Translate

Monday, November 8, 2010

Hoa Kỳ phản công ngoại giao tại châu Á - Thái Bình Dương

Theo RFI

Từ trái qua phải : Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Ngoại trưởng Úc Kevin Rudd, và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Stephen Smith tại Melbourne ngày 8/11/2010.
Từ trái qua phải : Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Ngoại trưởng Úc Kevin Rudd, và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Stephen Smith tại Melbourne ngày 8/11/2010.
EUTERS/Mick Tsikas
Đức Tâm

Washington đang tiếp tục phản công ngoại giao, nhằm tái khẳng định vai trò trong khu vực, qua đó cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc. Ví dụ mang tính thời sự nhất là chuyến công du châu Á của tổng thống Barack Obama diễn ra song song với các cuộc đối thoại hàng năm giữa các bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ-Úc.

Sau một thời gian lơ là do phải tập trung xử lý cuộc chiến tranh Afghanistan và Irak cũng như hồ sơ chống khủng bố quốc tế, giờ đây, Hoa Kỳ đã quan tâm trở lại châu Á-Thái Bình Dương. Theo giới phân tích, Washington đang mở một đợt phản công ngoại giao, nhằm tái khẳng định sự hiện diện của mình trong khu vực, qua đó kiềm chế, cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc. Ví dụ nổi bật, mang tính thời sự nhất là chuyến công du châu Á của tổng thống Barack Obama diễn ra song song với các cuộc đối thoại hàng năm giữa ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-Úc.

Sự lựa chọn Ấn Độ là quốc gia đầu tiên trong chuyến viếng thăm châu Á của tổng thống Obama mang đầy ý nghĩa. Sau khi chứng kiến lễ ký kết các hợp đồng kinh tế trị giá 10 tỷ đô la, tại Bombay, cuối tuần qua, hôm nay, tổng thống Mỹ tới thủ đô New Delhi và tại đây, ông tuyên bố : « Ấn Độ không chỉ là một nước đang trỗi dậy và hiện nay, là một cường quốc thế giới ».

Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, quan hệ giữa hai nước là một trong những quan hệ đối tác lớn nhất của thế kỷ 21 và ông kêu gọi chia sẻ trách nhiệm giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới. Chiều nay, tổng thống Mỹ đọc diễn văn tại nghị viện Ấn Độ và một trong những chủ đề mà New Delhi rất mong đợi, đó là được Washington ủng hộ để Ấn Độ có thể trở thành thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, quan hệ Hoa Kỳ - Ấn Độ không mấy tốt đẹp, thậm chí có lúc căng thẳng. Tuy nhiên, bang giao song phương đã từng bước được cải thiện trong những năm 90 dưới thời tổng thống Bill Clinton và được thúc đẩy mạnh mẽ dưới chính quyền George Bush. Theo AFP, các chuyên gia về chính sách đối ngoại nhận định rằng Washington hỗ trợ New Delhi trong lĩnh vực kinh tế và ngoại giao là nhằm tạo đối trọng với Trung Quốc trong khu vực.

Cuộc phản công ngoại giao của Mỹ được phối hợp với chuyến viếng thăm một số nước châu Á-Thái Bình Dương của các quan chức cấp cao Hoa Kỳ. Từ gần hai tuần qua, ngoại trưởng Hillary Clinton công du nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Bà đã tham dự với tư cách là khách mời đặc biệt của Hội nghị thượng đỉnh Đông Á được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 10. Trong những ngày qua, tại Melbourne, ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã có những cuộc đối thoại thường niên với các đồng nhiệm Úc.

Trong cuộc họp báo ngày hôm nay, bà Clinton đã kêu gọi Trung Quốc hãy đóng vai trò một đối tác có trách nhiệm và tuyên bố, xin trích, « Hoa Kỳ đã có một sự hiện diện từ lâu tại châu Á-Thái Bình Dương, chúng tôi đã từng có mặt ở đây từ 100 năm nay. Chúng tôi đã, đang và sẽ có mặt tại đây. ». Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết là Úc và Hoa Kỳ quan ngại về những tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản và kêu gọi xây dựng bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông.

Hải quân Mỹ tiếp tục hoạt động tại tất cả những nơi được coi là vùng biển quốc tế

Về phần mình, bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và đô đốc Mike Mullen nhấn mạnh rằng hải quân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hoạt động ở Hoàng Hải và tại những nơi mà Mỹ coi là vùng biển quốc tế, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

Hôm qua, bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates còn tuyên bố là Hoa Kỳ muốn tăng cường sự hiện diện quân sự tại châu Á, củng cố quan hệ quân sự với Úc. Nhân dịp này, hai nước đã ký thỏa thuận hợp tác theo dõi không gian. Xin nhắc lại là vào 2007, Trung Quốc đã thành công trong việc bắn tên lửa đạn đạo phá hủy vệ tinh cũ, làm dấy lên lo ngại là Bắc Kinh tiến hành một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian.

Các hoạt động ngoại giao của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương diễn ra vào lúc Trung Quốc ngày càng thể hiện lập trường độc đoán, trong khu vực, với Nhật Bản, với các nước láng giềng Đông Nam Á, hiện đang có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ với Bắc Kinh.

Trong nhãn quan của Washington và các chiến lược gia Hoa Kỳ thì sự phát triển kinh tế và quân sự của Trung Quốc là một mối đe dọa tiềm tạng đối với ưu thế truyền thống của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.

Theo giới phân tích, trong bối cảnh đó, mọi động thái, phát biểu của tổng thống, ngoại trưởng, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong các chuyến công du châu Á-Thái Bình Dương sẽ được Bắc Kinh chăm chú theo dõi, phân tích, và điều này sẽ tác động đến nội dung cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Barack Obama và chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, nhân Hội nghị thượng đỉnh G20, sẽ diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc trong tuần này.