Translate

Saturday, October 24, 2009

Đinh Từ Thức

Đinh Từ Thức – Lý Quang Diệu và Singapore 50 năm tới

Posted using ShareThis

Lâu đài tình ái

Sân gôn phục vụ quí tộc càng nhiều, người nghèo càng điêu đứng

Trích NguoiViet Online




medium_VN_golf_quet.jpg

medium_VN_golfCourse.JPG






Hình trên: Nông dân làm chủ thửa ruộng, làm chủ đời mình bây giờ trở thành kẻ làm công quét dọn cho kẻ giầu có và quí tộc đỏ giải trí có thể ngay trên thửa ruộng hay nền nhà của họ. (Hình: NYT)

Hình dưới: Cho đến năm ngoái, theo một số chuyên viên ước lượng, cứ trung bình một tuần lễ lại có một sân gôn được cấp giấy phép ở Việt Nam. Trong hình này là sân gôn Ocean Dunes Golf Club ở Phan Thiết. (Hình: NYT)

PHAN THIẾT (NV) - Phan Thiết thành phố của tỉnh Bình Thuận, một tỉnh nghèo, hiểu theo nghĩa đa số người dân đều cùng khổ, nhưng lại có số sân gôn (golf course) nhiều thứ nhì tại Việt Nam, chỉ sau Hà Nội.

Hiện nay, trên cả nước có khoảng 150 dự án sân gôn, phục vụ giải trí cho giới tư bản đỏ ở trong nước và du khách ngoại quốc. Dự án sân gôn thành hình đến đâu, dân nghèo bị mất cơ hội sống đến đó. Rất nhiều cuộc biểu tình đã xảy ra chống lại các vụ giải tỏa đền bù tượng trưng để làm sân gôn nhưng rồi chẳng đi tới đâu.

Lập sân gôn ở một xứ sở cộng sản như ở Việt Nam, mà hầu hết người dân đều kiếm ăn rất chật vật, chúng chỉ để phục vụ kẻ giầu có và quyền thế, nếu không phải du khách ở ngoại quốc thỉnh thoảng đến giải khuây.

Ngay trên con đường Bắc Nam dọc Trường Sơn gọi là đường Hồ Chí Minh, cũng có 8 sân gôn được thiết lập.

Nói chung, nếu tất cả các dự án được thực hiện, số lượng sẽ có ngày gần tương ứng với số sân gôn gần 200 ở Hàn Quốc, một dân tộc rất mê chơi gôn. Dù vậy, vẫn ít hơn Trung Quốc với hơn 300 sân (nhưng phải hiểu dân số nước này 1.3 tỉ người và đầy ngập du khách quanh năm). Còn so với Hoa Kỳ lại càng xa lắc. Cả Hoa Kỳ có tới 16,000 mà riêng Florida đã có 1,260 sân gôn.

Ðối với một nước chỉ có 2 sân gôn khi chiến tranh chấm dứt năm 1975 và chẳng mấy người Việt Nam nào đánh gôn, nay có hơn 5,000 người chơi (có những ước lượng khác cho con số gấp đôi là ít) với số lượng sân gôn như vậy là một sự bùng phát.

Theo một bài viết của ký giả Seth Mydans trên báo New York Times, nhiều bài viết trên hệ thống báo của nhà nước kiểm soát và ý kiến của nhiều chuyên viên trong nước, ngay cả một số viên chức chính quyền trung ương, nói đến những tác hại của các dự án sân gôn ở Việt Nam (mất đất đai sản xuất lương thực, tổn hại môi trường) hơn là lợi ích cho quảng đại quần chúng.

Cái đáng để ý là nhiều dự án sân gôn lại do nhà cầm quyền các tỉnh cướp đất của nông dân, đền bù tượng trưng rồi ký hợp đồng cho một công ty ngoại quốc khai thác. Không ít những dự án này bề ngoài là làm sân gôn, nhưng thực sự lại dùng cho những mục tiêu khác.

Trước rất nhiều loạt bài viết trên hệ thống báo chí dẫn lời kêu khóc của nông dân mất đất, mùa Hè năm ngoái, Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng, đã ra chỉ thị tạm ngưng cấp thêm giấy phép xây dựng sân gôn. Rồi Tháng Sáu vừa qua, nhà cầm quyền trung ương ra lệnh bãi bỏ 50 dự án. Nhưng, hầu hết đã và đang được xây dựng nên đều không ngừng lại, ngoài 13 sân gôn đã có trước đây.

“Nhiều nhà đầu tư ngoại quốc và nhà phát triển sân gôn nói họ muốn làm Việt Nam thành một điểm đến du lịch. Muốn được vậy, phải có nhiều sân gôn.” Kurt Greve, quản lý viên người Mỹ của các sân gôn Ocean Dunes Golf Club và Dalat Palace Golf Club, phát biểu. Hầu hết du khách đều đến từ các nơi khác ở Á Châu, đặc biệt Nam Hàn và Nhật Bản, những nơi có sân gôn quá đông đúc.

Trong chiều hướng kỹ nghệ hóa, Việt Nam đã mất một lượng khá lớn đất nông nghiệp cho các xưởng sản xuất và các dự án khác. Theo Bộ Nông Nghiệp Việt Nam, đất trồng lúa chỉ còn 10.1 triệu mẫu, giảm xuống từ 11.1 triệu mẫu kể từ năm 2000 tới 2006.

Nhiều dự án sân gôn mới dường như dính tới tư bản nhiều hơn là với thể thao. Thuế đánh vào sân gôn lại thấp hơn những loại hình phát triển khác. Nhiều dự án sân gôn lại còn làm bình phong để phát triển địa ốc.

Chỉ có 65% đất dùng cho dự án sân gôn là cho sân gôn, theo ông Tôn Gia Huyên, một viên chức ở Hội Khoa Học Ðất Ðai Việt Nam, nói trong một cuộc hội thảo hồi Tháng Năm. Phần còn lại dành để xây khách sạn, nhà nghỉ dưỡng, biệt thự, du lịch sinh thái, hoa viên, nơi giải trí.

Nguyễn Ðăng Vang, phó chủ nhiệm Ủy Ban Khoa Học Kỹ Thuật và Môi Trường ở Quốc hội đề nghị đánh thuế sân gôn cao hơn.

“Sân gôn dành cho người giàu, chiếm một diện tích đất mênh mông, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến an ninh lương thực, vậy phải đánh thuế cao hơn mới đúng.” Ông nói với báo Tuổi Trẻ hồi Tháng Bảy.

Và khi người giàu giải trí, nông dân và nói chung dân làng phải trả giá.

Phát triển một sân gôn có thể chiếm dụng đất của cả trăm thửa ruộng, đẩy đến 3,000 người ra khỏi khu vực, đôi khi là làm biến mất nguyên một xã, theo lời Nguyễn Ðức Truyền, một viên chức tại Viện Khoa Học Xã Hội. Ông nói trong một cuộc hội thảo gần đây. Một số rất ít những người này kiếm được việc làm ở sân gôn thì cũng chỉ là kẻ hầu hạ phục dịch cho kẻ giầu có, tư bản đỏ giải trí, thay vì làm chủ cánh đồng của mình, mảnh vườn gia đình mình, sinh sống thoải mái, biệt lập.

Một thí dụ. Sân gôn Ðại Lãi ở tỉnh Vĩnh Phúc đã làm cho hàng ngàn người địa phương mất nhà cửa và đất đai nhưng chỉ có 30 người trong số đó là kiếm được việc làm ở sân gôn, theo bài viết của VietnamNet hồi Tháng Bảy. Nông dân chỉ được đền bù từ $2 đến $3 đô la cho mỗi mét vuông đất bị thu hồi, bằng giá mua một bịch gạo.

Sân gôn cũng có nhu cầu sử dụng một lượng lớn nước để giữ gìn thảm cỏ hàng ngày tạo áp lực lớn cho khả năng cấp nước, theo lời Lê Anh Tuấn của Trung Tâm Kỹ Thuật Môi Trường Ðại Học Cần Thơ. Theo một vài con số ước lượng, một sân gôn 18 lỗ có thể tiêu thụ 5,000m3 nước một ngày, đủ cho nhu cầu 20,000 gia đình.

“Mùa khô rất cần nước.” Lê Tuấn Kiệt, người cầm đầu toán nhân viên giữ gìn thảm cỏ cho sân gôn Ocean Dunes, nói. Sân gôn này cách Sài Gòn 125 dặm về hướng bắc. “Tôi phải thường xuyên nói chuyện với sở nước, nhiều khi phải đấu tranh với họ vì không đủ nước cho người dân thành phố xài.”

Ông Greve nói các khu nghỉ dưỡng cố giới hạn các tác động tới môi trường nên một loại cỏ mới được trồng có khả năng chịu đựng muối mặn cao hơn và đòi hỏi ít nước ngọt hơn.

Sân gôn Sea Links Golf and Country Club xây dựng gần đó trên một số đụn cát, phải dẫn nước tưới xa từ hơn 3 cây số, theo lời Trần Quang Trung, một trong những giám đốc điều hành khu nghỉ dưỡng. Vòi tưới nước phun tự động cách nhau 15 phút và các ống nước dẫn nước nhỏ giọt xuống từng gốc cây.

Cái sân gôn 18 lỗ chỉ là một phần của dự án phát triển 420 mẫu đất đầy tham vọng. Từng dẫy biệt thự, có 315 tất cả, nằm đằng sau sân gôn như những hàng lính đi diễn hành. Nhiều căn đã bán xong trước khi được xây cất. Một khách sạn 5 sao nhìn ra sân gôn gần hoàn tất.

Sát ngay khu vực phát triển sân gôn, đất đỏ đã được cầy xới để xây khu chung cư 550 đơn vị nhìn ra biển. Trong tương lai, ông Trung nói cả khu được gọi là “Thành Phố Nối Biển“

Theo một phản hồi gửi trên Internet về bài viết của Seth Mydans, từ 15 đến 20% khách hàng đến chơi gôn ở Ocean Dunes Golf Club ở Phan Thiết là viên chức nhà nước giải trí hai ngày cuối tuần.

Tại Việt Nam, giới quí tộc đỏ muốn khoe sang cả khác người, họ tập chơi gôn. Nhiều năm trước, sở hữu một chiếc xe hơi, đeo tay một chiếc đồng hồ vàng Longines, đánh quần vợt là biểu hiện của sang giàu. Bây giờ phải đánh gôn, nói chuyện kỹ thuật cầm gậy đánh gôn.

Theo một bài viết trên VietnamNet ngày 9 Tháng Mười, 2008, có đến 39% nông dân ở khu vực Ðồng Bằng Sông Cửu Long không có ruộng để trồng cấy. Ngày 16 Tháng Chín, 2007, báo Tiền Phong nói ngay tại Hà Nội, hơn 70% nông dân sử dụng không hiệu quả tiền đền bù thu hồi đất. Xưa nay họ chỉ biết làm ruộng. Ðất bị tước đoạt, họ trở thành vô gia cư vô nghề nghiệp, cư trú tạm bợ đâu đó, ăn hết tiền đền bù là rơi vào đói nghèo, làm thuê làm mướn lang thang. (T.N)