Translate

Thursday, March 5, 2009

Cuộc tập kích đã thành công tốt đẹp

Trích Blog Công Lý Và Sự Thật (Blogger Tạ Phong Tần)


Khoảng 12 giờ 30 phút ngày 04/3/2009, tôi và Luật sư Đạt vừa từ một quán cơm gần Văn phòng trở về thì có 3 xe gắn máy chở 6 thanh niên lạ mặt chạy đến ép xe chúng tôi và ra lệnh "Xuống xe". Không biết chuyện gì xảy ra, tôi hỏi: "Chuyện gì?" thì một thanh niên quát Ls Đạt: "Không liên quan đến anh, anh đi chổ khác. Chị này lên xe tôi". Tôi hỏi: "Anh là ai? Bộ mấy anh muốn bắt cóc tôi sao?". Anh ta bảo: "Chúng tôi mời chị mà chị không đi". Tôi nói: "Các anh có giấy tờ gì mà mời?". Anh thanh niên này chưa kịp trả lời thì bỗng nhiên xuất hiện thêm 1 xe 4 bánh bên hông sơn 2 chữ Cảnh Sát màu xanh và 5-6 người khác, một người đàn ông khoảng hơn 50 tuổi tướng tá bặm trợn ra lệnh: "Không đi thì lôi lên xe", đồng thời ông ta cùng với 3-4 thanh niên khác túm lấy tôi quẳng lên xe chạy thẳng vào bên trong sân trụ sở Công an quận Gò Vấp. Hơn chục thanh niên, đàn ông to khỏe áp đảo duy nhất 1 phụ nữ là tôi. Vậy là cuộc "tập kích" của "quân ta" đã "thành công tốt đẹp".

Xuống xe xong, tôi hỏi: "Ở đây ai làm việc với tôi?". Không ai trả lời. Một người đàn ông đứng tuổi khác đi tới, tôi hỏi ông ta: "Anh là cán bộ ở đây à?". Ông ta nói: "Phải". Tôi hỏi tiếp: "Thế anh tên gì?". Ông ta cũng không trả lời mà lãng đi nơi khác. Người đàn ông bắt tôi lúc quát tôi: "Đi lên lầu, có người làm việc với chị". "Tôi không đi, anh phải cho tôi biết anh là ai, muốn làm việc gì với tôi?". Ông ta không nói không rằng hung hăng xông tới chộp tay tôi bẻ quặt lôi tôi lên lầu 1 và tống vào 1 căn phòng. Trong phòng này có 1 bàn lớn hình chữ nhật và một bàn viết kê nối với nhau và hai hàng ghế gỗ. Trên cái bàn viết có tấm bảng mê ca xanh ghi họ tên chức vụ của một ông Đội phó nào đó. Người thanh niên trẻ khoảng 30 tuổi có nhiệm vụ canh giữ tôi vội vàng lấy tấm lịch để bàn đậy cái bảng tên mê ca lại. Tôi nhìn thấy thái độ của anh ta mà buồn cười. Tôi mới nói: "Anh đậy bảng tên lại làm cái gì? Tôi không quan tâm đến chuyện đó đâu. Cái ông có tên trên bảng ấy đâu có ngồi đây, ông ta cũng đâu đụng chạm gì đến tôi, tôi để ý tên ông ta làm gì. Nếu biết việc mình làm là xấu thì đừng làm, anh che bảng tên ở đây nhưng không che được con mắt của nhiều người nhìn thấy các anh dùng vũ lực bắt tôi trái pháp luật. Hay là các anh lại dí súng vào đầu để bịt mồm bịt miệng người ta đừng nói chuyện này ra? Tôi không làm việc với những người vô danh đâu".

Tôi nói xong thì kéo mấy cái ghế kê lại thành hàng để trèo lên nằm ngủ. Định trèo lên cái bàn dài, nhưng thấy bàn hơi cao, leo lên đó nằm có phần bất lịch sự nên thôi.

Hơn 1 giờ chiều thì có hai người bước vào. Hóa ra là "người quen" tên Hải và Thắng, chính là hai vị đã từng cản trở không cho tôi đến dự phiên tòa xét xử sơ thẩm blogger Điếu Cày. Anh ta gọi tôi thức dậy để "làm việc". Tôi hỏi anh tên Hải: "Anh đến đây với tư cách gì? Nếu anh muốn nói chuyện như anh em thì nói ở chổ khác, không nói ở đây. Nếu anh muốn nhân danh cái gì đó làm việc với tôi thì anh về mặc quân phục vô, đeo bảng tên đàng hoàng rồi làm việc". Anh ta hỏi tôi "Bộ không biết tôi là ai sao mà còn đòi quân phục với bảng tên?". Tôi nói: "Tôi không biết. Các anh dùng vũ lực bắt tôi đến đây thì các anh phải có tên họ đàng hoàng, tôi không làm việc với người không có tên". Anh ta lại yêu cầu tôi phải bỏ điện thoại di động lên bàn, không được nghe điện thoại. Tôi nói: "Cho đến giờ phút này, tôi vẫn là người có đầy đủ quyền công dân, tôi có quyền giữ đồ vật tài sản trong người tôi, tại sao tôi phải bỏ ra. Nếu các anh muốn chiếm đoạt thì cứ việc dùng bạo lực mà chiếm đoạt". Một người nữ khoảng 30 tuổi mặc cái áo ngắn màu nâu nhàu nhĩ ngồi ghế kế bên láu táu chen vào, tôi bực mình quay sang trừng mắt nhìn cô ta: "Ai cho phép cô chen vào? Chuyện riêng của tôi không khiến cô xen vô. Cô là cái gì ở đây? Ăn mặc lôi thôi như thế, cô là ai? Nãy giờ tôi nói chuyện với anh này là tôi còn nể anh ta, chớ cô thì tôi không nói với cô". Cô nọ ngồi im.

Họ thấy tôi không đồng ý tắt điện thoại bỏ ra ngoài bèn gọi vào 4 mụ đàn bà mặc sắc phục an ninh, nhưng chỉ có 1 người đeo bảng tên Nguyễn Thị Nga, 3 người còn lại "vô danh" (không hiểu sao ở chổ này lắm kẻ "vô danh" đến thế?) xông vào nắm tay nắm chân tôi lại để móc túi quần lấy điện thoại di động và tiên trong túi quẳng lên bàn rồi ngăn cản không cho tôi lấy lại. Tôi chỉ thấy buồn cười về cái sự tự xưng là "chính" mà hành vi thì rất "tà", làm việc gì cũng dấm dúi, che giấu.

Suốt gần 30 phút, tôi và người tên Hải tranh cãi nhau nhì nhà nhì nhằng vụ anh ta cho rằng vì anh ta "mời" tôi không được nên "được phép dùng bạo lực". Còn tôi thì yêu cầu anh ta chỉ ra văn bản pháp luật nào quy định cái sự được "phép ấy" nhưng anh ta cứ loanh quanh mãi. Đại khái nó cũng giống như vụ tôi tố cáo Trưởng Công an phường Cầu Ông Lãnh bắt người trái pháp luật mà họ ậm à ậm ừ rồi nín thinh gần 2 năm nay.

Sau đó, "viện binh" tiếp theo là một ông ngoài 50 tuổi, không mặc sắc phục. Tôi hỏi ông này tên gì, cấp bậc chức vụ gì thì ông ta nói mình tên Trần Tiến Tùng, cán bộ Công an Gò Vấp. Tôi nói; "Anh nói thế thì tôi biết thế, thật sự anh có phải tên đó hay không tôi làm sao kiểm chứng được. Anh có giấy chứng nhận ngành cho tôi xem thì tôi mới tin". Ông ta hỏi tôi: "Có cần thiết như vậy không?". Tôi trả lời: "Cần thiết. Tôi cần biết tôi đang làm việc với ai". Ông ta bèn vặn lại tôi là "Chị đến đây có mang giấy chứng minh không?". "Ô hay! Các anh dùng vũ lực bắt tôi đến đây rồi anh hỏi tôi đến đây sao không có giấy chứng minh".

Túm lại là họ cứ viện lý do là gởi giấy mời nhiều lần mà tôi không đến, nhưng tôi yêu cầu họ có giấy tờ gì chứng minh cái sự "nhiều" ấy thì họ chỉ lòi ra được có 2 tờ, mà trong ấy có ghi ý kiến của tôi yêu cầu phải trao giấy mời trước 3 ngày mà tôi đã kể mấy hôm trước. Rồi họ mang ra một đống giấy bảo tôi phải ký tên xác nhận bài viết nào của tôi trong số đó. (Nói chung là tôi và cái nhà ông Tùng kia tranh luận nhiều chuyện rất là loanh quanh, buồn cười, đáng để viết thành một chuyện khôi hài, tôi sẽ kể lại cuộc tranh luận này vào một lúc khác). Tôi trả lời ông Tùng rằng: "Tôi phản đối việc các anh dùng vũ lực bắt tôi đến đây nên tôi không làm việc gì cả. Tôi sẽ làm việc với các anh vào một ngày khác. Các anh có giữ tôi ở đây thì cũng giống như giữ đống đất, đống đá mà thôi. Tôi không viết, không ký bất cứ cái gì hết". Ông ta có nói gì tôi cũng một mực im lặng ngồi gục đầu lên mặt bàn để ngủ, ông ta ngồi giở từng trang giấy đặt trên bàn ra đọc to lên rồi suy diễn ấm ớ theo kiểu khiêu khích cho tôi trả lời. Tôi bảo: "Anh đừng khiêu khích tôi, vô ích thôi. Tôi đã nói hôm nay tôi không làm việc với các anh là không làm việc" .

Anh chàng trẻ tên Thắng thì hung hăng đập bàn quát tôi, nào là "ngoan cố", "Rượu mời không uống muốn uống rựu phạt", "không khoan hồng", v.v... và v.v... . Tôi nhìn anh ta cười nhếch mép: "Hung hăng quá vậy! Thích quát à? Thích quát thì tự quát tự nghe đi nhé. Tôi không nói chuyện với anh". Tôi tiếp tục im lặng.

Một lúc sau, ông Tùng ra ngoài rồi trở vô đề nghị tôi chọn một một ngày khác để làm việc. Anh chàng Thắng lại đứng lên hăng hái chen vào, tôi quay lại bảo anh ta: "Tôi đang nói chuyện với ông này, không nói chuyện với anh", thì anh ta mới hậm hực ngồi xuống.

Cuối cùng, tôi đồng ý nhận 1 Giấy Mời khác làm việc vào lúc 14 giờ ngày 05/3/2009 vì buổi sáng tôi phải đến Thi Hành Án Gò Vấp, còn ngày thứ 6 thì phải đến Tòa án quận 9 làm đại diện theo ủy quyền cho ông Luật kiện ông Nguyễn Minh Luân- Phó Công an quận 9.

Nên hay không nên khai thác quặng Bauxite?

Trích rfa.org

Những vụ tranh cãi về việc nên hay không nên khai thác quặng bauxit trên vùng Tây Nguyên tiếp tục là đề tài chính trong nước đối với giới khoa học hiện nay. Liệu khi khai thác quặng sẽ ảnh hưởng đến môi trường như thế nào và ảnh hưởng này có đáng để làm dừng lại việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên này hay không?

boxit2-250.jpg
Các hồ chứa nước ở Tây Nguyên sẽ bị biến thành nơi chứa bùn đỏ. Photo courtesy of TuanVietnam
Mặc Lâm tìm câu trả lời qua bài phỏng vấn Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, Chủ Tịch Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam ở hải ngoại, về vấn đế này như sau đây.

Mặc Lâm:Thưa Tiến Sĩ, xin ông cho biết việc khai thác quặng bauxit sẽ được tiến hành như thế nào và liệu Việt Nam có đủ năng lực để thực hiện công việc khai thác khó khăn này hay không?

Tiến trình khai thác

TS Mai Thanh Truyết: Quặng bauxit là một loại quặng lộ thiên, nghĩa là chúng ta có thể khai thác thẳng quặng từ mặt đất chứ không cần phải đào đường hầm như khai thác mỏ than hay các quặng kim loại khác. Quy trình khai thác gồm có hai giai đoạn:

Đó là những nguy cơ rất quan trọng, tức là nguy cơ về không khí và nguy cơ về nguồn nước bao gồm nước sinh hoạt và nước ngầm.

TS Mai Thanh Truyết

Giai đoạn đầu là đào xới các quặng mỏ. Dĩ nhiên trong quặng mỏ đó có trộn đất đá và một số kim loại độc hại lẫn trong quặng bauxit, do đó cần phải tách rời ra bằng các phương pháp cơ học, nghĩa là tẩy rửa bằng nước và bằng sút để ra quặng alumina. Alumina là một hợp chất oxýt của nhôm (Al2O3). Còn lại chất phế thải là bùn đỏ trộn lẫn với sút và nước mà chúng ta gọi là một chất bẩn độc hại âm thầm.

Giai đoạn thứ hai thực sự ra quan trọng hơn, vì từ alumina người ta phải sử dụng điện phân để tách ra nhôm ròng. Đây là giai đoạn quan trọng nhứt vì nó đòi hỏi công nghệ cao cũng như cơ sở sản xuất trích ly điện phân rất là cao, trong khi giai đoạn đầu chỉ đòi hỏi những nhu cầu dụng cụ, thiết bị đào xới và nhân công không cần chuyên môn.

Ô nhiễm môi trường, nguồn nước

Mặc Lâm: Các nhà khoa học cho rằng khi khai thác quặng bauxit thì nhiều vấn đề về ô nhiễm sẽ xảy ra, xin Tiến Sĩ đơn cử một vài thí dụ điển hình về ô nhiễm mà người dân sẽ chịu trực tiếp ảnh hưởng sau này.

TS Mai Thanh Truyết: Nói về vấn đề ô nhiễm do khai thác quặng mỏ lộ thiên thì vấn đề bụi là vấn đề đầu tiên chúng ra đặt ra. Bụi ở đây không phải là bụi nằm trong vùng khai thác mà bụi đó sẽ chiếm lĩnh toàn vùng kể cả khu dân cư và khu nông nghiệp. Những bụi đỏ đó sẽ bám trên lá cây trồng trọt trong nông nghiệp, do đó cây trồng không thể phát triển được. Đối với con người, theo quy định của cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ thì bụi phải dưới 10 micro. Khi bụi đó đi vào đường khí quản và vào trong phổi trong một thời gian dài thì người bị nhiễm sẽ đi đến ung thư phổi. Qua kinh nghiệm ở những vùng khai thác mỏ than ở các quốc gia bên Tây Phương người ta thấy tình trạng ung thư phổi vì bụi là rất cao.

Những lập luận của các nhà gọi là khoa học gia đó cho rằng đất không tốt cho cây cỏ thì tôi nghĩ rằng cách nói đó chỉ để đáp ứng cái quyết tâm của chính phủ Việt Nam hiện tại là muốn khai thác bauxit.

TS Mai Thanh Truyết

Mặc Lâm: Ngoài bụi là vật có thể thấy và cảm nhận được ngay trước mắt thì các nhà môi trường còn lo về vấn đề nguồn nước sẽ bị độc chất tấn công, nhất là nguồn nước ngầm sử dụng trong sinh hoạt. Tiến Sĩ có chia sẻ gì về những quan tâm này, thưa ông?

TS Mai Thanh Truyết: Dĩ nhiên khi đào sới thì lớp đất thịt ở trên mặt sẽ không còn nữa và bùn đỏ có trộn lẫn hóa chất như sút và một số kim loại độc hại cũng như arsenic (thạch tín) là một kim loại kết hợp ái lực với sắt trong thiên nhiên chiếm tỷ lệ 4-5% trong đất, thì tất cả loại bùn đỏ đó sẽ chiếm một diện tích lớn trong việc khai thác. Người ta ước tính muốn khai thác một hecta quặng bauxit thì sẽ tái sinh ra 2 hecta bùn đỏ, và qua thời gian, qua mưa bão thì bùn đỏ có thể xâm nhập vào nguồn nước ngầm làm cho nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Thứ hai nữa, nước bùn đỏ, đặc biệt là tại vùng Đắc-Nông và Nhân Cơ, thì bùn đỏ đó qua mưa có thể di chuyển theo các rạch nước để đi vào sông suối thượng nguồn của sông Đồng Nai. Và như chúng ta đã biết, sông Đồng Nai là nguồn nước cung cấp cho toàn vùng Miền Đông Nam Bộ và đặc biệt là TP.HCM. Đó là những nguy cơ rất quan trọng, tức là nguy cơ về không khí và nguy cơ về nguồn nước bao gồm nước sinh hoạt và nước ngầm.

Hiệu quả kinh tế?

Mặc Lâm: Những người ủng hộ việc khai thác bauxit cho rằng trong tình hình khó khăn hiện nay, quặng bauxit trong thiên nhiên sẽ giúp Việt Nam tăng thêm nguồn thu nhập rất lớn. Liệu sự đánh giá này có làm giảm bớt sự lo ngại về môi trường hay không, thưa ông?

Vậy xét về hiệu quả kinh tế thì hoàn toàn không có hiệu quả kinh tế, nhưng thảm nạn về môi trường, về dân sự, chính trị, văn hóa sẽ ảnh hưởng về lâu về dài.

TS Mai Thanh Truyết

TS Mai Thanh Truyết: Câu hỏi này, về phương diện hiệu quả kinh tế và về phương diện điều kiện hiện có ở Việt Nam, chúng tôi thấy hoàn toàn không có hiệu quả kinh tế. Lý do là hiện nay khu Nhân Cơ và Đắc-Nông là hai khu trồng tiêu và cà phê, đây là hai nguồn lợi rất lớn. Tính ra một hecta tiêu hay một hecta cà phê có thể đem lại nguồn lợi cho người dân hiệu quả kinh tế từ 2 đến 3 ngàn đôla, trong lúc đó khai thác một diện tích bauxit 4 hecta chỉ cho ra 2 tấn alumina. Một tấn alumina có giá trị khoảng 3-4 trăm đôla mà thôi. Nhưng cả vùng đất đó sẽ bị hoang hóa trong tương lai. Vậy xét về hiệu quả kinh tế thì hoàn toàn không có hiệu quả kinh tế, nhưng thảm nạn về môi trường, về dân sự, chính trị, văn hóa sẽ ảnh hưởng về lâu về dài.

Mặc Lâm: Nhưng cũng chính những bản nghiên cứu của tỉnh Đắc Nông cho biết là các loại cây công nghiệp như cà phê hay tiêu thì không phát triển tốt được trong vùng đất có quặng bauxit vì quặng nằm sát mặt đất cản trở cho hệ thống phát triển của các loại cây này. Ông nghĩ sao về những quan điểm như vậy?

TS Mai Thanh Truyết: Tôi hoàn toàn không đồng ý. Những cây trồng trong hiện tại như cà phê, trà hay tiêu là những cây trồng thuộc loại cây nhỏ, nghĩa là chỉ bám trên mặt đất mà thôi. Vùng Tây Nguyên là vùng đất trước kia là vùng núi lửa cách đây hàng triệu năm, do đó vùng đất này gọi là đất bazan (đất đỏ) rất tốt cho việc trồng cao su, trà, cà phê. Những lập luận của các nhà gọi là khoa học gia đó cho rằng đất không tốt cho cây cỏ thì tôi nghĩ rằng cách nói đó chỉ để đáp ứng cái quyết tâm của chính phủ Việt Nam hiện tại là muốn khai thác bauxit.

Mặc Lâm: Xin cảm ơn TS Mai Thanh Truyết đã dành cho chúng tôi thời gian cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.