Translate

Tuesday, January 11, 2011

HRW yêu cầu Việt Nam chấm dứt trấn áp giới bất đồng chính kiến

Theo RFI

Đức Tâm

Nhân dịp đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ 11, hôm nay, 11/01/2011, tổ chức Human Rights Watch, có trụ sở tại New York, Hoa Kỳ, đã kêu gọi chính quyền Việt Nam hãy tôn trọng – thay vì chà đạp – các quyền cơ bản của con người, chấm dứt ngay các hành động bóp nghẹt bất đồng chính kiến, trả tự do cho những người đang bị cầm tù, giam giữ và bị kiểm duyệt.

Theo HRW, trong thời gian qua, vào lúc trước khi có Đại hội 11, các hành động trấn áp đã gia tăng đột ngột. Lãnh đạo cấp cao của chính quyền Việt Nam đã ra chỉ thị cho các cơ quan chức năng địa phương phải bảo đảm trật tự, không để cho giới bất đồng chính kiến, các nhà tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền, những người dân đi khiếu kiện đất đai, các nhóm thiểu số đấu tranh đòi tôn giáo độc lập, gây ra các sự cố vào thời điểm trước và trong khi có Đại hội. Đây chính là nội dung công điện số 2402/CD-TTg do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 30/12/2010.

Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách châu Á của tổ chức này chất vấn : « Tại sao các nhà lãnh đạo Việt Nam lại sợ phải nghe những bức xúc của chính người dân nước mình ». Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo Việt Nam nên có một kế hoạch cải thiện về nhân quyền, « thay vì tiến hành bắt giữ, trấn áp những tiếng nói phê phán để rảnh tay họp hành ».

Sau khi điểm lại những vụ vi phạm nhân quyền, trấn áp các nhà ly khai, những người đòi tự do tôn giáo trong thời gian qua tại Việt Nam, tổ chức Human Rights Watch đưa ra 7 kiến nghị đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam như Đại hội Đảng cần bãi bỏ các luật lệ và chính sách cản trợ tự do ngôn luận, khẳng định rằng Công an không được đứng trên pháp luật, chỉ đạo nghiêm cấm các quan chức địa phương tịch thu trưng dụng đất đai của người dân để đưa vào các dự án phát triển mà không có đền bù thỏa đáng, chấm dứt đàn áp quá tay với những người dân khiếu kiện, bảo đảm tự do tôn giáo, cho phép lập công đoàn độc lập, tiến hành thương lượng để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, chấm dứt xách nhiễu, gây sức ép đối với giới luật sư khi họ tham gia các vụ án nhậy cảm, liên quan đến các hành vi lạm dụng công quyền, tôn trọng các cam kết quốc tế và bảo đảm các luật lệ, quy định của chính phủ phù hợp các chuẩn mực quốc tế.

Đại diện HRW nhấn mạnh, « đã đến lúc Việt Nam cần chú trọng tới nhân quyền, không phải Đảng quyền » và để đưa đất nước tiến lên, giới lãnh đạo Việt Nam phải để cho « các công dân của mình được hưởng đầy đủ mọi quyền được công nhận trong các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết, thay vì tập trung nỗ lực cản trở các quyền tự do cơ bản và bóp nghẹt bất đồng chính kiến ».