ thể chuyên gia Vũ Quang Việt cho rằng không nên đánh đồng các mỏm đá, bãi đá ở Biển Đông với hải đảo thực thụ, cần xác định rõ quy chế các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo đúng tinh thần Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và đấu tranh chống đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên tinh thần đó.

Nhà nghiên cứu Vũ Quang Việt tại Hoa Kỳ

Ba yêu sách nhằm biến Biển Đông thành cái hồ của Trung Quốc

Trung Quốc cho đến bây giờ có thể nói rằng họ có 3 yêu sách. Một là yêu sách về chủ quyền trên toàn bộ các đảo trên Biển Đông. Ngoài ra, họ còn yêu sách về vùng biển bên trong đường chữ U, nghiã là tất cả biển nằm trong vùng chữ U đó là thuộc về họ. Tức là như vậy, ngoài tất cả các hòn đảo, thì cả biển lẫn nguyên vật liệu dưới đáy biển, như dầu hỏa, đều phải thuộc về họ. Yêu sách thứ ba là Trung Quốc cũng muốn có cái đặc quyền kinh tế trong khu vực đảo mà họ coi là quần đảo.

Hai yêu sách đó không phù hợp với nhau, vì khi có một yêu sách này thì không thể đòi yêu sách kia. Nhưng Trung Quốc sẽ làm đủ mọi cách, dù là hợp lý hay không hợp lý, để vừa đòi chủ quyền đảo vừa đòi chủ quyền biển. Và nếu không được chủ quyền biển, thì họ sẽ khoanh vùng biển chung quanh những hòn đảo đó để đòi hỏi chủ quyền về khu đặc quyền kinh tế.

Và chỉ riêng vấn đề khu đặc quyền kinh tế, thì Trung Quốc cũng đã vi phạm luật pháp quốc tế. Họ nói đây là khu vực mà các nước khác khi qua lại phải xin phép Trung Quốc. Họ đã cấm tàu Mỹ, đuổi tàu Mỹ ra khỏi khu vực mà từ xưa đến giờ các nước có quyền đi lại, mà luật biển quốc tế cho phép các nước có quyền đi lại.

Nếu Biển Đông bị Trung Quốc kiểm soát, tàu bè không được phép đi qua sẽ phải đánh một đường vòng rất xa(Ảnh: DR)Nếu Biển Đông bị Trung Quốc kiểm soát, tàu bè không được phép đi qua sẽ phải đánh một đường vòng rất xa.
(Ảnh : DR)

Nói chung là họ muốn biến toàn bộ khu vực Biển Đông thành một cái hồ của Trung Quốc, để rồi tất cả các nước, nếu muốn qua lại thì phải có phép của Trung Quốc, còn nếu không, thì phải đi đường vòng rất xa. Chiến lược dài lâu của Trung Quốc là kiểm soát toàn bộ Biển Đông, và họ cũng đã nói thẳng với Mỹ là muốn chia Thái Bình Dương làm hai khu vực: vùng Biển Đông là của họ, còn khu vực ngoài Hawaii là của Mỹ.

Tôi không hy vọng là Trung Quốc sẽ tham khảo hay nghe lời mình nói để thay đổi thái độ, nhưng vấn đề chính nằm ở chỗ là bây giờ vấn đề tranh chấp không chỉ giữa Việt Nam và Trung Quốc, hoặc thêm một vài nước khác như Philippines hay Malaysia, mà đây là một cuộc tranh chấp mang tính quốc tế.

Giải quyết tranh chấp theo hướng tách biệt giữa đảo và biển

Dựa trên cơ sở luật biển của Liên Hiệp Quốc, cần phải phân ra giải quyết biển riêng và đảo riêng. Về đảo, thứ nhất phải phân tách rõ là những cái gọi là đảo bây giờ nó có phải là đảo thực thụ hay là chỉ là đá. Luật biển Liên Hiệp Quốc có viết rõ là đảo phải luôn luôn là nằm phiá trên mặt nước khi thủy triều lên, phải là có cái đời sống kinh tế đủ để nuôi sống con người, giúp con ngườI tự tồn tại được.

Bây giờ trong vùng, những hòn đảo có thể nói là quá nhỏ không có thể nào làm nông nghiệp hay là có thể tự nuôi cư dân. Đảo lớn nhất bây giờ chủ yếu chỉ có 600 lính, và được cung cấp thực phẩm các nơi khác đem tới. Các hòn đảo bây giờ có to hơn vì người ta tự xây dựng thêm trên đó. Nhưng theo luật biển quốc tế, những cái do con người tự tạo lên trên những cái đảo đá đó, thì không được kể tới.

Tình trạng là có rất nhiều mỏm đá mà hầu hết trước đây chìm dưới biển, hiện giờ trồi lên và biến thành hòn đảo: nhiều nước xây dựng trên đó những công trình giống như là pháo đài, có nước xây dựng cả phi trường để biến nó thành đảo, dùng cái đó để mà cho rằng mình có chủ quyền trên những ”hòn đảo” đó. Ngay cả Việt Nam cũng làm, tức là biến những hòn đá thành đảo.

Malaysia đã xây dựng cơ sở kiên cố trên đảo Hoa Lau (Swallow) :  ảnh chụp vào giai đoạn trước (T) và hiện nay (P)(Ảnh : DR)Malaysia đã xây dựng cơ sở kiên cố trên đảo Hoa Lau (Swallow): ảnh chụp vào giai đoạn trước (T) và hiện nay (P)
(Ảnh : DR)

Và khi đá trở thành đảo, thì luật quốc tế cho cái gì? Trên nguyên tắc, người ta có thể có 200 dặm kể từ đường biên của nó ra ngoài khơi, thậm chí có thể có nhiều hơn nếu có thêm thềm lục điạ, đến trên 300 dặm. Như vậy làm vấn đề phức tạp thêm lên.

Theo đúng luật quốc tế, theo tôi, tất cả các hòn đảo ở trong vùng chỉ là đá mà thôi thôi. Có nghiã là các nước nếu có chủ quyền trên những hòn đá đó, thì cũng chỉ được 12 dặm chung quanh mà thôi. Như vậy, phần còn lại của Biển Đông sẽ là biển quốc tế, nơi mọi người có quyền tự do đi lại. và nếu khai thác tài sản dưới đáy biển, thì phải chia sẻ với nhau, thay vì tranh giành, dùng quyền lực để mà chiếm đoạt như hiện nay.

Đây là điểm quan trọng trong luật biển của Liên Hiệp Quốc, mà cho đến bây giờ ít có nhà nghiên cứu để ý tới, và nếu muốn giải quyết hoà bình, thì tôi nghĩ đây cũng là việc cũng cần thảo luận để giảm thiểu phần đấu tranh, tranh giành nhau quyền lợi chung quanh các hòn đảo, vì nếu được hòn đảo, thì cũng chỉ được 12 dặm chung quanh mà thôi, phần còn lại là biển.

Tính chất vô lý trong yêu sách về đường chữ U của Trung Quốc

Trung Quốc chỉ vẽ ra tấm bản đồ này từ năm 1947. Mà trong lịch sử, từ xưa đến giờ họ có bao giờ kiểm soát được Biển Đông hay là cố gắng kiểm soát Biển Đông đâu! Muốn gọi là biển lịch sử thì phải có sự kiểm soát từ xưa đến giờ, có nghiã là mọi người đi qua Biển Đông thì phải nộp thuế cho Trung Quốc, phải xin phép Trung Quốc, v.v.

Cũng giống như là nếu có một con sông nối liền từ Việt Nam sang Kampuchea, nếu Kampuchea muốn đem hàng hóa ra biển qua con sông Việt Nam, thì phải nộp thuế, phải xin phép. Điều này Trung Quốc chưa bao giờ làm được đối với Biển Đông. Do đó từ xưa đến giờ, chưa bao giờ đó là hải phận của Trung Quốc.

Dĩ nhiên ta có thể đem hồ sơ ra toà án quốc tế. Từ xưa đến giờ sau nhiều lần tranh chấp với Pháp, thời họ còn cai trị Việt Nam, Pháp đã hai lần yêu cầu cùng với Trung Quốc ra toà án quốc tế để giải quyết vấn đề tranh chấp thì Trung Quốc đều từ chối. Điều này có nghiã là trong tương lai, Trung Quốc cũng sẽ từ chối thôi. Vì nếu mà đưa thì chắc chắn là họ thua. Thế thì về cơ bản là họ sẽ dùng quyền lực về quân sự và trong tương lai là cả sức mạnh về kinh tế, để có thể đòi hỏi chủ quyền ở khu vực này.

Trước tình trạng đó, một nước như Việt Nam, hay là một số nước chung quanh, hay là Mỹ, có thể yêu cầu toà án quốc tế, không phải là xử lý mà là cho ý kiến về vấn đề Trung Quốc gọI Biển Đông là biển lịch sử của họ, xem điều đó có hợp lý hay không. Thì phải cần có một cuộc vận động trên thế giới để người ta hiểu biết rõ vấn đề này. Các nhà luật học, các nhà nghiên cứu cũng phải nghiên cứu kỹ xem coi vấn đề được xử lý như thế nào. Tôi thấy rằng là đây là vấn đề quốc tế chứ không phải là vấn đề song phương.

Không nên bó khuôn trong các giải pháp song phương

Vấn đề tranh chấp Biển Đông là tranh chấp đa phương. Mọi nước đi qua khu vực đó chứ không phải chỉ có Việt Nam hay là Philippines… 50% hàng hóa trên thế giới, thương mại thế giới là đi qua Biển Đông, hàng hóa của Mỹ, của các nước Đông Nam Á, của Nhật, của Đài Loan v.v. ngay cả của Trung Quốc cũng đi qua khu vực đó.

Nếu mà kiểm soát được khu vực đó, cấm mọi người đi qua, tức là có thể kiểm soát được vấn đề thương mại của toàn khu vực. Do đó mọi người đều có cái quyền lợi ở vùng Biển Đông, chứ không phải chỉ có người Đông Nam Á mà thôi. Đây là vấn đề liên quan đến biển.

Thế còn những vấn đề khác, nếu mà có cái gọi là song phương, thì tôi nghĩ là Việt Nam cùng lúc phải giải quyết vấn đề song phương với lại Philippines. Vấn đề không phải là biển nữa mà là liên quan đến một số hòn đảo, hoặc liên quan đến việc phân chia như thế nào khu đặc quyền kinh tế. Đó là vấn đề tôi nghĩ Việt Nam phải làm.

Trên vấn đề này, tôi nghĩ là Việt Nam cũng phải thay đổi quan điểm. Hồi xưa, mình có cảm tưởng rằng Việt Nam cũng muốn là cả Biển Đông là của mình… Bây giờ tôi có cảm tưởng họ đã thay đổi và họ chỉ nói về đảo. Có nghiã là Việt Nam đòi hỏi chủ quyền trên đảo.

Ngoài ra thì Việt Nam cũng rất giống Trung Quốc ở chỗ là Việt Nam đòi hỏi là trong phạm 200 dặm trong khu vực đặc quyền kinh tế, tàu bè nước ngoài không được đi qua, mà tàu quân sự thì phải xin phép. Đấy cũng là quan điểm của Trung Quốc. Theo tôi, khu vực Biển Đông chỉ có một vài người nước có khả năng theo dõi vấn đề an ninh: Mỹ, Trung Quốc, và cùng lắm là Nhật Bản.

Do đó, nếu đi theo quan điểm của Trung Quốc mà cấm không cho tàu Mỹ đi qua đó thì tôi nghĩ là làm như vậy sẽ giúp cho Trung Quốc hoàn toàn làm chủ cái Biển Đông rồi. Thành ra, quan điểm của Việt Nam cho rằng tàu quân sự không được đi qua khu vực chỉ có lợi cho Trung Quốc. Tôi cho rằng Việt Nam nên thay đổi quan điểm này.

Nguồn: http://www.rfi.fr/actuvi/articles/119/article_5889.asp