Translate

Tuesday, July 21, 2009

Hoa Kỳ cảnh báo về áp lực ngày càng tăng của Trung Quốc tại Biển Đông, nêu bật trường hợp Việt Nam

Trích rfi
Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 20/07/2009 Cập nhật lần cuối ngày 20/07/2009 17:40 TU

Tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc xuất hiện nhân lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hải quân Trung Quốc (04/2009)(Ảnh : Reuters)

Tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc xuất hiện nhân lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hải quân Trung Quốc (04/2009)
(Ảnh : Reuters)

Ngay tại Thượng Viện Mỹ, hai viên chức cao cấp bộ Ngoại giao và bộ Quốc phòng Mỹ vừa công khai lên tiếng quan ngại trước các hành động càng lúc càng quyết liệt của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền trên khu vực Biển Đông, một phần nhắm vào Hoa Kỳ, nhưng cũng nhắm vào các nước khác, đặc biệt là Việt Nam.

Trong cuộc điều trần tại Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ ngày 15/07/2009 với chủ đề : ''Tranh chấp trên biển và vấn đề chủ quyền tại khu vực Đông Á, ông Scot Marciel, Phó Trợ lý Ngoại Trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương đã nêu bật mối lo ngại của Hoa Kỳ về quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam, nẩy sinh từ tranh chấp giữa hai nước về chủ quyền tại vùng Biển Đông.

Điều khiến bộ ngoại giao Mỹ đặc biệt quan ngại là các hành động bắt bí của Trung Quốc đối với các tập đoàn dầu khí Hoa Kỳ cũng như của các nước khác muốn làm việc với Việt Nam. Bản điều trần của ông Scot Marciel nói rõ :

''Từ mùa hè năm 2007, Trung Quốc đã bắt đầu yêu cầu một số hãng dầu khí Hoa Kỳ và ngoại quốc là phải đình chỉ công việc thăm dò cùng với các đối tác Việt Nam tại vùng Biển Đông, nếu không muốn phải gánh chịu những hậu quả trong công việc kinh doanh với Trung Quốc''.

Nhà máy lọc dầu của tập đoàn ExxonMobil tại tiểu bang Texas(Ảnh : Reuters)

Nhà máy lọc dầu của tập đoàn ExxonMobil tại tiểu bang Texas
(Ảnh : Reuters)

Đối với Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, hành động hù dọa các Công ty Hoa Kỳ là điều không thể chấp nhận được và Washington đã từng lên tiếng phản đối Bắc Kinh. Ông Scot Marciel xác nhận :

''Nhân dịp ghé thăm Việt Nam vào tháng 09 năm 2008, Thứ trưởng Ngoại giao thời đó là ông John Negroponte đã khẳng định quyền của các công ty Mỹ được hoạt động tại vùng Biển Đông. Ông Negroponte cũng xác định là Hoa Kỳ tin tưởng rằng các tranh chấp cần phải được xử lý một cách hoà bình mà không dùng đến bất kỳ hình thức cưỡng chế nào. Phiá Hoa Kỳ cũng đã trực tiếp nêu lên mối quan ngại với chính quyền Trung Quốc. Không thể giải quyết tranh chấp chủ quyền giữa các nước bằng cách gây sức ép trên các công ty vốn không dính líu gì đến các tranh chấp đó cả''.

Ngay trong diễn văn khai mạc buổi điều trần, Thượng nghị sĩ Jim Webb, chủ tịch Tiểu ban Đông Á Thái Bình Dương của Ủy Ban Đối ngoại cũng nêu bật hình thức hù dọa nêu trên của chính quyền Trung Quốc bên cạnh một số hành động khác có nguy cơ cản trở đà phát triển kinh tế trong khu vực. Sau khi ghi nhận các tranh chấp chủ quyền giữa 6 nước trong đó có Trung Quốc và Việt Nam tại khu vực Trường Sa và Hoàng Sa, cũng như khả năng Trung Quốc sẵn sàng dùng võ lực để hậu thuẫn cho các đòi hỏi chủ quyền của họ, Thượng nghị sĩ Webb cảnh báo :

''Nhiều quan sát viên thẩm định là các hình thức hù dọa của Trung Quốc có thể gây trở ngại cho sự phát triển kinh tế một cách công bằng và tư do trong vùng. Việc mới đây Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam gần khu vực quân đảo Hoàng Sa, hay là những lời đe dọa công khai nhắm vào các tập đoàn dầu khí Mỹ hoạt động trong vùng Biển Đông chẳng hạn, các sự kiện này nêu bật các rủi ro ngày càng tăng đối với công việc đánh cá qua lại trong khu vực cũng như giới hạn việc thăm dò tìm kiếm tài nguyên. Nếu không gặp phản đối, các hành động kể trên có thể tác hại đến sự thịnh vượng của khu vực''.

Cả BP của Anh lẫn Exxon của Mỹ đều bị ''bắt bí''

Về các sức ép của Trung Quốc trên các Tập đoàn dầu khi Hoa Kỳ và Quốc tế vừa bị tố cáo nhân buổi điều trần tại Thượng Viện Mỹ, một bản báo cáo của Cơ Quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ EIA ghi rõ trường hợp của tập đoàn BP Plc của Anh.

Tập đoàn BP có mặt mọi nơi như tại Alaska trong bức ảnh này(Ảnh : AFP)

Tập đoàn BP có mặt mọi nơi như tại Alaska trong bức ảnh này
(Ảnh : AFP)

Vào tháng 6 năm 2007, tập đoàn này đã phải từ bỏ dự án thăm dò lô 5-2 ở một vùng biển nằm giữa quần đảo Trường Sa và vùng hải phận của Việt Nam, với lý do là nơi đó nằm trong vùng có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam. Theo hãng tin Bloomberg, sau đó tập đoàn này tiếp tục bỏ thêm dự án mang ký hiệu 5-3.

Vào tháng 3 vừa qua, BP cho biết là đang thương thuyết với Tập đoàn PetroVietnam và chính quyền Việt Nam để rút hẳn ra khỏi hai lô 5-2 và 5-3. Lý do chính thức mà BP đưa ra là các đề án nói trên không còn phù hợp với kế hoạch phát triển của họ nữa. BP đã từ chối không bình luận về việc phải chăng họ bị sức ép từ phiá Trung Quốc.

Ngoài BP, theo các nguồn tin báo chí, trong thời gian qua, nhiều tập đoàn khác như Exxon của Mỹ, ONGC của Ấn Độ, cũng là nạn nhân bị Trung Quốc gây sức ép, không cho họ ký kết các hợp đồng thăm dò dầu khí với Việt Nam tại các vùng biển mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Theo các nhà quan sát, tác hại của các hành động hù doạ của Trung Quốc đối với Việt Nam có thể rất lớn. Hãng tin Bloomberg mới đây cho rằng mọi động thái của Trung Quốc không cho khoan dò tại những khu vực đã được Việt Nam giao cho các tập đoàn nước ngoài đều có thể tạo ra những khó khăn cho Việt Nam trong nỗ lực đảo ngược chiều hướng giảm sụt của lượng dầu thô khai thác.

Theo Bloomberg, Việt Nam đang mời các tập đoàn dầu khí ngoại quốc đầu thầu nhiều khu vực mới trong bối cảnh sản lượng từ mỏ dầu lớn nhất của Việt Nam đang tuột giảm. Dấu hiệu trước mắt là thứ hạng của Việt Nam trong danh sách các nước sản xuất dầu hỏa trong khu vực đã tụt xuống, và đứng sau Thái Lan.

Hoa Kỳ cam kết sẽ tiếp tục dấn thân vào khu vực

Nhìn chung, trong cuộc điều trấn tại Thượng viện Mỹ hôm 15/07, tất cả các diễn giả đều tỏ ý quan ngại trước tình hình căng thẳng trên vùng biển ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương, đặc biệt nẩy sinh từ những đòi hỏi chủ quyền quá rộng của Trung Quốc mà theo một số chuyên gia, đã lợi dụng thời cơ Hoa Kỳ ít quan tâm đến khu vực để tăng gia sức ép trên các nước lân cận có tranh chấp với Trung Quốc.

Không những thế, cảnh báo cũng được nêu lên về sự kiện Trung Quốc có một quan điểm quá bao quát về vùng Đặc quyền Kinh tế trên biển, và sẵn sàng dùng võ lực gây trở ngại cho quyền tự do qua lại của tàu bè trong khu vực. Tình hình càng đáng ngại hơn trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng tăng cường tiếm lực Hải quân.

Trong tình hình đó, như đại diện bộ Ngoại giao và bộ Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố, quan điểm chung của Hoa Kỳ là không can thiệp trực tiếp vào vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa các nước trong vùng. Thế nhưng Washington phải khôi phục trở lại vai trò cường quốc mang lại sự ổn định cần thiết cho khu vực.

Phó trợ lý Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ, phụ trách vấn đề an ninh tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, ông Robert Scher đã nêu bật 4 thành tố chính trong chiến lược của Hoa Kỳ trong vùng :
- Chứng tỏ rõ ràng bằng lời nói và hành động rằng Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện và thể hiện vai trò một lực lượng quân sự số một trong khu vực.
- Xác lập quyền tư do đi lại của hạm đội Mỹ
- Thiết lập những quan hệ mạnh mẽ hơn với các đối tác trong vùng, vừa về mặt chính sách, thông qua các cuộc đối thoại chiến lược, vừa về mặt hợp tác giữa các lực lượng quốc gia.
- Củng cố cơ chế đối thoại quân sự và ngoại giao sẵn có với Trung Quốc để tránh không cho các sự cố đáng tiếc xẩy ra.

Về thành tố thứ ba như kể trên, ông Robert Scher nhắc lại là mới đây, Hoa Kỳ đã thiết lập với Việt Nam và Malaysia những cơ chế đối thoại cấp cao về chính sách quốc phòng nhằm bổ sung cho các cơ chế tham khảo vốn đã rất vững chắc với Philippines, Thái Lan và Indonesia.

Quan điểm của Hoa Kỳ đã được chính Thượng nghị sĩ Jim Webb xác định khi ông cho rằng, trong tình hình hiện nay ở vùng Châu Á Thái Bình Dương, chỉ có Hoa Kỳ mới có đủ thực lực và uy thế để đối phó với tình trạng bất cân đối mà Trung Quốc đang gây ra cho khu vực. Trong tình thế đó, ông nói :

''Hoa Kỳ có trách nhiệm duy trì một sự cân bằng địa lý chính trị trong vùng, sao cho mọi nước ở châu Á được đối xử một cách công bằng, và bảo vệ được những nước nào vốn chỉ muốn giải quyết tranh chấp một cách hòa bình''.

Các tuyên bố xác định lập trường từ phiá các giới chức chính quyền và chuyên viên quốc phòng Mỹ nhân buổi điều trần tại Thượng Viện Mỹ đã được các nhà phân tích xem là một tín hiệu tốt cho Việt Nam. Theo giáo sư Carl Thayer, chuyên gia tại Hoc Viện Quốc phòng Úc, chính quyền Việt Nam sẽ cảm thấy được trấn an phần nào vào lúc đang phải liên tục chịu sức ép từ phiá Trung Quốc :

'' Việt Nam sẽ rất hài lòng với lời khẳng định của Hoa Kỳ là họ sẽ hành động để ngăn chặn không cho Trung Quốc tiếp tục hăm dọa các tập đoàn Hoa Kỳ, buộc các hãng này phải rút ra khỏi công cuộc hợp tác thuong mại hợp pháp với Việt Nam để khai thác dầu khí ở vùng Biển Đông..., nhất là khi phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ Scot Marciel đã nêu bật sự kiện Trung Quốc gây sức ép lên các tập đoàn Hoa Kỳ cộng tác với Việt Nam ở các bloc ngoài khơi mà theo ông không nằm trong hải phận mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền.

Việt Nam cũng sẽ cảm thấy được trấn an sau lời cam kết của các quan chức Hoa Kỳ là Mỹ vẫn hiện diện tích cực ở vùng Biển Đông và sẽ củng cố quan hệ về mặt an ninh quốc phòng với các đối tác của mình để đối trọng lại với Trung Quốc. Cuối cùng thì Việt Nam sẽ cảm thấy rất hài lòng là đươc các viên chức và chuyên gia nhắc đến như một nguời bạn hay là một đối tác của Mỹ trong cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thương viện".

Theo giới phân tích, thông điệp của Hoa Kỳ về vấn đề Biển Đông đã được tung ra đúng một tuần trước khi Ngoại trưởng Mỹ đến Thái Lan tham gia các cuộc họp của Hiệp Hội Asean, trong đó có Diễn đàn An ninh Khu vực ARF.

Bùi Văn Phú - Where are you from? Về tính cách công dân và nguồn cội

Bùi Văn Phú - Where are you from? Về tính cách công dân và nguồn cội

Posted using ShareThis