Translate

Thursday, March 5, 2009

Nên hay không nên khai thác quặng Bauxite?

Trích rfa.org

Những vụ tranh cãi về việc nên hay không nên khai thác quặng bauxit trên vùng Tây Nguyên tiếp tục là đề tài chính trong nước đối với giới khoa học hiện nay. Liệu khi khai thác quặng sẽ ảnh hưởng đến môi trường như thế nào và ảnh hưởng này có đáng để làm dừng lại việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên này hay không?

boxit2-250.jpg
Các hồ chứa nước ở Tây Nguyên sẽ bị biến thành nơi chứa bùn đỏ. Photo courtesy of TuanVietnam
Mặc Lâm tìm câu trả lời qua bài phỏng vấn Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, Chủ Tịch Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam ở hải ngoại, về vấn đế này như sau đây.

Mặc Lâm:Thưa Tiến Sĩ, xin ông cho biết việc khai thác quặng bauxit sẽ được tiến hành như thế nào và liệu Việt Nam có đủ năng lực để thực hiện công việc khai thác khó khăn này hay không?

Tiến trình khai thác

TS Mai Thanh Truyết: Quặng bauxit là một loại quặng lộ thiên, nghĩa là chúng ta có thể khai thác thẳng quặng từ mặt đất chứ không cần phải đào đường hầm như khai thác mỏ than hay các quặng kim loại khác. Quy trình khai thác gồm có hai giai đoạn:

Đó là những nguy cơ rất quan trọng, tức là nguy cơ về không khí và nguy cơ về nguồn nước bao gồm nước sinh hoạt và nước ngầm.

TS Mai Thanh Truyết

Giai đoạn đầu là đào xới các quặng mỏ. Dĩ nhiên trong quặng mỏ đó có trộn đất đá và một số kim loại độc hại lẫn trong quặng bauxit, do đó cần phải tách rời ra bằng các phương pháp cơ học, nghĩa là tẩy rửa bằng nước và bằng sút để ra quặng alumina. Alumina là một hợp chất oxýt của nhôm (Al2O3). Còn lại chất phế thải là bùn đỏ trộn lẫn với sút và nước mà chúng ta gọi là một chất bẩn độc hại âm thầm.

Giai đoạn thứ hai thực sự ra quan trọng hơn, vì từ alumina người ta phải sử dụng điện phân để tách ra nhôm ròng. Đây là giai đoạn quan trọng nhứt vì nó đòi hỏi công nghệ cao cũng như cơ sở sản xuất trích ly điện phân rất là cao, trong khi giai đoạn đầu chỉ đòi hỏi những nhu cầu dụng cụ, thiết bị đào xới và nhân công không cần chuyên môn.

Ô nhiễm môi trường, nguồn nước

Mặc Lâm: Các nhà khoa học cho rằng khi khai thác quặng bauxit thì nhiều vấn đề về ô nhiễm sẽ xảy ra, xin Tiến Sĩ đơn cử một vài thí dụ điển hình về ô nhiễm mà người dân sẽ chịu trực tiếp ảnh hưởng sau này.

TS Mai Thanh Truyết: Nói về vấn đề ô nhiễm do khai thác quặng mỏ lộ thiên thì vấn đề bụi là vấn đề đầu tiên chúng ra đặt ra. Bụi ở đây không phải là bụi nằm trong vùng khai thác mà bụi đó sẽ chiếm lĩnh toàn vùng kể cả khu dân cư và khu nông nghiệp. Những bụi đỏ đó sẽ bám trên lá cây trồng trọt trong nông nghiệp, do đó cây trồng không thể phát triển được. Đối với con người, theo quy định của cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ thì bụi phải dưới 10 micro. Khi bụi đó đi vào đường khí quản và vào trong phổi trong một thời gian dài thì người bị nhiễm sẽ đi đến ung thư phổi. Qua kinh nghiệm ở những vùng khai thác mỏ than ở các quốc gia bên Tây Phương người ta thấy tình trạng ung thư phổi vì bụi là rất cao.

Những lập luận của các nhà gọi là khoa học gia đó cho rằng đất không tốt cho cây cỏ thì tôi nghĩ rằng cách nói đó chỉ để đáp ứng cái quyết tâm của chính phủ Việt Nam hiện tại là muốn khai thác bauxit.

TS Mai Thanh Truyết

Mặc Lâm: Ngoài bụi là vật có thể thấy và cảm nhận được ngay trước mắt thì các nhà môi trường còn lo về vấn đề nguồn nước sẽ bị độc chất tấn công, nhất là nguồn nước ngầm sử dụng trong sinh hoạt. Tiến Sĩ có chia sẻ gì về những quan tâm này, thưa ông?

TS Mai Thanh Truyết: Dĩ nhiên khi đào sới thì lớp đất thịt ở trên mặt sẽ không còn nữa và bùn đỏ có trộn lẫn hóa chất như sút và một số kim loại độc hại cũng như arsenic (thạch tín) là một kim loại kết hợp ái lực với sắt trong thiên nhiên chiếm tỷ lệ 4-5% trong đất, thì tất cả loại bùn đỏ đó sẽ chiếm một diện tích lớn trong việc khai thác. Người ta ước tính muốn khai thác một hecta quặng bauxit thì sẽ tái sinh ra 2 hecta bùn đỏ, và qua thời gian, qua mưa bão thì bùn đỏ có thể xâm nhập vào nguồn nước ngầm làm cho nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Thứ hai nữa, nước bùn đỏ, đặc biệt là tại vùng Đắc-Nông và Nhân Cơ, thì bùn đỏ đó qua mưa có thể di chuyển theo các rạch nước để đi vào sông suối thượng nguồn của sông Đồng Nai. Và như chúng ta đã biết, sông Đồng Nai là nguồn nước cung cấp cho toàn vùng Miền Đông Nam Bộ và đặc biệt là TP.HCM. Đó là những nguy cơ rất quan trọng, tức là nguy cơ về không khí và nguy cơ về nguồn nước bao gồm nước sinh hoạt và nước ngầm.

Hiệu quả kinh tế?

Mặc Lâm: Những người ủng hộ việc khai thác bauxit cho rằng trong tình hình khó khăn hiện nay, quặng bauxit trong thiên nhiên sẽ giúp Việt Nam tăng thêm nguồn thu nhập rất lớn. Liệu sự đánh giá này có làm giảm bớt sự lo ngại về môi trường hay không, thưa ông?

Vậy xét về hiệu quả kinh tế thì hoàn toàn không có hiệu quả kinh tế, nhưng thảm nạn về môi trường, về dân sự, chính trị, văn hóa sẽ ảnh hưởng về lâu về dài.

TS Mai Thanh Truyết

TS Mai Thanh Truyết: Câu hỏi này, về phương diện hiệu quả kinh tế và về phương diện điều kiện hiện có ở Việt Nam, chúng tôi thấy hoàn toàn không có hiệu quả kinh tế. Lý do là hiện nay khu Nhân Cơ và Đắc-Nông là hai khu trồng tiêu và cà phê, đây là hai nguồn lợi rất lớn. Tính ra một hecta tiêu hay một hecta cà phê có thể đem lại nguồn lợi cho người dân hiệu quả kinh tế từ 2 đến 3 ngàn đôla, trong lúc đó khai thác một diện tích bauxit 4 hecta chỉ cho ra 2 tấn alumina. Một tấn alumina có giá trị khoảng 3-4 trăm đôla mà thôi. Nhưng cả vùng đất đó sẽ bị hoang hóa trong tương lai. Vậy xét về hiệu quả kinh tế thì hoàn toàn không có hiệu quả kinh tế, nhưng thảm nạn về môi trường, về dân sự, chính trị, văn hóa sẽ ảnh hưởng về lâu về dài.

Mặc Lâm: Nhưng cũng chính những bản nghiên cứu của tỉnh Đắc Nông cho biết là các loại cây công nghiệp như cà phê hay tiêu thì không phát triển tốt được trong vùng đất có quặng bauxit vì quặng nằm sát mặt đất cản trở cho hệ thống phát triển của các loại cây này. Ông nghĩ sao về những quan điểm như vậy?

TS Mai Thanh Truyết: Tôi hoàn toàn không đồng ý. Những cây trồng trong hiện tại như cà phê, trà hay tiêu là những cây trồng thuộc loại cây nhỏ, nghĩa là chỉ bám trên mặt đất mà thôi. Vùng Tây Nguyên là vùng đất trước kia là vùng núi lửa cách đây hàng triệu năm, do đó vùng đất này gọi là đất bazan (đất đỏ) rất tốt cho việc trồng cao su, trà, cà phê. Những lập luận của các nhà gọi là khoa học gia đó cho rằng đất không tốt cho cây cỏ thì tôi nghĩ rằng cách nói đó chỉ để đáp ứng cái quyết tâm của chính phủ Việt Nam hiện tại là muốn khai thác bauxit.

Mặc Lâm: Xin cảm ơn TS Mai Thanh Truyết đã dành cho chúng tôi thời gian cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.

No comments: