Translate

Friday, December 17, 2010

Nhận xét về ‘Nguyễn Phú Trọng sẽ là Tổng bí thư?’

Theo NguoiViet Online

LTS: Tờ báo Asahi Shinbum của Nhật hôm 16 tháng 12 tiết lộ họ có trong tay bản dự thảo nhân sự của Bộ Chính Trị và Trung Ương Đảng CSVN tại hội nghị trung ương lần thứ 14. Theo đó, ông Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch Quốc hội Việt Nam hiện nay nhiều phần sẽ là tổng bí thư đảng CSVN thay ông Nông Đức Mạnh và ông Nguyễn Tấn Dũng, đương kim thủ tướng vẫn tại vị thêm một nhiệm kỳ nữa sau đại hội đảng lần thứ 11. Hai gương mặt mới, ông Trương Tấn Sang (hiện là Thường trực Ban Bí Thư) sẽ là chủ tịch nước thay ông Nguyễn Minh Triết và ông Phạm Quang Nghị (bí thư thành ủy Hà Nội) sẽ là chủ tịch quốc hội.

Dưới đây là nhận xét của các chuyên gia am hiểu tình hình chính trị tại Việt Nam gồm GS. Carl Thayer thuộc khoa Nhân Văn và Xã Hội Học, Ðại Học New South Wales, Úc; GS. Nguyễn Mạnh Hùng, giảng dậy môn Chính trị học và Bang giáo Quốc tế tại Ðại học George Mason, Hoa Kỳ và Nhà báo Bùi Tín, nguyên Chủ biên tờ Nhân Dân ấn bản Chủ nhật, hiện tỵ nạn tại Paris, Pháp.

Cuộc phỏng vấn do hai nhà báo Đinh Quát và Hà Giang thực hiện.



Ông Nguyễn Phú Trọng (phải) sẽ là tổng bí thư còn ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ vẫn tại vị thủ tướng? (Hình: HoangDinhNam/AFP/Getty Images)




***

Giáo sư Carl Thayer

‘Ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn là Thủ Tướng và ông Nguyễn Phú Trọng sẽ là Tổng Bí Thư đảng CSVN, đó là những điều mà tôi đã từng nói. Còn ông Trương Tấn Sang thì sẽ được ‘giải an ủi’ là Chủ Tịch nước. Nhưng điều quan trọng đáng nói là ông Trương Tấn Sang đã tạo ra một cuộc chạy đua vào chức Tổng Bí Thư rất căng thẳng.

Tôi hơi lo lắng là cuộc hội nghị sẽ tiếp tục cho đến ngày 21 tháng 12, và đây cũng giống như là tiên đoán về giá cả của chứng khóan vậy. Mặc dù ai cũng cho là tin được tung ra từ nguồn đáng tin cậy, nhưng thật ra cho đến khi thị trường đóng cửa thì mới chắc 100%.

Theo nhận định tổng quát của tôi, thì kể từ khi Lê Duẩn chết, Việt Nam không thể có một Tổng Bí Thư có thế lực mạnh, và văn phòng Thủ Tướng thật ra mới chính là nơi có uy quyền nhất nước. Vì thế chọn ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí Thư là giải quyết tất cả mọi vấn đề liên quan đến những người có nhiều tư tưởng, vì Nguyễn Phú Trọng từng giám đốc của Học Viện Chính Trị Quốc Gia.

Theo tôi biết, Trung Quốc đã biểu lộ là họ không phản đối việc này, mặc dù họ đã không chọn ông ta, nhưng cho rằng Nguyễn Phú Trọng là một ứng cử viên có thể chấp nhận được, vì họ cảm thấy thỏai mái với ông ấy.

Điều mà tôi không chắc chắn là không hiểu ông Nguyễn Phú Trọng sẽ ở vị trí này hết nhiệm kỳ 5 năm hay không, hay sẽ bị kéo ra sau 2 năm giống như Đỗ Mười trước đây. Vì có nhiều nguồn tin nói rằng trong khi trò chơi “musical chair” đang xẩy ra, thì cứ cho ông ta làm Tổng Bí Thư đi, rồi sau 2 năm sẽ tính sau. Nhiều giới phân tích cũng cho rằng trong trò chơi chiếc ghế quyền lực này, thì Bộ Trưởng bộ Quốc Phòng không muốn rời chiếc ghế của mình.

Có người nói ông Trương Tấn Sang là người chủ chiến, còn ông Nguyễn Phú Trọng thì chủ hòa. Tôi diễn giải việc này là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ là người chọn thái độ hòa giải với Trung Quốc, trong khi ông Trương Tấn Sang sẽ muốn khẳng định quyền lợi quốc gia hơn.

Tóm lại, tôi cho rằng chúng ta có lẽ chưa thể xem đây là kết quả cuối cùng, vì sẽ còn nhiều đàm phán, đổi chác bên trong nữa.’

Ông Trương Tấn Sang sẽ là chủ tịch nước? (Hình: TTXVN)





***



Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng:

* Người Việt (NV): Giáo sư nghĩ sao về bản tin của tờ Asahi Simbum?

- GS. Nguyễn Mạnh Hùng (NMH): Bản tin đó là một bản tin không chính thức nhưng ông ký giả đó nói là đã có bản dự thảo rồi thì bây giờ mình coi như đó là tin đồn thôi.

Trong các kỳ họp, người ta đã bàn để sắp xếp nhân sự. Bây giờ đã quyết định là đến ngày 12 tháng Giêng là đại hội thì Trung Ương đảng kỳ 14 này chắc chắn phải giải quyết cho xong vấn đề nhân sự.

Nếu mà thực sự như vậy thì tin tức có thể khả tín, nếu thực sự ông Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư thì không có gì là ngạc nhiên cả. Bởi vì bốn người đề cập trong bản tin, đều là những người có khả năng làm ứng cử viên (ƯCV) của Tổng Bí Thư (TBT) Đảng cả.

* NV: Thưa GS. về tin cho rằng giới lãnh đạo Việt Nam sau cái đại hội này, là những người thân Trung Quốc thì xin được nghe quan điểm của GS.?

- GS. NMH: Trước hết là về ông Trọng. Nếu ông Trọng được làm TBT, thì là giải pháp ƯCV có giải pháp dung hòa giữa các phe phái với nhau. Bởi vì ông Trọng không làm cho những người cải cách lo sợ mà cũng không làm cho những người bảo thủ lo sợ. Đó là điểm thứ nhất.

Điểm thứ hai là chúng ta thấy là ông Trọng đã 66 tuổi, triển vọng ông ấy làm TBT một nhiệm kỳ. Điều đó cho chúng ta thấy là đây là một giải pháp có tính cách dung hòa và tạm thời. Thế còn nói về thân Trung Quốc, thì đó là quan điểm của tờ báo ấy. Còn thật ra trong tình trạng Việt Nam bây giờ đó, nếu lãnh đạo nào bị gán là thân Trung Quốc thì khó mà có thể đứng vững được.

* NV: Riêng trường hợp của ông Nguyễn Phú Trọng nếu như bị dư luận gán cho là thân Trung Quốc thì có đứng vững được không?

- GS. NMH: Nếu mà họ chịu tin thì cũng khó đứng vững được. Còn nếu như trường hợp mà ông Trọng không thân Trung Quốc mà bị mang tiếng là thân Trung Quốc, thì ông ấy có thể làm những việc không thân Trung Quốc. Thí dụ như trường hợp tổng thống Mỹ Nixon, ông ấy là người bảo thủ, nhưng mà chống cộng. Thế nhưng ông ấy lại tạo cơ hội thân thiện lại với Tàu. Còn bảo chuyện ông Trọng có thân Trung Quốc hay không thì tôi cũng chưa có bằng chứng gì rõ rệt gọi là ông ấy thân Trung Quốc cả.

NV: Một lãnh đạo Việt Nam mà bị gán cho là thân Trung Quốc thì không đứng vững được bởi sự phẫn uất của quần chúng hay là chính trong nội bộ của Đảng?

GS NMH: Tôi nghĩ không chỉ quần chúng mà ngay trong Đảng nữa, các đảng viên họ cũng không muốn như thế.

* NV: Theo tờ báo Asahi Shinbum, ông Nguyễn Minh Triết sẽ về hưu, ông Trương Tấn Sang sẽ lên chủ tịch nước, ông Nguyễn Tấn Dũng thì giữ nguyên thủ tướng. Nếu xảy ra đúng như vậy thì liệu có thể nghĩ rằng Việt Nam đang sắp xếp để cho những khuôn mặt có tiếng là cởi mở hơn lên nắm chính quyền không?

GS. NMH: Thật sự thì chúng ta thấy là ông Sang, rồi ông Nghị sẽ lên làm chủ tịch quốc hội. Bốn ông này đều là những ƯCV. Thật sự là ba ông Sang, Dũng, Nghị đều là những ƯCV từ năm 2006. Từ 2006 trở đi, họ là những ƯCV sáng giá cho vai trò TBT, cuối cùng thì ông Trọng lên. Ông Trọng nếu lên thì như tôi nói đó là giải pháp dung hòa cho các ông kia. Thế nhưng lại không giải quyết được vấn đề mà ông Nguyễn Văn An, cựu Chủ Tịch Quốc Hội nói là phải có, phải tạo ra một sự chỉ huy tương đối có tính thống nhất. Tức là có ông TBT cũng sẽ làm Chủ Tịch Nước, cũng sẽ sự thống nhất chỉ huy giữa Đảng và Nhà nước. Nhưng bây giờ vẫn không giải quyết được thành ra tôi thấy đây chỉ là giải pháp tạm thời thôi.

* NV: Có chỉ dấu nào cho thấy Việt Nam sẽ đi theo một khuynh hướng cởi mở hơn hoặc là bảo thủ hơn không, thưa GS?

- GS NMH: Tôi nghĩ là áp lực cởi mở hơn là nó luôn luôn có.

* NV: Với thành phần lãnh đạo mới, mối quan hệ với Mỹ liệu sẽ giữ nguyên trạng hay có thể rẽ theo một hướng nào khác không?

- GS. NMH: Tôi nghĩ là nó sẽ tiếp tục thăng tiến.



***



* Nhà báo Bùi Tín

* NV: Nhận định của ông ra sao về tin cho rằng bốn nhân vật sẽ lên lãnh đạo nhà nước và Đảng CSVN?

- Nhà báo Bùi Tín: Tôi cũng nhận được tin từ Hà Nội đưa sang cũng trùng hợp với ý kiến của tờ báo Nhật mà tôi vừa đọc được. Tôi nghĩ rằng tin ấy đã rõ rỉ ra ngoài và có thể gần đúng như là sự thật. Bởi vì hiện nay đó là Trung Ương đang họp cái kỳ họp lần thứ 14.

- Trong kỳ họp rất quan trong này, họ sẽ điều chỉnh một lần nữa những dự thảo quan trọng nhất là nhân sự để lập báo cáo chính trị của trung ương. Cái cương lĩnh tiến lên chủ nghĩa xã hội quá độ và cái chiến lược 10 năm phát triển kinh tế xã hội. Đấy là ba văn kiện quan trọng nhất, sau khi mà cả toàn đảng rồi quốc hội, rồi nhân dân đã góp ý.

Về mặt nhân sự, thì cuộc họp lần thứ 13 cũng chưa ngã ngũ cho lắm. Cho đến bây giờ thì kỳ họp lần thứ 14 này nó đã quyết định một lần cuối cùng. Cái mà người ta gọi là vấn đề nhân sự chưa bao giờ mà gặp khó khăn như hiện nay. Bởi vì tìm ra cho được những người có trình độ được cả giới trí thức trong nước và đảng viên chấp nhận, là một cái điều rất là khó. Bởi vì người ta cho rằng các vị tài đức trong Bộ Chính Trị (BCT) hiện nay so với các khóa của BCT trước đều là những người lùn, những người kém, so với trước. Nói chung là họ cùng là cá mè một lứa cả thôi, bởi vì không có ai như trước kia là có bị tù từ thời thực dân, cũng không có ai lập được chiến công gì ghê gớm, cũng không ai có thành tích, hay học lực, trình độ gì cao siêu. Do đó tìm ra những người ở chức trách lớn nhất là rất khó. Nhất là vị trí tổng bí thư (TBT).

Người ta nói rằng ông Trọng đã cao tuổi rồi, tức là 66, mà BCT trước nay họp thì nói rằng phải nghiêm giữ mức tuổi là dưới 65. Thế nhưng ông Trọng một tháng nữa là 67 tuổi, là quá hai tuổi, mà vẫn cố gắng gượng vì một là không tìm ra ai khác, hai nữa là mặc dù giới trí thức cũng cho là ông Trọng này là một người là trình độ rất là yếu.

Ông Trọng là chủ tịch quốc hội, nhưng so với những khóa chủ tịch quốc hội trước đây như ông Nguyễn Văn An, thì rõ ràng rất là kém. Người ta gọi ổng là ông Trọng lú từ khi chúng tôi ở Hà Nội. Ông không có cái nét gì là đặc biệt trong việc điều khiển quốc hội năm vừa rồi. Tất nhiên là ổng có một nét nổi là được Trung Quốc đồng ý.

Ông ấy là người mà Trung Quốc rất là tán thành. Ngay khi trúng chức chủ tịch quốc hội là ổng sang ngay Trung Quốc, đến đâu cũng nói là học tập kinh nghiêm của Trung Quốc, ăn nói rất là khéo, đặc biệt là thái độ mà giới trí thức gọi là hơi có vẻ e dè và quỵ lụy với Trung Quốc.

Khi mà nhân dân và giới trí thức ta đang còn rất cảnh giác với chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc thì chọn một vị TBT ra mặt thân Trung Quốc như ông Trọng thì tôi nghĩ không được lòng dân đâu, thậm chí là xúc phạm cái ý thức độc lập, ý thức tự chủ của đất nước ta, nhất là sau kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

* NV: Thế còn những nhân vật như ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Trương Tấn Sang, ông Phạm Quang Nghị thì sao?

- - Nhà báo Bùi Tín: Ông Dũng vừa rồi bị người ta chê trách rất nhiều về vụ vinashin, in tiền polymer, những vụ tham nhũng như vụ PMU 18 dây dưa đến 6 năm nay vẫn chưa xét xử xong… Nhưng ông ấy cũng tiêu biểu cho cả gia đình làm ăn, làm giàu phất lên rất đặc biệt. Do đó tôi nghĩ là ông Dũng có cái là ăn nói hoạt bát, rồi cũng muốn có cái quan hệ cân bằng giữa phương Đông với phương Tây, giữa Mỹ với Trung Quốc.

Nhưng mà đứng về mặt gọi là một người tín nhiệm, kiên quyết chống tham nhũng thì tôi nghĩ là con người này cũng không làm đủ trách nhiệm của chức Thủ Tướng hiện nay. Còn ông Trương Tấn Sang thay cho ông Triết thì vị trí này cũng chỉ là hiếu hỉ thôi. Ông Trương Tấn Sang cũng mờ nhạt từ khi làm Trưởng Ban Kinh Tế của Trung ương Đảng, không có trình độ lý luận gì nổi.

Còn ông Phạm Quang Nghị hiện nay là Bí Thư Thành ủy Hà Nội lên làm chủ tịch quốc hội, tôi nghĩ là cái này cũng hơi trớ trêu tức là Đảng có quyền gì mà chọn chủ tịch quốc hội, mà quốc hội mới cũng chưa bầu cơ mà. Chức này lẽ ra là đề cho quốc hội bầu. Như thế là vi phạm rất nghiêm trọng hiến pháp mất rồi. Hiến pháp đã nõi rõ quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, thì phải để cho đại biểu quốc hội bầu chứ tại sao lại trong BCT lại chia nhau.

Ngay cả BCT làm gì có quyền được cử Thủ Tướng. Chức này là phải do quốc hội bầu ra, rồi mới lập chính phủ, rồi mới có Thủ Tướng và các phó thủ tướng chứ. Cho nên ngay trong hội nghị Trung ương 14 trước và sau cái đại hội 11 sắp đến, chỉ chính những điều mà nhiều chỉ trích góp ý là phải cải tổ ngay cả cái hệ thống cầm quyền và cái hệ thống cầm quyền.

* NV: Ông nghĩ sao về tin nói rằng Việt Nam sẽ được lãnh đạo bởi những người thân Trung Quốc. Như vậy là cả bốn khuôn mặt Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Phạm Quang Nghị đều thân Trung Quốc?

- Nhà báo Bùi Tín: Đúng như thế. Có thể nói là cả BCT hiện nay đều là thân Trung Quốc. Từ đại hội 7 cho đến nay, tức là 20 năm rồi, khi họ gạt ông Bộ Trưởng Ngoại Giao nhận định đây là thời kỳ Bắc thuộc mới. Từ đó đến nay là cả BCT đều nhất trí theo cái hướng Trung Quốc. Không phải chỉ ông Nông Đức Mạnh, mà cả ông Nguyễn Phú Trọng, và cả ông Phạm Quang Nghị, rồi ông Tô Huy Rứa, ông Nguyễn Tấn Dũng đều theo hướng như thế.

Hiện nay người ta đã chia thành phe phái lợi ích riêng rồi, như những chuyên gia của đại học Harvard của Mỹ nói. Đặc điểm lớn nhất của chế độ là không còn lãnh đạo của Đảng CS như trước nữa, mà bây giờ là người ta chia thành ra các phe, các phe chia thành ra các phái, các địa phương, chỉ vì lợi ích riêng của từng nhóm một. Người ta chỉ ăn nhậu với nhau để chia chác những quyền lợi thôi và những quyền lợi này thì phải dựa vào Trung Quốc chứ không thể khác được.