Translate

Wednesday, July 14, 2010

Những nguyên nhân làm tàn lụi sức mạnh dân tộc Việt & Vận hội mới

Trích Bauxite Viet Nam

Hà Trí Anh

image Kính gửi: GS Nguyễn Huệ Chi và các cộng sự

Ông cha chúng ta đã đúc kết về tầm quan trọng của sức mạnh tinh thần, sức mạnh tư tưởng trong cuộc sống của mỗi con người chúng ta nói riêng, và của cả dân tộc Việt chúng ta nói chung: “Thuận vợ thuận chồng, tát bể đông cũng cạn”, “Tư tưởng không thông, vác bình tông cũng nặng”,…

Những ai quan tâm đến sức mạnh tinh thần, sức mạnh tư tưởng của con người nói riêng và của một dân tộc nói chung đã biết vượt qua thất bại, sai lầm, đớn đau, mất mát, bi kịch… để vươn lên phía trước, để thành công, và dành được vị trí xứng đáng trong xã hội, hay trong cộng đồng thế giới, đều không thể không biết đến, không thể không khâm phục sức mạnh tinh thần dân tộc của người Đức, người Mỹ, người Nhật, người Hàn Quốc, người Đài Loan, người Singapore,…

Những yếu tố nào tạo nên sức mạnh tinh thần dân tộc của người Đức, người Mỹ, người Nhật, người Hàn Quốc, người Đài Loan, người Singapore,…? Chúng ta hầu như ai cũng biết, cũng dễ dàng nêu ra được tương đối chính xác và đầy đủ.

Hiện tại, chúng ta có sức mạnh tinh thần dân tộc không?

Không có!

(Trong quá khứ, cha ông chúng ta đã nhiều lần có được, tạo ra được một sức mạnh tinh thần dân tộc lớn lao. Đó là vào những lúc chúng ta chiến thắng quân xâm lược phương Bắc, giành độc lập dân tộc năm 1945, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, thống nhất đất nước năm 1975).

Chúng ta đã nhiều lần từng hội tụ được một sức mạnh tinh thần dân tộc khiến đại bộ phận dân chúng vững tin vào bản lĩnh và lẽ sống “vì dân” của người cầm quyền. Vậy, tại sao bây giờ chúng ta lại không có nó nữa? Sức mạnh tinh thần của dân tộc vì sao lại biến mất, vì sao lại tiêu tán, lụi tàn?

Tôi xin nêu ra một số nguyên nhân chính làm tiêu tán sức mạnh tinh thần dân tộc:

1- Các nhà lãnh đạo đất nước đã phạm sai lầm lớn khi tước mất quyền làm chủ đất nước của nhân dân qua việc tước bỏ quyền lập hiến và quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân trong lần sửa đổi Hiến pháp năm1992;

Nhân dân đang từ vị thế người làm chủ đất nước bỗng trở thành người mất “quyền làm chủ” và dẫn đến mất các quyền khác;

2- Các nhà lãnh đạo đất nước đã phạm sai lầm lớn khi áp đặt cho toàn dân tộc một ý thức hệ lỗi thời, xơ cứng, giáo điều, duy ý chí: ý thức hệ “cộng sản mác-xít”, ý thức hệ “xã hội chủ nghĩa” mà không hề hỏi nhân dân xem họ có muốn như vậy hay không. Nhân dân thấy mình bị áp đặt, bị xem thường, bị rẻ rúng;

3- Một bộ phận không nhỏ các quan chức Nhà nước đã và đang lạm dụng quyền lực, chức vụ của mình để mưu lợi riêng, mưu lợi cho phe nhóm của mình; có thái độ cửa quyền, gây khó dễ, nhũng nhiễu nhân dân. Bộ phận này đã trở nên giàu có một cách nhanh chóng và bất chính, trong khi đại bộ phân nhân dân đang phải sống thiếu thốn, nghèo khổ. Các nhà lãnh đạo quốc gia không còn là tấm gương cho nhân dân noi theo nữa, các quan chức nhà nước không còn là “rường cột quốc gia” trong con mắt nhân dân nữa. Khoảng cách giữa giới quan chức Nhà nước và nhân dân ngày càng lớn rộng ra; và mâu thuẫn giữa “quan giới” và nhân dân nảy sinh là một tất yếu;

4- Nhà nước duy trì một chính sách thiên vị, ưu ái dành cho các doanh nghiệp nhà nước tuy lớn về quy mô mà lại rất kém cỏi về hiệu quả kinh doanh; trong khi lại bỏ bê, coi nhẹ, xem thường vai trò của sự nghiệp dân doanh, khu vực kinh tế dân doanh. Nhân dân thấy mình bị phân biệt đối xử, bị hắt hủi;

5- Đảng, Nhà nước vừa đá bóng vừa thổi còi; không có một cơ chế giám sát hữu hiệu trong các hoạt động của mình, nên không thể, hoặc không kịp thời phát hiện ra các bất cập, sai lầm của hệ thống Nhà nước (Chúng ta chưa nói đến việc một hệ thống tự giám sát chính mình là rất khó, có thể nói là không thể);

6- Khi quan chức Nhà nước sai phạm, vi phạm luật pháp, Nhà nước đã dùng biện pháp “phê bình nội bộ”, “rút kinh nghiệm sâu sắc”… nên vô hình trung Nhà nước đã không tôn trọng luật pháp do chính mình đặt ra. Nhân dân thấy Nhà nước không nghiêm, pháp luật nhờn. Nhân dân hoang mang, mất lòng tin vào Nhà nước, vào pháp luật, và không biết đặt lòng tin vào ai, vào cái gì nữa;

7- Chúng ta đã và đang thể hiện một thái độ kỳ thị, nghi kỵ các bà con Việt kiều của chúng ta đang sinh sống ở nước ngoài. Một bộ phận dân tộc đã và đang bị dứt bỏ ra khỏi "cơ thể" của dân tộc ta;

8- Rồi, hầu như tất cả chúng ta (quan, dân, tôi, anh, chị…) tự khi nào đã biến thành và đang là những hòn đá khô cứng, vô cảm, lạnh lùng, ích kỷ, tham lam, bảo thủ, nghi kỵ, riêng rẽ phe nhóm, hèn nhát và a dua;

9- V.v… và v.v...

Trong trạng huống, thực tại nêu trên này, chắc chắn chúng ta không thể nào có được một sức mạnh tinh thần dân tộc như chúng ta đã từng có!

Chúng ta có khao khát, có mong muốn dân tộc Việt chúng ta lại có được một sức mạnh tinh thần dân tộc như các dân tộc nêu trên không? Chắc chắn là chúng ta rất khao khát, rất mong muốn.

Việc sửa đổi Hiến pháp trên nền tảng “dân là gốc của nước”, và Đại hội Đảng CSVN vào tháng Giêng sắp tới là cơ hội lịch sử để dân tộc Việt chúng ta xóa bỏ những nguyên nhân làm tàn lụi sức mạnh tinh thần dân tộc, tạo một hào khí mới, một sức mạnh tinh thần mới, một vận hội mới cho toàn dân tộc... nếu như. Vâng, phải thêm hai chữ “nếu như” bởi rất có thể cơ hội sẽ trôi qua một cách cay đắng vì tầm vóc nhiều mặt của người cầm chịch hôm nay, rốt vẫn không thể vượt lên khỏi cái bóng của chính mình, và lúc bấy giờ thì lịch sử chắc chắn là một sa mạc khô cằn mà có lẽ vào lúc này chưa ai tưởng tượng nổi.

Kính chào Giáo sư và các cộng sự.

Hà Nội, ngày 12/7/2010

HTA