Translate

Tuesday, January 25, 2011

MỘT THẾ HỆ KHÔNG BIẾT XẤU HỔ

Theo Nhà báo Tự do Công Giáo
Tác giả Tạ Phong Tần

Bài đã đăng Thời Báo (Canada)

Phố cổ Hà Nội xưa

Người miền Bắc, chính thức từ năm 1954 được (hay bị) “thụ hưởng” nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, những bạn trẻ thế hệ 8X, 9X là thế hệ thứ 2 của nền giáo dục này. Khu vực phía Nam, đến sau năm 1975 mới “thụ hưởng” nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, thế hệ 6X, 7X vẫn còn ít nhiều ảnh hưởng “nền giáo dục Mỹ – Ngụy”, còn 8X, 9X là thế hệ “thuần chủng” giáo dục xã hội chủ nghĩa, nhưng may mắn hơn, có lẽ bị ông bà, cha mẹ, cô dì, chú bác kèm cặp theo lối “Mỹ – Ngụy”, thành thử còn biết giữ nếp nhà.

Người ta thường nói, sản phẩm của nền giáo dục là con người. Con người là sản phẩm của xã hội. Vì vậy, không ngạc nhiên khi lớp trẻ miền Bắc, cụ thể là người Hà Nội mới, có lối sống không biết tôn trọng văn hóa công cộng, không biết bảo vệ lợi ích chung và vô tư, thản nhiên thực hiện hành vi xấu mà không hề biết xấu hổ là gì.

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” là câu ca dao nói về người Hà Nội xưa, vùng đất kinh kỳ nổi tiếng trai thanh gái lịch, nơi sản sinh ra nhiều bậc tao nhân mặc khách. “Người Hà Nội xưa trải qua bao thế kỷ đã hun đúc thành một lối sống, nếp nghĩ, cách ứng xử, kiểu cách ăn ở rất tinh tế, thanh lịch, văn hóa… Tất cả đặc trưng đó đã được lưu giữ qua rất nhiều năm tháng cùng với những biến thiên, thăng trầm của lịch sử”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định: “Kinh đô xưa, cũng giống Thủ đô nay lại cũng là nơi tập hợp, thu hút được cả trí tuệ của “thiên hạ” qua mối quan hệ ngoại giao (các sứ đoàn) hay cộng đồng người nước ngoài có mặt tại đây (nhà buôn, nhà truyền giáo, nhà ngoại giao…). Văn Miếu chính là cách tiếp nhận những giá trị của văn hoá bên ngoài một khi nó mang lại lợi ích quốc gia. Nội dung cái nguyên lý “Hiền tài là nguyên khí quốc gia…” thể hiện trong văn bia của Thân Nhân Trung khắc trong Văn Miếu xác tín nguyên lý xây dựng quốc gia của người xưa rất coi trọng con người, coi trọng trí tuệ và trọng dụng nhân tài”.

Thời xưa, trừ tầng lớp hoàng tộc thì kẻ sĩ Việt Nam là giới trí thức có địa vị cao nhất trong xã hội- nơi sản sinh ra quan lại. Kẻ sĩ ảnh hưởng lối sống Nho giáo của Khổng – Mạnh với quan niệm: “Chiếu trải không ngay không ngồi, thịt cắt không vuông không ăn”. Người kinh kỳ đi đứng khoan thai nhưng nhanh nhẹn, nói năng nhỏ nhẹ nhưng cương quyết, dẫu nghèo cũng cố giữ nếp nhà trong sạch giản dị, không chấp nhận lối sống thô thiển, xô bồ. Vì vậy, “Người Hà Nội chuộng lối sống khoan hòa, giản dị” (“Phố phường Hà Nội xưa”- nhà nghiên cứu Hoàng Đạo Thúy).

Thế nhưng, thời gian gần đây, không ít người có tư tưởng hoài cổ “kêu gào” Hà Nội ngày nay không còn thanh lịch nữa, lớp trẻ Hà Nội ngày nay xô bồ, hỗn độn, lớp trẻ Hà Nội ngày nay thiếu ý thức, Hà Nội đầy những rác.

Còn nhớ, hồi tháng 4 năm 2008, người Nhật đã công phu mang sang Hà Nội hàng nghìn cây hoa anh đào thật để tổ chức lễ hội hoa anh đào (sakura). Theo thống kê của ban tổ chức, “hơn một vạn người, chủ yếu là bạn trẻ, đến với lễ hội”. Đáng buồn thay, lớp trẻ Hà Nội đã phô bày cho người Nhật thấy một thế hệ mới Việt Nam không biết xấu hổ khi tàn phá không gian công cộng. “Ban tổ chức đã bố trí các gian hàng trưng bày và bán các loại thức ăn nhanh, ăn nhẹ ở hai phía sảnh lễ hội. Nhưng chưa đến 13g, toàn bộ hai bên sảnh ngập rác, trong khi các thùng rác được bố trí hầu như trống rỗng! Khoảng 15g, khi lễ rước kiệu Yosakoi từ trung tâm tiếng Nhật trên phố Núi Trúc tới khu vực Trung tâm triển lãm Giảng Võ chưa dứt thì khá đông bạn trẻ cả nam lẫn nữ ào ạt, xô đẩy nhau tới ba cây hoa anh đào thật (mà nhiều nghệ nhân đã mất nhiều thời gian để ghép từ 300 cành hoa) tranh nhau… bứt hoa bẻ cành! Trong chớp nhoáng, những cây hoa anh đào bị “tiêu diệt” gọn. Bảy cây hoa anh đào giả, hoa làm bằng lụa cùng với đèn lồng được ban tổ chức bố trí các góc sân cũng bị bẻ trụi. Thậm chí những dàn lưới treo lơ lửng hoa anh đào cũng bị nhiều bạn kiệu nhau lên “thanh toán” nốt!” (Tuổi Trẻ 08/4/20008).

Năm sau, người Nhật vẫn tổ chức lễ hội hoa anh đào ở Hà Nội để quảng bá cho văn hóa Nhật. Họ cũng mang sang Việt Nam khoảng 400 cành hoa anh đào lớn phía đông bắc Nhật Bản, nhưng “cảnh giác cao” để cho người Việt “chiêm ngưỡng từ xa” trong khoảng cách an toàn, còn ai muốn nhìn gần thì xin mời cứ nhìn “chục cây hoa anh đào lụa cùng cờ cá chép, hình ảnh tượng trưng cho mùa xuân Nhật Bản”.

Không vặt hoa bẻ cành được thì người ta hè nhau xả rác. Không phải Hà Nội thiếu thùng rác, không có chổ bỏ rác, nhưng người đi xem lễ hội tiện tay thì bạ đâu vứt đấy. Nhiều nhóm bạn trẻ chọn khu vườn hoa trước cửa sân vận động Quần Ngựa (nơi trưng bày) để nghỉ ngơi, ăn uống. Sau lễ hội hoa anh đào năm 2009, rác tràn ngập sân vận động Quần Ngựa, từ giấy gói thức ăn, hộp đựng thức ăn, giấy báo lót ngồi, chai nước uống… tất tần tật đủ loại tràn ngập trong và ngoài khu vực lễ hội.

Sau đại lễ 1.000 năm Thăng Long, báo điện tử VnExpress đăng loạt ảnh phóng sự Hà Nội ngập rác. Các bãi cỏ, lòng đường, vỉa hè… của nhiều tuyến phố, quảng trường ở thủ đô ngập tràn rác, đồ ăn do người xem đại lễ bỏ lại. Tối 10/10, kết thúc đêm đại lễ tại sân vận động Mỹ Đình, các thảm cỏ trở nên tan hoang và ngập rác. Dưới lòng đường, trên vĩa hè, đâu đâu cũng thấy rác thải, những hộp, túi đựng thức ăn thừa của những người tới đây xem lễ bế mạc bị vứt lại. Bên trong khuôn viên sân vận động, nơi tập trung các diễn viên tham gia đêm diễn, rác cũng ngập tràn sau khi những người này lên xe về nhà.

Lễ Noel vừa qua, trai thanh gái lịch Hà Nội lại diễn tiếp màn vô tư xả rác ngập ngụa quanh Hồ Gươm. Vỏ hạt dưa, đồ ăn, túi nylon, giấy báo… vứt đầy trên bãi cỏ, dưới lòng hồ thậm chí ngay cạnh thùng rác công cộng.

Lý giải hiện tượng người Tràng An ngày nay không còn thanh lịch như xưa, ông Dương Trung Quốc nói với báo chí: “Cái đáng nói là trung tâm chính trị, nhưng lại trải qua quá nhiều cuộc thay đổi về giá trị. Những thay đổi đó vừa phá vỡ những giá trị cũ mà lại không xây dựng được giá trị mới nên hệ quả là như chúng ta thấy hôm nay”, “Hà Nội bắt đầu phát triển to đẹp với những công trình có giá trị như Nhà hát Lớn, các rạp chiếu bóng, chợ Đồng Xuân, những ngôi nhà thờ, những đường phố rộng mới mở… Tuy nhiên, có thể thấy thời đó vẫn là một Hà Nội gọn gàng ngăn nắp, trong đó vẫn còn lưu dấu những phong tục tập quán cũ, vẻ cổ kính thâm trầm, hệ thống kiến trúc truyền thống, phố phường vẫn được giữ nguyên. Hơn thế, nếp sống đô thị và một tầng lớp thị dân đã hình thành. Song đáng tiếc sau đó, để thực hiện những mục tiêu chính trị, cùng với đó là một sự đảo lộn của đời sống đô thị, sự đảo lộn của cư dân đô thị. Những người dân đã tiếp thu và quen với nếp sống đô thị đã ra đi mưu sinh ở nơi khác, thay vào đó là sự tràn ngập của những người dân nông thôn đổ, mang theo văn hóa tùy tiện, lối sống đơn giản của nông thôn vào phố thị. Bên cạnh đó, đặc biệt là cách quản lý hành chính đô thị cũng có nhiều thay đổi, không phù hợp khiến phố thị luôn trong nguy cơ bị nông thôn hóa”.

Kiểu giải thích của ông Dương Trung Quốc không làm thỏa mãn người đọc, có vẻ như ông Quốc đổ thừa sự di dân của người dân nông thôn đã làm “thô tục hóa” Hà Nội. Nếu nói về vấn đề di dân từ nông thôn ra thành thị, có lẽ không ở đâu mật độ di dân cao như Sài Gòn, thậm chí có thể nói cao nhất nước Việt Nam, dân tất cả các vùng miền đều kéo nhau vào Sài Gòn làm ăn sinh sống. Người Sài Gòn năm nào cũng tổ chức đường hoa Nguyễn Huệ (quận 1) rực rỡ nhưng không hề có hiện tượng người đi xem hoa vặt lá bẻ cành. Theo ghi nhận của báo Tuổi trẻ, sau Noel vừa rồi, khu vực trung tâm Sài Gòn công nhân vệ sinh dọn dẹp loáng trong vòng 30 phút là sạch sẽ.

Người miền Bắc, chính thức từ năm 1954 được (hay bị) “thụ hưởng” nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, những bạn trẻ thế hệ 8X, 9X là thế hệ thứ 2 của nền giáo dục này. Khu vực phía Nam, đến sau năm 1975 mới “thụ hưởng” nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, thế hệ 6X, 7X vẫn còn ít nhiều ảnh hưởng “nền giáo dục Mỹ – Ngụy”, còn 8X, 9X là thế hệ “thuần chủng” giáo dục xã hội chủ nghĩa, nhưng may mắn hơn, có lẽ bị ông bà, cha mẹ, cô dì, chú bác kèm cặp theo lối “Mỹ – Ngụy”, thành thử còn biết giữ nếp nhà.

Người ta thường nói, sản phẩm của nền giáo dục là con người. Con người là sản phẩm của xã hội. Vì vậy, không ngạc nhiên khi lớp trẻ miền Bắc, cụ thể là người Hà Nội mới, có lối sống không biết tôn trọng văn hóa công cộng, không biết bảo vệ lợi ích chung và vô tư, thản nhiên thực hiện hành vi xấu mà không hề biết xấu hổ là gì.

Tạ Phong Tần

Lê Minh Khôi: Những Nhà “Lão Thành Cách Mạng” hay “Thủ Phạm Của Mọi Tội Ác”

Theo NguoiViet Boston

cachmang

Đất nước ta còn tồn tại hay sẽ trở thành một quận huyện của Trung Cộng? Câu hỏi đặt ra buộc chính chúng ta phải trả lời chứ không phải một ai khác. Trung Cộng thì đang bành trướng mộng bá quyền còn Đảng Cộng Sản Việt Nam đã lộ nguyên hình là một đảng cướp và những người cầm đầu chế độ tại Hà Nội thì chỉ biết hống hách với người dân trong nước nhưng lại vô cùng hèn nhát khiếp nhược trước ngoại bang.

Thật ra không đợi đến ngày hôm nay mà chỉ một vài năm sau biến cố 1975, trên các luồng thông tin người ta đã thấy phơi bầy mỗi ngày một rõ ràng những nghịch lý, những tội ác, những bất công, những thủ đoạn tàn độc, những trò xảo trá lường gạt bỉ ổi của cái gọi là Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Trước đây người ta đổ lỗi cho chiến tranh vì không thể bao biện và kiểm soát nổi nhưng bây giờ hòa bình đã gần bốn chục năm rồi thì đổ lỗi cho ai đây?

Chưa nói tới những tuyên cáo, những bài viết của những người không chấp nhận chế độ và của những tổ chức hay đảng phái chống đối, vì có thể bị gán ghép là bôi nhọ hay suy diễn một chiều. Ở đây, trong một phạm vi ngắn gọn, chúng ta chỉ cần lướt qua tư duy của chính những người trong cuộc. Những người này cứ tạm gọi là những nhà “lão thành cách mạng” vì họ đã “phục vụ cách mạng” gần hết cuộc đời. Họ thuộc lớp người tiên khởi nồng cốt của chế độ, là công thần của chế độ, và nhất là đã hoặc đang nắm giữ những chức vụ đầu não quan trọng, cho nên họ biết rất rõ mặt thật và việc làm của chế độ.

Họ đã nói và viết những gì?

- Nguyễn Hộ người có 55 tuổi đảng, Chủ Tịch Đoàn Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc Trung Ương, thủ lãnh của Nhóm Truyền Thống Kháng Chiến, viết trong tập hồi ký Quan Điểm Và Cuộc Sống: Ngày 21/3/1990 tôi rời khỏi Saigòn cũng là ngày tôi rời khỏi Đảng CSVN. Tôi làm cách mạng đã 56 năm, gia đình tôi có 2 liệt sĩ, Nguyễn Văn Đào, anh ruột, Đại Tá QĐNDVN, hy sinh ngày 9/1/1966 tại Củ Chi, và vợ tôi Trần Thị Thiệt bị bắt và chết tại Tổng Nha Cảnh Sát Sài gòn vào tết Mậu Thân 1968, nhưng phải thú nhận rằng tôi đã chọn sai lý tưởng: Cộng Sản Chủ Nghĩa. Bởi vì suốt hơn 60 năm trên con đường cách mạng ấy nhân dân Việt Nam đã chịu hy sinh quá lớn lao, nhưng cuối cùng chẵng được gì, đất nước vẫn nghèo nàn lạc hậu, nhân dân không có ấm no hạnh phúc, không có dân chủ tự do. Đó là điều sĩ nhục (nguồn: Wikipedia) “.

- Ông Nguyễn Minh Cần, nguyên Phó Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội, nguyên Đại Sứ Cộng Sản Hà Nội tại Liên Sô, ghi lại tính tàn độc và lưu manh của Đảng Cộng Sản trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất 1953-1956: Giết oan hàng trăm ngàn người, đầy ải hàng triệu người, làm cho đạo lý suy đồi luân thường đảo ngược. Tại cuộc mít tinh tối 29.10.1956, ông Võ Nguyên Giáp chỉ cho biết con số 12 nghìn cán bộ và đảng viên đã được trả tự do mà thôi! Con số đó đúng hay không, ai mà biết được! Tóm lại, những con số về người bị thiệt mạng trong CCRĐ vẫn chưa xác định được. Dù thế nào chăng nữa, với những con số ước tính đã cho thấy đây là một tội ác tày trời. Tội ác này chính là tội ác chống nhân loại (Nguyễn Minh Cần, Xin Đừng Quên Bài Học Cải Cách Ruộng Đất Nửa Thế Kỷ Trước)

- Trung Tướng Trần Độ, Cựu Phó Chủ Tịch Quốc Hội, viết: Cuộc cách mạng ở Việt Nam đã đập tan và xoá bỏ được một chính quyền thực dân phong kiến, một xã hội nô lệ, mất nước, đói nghèo, nhục nhã. Nhưng lại xây dựng nên một xã hội nhiều bất công, nhiều tệ nạn, một chính quyền phản dân chủ, chuyên chế, một chế độ độc đảng và toàn trị, nhiều thói xấu giống như và tệ hơn là trong chế độ cũ…” Và trong một lần nói chuyện, khi được hỏi về chế độ lao tù, ông nói “Nếu nhà tù Pháp thời xưa mà giống nhà tù cộng sản bây giờ thì chúng tôi chết lâu rồi, làm gì còn có người vượt ngục. Cuối cùng, để biện minh cho những đóng góp của mình vào chế độ, ông Trần Độ làm bốn câu thơ

Những mơ xoá ác ở trên đời,

Ta phó thân ta với đất trời

Ác xoá đi, thay bằng cực thiện

Tháng ngày biến hoá, ác luân hồi. (Nguồn: Trần Độ- Nhật Ký Rồng Rắn)

- Ông Hoàng Minh Chính gia nhập đảng từ năm 1939, Phó Viện Trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc kiêm Viện Trưởng Viện Triết học Mác-Lênin trong một bài phát biểu đã than thở rằng “Người dân dưới chế độ cộng sản đã bị áp bức tệ hại hơn cả thời còn mồ ma thực dân đế quốc. Ngay cả thời kỳ nô lệ, người dân ai muốn ra báo cũng chỉ cần nộp một giấy xin phép và bản lưu chiểu. Điển hình là cụ Huỳnh Thúc Kháng bị thực dân Pháp xử 13 năm tù về tội chống Pháp và bị đầy ra Côn Đảo từ năm 1908 đến năm 1921 mới được trả tự do. Khi mãn hạn tù cụ được thả về Huế, tại đây, cụ đắc cử dân biểu năm 1926, rồi được cử làm Viện trưởng Viện Dân Biểu Trung Kỳ và đứng ra xuất bản tờ báo Tiếng Dân. Một người bị tù vì tội chống thực dân còn được thực dân cho ra báo trong khi đó một người từng nắm giữ chức Phó Chủ Tịch Quốc Hội của chế độ mà xin phép ra một tờ báo cũng không được. (nguồn: Wikipedia)

Cũng nên biết rằng năm 1946 cụ Huỳnh Thúc Kháng đã giữ chức Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ trong Nội Các Chính Phủ Liên Hiệp và giữ chức Quyền Chủ Tịch Nước trong khi Hồ Chí Minh đi Pháp tham dự Hội Nghị Fontainebleau. Như vậy không thể gán ghép cụ Huỳnh là Việt Gian hay nói cụ Huỳnh vì thỏa hiệp với Pháp nên đã được Pháp cho ra báo

- Ông Trần Lâm sinh năm1925 vào đảng năm 1947, Vụ phó Ủy Ban Kế Hoạch Nhà nước, thẩm phán Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, đã viết trong bài “Những dòng suy nghĩ từ Đại hội đến Quốc hội” số tháng 9/2007: Đảng thì luôn nói Quốc hội là của dân, do dân, vì dân. Người hiểu biết trong dân thì coi Quốc hội là bù nhìn. Đảng và Nhà nước tổ chức bầu cử, biết đây là kiểu dàn dựng, nhưng cứ làm.

- Ông Trần Quốc Thuận, Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc Hội CSVN, trả lời phỏng vấn của báo Thanh Niên:

“Cơ chế hiện nay tạo kẽ hở cho tham nhũng vơ vét tiền của của nhà nước… Nhưng cái mà chúng ta mất lớn nhất lại không phải là tiền dù số tiền bị mất lên đến hằng trăm tỷ, mà cái lớn nhất bị mất là đạo đức. Chúng ta hiện sống trong một xã hội mà chúng ta phải nói dối với nhau để sống. Nói dối hằng ngày trở thành thói quen, rồi thói quen đó lặp lại nhiều lần thành đạo đức, mà cái đạo đức đó rất mất đạo đức”.

- Nguyễn Khải, nhà văn mang quân hàm Đại Tá, Đại Biểu Quốc Hội, Phó Tổng Thư Ký Hội Nhà Văn CS, đã viết trong “Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất”: “Ngôn từ là mặt yếu nhất trong các lãnh vực thượng tầng cấu trúc tại các nước xã hội chủ nghĩa, vì lãnh đạo các nước đó dùng ngôn từ để che đậy … Người cộng sản nói dối lem lém, nói dối lì lợm, nói dối không hề biết xấu hổ và không hề run sợ . Người dân vì muốn sống còn cũng đành phải dối trá theo”.

- Ông Nguyễn Văn Trấn, con hùm xám Chợ Đệm Mỹ Tho, Phụ Tá Bí Thư Đảng Ủy Nam Bộ (1944), Chỉ Huy Trưởng Kiêm Bí Thư Quân Ủy Quân Khu 9 (1947), Chủ Nhiệm Văn Phòng Phó Thủ Tướng, Chủ Nhiệm Ủy Ban Kế Hoạch Thống Nhất Toàn Quốc (1962-1974). thì nói huỵch tẹt theo lối nói Miền Nam: Tội ác của chế độ này, từ 40 năm nay, thật nói không hết. (Viết Cho Mẹ và Quốc Hội trang 345, nhà xuất bản Văn Nghệ, 1995)

- Ông Nguyễn Văn An, cựu ủy viên Bộ Chính Trị Cộng Sản Việt Nam, trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương Ðảng và là chủ tịch Quốc Hội từ 2001 đến 2006, có lúc đã hy vọng lên làm Tổng Bí Thư, trong một bài phỏng vấn mới xuất hiện trên mạng lưới Tuần Việt Nam xuất bản trong nước đã nói “Đảng đã mắc phải lỗi hệ thống và đã sai lầm ngay từ nền tảng”.Ông giải thích: “Lỗi hệ thống là lỗi từ gốc đến ngọn, từ lý thuyết đến mô hình.” (Nguồn: NgườiViệt Online)

Và còn rất nhiều, rất nhiều nữa những trăn trở phản tỉnh của các ông Lê Hồng Hà Cục Trưởng Cục An Ninh Bộ Công An, Lê Liêm Cục Nội Chính, Nguyễn Trung Thành Cục Trưởng Cục Bảo Vệ Đảng, Nguyễn Văn Hiếu Ủy Viên Thường Trực Mặt Trận Tổ Quốc, Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nguyên Đại Sứ Hà Nội tại Trung Cộng, Đại Tá Bùi Tín Phó Tổng Biên Tâp tờ Nhân Dân, Đại Tá Phạm Quế Dương Viện Quân Sử Hà Nội, Trung Tá Trần Anh Kim người anh hùng chống cuộc xâm lăng từ phương Bắc năm 1979, Sứ Thần Dương Danh Dy đại diện Hà Nội tại Trung Cộng, và các ông Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Trần Vàng Sao cùng những tuổi trẻ được sinh ra và trưởng thành trong chế độ như Luật Sư Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Tiến Trung, Phạm Thanh Nghiên, Phạm Hồng Sơn, Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Khải Thanh Thủy, Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày, Mẹ Nấm, Người Buôn Gió …… Nhiều lắm, nhiều lắm, biết kể sao cho hết.

Đứng trước sự phẫn nộ của người dân và một số người ý thức trong đảng, Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh trong một lần nói chuyện tại Hội Các Nhà Văn đành phải hô hào cởi trói cho văn nghệ (có nghĩa là Đảng coi giới văn nghệ sĩ như loài cầm thú) và cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt thì hô hào: “Đổi mới hay là chết”. Mà đổi mới là gì? Là cóp nhặt và làm theo những gì Miền Nam đã làm từ mấy chục năm về trước. Cũng chính nhờ biết “đổi mới” nên người dân Việt Nam mới có gạo ăn, thay vì cho mãi đến những năm 1989-1990, suốt mấy chục năm trong thời bao cấp, ngoại trừ đảng viên cán bộ và công an là được ăn cơm, còn tuyệt đại đa số nhân dân phải ăn bo bo là loại đồ ăn dành cho bò cho ngựa, và mỗi chén cơm có tới hai phần là ngô khoai sắn độn.

Thế là sau cuộc cách mạng long trời lở đất với hơn ba chục năm khói lửa, máu chảy thành sông, xương cao hơn núi, Cộng Sản Hà Nội lại phải đi theo những gì trước đây họ từng hô hào phá bỏ tiêu diệt. Từ ba giòng thác cách mạng chuyên chính vô sản, hy sinh hơn bốn triệu mạng người, đi lòng dòng gần nửa thế kỷ, Cộng Sản Hà Nội lại phải rập khuôn theo mô hình của Miền Nam. Theo bản công bố của Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội phổ biến ngày 14-12-1998 trên đài Hà Nội thì phía Cộng Sản Bắc Việt đã chết trên 3 triệu người. Quảng Nam, Quảng Bình bị thiệt hại nặng nhất, trung bình mỗi gia đình một người. Miền Nam có 300,000 quân nhân tử trận. Theo ông Nguyễn Hộ trong Quan Điểm và Cuộc Sống thì cả hai miền Nam Bắc đã chết trên 11 triệu người. Cái giá phải trả quá đắt!

Đúng nghĩa, cách mạng không phải là đập phá mà là để kiến tạo những gì tốt đẹp hơn. Người ta đã lợi dụng hai chữ “cách mạng” để lừa gạt lòng yêu nước của toàn dân cho mưu đồ quyền lợi phe đảng. Nhìn lại, cuộc cách mạng mà quý vị đã góp phần qua cuộc chiến 30 năm cộng với xương máu của hơn 4 triệu người đã đưa đất nước chúng ta về đâu:

- Độc lập ư? Lảnh thổ và lảnh hải của đất nước ta, ải Nam Quan, thác Bản Giốc, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nay đã bị mất về tay người “đồng chí” Trung Cộng. Hình thức cho thuê rừng hay cho thuê đất thực chất chỉ là cắt đất và dâng đất. Tàu Trung Cộng ngang nhiên vào hải phận nước ta đâm chìm tàu thuyền của ngư dân thì khúm núm gọi là tàu lạ. Sinh viên học sinh biểu tình phản đối, dù chỉ mặc một chiếc áo khoác mang mấy chữ HS-TS-VN, cũng bị đuổi học, bị đưa đi cải tạo, bị bắt nhốt, bị tù đầy…….

Đặt câu hỏi: Trực tiếp hay gián tiếp, quý vị có đóng góp công sức tạo nên cái Đảng Cộng Sản Bán Nước này không?

- Tự do ư? Tự do sao lại có chế độ cư trú, hộ khẩu. Tự do sao lại có đủ thứ công an: công an khu vực, công an phường, công an xã, công an huyện, công an tỉnh, công an nội chính, công an tư tưởng, công an văn hóa…….. Những tên công an này muốn bắt ai thì bắt, muốn giết ai thì giết, chỉ cần dàn dựng một vụ đụng xe hay một màn vu cáo. Quân đội thì khiếp nhựợc hèn nhát, công an thì có mặt khắp chỗ khắp nơi, rình rập dò xét đời sống người dân. So với thời phong kiến đế quốc thì đảng cộng sản của quý vị tàn bạo độc ác gấp trăm ngàn lần hơn. Bao nhiêu người đã chết trong các cuộc đấu tố thanh trừng? Bao nhiêu người đã bỏ mạng trong các nhà giam trại tù cải tạo và trên các vùng kinh tế mới? Bao nhiêu người đã chết trên đường vượt biên vượt biển? Xin quý vị cho biết là ai đã gây ra những thảm cảnh đó?

Đặt câu hỏi: Trực tiếp hay gián tiếp, quý vị có trách nhiệm trong việc xây dựng nên chế độ tàn bạo này không?

- Công bằng hạnh phúc ư? Công bằng hạnh phúc tại sao lại có chế độ y tế bệnh viện tiêu chuẩn khác biệt, tại sao có cảnh người dân nghèo phải chui rúc sống dưới những túp lều chắp vá bằng thùng giấy và những mảnh ván ép được dựng lên trong các bải tha ma. Lớp tuổi thanh niên thì con gái thì phải bán mình cho Ba Tàu và Đại Hàn, con trai thì chích choác nghiện ngập hoặc xuất khẩu đi làm cu li lao động. Trước cửa bệnh viện từng hàng người nối đuôi nhau chờ đến lượt bán máu. Theo các báo trong nước “Ngày 19 tháng 5 năm 2003 tại bến đò Cà Tang trên giòng sông Thu Bồn, ông lão Võ Nghĩnh hơn 70 tuổi phải làm nghề chèo đò kiếm sống, nhưng vì quá già yếu nên đã làm đò chìm gây ra cái chết cho 19 người. Ngày 7 tháng 10 năm 2006 tại bến đò Chôm Lôm, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An một em trai chưa đến tuổi thành niên chở học sinh qua sông đến Trường THCS Lạng Khê làm chìm một con đò khác khiến cho 25 em học sinh thiệt mạng. Ngày 19 tháng 12 năm 2010, báo chí lại đồng loạt đăng tin Cụ Đặng Huyền 98 tuổi vẫn ngày ngày vẫn đạp xích lô chở khách kiếm sống. Trong hội thi diễu hành xích lô ở Festival làng nghề truyền thống Huế 2007, cụ được “vinh danh là người lái xích lô có tuổi nghề nhiều nhất tại Huế.”. Ngoài chuyện kiếm tiền nuôi bản thân, cụ Huyền còn phải nuôi vợ là cụ bà Trần Thị Lặc, 86 tuổi, thường xuyên đau ốm.”

Ngoài cụ Đăng Huyền gần 100 tuổi vẫn phải đạp xích lô thì mẫu tin trên Tuổi Trẻ Online ngày 31/01/2010 cho biết “cụ Phạm Thị Đờn, 76 tuổi, thôn Quảng Hội, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, cơ thể chỉ như da bọc xương, thức dậy từ 1 giờ khuya, lọ mọ xuống ngâm mình dưới biển mò cua bắt ốc kiếm gạo ăn qua ngày… Từ 1 giờ sáng đến gần 11 giờ trưa trong bụng không có hột cơm, ngâm mình trong giá rét… nhưng chỉ bán được 17.000 đồng. Giá trị cả ngày lam lũ chỉ thu được 10.000-20.000 đồng, gặp lúc sóng to gió lớn chỉ được 5.000-7.000 đồng.” (Nguồn: Tưởng Năng Tiến, Chuyện Từ Những Con Đò- Cuối Năm Nói Chuyện Cuối Đời). Trong khi đó “ đầy tớ nhân dân” cùng vợ con hay thân nhân của họ lại thừa tiền mua xe Roll Royce, sắm máy bay riêng, sống vương giả trong những biệt thự lộng lẫy nghỉ mát ở Cát Bà, Hạ Long, Tuần Châu, Chapa, Vũng Tàu. Một tô phở ăn sáng của “đầy tớ nhân dân” ở đường Láng Hạ Hà Nội giá 37.5 đôla tương đương $700,000.00 (bảy trăm ngàn đồng) nhiều hơn số tiền cụ bà Phạm Thị Đờn đi mò cua bắt ốc trong một tháng. (Nguồn: báo Tin Nhanh- Hà Nội).

Đây là chưa nói tới những vụ công an bắt người rồi đánh chết trong khi tạm giữ, vụ Hiệu Trưởng Sầm Đức Xương, vụ Bí Thư Tỉnh Ủy Hà Giang Nguyễn Tường Tô mua dâm nữ sinh, và biết bao vụ khác nữa bị chìm xuồng hay chưa phát hiện).

Đặt câu hỏi: Trực tiếp hay gián tiếp, quý vị có trách nhiệm trong những bất công xã hội này không?

Trên đây là một vài thành tích cách mạng của cuộc cách mạng long trời lở đất mà quý vị đã theo đuổi. Quý vị là những bậc “lão thành cách mạng”, tất nhiên phải được trui luyện, phải sống, phải làm việc, phải có đạo đức và thành tích cách mạng. Nói trắng ra là dù muốn dù không, trực tiếp hay gián tiếp, chức vụ cao hay thấp, quý vị cũng đã là những nhân tố tích cực của chế độ, bàn tay của quý vị cũng đã góp phần gây nên thống khổ cho biết bao nhiêu người và đã đưa đất nước đến khổ trạng ngày nay.

Vậy thì, không lẽ những kẻ tự khoác danh hiệu “lão thành cách mạng” luôn miệng vì dân vì nước lại chính là những tên hại dân hại nước. Các ông Nguyễn Hộ, Nguyễn Văn Trấn, Tô Hải, Trần Độ, Bùi Tín, Hoàng Minh Chính và nhiều vị Lão Thành Cách Mạng khác thì không thế. Khi biết sai, các vị ấy tự nhận là mình sai. Các vị ấy đã nói lên sự thật

Ông Nguyễn Hộ đã ghi lại trong Quan Điểm và Cuộc Sống:

Bằng lực lượng võ trang nắm trong tay, Đảng cộng sản Việt Nam đã tiến hành những cuộc tảo thanh Cao đài, Hòa Hảo tức tấn công, giết hại hàng loạt tín đồ và hàng giáo phẩm của hai đạo này trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống đế quốc Pháp xâm lược (1945,46,47,48,49). Đối tượng tảo thanh lúc bấy giờ ở Miền Đông Nam bộ bao gồm các tỉnh: Tây Ninh, Gia Định (nay là TP Hồ Chí Minh), Thủ dầu một (Sông Bé), Biên Hoà (Đồng Nai), Bà Rịa (Bà Rịa-Vũng tàu), Chợ Lớn (Long An) là đồng bào tín đồ Cao Đài. Còn đối tượng tảo thanh ở Miền tây Nam Bộ bao gồm các tỉnh: Long Xuyên, Châu Đốc (nay là tỉnh An Giang), Rạch Giá (Kiên Giang), Bạc Liêu (Minh Hải), Cần Thơ,…là đồng bào tín đồ Hòa hảo. Bằng cách tập hợp đồng bào đi phá hoại đường để bảo vệ vùng giải phóng thuộc Củ Chi – gọi là “khu 5″ – Ban chỉ huy ra lịnh: ai có đạo đứng một bên, ai không có đạo đứng một bên; ai có đạo ở lại, ai không có đạo đi phá đường. Do vậy, hàng trăm người có đạo – toàn là tín đồ Cao Đài gồm nam, nữ, ông già, bà cả, thanh niên, trung niên – được điều động đến mé rừng rậm. Sau đó nhiều loạt súng liên thanh nổ liên tiếp với tiếng người kêu la gào thét kinh khủng. Thế là số phận bi thảm của đồng bào Cao Đài nói trên đã kết liễu. Thi hài của họ được vùi dập xuống các hầm đào sẵn ở rừng Làng và Sở cao su Me-sắc (thuộc xã Phú Mỹ Hưng, Củ Chi). Vào năm 1950, người ta đã phát hiện ở rừng Bời Lời (Trảng Bàng – Tây Ninh) có 5-7 hầm toàn sọ người. Hay như ở xã Vĩnh Lộc (thuộc Gò Vấp, Gia Định cũ), về sau này, hàng năm đều có ngày giỗ thống nhứt – giỗ những đồng bào tín đồ Cao Đài trong xã, ấp bị giết hàng loạt cùng một ngày bới các cuộc tảo thanh tàn bạo nói trên của Đảng cộng sản Việt Nam.

Không có một ai chê trách ông mà cả nước quý trọng ông vì ông có dũng khí viết ra sự thật. Trước khi chết ông đã viết bằng tim bằng máu. Những người như Nguyễn Hộ mới xứng đáng gọi là lão thành cách mạng. Tiếp nối ông Nguyễn Hộ là Bùi Tín trong Mặt Thật, Hoa Xuyên Tuyết, Nguyễn Mạnh Tường trong Kẻ Bị Rút Phép Thông Công, Hà Sĩ Phu trong Chia Tay Ý Thức Hệ, Dắt Nhau Đi Dưới Bảng Đường Trí Tuệ, Tô Hải trong Hồi Ký Một Thằng Hèn, Dương Thu Hương trong Những Thiên Đường Mù, Các Vĩ Nhân Tỉnh Lẻ, Bùi Ngọc Tấn trong Chuyện Kể Năm 2000, Nói Với Bè Bạn, Bùi Minh Quốc trong Thơ Vụt Hiện Trong Phòng Thẩm Vấn, Võ Văn Trực trong Quê Tôi Ngày Ấy, Trần Huy Quang trong Linh Nghiệm, Phùng Gia Lộc trong Cái Đêm Hôm Ấy Đêm Gì…………..

Tiếc thay những tên tuổi kể trên dù muốn nói cũng chỉ nói được những gì họ biết. Đất nước này còn cần biết nhiều hơn nữa. Cần phải nói ra cho đồng bào cả nước biết và cả thế giới biết, nhất là để cho các thế hệ con cháu chúng ta biết được hết sự thật. Đất nước này rất cần những người có thiện tâm như các ông Nguyễn Hộ, Trần Độ và của quý vị. Không ai đòi hỏi quý vị phải kể ra những sai trái tội lỗi của mình mà chỉ mong là quý vị có đủ dũng khí ghi lại những sự việc tai hại cho đất nước mà chính quý vị đươc chứng kiến hoặc nghe kể lại. Tên nào ra lệnh phá đường đốt chợ? Tên nào ra lệnh thủ tiêu chôn sống người vô tội? Lệnh lạc hay tài liệu nào đã làm đất nước băng hoại như ngày nay? Nếu không tiện đưa ra bây giờ thì cứ ghi lại để lại cho con cháu đưa ra ngày mai, như Chế Lan Viên, như Nguyễn Đình Thi…. Ghi lại rõ ràng nơi chốn, thời gian và tình tiết để cho các nhà viết sử có tài liệu, nhưng cần nhất là không nên thêm bớt hay cường điệu. Trách nhiệm không thuộc về quý vị bởi vì quý vị cũng chỉ là những người thừa hành, hay nói một cách đúng hơn, quý vị cũng chỉ là nạn nhân: Nạn nhân của một chủ nghĩa ảo tưởng, nạn nhân của lòng yêu nước cuồng tín, nạn nhân của sự lừa bịp tinh vi mà đầu xỏ là tên Việt gian lưu manh bán nước Hồ Chí Minh cùng những tên ma đầu ác quỷ Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng Võ, Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ.

Ở đây không có chuyện mắt trả mắt răng trả răng hay chuyện đấu tố bôi nhọ lẫn nhau mà chỉ là ghi lại những sự kiện lịch sử để tìm ra sự thật và tìm hướng đi cho dân tộc. Các vị phải cứu lấy con cháu của quý vị và chuộc lại lỗi lầm trước đây, bởi vì nếu đất nước này mỗi ngày một băng hoại để rồi bị lọt vào tay Trung Cộng thì con cháu của quý vị trước sau sớm muộn cũng sẽ phải chịu chung một số phận bi thảm như tất cả những người dân Việt khác mà thôi.

Sức khỏe cùng với tuổi đời không cho phép quý vị đóng góp được nhiều hơn thì đây là công việc hợp lý nhất, dể dàng nhất và thiết thực nhất cho những người thực tâm có lòng yêu nước, thực tâm đi làm cách mạng. Đây là công việc và trách nhiệm mà quý vị có thể đóng góp cho đất nước để trước khi nhắm mắt quý vị có thể thanh thỏa với chính mình. Làm được những điều lợi dân ích nước như trên mới đáng gọi là “Lão Thành Cách Mạng”.

Ngược lại, chỉ là “Hèn Hạ Ngu Xuẩn” và “Thủ Phạm Của Mọi Tội Ác”

LÊ MINH KHÔI