Translate

Monday, November 30, 2009

Tìm kiếm giải pháp Biển Đông

Hồng Nga

BBCVietnamese.com



Cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia tổ chức được nhiều người xem như một cử chỉ mạnh bạo của Việt Nam về ngoại giao nhằm thúc đẩy khuynh hướng đa phương hóa và quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông.

Tuy nhiên, Hà Nội còn cả núi việc phải làm để có thể huy động trợ giúp quốc tế, biến cử chỉ này thành hành động khẳng định chủ quyền, nhất là khi Việt Nam nhận ghế Chủ tịch khối Asean vào năm tới.

Quá trình chuẩn bị đi đến Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ nhất (26/11/2009-27/11/2009) cho thấy một sự dè dặt bớt dần trong cách hành xử của Hà Nội: từ chỗ cho tới tận mấy ngày trước khi sự kiện diễn ra báo chí trong nước vẫn không được đưa tin, đến việc bật đèn xanh để ngay sau ngày thứ nhất của hội thảo, hàng chục bài báo xuất hiện trên các đài báo chính phủ; rồi đến bài tham luận của diễn giả Hoàng Việt từ TP Hồ Chí Minh trong ngày hội thảo thứ hai chỉ trích thẳng tham vọng bành trướng của Trung Quốc khiến học giả nước này phải lên tiếng phản bác ...

Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia Việt Nam nổi tiếng từ Học viện Quốc phòng Úc châu, nói bằng những hành động như cuộc hội thảo này, Việt Nam đã tiến tới vai trò thứ chính trong tiến trình xem xét các bất đồng và tranh chấp ở Biển Đông.

Và như vậy, Hà Nội đã đặt mình ở thế mặt đối mặt với Trung Quốc, nước chủ bài trong thế cờ vô cùng phức tạp tại khu vực giàu tài nguyên và cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ to lớn này.
Bàn tay sắt ở Biển Đông

Cách ứng xử của Trung Quốc mang tính quyết định trong tranh chấp Biển Đông.

Ngoài một thời gian vào cuối những năm 1990, khi Bắc Kinh có chính sách tạm gọi là mềm dẻo hơn và các nước liên quan tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông có thể ký với nhau một Tuyên bố chung về Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (DOC) vào năm 2002; Trung Quốc đã quay lại đường lối ngày càng cứng rắn.

Nguyên do có thể là vì một loạt yếu tố, như nhu cầu năng lượng trong nước ngày càng gay gắt; lợi ích về dầu lửa và về các tuyến hàng hải; và cả tinh thần dân tộc chủ nghĩa đang bùng cháy ở trong nước.


GS Thayer cho rằng Việt Nam đang lãnh vai thứ chính trong cuộc chơi mới

Nghiên cứu mới ra mang tựa đề "Tranh cãi Biển Đông: thêm nguy cơ, tăng căng thẳng" (The South China Sea dispute: increasing stakes and rising tension), của Clive Schofield và Ian Storey thuộc Quỹ Jamestown (Tiến sỹ Storey cũng có mặt trong cuộc hội thảo ở Hà Nội), phân tích rất rõ rằng bàn tay của Trung Quốc tại Biển Đông càng trở nên mạnh mẽ hơn với quá trình hiện đại hóa hải quân.

Từ giữa những năm 1990, quân đội Trung Quốc đã có thêm 12 tàu ngầm hạng Kilo mà Việt Nam vẫn còn đang cân nhắc mua từ Nga với số lượng ít hơn và Trung Quốc cũng đang tự mình đóng mới bốn tàu ngầm khác kể cả tàu hạng Kim và hạng Thương có sử dụng năng lượng hạt nhân; đồng thời loan báo tham vọng đóng hàng không mẫu hạm.

Bắc Kinh còn cho thiết lập căn cứ tàu ngầm tại đảo Hải Nam trấn ngữ Biển Đông, mà quân đội Việt Nam đã được tổ chức tham quan để chứng kiến sự hùng mạnh của nước láng giềng.

Các động thái như thiết lập đơn vị hành chính, sách nhiễu, hành hung ngư dân nước ngoài hay xua đuổi công ty dầu mỏ ngoại quốc muốn làm ăn với Việt Nam trong vùng tranh chấp chỉ chứng tỏ lập trường của Bắc Kinh, rằng Trung Quốc giữ "chủ quyền không thể chối cãi" trong phần lớn khu vực Biển Đông.

Một điều đáng chú ý là Trung Quốc dường như cố tình giảm nhẹ tầm quan trọng của cuộc hội thảo mà Việt Nam mất công của để dàn xếp.

Hãng thông tấn hàng đầu của nước này, Tân Hoa Xã, vốn nhanh nhạy trong việc thu thập các tin liên quan tới Trung Quốc, không có dòng nào nói về hội thảo. Báo chí Trung Quốc cũng im tiếng.

Trong số sáu học giả Hoa lục được cử tham gia hội thảo, không có ai từ Quảng Tây là trung tâm hàng đầu nghiên cứu thời sự chính sách liên quan tới Việt Nam.

Xem ra nước lớn này không mấy hào hứng với các cuộc chơi do người khác khởi xướng.
Dựa vào ai?

Thời gian gần đây, Việt Nam không che dấu một số mục tiêu mà Hà Nội mong muốn cùng các nước khác phấn đấu vươn tới, như đạt được Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) để thay cho DOC và mang các tranh chấp ra trước Tòa án Công lý Quốc tế, Tòa án Luật biển Quốc tế và Cơ chế trọng tài quốc tế để xem xét.

Quy tắc Ứng xử COC chỉ là một quyết định chính trị, chứ không phải là một khung luật pháp. Tuân thủ nó hay không lại là một câu chuyện khác.

Tiến sỹ Yann-Huei Song, Đại học Quốc gia Chung Hsing, Đài Loan

Để làm được việc đó, không thể thiếu cam kết của các nước liên quan.

Các học giả tham gia hội thảo quốc tế về Biển Đông đã đề cập khá nhiều tới vai trò của khối Asean và sự tham gia của các quốc gia quan tâm, như Hoa Kỳ và Ấn Độ.

Phản ứng của các nước Asean trong tranh chấp Biển Đông từ trước tới nay phải nói là yếu ớt và càng cho thấy sự bất lực của khối này trong nhiều lĩnh vực, trong có giải quyết các xung đột.

Ngoại trừ văn bản DOC ký năm 2002 mà thoạt tiên giúp giảm căng thẳng ít nhiều, quá trình tìm kiếm giải pháp Biển Đông của Asean nhanh chóng rơi vào bế tắc. Dưới áp lực của Trung Quốc, chủ đề Biển Đông thậm chí còn không được nhắc tới trong nhiều cuộc hội họp khu vực, như hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất, tháng 10/2009.

Sở dĩ Bắc Kinh có thể gây áp lực như vậy là vì các nước Asean, vốn rời rạc trong liên hệ, còn bị chi phối của quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Một số học giả nhắc tới vai trò của Hoa Kỳ và cho rằng Mỹ đang ngày càng quan tâm tới an ninh khu vực.

Luôn khẳng định "không đứng về bên nào", nhưng Mỹ đã nhiều lần bày tỏ quan ngại trước tình hình căng thẳng gia tăng tại Biển Đông và ủng hộ giải pháp thương lượng cho các tranh chấp.


Cuộc hội thảo được tổ chức trong hai ngày 26/11-27/11

Tuy nhiên số đông các nhà nghiên cứu thống nhất rằng quả bóng nằm trong sân của Asean và Trung Quốc. Họ cho rằng các nước liên quan đều nghiêng về giải pháp hòa bình, ngoại giao.

Tiến sỹ Storey nói: "Điều cần nhất là Asean với tư cách của một khối phải thẳng thắn đề cập vấn đề này với Trung Quốc."

Tiến sỹ Yann-Huei Song từ Đai học Quốc gia Chung Hsing, Đài Loan, nói với BBC rằng nhìn chung thì không thể nói là các nước riêng lẻ thuộc Asean không có "ý chí chính trị" để giải quyết vấn đề Biển Đông, nhưng mức độ cam kết thì khá khác nhau.

Ông nói: "Cứ đặt ra thang bậc từ một đến năm, thì có nước được hai-ba, có nước chỉ được một."

Chính vì cam kết lỏng lẻo như vậy, theo Tiến sỹ Song, ngay cả khi một bộ quy tắc COC có đạt được, thì hiệu quả của nó cũng sẽ hạn chế.

"COC chỉ là một quyết định chính trị, chứ không phải là một khung luật pháp. Tuân thủ nó hay không lại là một câu
chuyện khác."

Saturday, November 28, 2009

Phân tích vấn đề Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt từ chức

VietCatholic News (28 Nov 2009 09:07)

Phân tích vấn đề Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt từ chức.

Trong thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông, có nhiều bài viết về các vấn đề đất đai của Giáo Hội, Công Lý và Sự Thật. Những bài viết này ít nhiều gây được sự chú ý đặc biệt nơi người Việt Nam nói chung và giáo dân Việt Nam nói riêng vì đã đề cập trực tiếp đến lập trường của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt và của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đối với chính quyền cộng sản. Nhưng vấn đề gây xúc động nhất hiện nay là tin Đức TGM Ngô Quang Kiệt có thể sẽ từ chức. Ngài đã loan báo cho các Linh Mục thuộc giáo phận Hà Nội biết về tiến trình từ chức vì lý do sức khỏe. Tin này gây ra nhiều thắc mắc vì người ta không biết Ngài đã chính thức đệ đơn xin từ chức chưa? Hoặc đó chỉ là lời "xin miệng" với Đức Thánh Cha? Và nếu thế, thì lời “xin miệng”có hợp thủ tục, có được Toà Thánh chấp nhận không? Tất cả đều chưa có câu trả lời.

Chúng tôi đi kiểm chứng và biết rằng một cách chính thức Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh Vatican hoàn toàn im lặng về vấn đề này. Tuy nhiên, nguồn tin thân cận từ Vatican mà VietCatholic có được cho biết là "ngay sau khi Đức TGM Ngô Quang Kiệt nói đến ý định từ chức thì Đức ông Parolin đã có nhận định với Đức Tổng là không nên làm thế trong hoàn cảnh hôm nay". Thêm vào đó, tin hành lang ở Vatican cho biết là Đức TGM Ngô Quang Kiệt vẫn được Tòa Thánh hoàn toàn tín nhiệm trong việc cai quản Tổng Giáo Phận Hà Nội.

Với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, không thấy văn bản nào nói về tin Đức TGM Ngô Quang Kiệt từ chức, chỉ có Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn thay thế Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, trả lời điện thư cuả cha Trần Công Nghị, Giám Đốc cơ quan thông tấn ViệtCatholic, về câu hỏi Đức TGM Ngô Quang Kiệt có từ chức hay không. Đức Hồng Y trả lời cha Trần Công Nghị môt số điểm chính như sau:

1. Vào cuối tháng 6, tại Roma, Đức Tổng Kiệt cho biết, thật sự vì lý do sức khoẻ, Ngài đã trình bày cho các Giám mục Việt Nam đang họp ở Roma biết về ý định xin từ chức của Ngài với Đức Thánh Cha. Như vầy lý do là vì bệnh trạng của Ngài.

2. Đức Hồng Y góp ý với Đức TGM Hà nội là Đức Thánh Cha có cho từ chức hay không, sớm hay muộn, là việc của Đức Thánh Cha; còn phần Đức TGM Hà nội, Ngài có trách nhiệm dành thời gian điều trị, tĩnh dưỡng để có thể tiếp tục công việc mục vụ lâu dài.

3. Đức TGM Ngô Quang Kiệt cho Đức Hồng Y biết là Roma cũng đã có đề nghị hướng điều trị, còn thời điểm thì để ngài định liệu."

Cứ theo nội dung mà Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn trả lời trên đây, người ta thấy việc Đức TGM Ngô Quang Kiệt ngỏ ý xin từ chức rõ ràng là do vấn đề cá nhân, vấn đề sức khoẻ, hoàn toàn không phải là do áp lực của chính quyền cộng sản Việt Nam, cũng không phải do áp lực của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Nhưng lời giải đáp của Đức Hồng Y dù rất chính xác, nhưng dư luận vẫn không tin là chính đáng, và có được dư luận bên ngoài chấp nhận không? Hay là còn nhiều uẩn khúc trong vấn đề này? Để trả lời các câu hỏi trên, chúng ta hãy xem các bài viết bên ngoài phân tích thế nào về việc Đức TGM Ngô Quang Kiệt xin từ chức.

Dư Luận Nghĩ Gì Về Việc Đức TGM Ngô Quang Kiệt Từ Chức

Viết về đức TGM Hà Nội trong thời gian gần đây các bài viết cũng như các câu chuyện giữa người Công Giáo đều nêu bật ba sự kiện: Thứ nhất, sau khi triều yết Đức Thánh Cha về, Đức TGM Ngô Quang Kiệt đã đi nghỉ hai lần tại tu viện Châu Sơn, Ninh Bình vì lý do sức khoẻ. Thứ hai, Đức TGM đã vắng mặt trong dịp Hội Nghị Thường Niên của các Giám Mục Việt Nam họp tại Xuân Lộc với lý do được viện dẫn là vì sức khỏe yêu kém. Thứ ba, trong dịp lễ tấn phong Linh Mục Nguyễn Năng làm Giám Mục Phát Diệm, giới quan sát thấy vai trò và vị thế của một vị TGM Hà Nội được sắp xếp cách nào đó mà đã có một số người dị nghị và bình luận, và vô tình lại càng làm nhiều người hiểu lầm thêm.

Từ ba sự kiện này, các bài viết và dư luận bên ngoài, căn cứ vào các diễn biến chính trị xã hội và nội tình Giáo Hội Việt Nam, đã đi đến kết luận rằng Đức TGM sẽ từ chức, nhưng không phải vì lý do sức khoẻ mà là do (1) áp lực của chính quyền Việt Nam, (2) do áp lực của HĐGMVN và (3) cuối cùng cũng do Tòa Thánh nữa.

Áp lực từ phía chính quyền Việt Nam:

Vụ Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đứng lên đòi hỏi công lý và sự thật trong vụ Tòa Khâm Sứ và Thái Hà là một điều hoàn toàn đúng. Các Giám Mục, giáo dân cũng thấy đúng, nhưng không dám mạnh mẽ nói ra. Còn đối với chính quyền cộng sản Việt Nam, việc làm của Đức Tổng bị coi là nguy hiểm vì làm lung lay vị thế độc tôn cai trị của họ, gây nguy hại cho an ninh chính trị vì Ngài đã tố cáo cho thế giới biết chính quyền cộng sản Việt Nam là chính quyền, không tôn trọng công lý, vi phạm nhân quyền. Đối với người dân bình thường, ai đứng lên phản đối chính quyền, chắc chắn họ sẽ bị cộng sản bắt giam, tù tội. Nhưng với người đứng đầu một tổng giáo phận thủ đô Hà Nội như Đức TGM Kiệt, việc bắt giam Ngài vào thời buổi này là việc cộng sản không thể làm được vì sợ dư luận quốc tế. Họ bị bó tay nên ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ Tịch Uỷ Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội đã lên tiếng đòi HĐGMVN xử lý và đưa Đức TGM Ngô Quang Kiệt đi nơi khác. Như vậy ai cũng thấy căn nguyên ban đầu là Nhà nước cộng sản không ưa gì đức TGM Kiệt và chỉ muốn bứng ngài đi khỏi Hà nội thôi! Nhưng áp lực đó có ảnh hưởng đến lập trường của Tòa Thánh Vatican, đến HĐGMVN, và đến chính Đức TGM Ngô Quang Kiệt, thì chúng ta không được biết, vì không có tài liệu nào chứng minh cho vấn đề này. Tuy nhiên, ta hãy quan sát hiện tượng để tìm ra bản chất.

Đối Với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

Do áp lực từ phía chính quyền, các bài viết hay dư luận bên ngoài nhận định rằng chính quyền Hà Nội không muốn có sự hiện diện của Đức TGM Ngô Quang Kiệt tại bất cứ nơi đâu tại VN nên đã kín đáo liên lạc với các vị GM để các Ngài gây áp lực với Đức TGM. Sự kiện được các bài báo viện dẫn là sự im lặng của HĐGMVN nói chung và đa số các Giám mục khác nói riêng trước lập trường của Đức TGM trong các vụ tòa Khâm Sứ, Thái Hà v.v... Các bài viết đó cũng suy diễn HĐGMVN đã gây áp lực mạnh đối với Đức TGM Hà Nội. Bằng chứng là Đức Tổng đã không có mặt trong Hội Nghị Thường Niên của các Giám Mục họp tại Xuân Lộc, cho dù lý do sự vắng mặt được Ngài giải thích là vì tình trạng sức khoẻ. Bằng chứng thứ hai là vị thế của Đức Tổng trong lễ tấn phong Giám Mục ở nhà thờ chính tòa Phát Diệm vào ngày 8 tháng 9 năm 2009. Như đã nói trên, các lập luận trên chỉ là những suy diễn nhưng khó lòng bác bỏ vì đa số rất dễ tin vào những gì mình đễ thấy và dễ cảm nhận.

Người ta cũng lập luận rằng: trong thâm tâm, vị Linh Mục nào, Giám Mục nào cũng không ưa gì cộng sản. Nhưng qua kinh nghiệm, các Ngài thấy từ khi VN tuyên bố mở cửa vào năm 1986, và từ khi HĐGMVN chuyển hướng chính sách từ đối đầu thời ĐGM Nguyễn Minh Nhật đến chính sách hòa hoãn với chính quyền dưới thời ĐGM Nguyễn Văn Hòa làm Chủ Tịch HĐGM Việt Nam, thì Giáo Hội Việt Nam được dễ thở hơn, sinh hoạt sống đạo khởi sắc hơn, việc truyền chức Giám Mục, Linh Mục cũng dễ dàng hơn. Từ đó, người ta suy diễn và nghi ngờ rằng biết đâu một vài Giám Mục trẻ có chân trong HĐGM chưa dầy dạn kinh nghiệm, nên có thể muốn phương cách tiếp tục đối thoại với chính quyền và chờ đợi và hy vọng một ngày mai tươi sáng. Thêm vào đó, nếu ngoại giao khéo léo với chính quyền, thì có thể sẽ lợi ích hơn cho Giáo hội. Tỏ thái độ với chính quyền lúc này là không đúng lúc, không phải là giải pháp khôn ngoan, phải bảo vệ lực lượng. Vì chính quyền vẫn dùng bạo lực khi cần để trấn áp các người đòi hỏi dân chủ, nhân quyền, công lý. Hơn nữa, lật đổ chính quyền không phải là nhiệm vụ của Giáo Hội mà nhiệm vụ chính là rao giảng tin mừng cho mọi người, kể cả người cộng sản từng bức hại Giáo Hội.

Về Phía Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt:

Tình trạng sức khỏe hiện nay của Ngài không được khả quan là điều có thật bằng chứng là trước đây mấy năm, Ngài đã cho nhiều vị Giám Mục, Linh Mục biết vì tình trạng sức khoẻ nên việc điều hành tổng giáo phận của Ngài gặp rất nhiều trở ngại. Nhiều người lầm tưởng rằng trong những ngày chuẩn bị khai mạc Năm Thánh 2009-2010 tại Sở Kiện, Ngài đã hoạt động rất năng nổ và sinh hoạt rất nhiều và cho rằng: "không thấy có dấu hiệu nào là Ngài bị suy yếu về mặt tinh thần lẫn thể xác".

Tuy nhiên, xét cho công bằng nếu vì vấn đề sức khoẻ mà đức Tổng không điều hành được công việc của Tổng Giáo Phận, thì việc xin từ chức của Ngài là điều rất chính đáng. Nhưng chúng ta phải lưu ý là theo giáo luật, việc bổ nhiệm hay để cho một vị Giám Mục nào từ chức, hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Tòa Thánh Vatican. Một vị Giám Mục muốn từ chức vì lý do sức khoẻ hay đến tuổi về hưu, cũng phải đệ đơn lên Tòa Thánh. Sau khi cứu xét và thấy có lý do chính đáng Tòa Thánh sẽ công bố sắc lệnh, lúc đó vị Giám Mục mới được từ chức.

Về trường hợp đức TGM Ngô Quang Kiệt, nếu thực sự một cách nào đó mà phải rời chức vụ Tổng giáo phận Hà Nội thì người hưởng lợi nhiều nhất là chính quyền Việt Nam. Họ không còn phải đối phó với một người có tiếng nói được nhiều người nghe, được thế giới chú ý, lại có tư thế “bất khả xâm phạm”. Họ sẽ lợi dụng lúc Tòa Giám Mục Hà Nội trống ngôi để đặt điều kiện khắt khe với Tòa Thánh Vatican. Bằng chứng cụ thể là chính quyền VN đã từng bắt bí Tòa Thánh trong vụ tòa tổng Giám Mục thành phố Sài Gòn bị trống ngôi khi Đức TGM Nguyễn Văn Bình tạ thế. Ba bốn năm sau, họ mới chấp nhận để đức Giám Mục Phạm Minh Mẫn về nhận chức TGM Sàigòn.

Trong khi đó, một sự thật hiển nhiên không cần kiểm chứng là giáo dân cũng như nhiều ngưòi Việt Nam khác đang rất qúy trọng tư cách và lập trường của Đức TGM Ngô Quang Kiệt, Đức Cha Cao Đình Thuyên của giáo phận Vinh và Đức Cha Nguyễn Văn Tân của giáo phận Vĩnh Long. Các vị này được coi là những người đặt quyền lợi Giáo Hội, Công Lý và Sự thật trên quyền lợi cá nhân. Việc Đức TGM xin từ chức hay bị buộc từ chức lúc này chắc chắn gây thiệt hại nghiêm trọng đến uy tín Hội Đồng Giám Mục VN.

Vai Trò Toà Thánh Vatican:

Khi có tin Đức TGM Ngô Quang Kiệt sẽ từ chức, VietCatholic đã kiểm chứng tin này với một số giới chức có thẩm quyền và thạo tin tại Vatican. Chúng tôi được biết tin đức TGM Ngô Quang Kiệt tự ý ngỏ lời với Đức Thánh cha xin từ chức vì lý do sức khoẻ là có thật. Sau đó một số giới chức Vatican cũng đã có đề nghị hướng điều trị, còn thời điểm thì để Đức Tổng định liệu. Trong khi đó, cũng từ nguồn tin từ Vatican, chúng tôi được biết Tòa Thánh vẫn tuyệt đối tin tưởng Đức TGM Ngô Quang Kiệt và không muốn cho Ngài từ chức. Vì thế, trong thư Đức Hồng Y trả lời LM Trần Công Nghi mới có câu “còn thời điểm thì để tùy Ngài định liệu". Nhưng có việc từ chức hay không, Toà Thánh để tùy đức Tổng quyết định. Bằng chứng nữa là Đức Hồng Y Marie Etchegaray, một giới chức cao cấp của Toà Thánh, là Phó Niên Trưởng Hồng Y Đoàn, sang VN trong dịp Khai Mạc Năm Thánh, cùng đồng tế với Đức TGM Ngô Quang Kiệt tại nhà thờ chính tòa Hà Nội, là một dấu chỉ nói lên một điều gì tích cực mà ta phải suy nghĩ, nhất là khi Ngài nói Ngài không muốn đưa cây gậy Giám Mục, một biểu tượng quyền bính, của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt về Roma.

Tuy nhiên, tin Ngài từ chức vẫn được loan truyền trong giới Công Giáo, kể cả trong hàng giáo sĩ cao cấp tại Việt Nam. Do vậy chúng tôi muốn xem xét vấn đề này như thế nào.

Người ta vẫn còn nhớ vào lúc giáo dân Hà Nội đang đứng lên đòi công lý tại Tòa Khâm Sứ thì một văn thư của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh khuyến cáo đức TGM phải chấm dứt cuộc tranh đấu. Từ đó, mọi người Việt Nam đều nghĩ rằng Tòa Thánh muốn áp dụng chính sách hòa hoãn, không muốn đối đầu với nhà nước cộng sản Việt Nam. Nhưng thực ra, nếu nhìn lại chúng ta thấy lúc đó Tòa Thánh và Đức TGM Hà Nội làm một việc rất nhân đạo và kịp thời: vì thời thiết giá lạnh mùa đông bất thường nên những giáo dân đến cầu nguyện ngày đêm ở trước Tòa Khâm Sứ có thể bị thế giới hiểu lầm cho rằng đó là một hành động thiếu nhân bản, nhất là đối với giáo dân nghèo khó như vậy, không có chăn mền, cơm no áo ấm...

Mọi người thừa biết rằng với kinh nghiệm ngoại giao tích lũy trên 2000 năm, Tòa Thánh không bao giờ hy sinh quyền bính của mình để đánh đối lấy việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Trường hợp Trung Quốc là một ví dụ cụ thể. Tòa thánh đã không chịu nhượng bộ mọi chuyện để đổi lấy việc thiết lập ngoại giao với Bắc Kinh. Trường hợp Việt Nam cũng vậy, Vatican đâu có được hưởng thêm quyền lợi gì. Việc bổ nhiệm Giám Mục tại VN cũng như tại Trung Quốc vẫn phải có sự đồng ý của chính quyền.

Kết Luận:

Tóm lại nếu tin Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt từ chức được chính thức công bố thì hậu quả ai cũng thấy nạn nhân chính là khối người Việt, bất kể lương giáo, ở hải ngoại hay trong nước, không chấp nhận chế độ Cộng Sản. Đối tượng thứ hai bị thiệt hại danh dự một cách nghiêm trọng là Tòa Thánh Vatican và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Đã có nhiều bình luận cho rằng nếu Đức TGM Kiệt bị từ chức thì HĐGMVN và Tòa Thánh Vatican đã phải khuất phục trước chính quyền cộng sản Việt Nam. Người được hưởng lợi nhiều nhất là chính quyền cộng sản Việt Nam. Mọi người hy vọng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam sẽ có một khuyến cáo cụ thể nào đó về trường hợp Đức TGM Ngô Quang Kiệt để Tòa Thánh đưa ra được quyết định có lợi nhất cho Giáo Hội Việt Nam trong giai đoạn này.

Đồng bào Việt Nam đang trông đợi vào những quyết định thật sáng suốt nơi HĐGMVN, Tòa Thánh Vatican, và cá nhân Đức TGM. Xin các đấng và đặc biệt Đức TGM Ngô Quang Kiệt nên cân nhắc rất kỹ lưỡng vấn đề từ chức, vì sự kiện từ chức lúc này chỉ gây ra những hậu quả vô cùng tai hại cho Giáo Hội Việt Nam. Lịch sử Giáo Hội Việt Nam chắc chắn sẽ ghi lại biến cố lịch sử này và các sử gia sẽ lượng giá tích cực hay nghiêm khắc lên án là tuỳ theo quyết định của Đức TGM Ngô Quang Kiệt, của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và của Tòa Thánh Vatican.

Qua câu trả lời “còn thời điểm thì để tùy Ngài định liệu”, như vậy xét cho cùng, tất cả vấn đề đều nằm trong quyết định của Đức TGM. Nếu vì điều kiện sức khoẻ, vì gặp khó khăn với chính quyền, không làm việc được trong lúc này, chúng tôi cũng xin Đức Tổng cứ giữ tình trạng hiện giờ. Mọi việc đã có Đức Giám Mục phụ tá Giáo Phận Hà Nội đảm trách. Rồi sau 3 hay 5 năm, Đức TGM có muốn từ chức vì bất cứ lý do gì thì dư luận sẽ xét đoán vấn đề duới một góc cạnh hoàn toàn khác.

Thành khẩn cầu xin cho các đấng bản quyền được ơn soi sáng trong vấn đề này.
Nguyễn Long Thao

Thursday, November 26, 2009

LỄ TẠ ƠN THANKSGIVING

Trích NguoiViet Boston

Nguyễn Quý Đại


Hơn bốn trăm năm trước vùng Bắc Mỹ là nơi mà những người cùng khổ khắp năm Châu đến tìm vàng, hy vọng thoát khỏi những khó khăn về kinh tế hay chạy trốn vì lý do tôn giáo. Miền đất hứa của những người lao động nhọc nhằn, đầy dẫy những hiểm nguy, bất công, bóc lột, kỳ thị… Họ phải chiến đấu để bảo vệ sự sống còn và vượt qua nhiều khó khăn để thành lập Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, một quốc gia độc lập, dân chủ và giàu mạnh nhất thế giới. Hàng năm Canada và Hoa Kỳ có lễ tạ ơn Thanksgiving để nhớ lại nguồn gốc tổ tiên.

Tạ ơn là truyền thống của mỗi dân tộc, từ thời xa xưa người ta tin các vị thần linh đã làm cho mùa màng được tươi tốt, gia súc sinh sản nhiều đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Dân tộc Việt Nam ở vùng nông thôn cũng thường tổ chức ngày hội tế lễ Kỳ Yên, cúng Thần Hoàng, đầu vụ mùa gặt có cúng cơm lúa mới… “lạy trời mưa xuống lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày“.

Các đời Vua có tục tế lễ Nam Giao để tạ ơn trời đất, nhờ mưa thuận gió hòa đem lại no cơm, ấm áo cho toàn dân. Thanksgiving là ngày tạ ơn Trời vừa tạ ơn Đời, ơn Người. Tục ngữ, ca dao VN nói lên lòng biết ơn người:

- Ơn ai một chút chớ quên
- Một miếng khi đói bằng một gói khi no
- Uống nước, nhớ nguồn
- Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
- Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng…

Năm 1879 Quốc Hội Canada chọn ngày 06 tháng 11 làm Thanksgiving. Tới 1957 Canada căn cứ vào lịch sử ấn định ngày Thứ Hai thứ nhì của tháng 10 là ngày lễ Thanksgiving. Người Mỹ nghỉ lễ vào thứ Năm cuối của tháng 11 để họp mặt đại gia đình, quây quần trong bữa tiệc Lễ Tạ Ơn .

Nguồn gốc lễ Tạ ơn gắn liền với các lễ hội ngày mùa được tổ chức ở Âu Châu từ hai ngàn năm trước. Theo tài liệu thì những người Âu Châu di cư đầu tiên tại Bắc Mỹ được tổ chức ở Newfoundland và nhóm Thám hiểm Frobisher năm 1578. Một lễ hội khác được tổ chức vào ngày 4.12.1619 khi 38 người khai hoang từ giáo khu Berkeley xuống thuyền tại Virginia và làm lễ tạ ơn. Trước đó, cũng có một buổi tiệc Tạ ơn tổ chức bởi Francisco Vásquez de Coronado cùng với nhóm người da đỏ Teya, ngày 23.5.1541 tại Texas ăn mừng việc họ tìm ra lương thực. Một sự kiện tương tự xảy ra một phần tư thế kỷ sau vào ngày 8.9.1565 tại St. Augustine, Florida khi Pedro Menéndez de Avilés gặp đất liền, ông và những người trên thuyền đã tổ chức một bữa tiệc Tạ ơn có gà Tây nướng trộn đậu que, bí đỏ với người bản xứ.

Ngày 16 Tháng 9 năm 1620 tàu buồm Mayflower khởi hành từ Plymouth với 101 người Anh di cư do thuyền trưởng Christopher Jones (1570-1622) cùng với thuỷ thủ đoàn 34 người đàn ông, 31 trẻ em. Trong đoàn có 35 người đã bị vua Jacques đệ nhất đuổi ra khỏi xứ. Họ đặt tên là nhóm Cha hành hương Pilgrim (Pilgrim Fathers hay Pères Pèlerins) theo đạo Tin Lành cải cách ly khai / Puritan separatists đã rời Anh quốc sống ở Leyden Hòa Lan, thuê tàu để vượt Đại Tây Đương tìm vùng đất hứa. Thời gian đó có bão mùa thu, tàu buồm có đầy đủ ánh sáng, phòng chứa hàng hóa dài 9,15 m. Nơi trú ẩn dành cho hành khách vào ban đêm và lúc biển động thời tiết xấu, trần rất thấp, người lớn không thể đứng. Thời tiết tốt hành khách ở trên boong tàu và nấu ăn với chảo than nhỏ được để trong hộp cát. Cuộc hành trình lênh đênh 65 ngày dài trên biển qua 2750 hải lý, Mayflower đã trải qua nhiều cơn bão nặng, thành tàu bị vỡ nước tràn vô tàu khiến mọi người sợ hãi, hành khách phải ở dưới hầm tàu ói mửa, say sóng… Một hành khách và một thủy thủ chết vì bệnh, bà Elizabeth Hopkins sinh con trai đặt tên là Oceanus.

(Theo tài liệu hãng tàu ‘Mayflower’ năm 1588 đã tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại Armada Tây Ban Nha. Các loại tàu có kích thước tương tự và hình dạng của một Galleon. Một Dreimastschiff với một đài cao, khoảng 180 tấn, chiều dài 28m, chiều rộng 8m (90 ‘x 24′), sâu 3,5 đến 4m, vũ khí trang bị 10 khẩu súng, hải hành đoàn 40 người tàu có hai buồm vuông trên cột buồm mui và cột chính. Các ‘Mayflower’ thương mãi sử dụng trong việc vận chuyển rượu vang từ vùng Địa Trung Hải đến Anh, vải và lông thú đi đến nước Pháp. Năm 1620 một chiếc tàu “Mayflower chở một nhóm ly khai tôn giáo Anh. Năm 1607-1608 đã bỏ chạy sang sống lưu vong tại Hòa Lan. Những người nầy được gọi là Pilgrims fathers không trở về Anh, họ muốn di cư đến một vùng đất mới).

Lúc đầu họ muốn đến Jamestown, Virgina nơi đã có người di dân từ trước, nhưng tàu Mayflower bị bão giạt lên phía Bắc và đến Cape Cod Bay ngày 21.11.1620 là một bờ biển chưa ai đặt chân tới (sau này là Massachusetts). Họ xuống tàu qùy gối tạ ơn Thiên Chúa, nhưng trên vùng đất cằn cỗi này bắt đầu giá lạnh và tuyết rơi. Dưới sự lãnh đạo của Capt. Miles Standish họ phải tiếp tục thực hiện những cuộc thám sát để tìm đến vùng đất mà trên đó họ có thể trồng trọt, sinh sống. Ngày 15 Tháng 12 ‘Mayflower’ đến Plymouth Rock.

Trong suốt mùa đông hành khách vẫn ở trên Mayflower. bị bệnh viêm phổi, bệnh lao, rất nhiều người chết vì bệnh truyền nhiễm, chỉ 53 người còn sống. Trước hoàn cảnh khốn cùng, như một phép lạ họ gặp thổ dân da Đỏ láng giềng (Narranganset và Wampanoag) đã cho họ bí rợ, thịt gà, giúp họ sống qua mùa đông, họ tự xây dựng những ngôi lều vào mùa xuân. May mắn thay, họ đã gặp thổ dân Squanto/Tisquanto một người tốt bụng nói tiếng Anh, hết lòng giúp đỡ họ làm thế nào để săn thú rừng, bắt cá ở sông và chỉ cách trồng ngô, gieo hạt giống do chính ông mang lại. Trong mùa thu, những người di dân thu hoạch được thực phẩm. Nhóm dân di cư Pilgrim mở tiệc ăn mừng, tạ ơn Thượng Đế “uống nước nhớ nguồn” với người bản xứ (thổ dân da Đỏ) đã giúp họ những ngày đầu khó khăn trên đất Mỹ. Từ đó trở đi Thanksgiving thành một tập quán của Hoa Kỳ. Thanksgiving mang ý nghĩa đặc biệt là một truyền thống từ những nhà lập quốc cho đến các người định cư lập nghiệp trên đất nước này. Thanksgiving vừa bày tỏ tinh thần tín ngưỡng, cảm tạ Thượng Đế, vừa thể hiện tinh thần hợp tác giữa các dân tộc chung sống hòa bình.

Tổng thống George Washington (1732-†1799) chọn ngày 26.11.1789. Thời Nam Bắc phân tranh các tiểu bang miền Bắc chọn ngày lễ Thanksgiving riêng. Năm 1830 bà Sarah Josepha Buell Hale (1788-†1879) là nhà văn tác giả của cuốn “Mary Had a Little Lamb.” Bà viết trên Boston Ladies’ Magazine và Godey’s Lady’s Book và đi vận động khắp các tiểu bang để có chung một ngày lễ trọng đại nầy. Mãi cho đến năm 1863 Tổng thống Abraham Lincoln (1809-†1865) thống nhất chọn ngày thứ Năm cuối của tháng 11 làm lễ thanksgiving để nhắc đến công ơn của các di dân đầu tiên đã dựng nên nước Mỹ. Đến đời T.T. Frank Delano Roosevelt năm 1940 đã biểu quyết ngày thứ Năm tuần lễ thứ 4 của tháng 11 chung cho Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ cho đến ngày nay. Mọi người được nghỉ bốn ngày cuối tuần vào ngày thứ Năm và thứ Sáu của tuần đó.

Thanksgiving thể hiện truyền thống sinh hoạt của Pilgrims các cư dân đầu tiên trên đất Mỹ, người lớn, trẻ con mặc y phục kiểu Pilgrim trong lễ hội hay diễn hành. Ngoài ra còn có các hình thức khác xuất xứ từ những cổ tục lâu đời hơn của các dân tộc về lễ hội ngày mùa như cornucopia, chiếc mỏ hình cái sừng cong tràn đầy trái cây, rau quả, một biểu trưng đặc biệt về Thanksgiving. Những hình ảnh đẹp trang trí trong dịp lễ cũng là trái củ, hoa lá, bông lúa mì..

Tiệc tùng thường có gà Tây quay vàng, bí rợ (thức ăn chính mà người da Đỏ đã mang tới cho di dân) với những thứ rau như đậu que, khoai lang, bắp, nấu nướng theo lối cổ truyền, rau xà lách và bánh nhân bí ngô hoặc nhân hạt pecan và mứt dâu cranberry loại bánh cổ truyền đặc thù của Mỹ là bánh nhân bí đỏ và bánh nhân hạt pecan.
Người di cư Pilgrim khởi đầu của những cuộc hải hành nối tiếp đến vùng đất mới bao la, trù phú với nhiều hứa hẹn cho một tương lai rực rỡ … Năm 1630 có thêm 17 tàu chở người di dân đến với ‘Thế giới mới/ Neuen Welt’. Trong 250 năm sau các thuyền buồm tiếp tục vượt Đại Tây Dương, đó là những cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử thế giới. Đến cuối Thế kỷ 19 có khoảng 11.000.000 người đã đến đất Mỹ. Nay dân số của Hiệp Chủ Quốc Hoa Kỳ hơn 300 triệu người.
Sau biến cố ngày 30.4.1975 người VN phải từ bỏ quê hương giống như những người di dân đầu tiên đến nước Mỹ. Trong những thập niên qua hơn 1.267.510 người Việt cùng đón mừng Thanksgiving trọng đại nầy, tạ ơn Thượng Đế đã ban cho đời sống hội nhập tốt đẹp sung trúc trên đất nước tự do dân chủ, phú cường ….

Tài liệu
The Mayflower and the Passengers (Caleb H. Johnson)
The History of thanksgiving & hình trên Internet

Tuesday, November 24, 2009

Tự do tôn giáo tại Việt Nam và phúc trình của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ

Việt Hà, phóng viên RFA
2009-11-24

Bộ ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố báo cáo thường niên về tình hình tôn giáo trên thế giới, theo đó Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ. Tuy nhiên nhiều tổ chức bênh vực nhân quyền cho rằng bản báo cáo đã không phản ảnh đúng tình hình tại VN.


RFA PHOTO

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tổ chức họp báo tại Washington hôm thứ Hai 26-10-2009, công bố phúc trình về tình hình tự do tôn giáo trên thế giới.

Theo một số tổ chức quốc tế về quyền con người thì báo cáo này vẫn chưa nêu đầy đủ những hành động đàn áp tôn giáo tại Việt Nam hiện nay, đặc biệt là đối với người Thượng ở Tây nguyên.

Từ phúc trình của Bộ ngoại giao Mỹ


Việt Hà phỏng vấn ông Scott Johnson, một nhà họat động về quyền con người và là người tư vấn cho tổ chức Người Thượng. Trước hết, ông Scott Johnson nhận xét về bản báo cáo như sau:

Scott Johnson: Bản báo cáo này được viết theo một cách hết sức tế nhị kiểu ngoại giao mà nó gần như không nêu được đúng sự thật. Sau rất nhiều năm thì quyền con người ở Việt Nam vẫn không được tôn trọng.

Sau nhiều năm các nhóm tôn giáo vẫn bị đàn áp như công giáo, các nhóm công giáo tại gia, rồi Khmer Krom, Phật giáo. Vậy mà Bộ ngoại giao lại đưa ra một báo cáo như vậy thì tôi thấy là nó chỉ là một dạng ngoại giao giả dối, được ngụy trang.

Chúng tôi giờ đây đã có những bằng chứng trực tiếp về việc những người theo đạo Tin lành ở các giáo hội độc lập bị đàn áp ra sao, đánh đập, tra tấn ra sao và thậm chí bị bỏ tù. Nhưng những trường hợp đó đã không được nói đến trong bản báo cáo.
"

Bản báo cáo này được viết theo một cách hết sức tế nhị kiểu ngoại giao mà nó gần như không nêu được đúng sự thật. Sau rất nhiều năm thì quyền con người ở Việt Nam vẫn không được tôn trọng.

Ô. Scott Johnson

Và đó là lý do mà tôi nói rằng bản báo cáo này thực sự chỉ là một bản tuyên bố của sự phản bội. Thật đáng tiếc là Bộ ngoại giao đã để cho vấn đề ngoại giao xóa đi hiện trạng về quyền con người ở đây.

Việt Hà: Thưa ông, theo ông thì lý do gì khiến Bộ ngoại giao lại đưa ra một bản báo cáo như vậy, có phải vì do những yếu tố kinh tế và thương mại Việt Nam Hoa kỳ đang rất tốt đẹp, và cũng vì Hoa Kỳ cần Việt Nam để tạo thế cân bằng trong khu vực?

Scott Johnson: Đúng thế. Lý do là bởi vì vấn đề quyền con người luôn phải ngồi ghế sau. Mối quan tâm lớn nhất vẫn là địa lý chính trị, là Hoa kỳ muốn có quan hệ thương mại với Việt nam, và tất nhiên, muốn Việt nam là một vùng đệm với Trung Quốc.


Hàng trăm giáo dân thuộc nhiều giáo phận ở miền Bắc Trung Phần xuống đường biểu tình hôm 27-7-2009, phản đối việc công an bắt giữ và đánh đập các giáo dân và giáo sĩ Tam Tòa.
Điều này hoàn toàn dễ hiểu, bởi vì khi một nước muốn có một mối quan hệ với nước khác, thì họ phải có những mối lợi riêng cho họ. Nhưng khi bước ra ngoài đường vạch đó, thì chúng ta phải nhớ là người Thượng chính là những đồng minh của Hoa Kỳ trong suốt chiến tranh Việt Nam.


Và làm như vậy thì như là việc lờ họ đi vì mối lợi của mình. Hoa kỳ vẫn có thể có quan hệ với Việt nam nhưng họ không thể gạt người Thượng hoàn toàn ra bên ngoài, thậm chí không có lấy một từ trong đó về họ.

Tôi nói ví dụ, có một trường hợp mà tôi nghiên cứu, tên là Puih Hbat. Bà ta là một người theo đạo Tin lành. Sau khi bà ta thực hiện lễ tại nhà vào năm 2008, thì vào giữa đêm bà bị bắt và bỏ tù. Và sau đó chúng tôi không còn nghe tin tức gì về bà. Trường hợp này đã được Ủy ban Châu Âu khẳng định là có và họ nói là họ lấy thông tin từ Đại sứ quán Mỹ.

Chắp nối các thông tin này lại với nhau thì chúng tôi biết được là việc đàn áp các giáo hội tại gia vẫn đang tiếp tục trong nhiều năm. Chính phủ Việt Nam hầu như không thay đổi sách lược.

Nhiều năm trước khi Việt nam và Hoa Kỳ ký thỏa thuận ngoại giao thì Hoa Kỳ có quan ngại vấn đề đàn áp tôn giáo ở Việt Nam. Việt Nam đáp ứng bằng cách nói là họ sẽ chấm dứt việc ép buộc người dân cải giáo, họ hứa một số điều nhưng họ không bao giờ từ bỏ việc điều khiển. Ở khắp các nơi họ có các công an tôn giáo được đào tạo. Chính phủ thực hiện việc đàn áp trên Tây nguyên.

Ở đó thậm chí việc dùng điện thoại di động cũng bị kiểm soát. Và họ vẫn bắt những người Tin lành nào không theo các giáo hội được nhà nước công nhận. Chính phủ coi đó là những tội phạm ghê gớm mà họ phải bắt giữ những người đó, tra tấn họ và giết họ.
Đến thực tế tại VN

Việt Hà: Vậy ông có con số thống kê hiện có bao nhiêu người Thượng đang bị chính phủ bắt giữ, bỏ tù, mất tích và bị giết không?
"

Chính phủ Việt Nam có thể làm một vài điều tốt gì đó một đôi lúc, và họ có thể làm một vài sự ồn ào ngoại giao về việc họ cải thiện cuộc sống của người thiểu số. Nhưng họ quay lại tấn công các giáo hội tại gia, họ tấn công Phật giáo, các nhà bất đồng chính kiến.

Ô. Scott Johnson

Scott Johnson: Vài năm trước thì Tổ chức theo dõi nhân quyền thế giới đã có một bản báo cáo là khoảng 350 người Thượng bị bỏ tù. Bây giờ vào năm 2009, chúng ta có thể tìm thấy các báo cáo này của Tổ chức nhân quyền thế giới hay Ủy ban quốc tế về tự do tôn giáo của Hoa Kỳ.

Những báo cáo này đều khẳng định là có hàng trăm người Thượng đang bị bỏ tù. Chỉ vài tháng trước thì chính phủ Việt Nam bỏ tù một số người lên đến 10 năm. Họ bị kết án vì những hoạt động không bạo lực. Đây là những hoạt động mà ở các nước có tự do thì không bao giờ bị xử phạt. Chúng tôi biết là có hàng trăm người.

Thế nhưng do thực tế ở Việt Nam chính phủ vẫn thực hiện chính sách che dấu thông tin toàn bộ. Họ không thông báo đầy đủ và họ có những buổi xử án bí mật một ngày đối với rất nhiều người bất đồng chính kiến. Vì thế rất khó để lấy được các thông tin từ Tây nguyên.

Vì thế chúng tôi không có con số cụ thể nhưng chúng tôi biết là có hàng trăm người. Và điều đáng buồn là chúng ta không thể biết được đầy đủ điều gì đang xảy ra ở đó. Và thực trạng quyền con người ở đó đang rất khủng khiếp.

Việt Hà: Chính phủ Việt nam thì vẫn nói là họ đã có những cải thiện nhất định về quyền con người, về đời sống cho người dân ở Tây nguyên. Ông có nhận xét gì về điều này?

Scott Johnson: Tôi có thể tóm lại tình hình ở Việt Nam theo lối nói so sánh thế này. Chính phủ Việt Nam đưa cho các bạn một nắm tay đầy gạo, và tay kia họ cầm dao đâm bạn. Như thế là họ làm một điều gì đó tốt và bước tiếp theo là họ đâm bạn.

Trong bản báo cáo này, bản báo cáo được gọi là báo cáo về tự do tôn giáo, chỉ thừa nhận cái nắm tay đầy gạo mà chính phủ Việt Nam đưa ra cho người dân mà lờ đi hoàn toàn việc họ quay lại đâm các bạn.

Chính phủ Việt Nam có thể làm một vài điều tốt gì đó một đôi lúc, và họ có thể làm một vài sự ồn ào ngoại giao về việc họ cải thiện cuộc sống của người thiểu số. Nhưng họ quay lại tấn công các giáo hội tại gia, họ tấn công Phật giáo, các nhà bất đồng chính kiến.

Việt Hà: Thưa ông, cộng đồng quốc tế, cũng như Hoa Kỳ từ lâu đã lên án Việt Nam về những vi phạm về quyền con người. Thậm chí Hoa Kỳ còn đặt Việt nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt, thế nhưng dường như tất cả những cái đó không mang lại một kết quả đáng kể nào cả. Vậy theo ông cộng đồng quốc tế còn cần phải là gì để có thể mang lại thay đổi thực chất ở Việt nam?

Scott Johnson: Đây là vấn đề phức tạp. Chúng tôi biết là chúng tôi kêu gọi sự thay đổi ở Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi sự tôn trọng những quyền căn bản của con người được quốc tế thừa nhận. Nhưng Việt nam lại từ chối. Họ kiếm cách đi đường vòng.
"

Tất cả những gì mà tôi có thể nói là Việt nam đã tiến những bước rất nhỏ và họ không có lòng tin. Những người bị đàn áp là những phật tử, những người công giáo, thiểu số ít người.

Ô. Scott Johnson

Ví dụ họ nói là họ sẽ bỏ việc cưỡng bức cải giáo, từ bỏ giáo hội của người Tin lành, mà họ đã để vào trong chính sách của họ vài năm trước. Bây giờ họ bảo họ sẽ bỏ điều đó ra nhưng họ vẫn điều khiển. Nếu người dân không tham gia vào các giáo hội được đăng ký hoặc không nghe lời họ, thì người dân sẽ bị đánh đập, giết hại.

Tất cả những gì mà tôi có thể nói là Việt nam đã tiến những bước rất nhỏ và họ không có lòng tin. Những người bị đàn áp là những phật tử, những người công giáo, thiểu số ít người. Họ là những người dân bình thường nhưng họ bị kìm kẹp trong một chế độ độc tài không chịu từ bỏ quyền lực. Làm thế nào để bạn có thể thay đổi được chế độ đó, đó là một câu hỏi khó.

Chúng ta đã có nhiều năm có quan hệ ngoại giao với Việt nam, và chúng ta vẫn chưa nhìn thấy một kết quả lớn cụ thể nào cả. Vẫn có sự đàn áp đối với người thiểu số. Họ vẫn bị đàn áp dã man tại Tây nguyên. Vậy có câu trả lời nào không cho câu hỏi này?

Tôi chỉ có ở đây một bản báo cáo mang tính ngoại giao nói rằng Việt nam tuyệt vời và làm những điều tuyệt vời. Và điều này chắc chắn là không giúp ích được gì, nó chỉ làm cho chế độ hà khắc thêm vững mạnh để tiếp tục làm điều mà họ vẫn làm. Vì vậy cần phải có thêm áp lực lên chính phủ Việt nam, bắt họ phải tôn trọng quyền con người.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho đài chúng tôi buổi phỏng vấn này.

Sunday, November 22, 2009

S á m h ố i

Trích DCV Online

Minh Võ


Lời ngỏ: Những lời kêu gọi hoà giải dân tộc thường bị hiểu lầm và đả kích. Cho nêntrước khi nhập đề, chúng tôi xin xác nhận đây chỉ là ý kiến về sự sám hối là điều kiện tiên quyết và là bước đầu để đi đến hoà giải thực sự. Không có sám hối từ cả hai phía thì sẽ không thể có hoà giải.


Sám hối, ôi hai chữ dể thương làm sao! Nhưng cũng dễ sợ thế nào ấy. Dễ thương vì khi nghe cô em gái nhận lỗi mà xin tôi tha thứ thì tôi chỉ muốn ôm chằm lấy mà tha mấy lần cũng được. Nhưng dễ sợ vì khi mẹ tôi bảo tôi nhận lỗi và ăn năn vì đã xích mích với em hay đánh trả em gái, thì y như rằng tôi phụng phịu. Lỗi nó chứ lỗi gì ở con?

Hai chữ sám hối mà tôi muốn nhắc đến ở đây tôi nghe đã 10 năm rồi. Tôi đâm ra có cảm tình ngay với người nói hai tiếng đó, mặc dầu hãy còn nhiều điều tôi chưa đồng ý với ông ta. Có người còn bảo ông ta chỉ là cò mồi, hay đặc công của Cộng Sản. Kể ra cũng oan. Cũng có người coi ông ấy là người của tướng nổi tiếng sát quân Võ Nguyên Giáp được phái ra nước ngoài dọn đường cho ông tướng này lên nắm quyền, v.v... Hư thực ra sao không cần biết. Nhưng dícch thực ông ta đã hoàn toàn thất vọng về ông tướng này rồi.

Sở dĩ tôi cứ rồi rắng mãi đến nay mới dám nhắc lại hay chữ gây cảm tình này, là vì tôi sợ, rằng tôi cũng phải sám hối, chứ chẳng chạy đâu khỏi. Xin thưa toạc ra rằng thì là...

Năm ấy, cách nay đúng một thập niên, trong khi nghiền ngẫm gần một trăm cuốn sách lớn nhỏ và hàng ngàn trang tài liệu đang gây tranh cãi, để biên soạn cuốn Phản Tỉnh Phản Kháng... (1) tôi đã chú ý đặc biệt tới thái độ sám hối của một nhân vật. Tôi đã đếm trong 4 tác phẩm (2) của ông ta được đúng 3 lần hai chữ sám hối. Nhiều lần ông ta đã viết, hay nói: “Tôi nhìn nhận là tôi đã đóng góp vào những phần tội lỗi của đảng Cộng Sản khi tôi có chức có quyền.” Thì ra đấy là lý do sám hối.

Năm nay, tôi nhớ lại thái độ của một người từng “ở bên kia”, và đâm hổ thẹn và cũng cố lấy can đảm để nói lên hai chữ sám hối, dầu đã quá muộn. Tôi chẳng nhân danh ai, nhân danh cái gì, mà chỉ vì một chút lòng tự trọng còn rơi rớt lại trong một con người, từ trước chỉ nghĩ mình có công chứ không bao giờ có tội để phải sám hối.

Tôi có tội đối với việc để mất Đệ Nhất Cộng Hoà, rồi Đệ Nhị Cộng Hoà. Tuy lúc ấy chức vụ quyền hạn của tôi rất nhỏ hẹp, chỉ là những phó và phụ tá. Nhưng nếu tôi cố gắng hơn, yêu nước hơn, hiểu rõ CS hơn, chắc tôi đã góp được phần nhỏ vào việc giữ được nền Đệ Nhất Cộng Hoà, hay ít ra cũng không để mất nước vào ngày 30 tháng tư. Tôi rất ân hận.

Và tôi biết ở cả hai phía, đều có những người như tôi, hoặc ngay cả những thanh niên sinh ra sau chiến tranh chẳng dính líu gì đến các tội ác chiến tranh, hay ngay cả những dân lành vô tội, suốt đời chỉ chịu sự chỉ huy điều khiển của kẻ khác. Nhũng người đó, trong lúc vận nước không may, nguy biến xảy ra, họ cũng ân hận mình đã chẳng làm được gì hơn để cứu nước. Họ ăn năn hối tiếc vì nghĩ tới lời người xưa, Quốc Gia Hưng
Vong Thất Phu Hữu Trách.

Như vậy thì những bậc lãnh đạo quốc gia trong những giai đoạn nước nhà có biến, những bâc lãnh tụ các đảng phái, cộng đồng, có thể nào không ăn năn hối lỗi vì những hành vi sơ sót của mình hay không?

Chuyện xét xử công minh thuộc về trách nhiệm của lịch sử, hoặc theo ý tôi, tuỳ vào sự khoan hồng độ lượng của Tổ Tiên, Trời Phật, hay Thượng Đế. Ở đây chúng tôi không dám lạm bàn.

Đã không giữ được nước là một cái tội. Nhưng mất nước đã gần 35 năm rồi, vẫn chưa làm được gì cứu nước. Tội còn nặng hơn. Trong khi đó mình lại cứ ôm dĩ vãng mà sống. Chỉ biết tự hào là phe mình có chính nghĩa, phe mình đã tạo nên hàng trăm hàng nghìn chiến công oanh liệt.

Ngoài điều đó ra tôi còn phải ân hận, và tự trách mình vì đã chẳng đóng góp được gì vào những kỳ công của cộng đồng người Việt hải ngoại nhằm tố cáo tội ác Cộng Sản, hay can thiệp với Liên Hiệp Quốc, với các cường quốc trên thế giới, hay với các tổ chức Ân Xá Quốc Tế, Văn Bút Quốc Tế, hội phóng viên không biên giới, v.v... Tôi đã chẳng mấy khi có mặt trong các cuộc biểu tình chống triển lãm tranh ảnh HCM, chống các cuộc xuất hiện của các lãnh tụ Việt Cộng, chống các cuộc trình diễn văn nghệ do CS tổ chức để quảng cáo cho chế độ phi nhân ở trong nứoc. Tôi đã không có công gì trong việc dựng được cờ vàng trên cả trăm thành phố và nhiều tiểu bang ở Mỹ và các nơi khác.

Tôi cũng chẳng làm được gì tiếp tay cho những cá nhận hay đoàn thể can thiệp với các nhà lập pháp nơi quê hương thứ hai để họ làm áp lực với nhà cầm quyề CS trong nước bớt bắt bớ giam cầm những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền trong nước.

Đã thế, nhiều lúc tôi còn tự coi mình mới là kẻ thắng, còn việt Cộng mới là kẻ bại. Chỉ vì những lời khen xã giao hay lời an ủi của một số người. Cho nên tôi cứ tự hào, tự mãn về những tự do no ấm và tiện nghi vật chất mà mình được hửong nhờ sự hảo tâm và bố thí của các nước bạn giầu lòng từ thiện. Rồi đem so sánh với những đảng viên CS xấu số không nằm trong bộ chính trị hay Trung Ương Đảng.

Nhưng than ôi, tôi đã quên bẵng đi rằng vì mình không giữ được nước, để nhân dân rơi vào vòng oan khiên cho nên ngày nay những thảm cảnh xảy ra khắp nước chính là trách nhiệm của tôi. Hàng trăm, hàng ngàn nạn nhân như Nguyễn Văn Lý, Lê Thị Công Nhân,... Hàng ngàn hàng vạn những dân oan vì mất đất mất nhà. Hàng vạn dân nghèo bệnh không có thuốc. Hàng triệu trẻ em 6, 7 tuổi không được đến trường phải đi bới rác kiếm ăn. Và kinh khủng nhất là hàng trăm, hàng ngàn bé gái 8, 9 tuổi phải bán thân nuôi miệng ở xứ Chùa Tháp.

Những thảm cảnh trên không do tôi gây ra trực tiếp. Nhưng vì chúng tôi thất trận nên đã gián tiếp gây ra. Ăn năn hối lỗi đến bao giờ mới đủ? Ai có chút lòng trắc ẩn hay một tâm hồn của con người bình thường có thể còn nói rằng mình không thua, chỉ bị bỏ rơi cho nên chẳng có trách nhiệm gì về những tội ác và thảm cảnh đang diễn ra trong đất mẹ không?

Vì vậy càng nghĩ tôi càng thẹn và càng thấy mình sám hối bao nhiêu cũng chưa đủ.

Suy bụng ta ra bụng người. Tôi dám chắc nhiều người trong quý vị đang đọc hàng chữ này, cũng có lúc suy nghĩ và hối hận như tôi. Vậy thì xin phép quý vị, chúng ta thử cùng nhau kiểm điểm lại tình tinh trong nước.

Chúng tôi xin trình bày một số sự kiện lịch sử của nước nhà bắt đầu từ những thập niên 20, 30 thế kỷ trước chứng tỏ cả hai phía Cộng sản và Quốc Gia chúng ta đều cần phải can đảm nhận lấy trách nhiệm và hối lỗi.

Vào lúc ấy kẻ viết những hàng chữ này, hoặc là chưa sinh ra, hoặc còn là hài nhi, thiếu nhi. Cho nên xin thưa trước là chúng tôi không dám hỗn láo phê bình chỉ trích các bậc tiền bối như các cụ Hồ Học Lãm, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, Huỳnh Thúc Kháng vân vân.... Cũng không dám trách vua Bảo Đại, thủ tướng Trần Trọng Kim và các vị bộ trưởng trong chính phủ của ông.

Nhưng đọc lại lịch sử thì chúng tôi phải ghi nhận rằng các vị đó đã không hiểu Cộng Sản, và những mưu mô mánh lới của lãnh tụ Cộng Đảng Hồ Chí Minh. Mặc dù, xin thú thật, nếu ở vào địa vị các vị tiền bối đó, chắc chắn chúng tôi cũng không rõ mình phải làm gì cho đúng, vì chắc gì vào thời gian đó chúng tôi đã hiểu CS hơn ai. Chỉ gần đây cái quái thai của lịch sử là chủ nghĩa CS mới được nhân loại thấu hiểu. Cho nên trong dĩ vãng không hiểu rõ về CS là điều có thể thông cảm.

Trong năm 2009 này nhiều sự việc hệ trọng xảy ra trong nước khiến nhiều nhà trí thức, đặc biệt là thuộc Viện Nghiên Cứu Phát Triển, đã phải kêu toáng lên, mất nước đến nơi rồi. Mặc dầu đối với nhiều người Việt ở Hải Ngoại, thực sự nước đã mất từ ngày 30 tháng tư năm 1975 kia.

Sở dĩ trong năm nay hiểm hoạ mất nước một lần nữa vào tay Tầu Cộng mới hiện ra rõ rệt đối với đại đa số trí thức là vì có dự án khai thác mỏ bôxít ở Trung Nguyên chỉ xảy ra ít lâu sau vụ Trung Cộng lập huyện Tam Sa thuộc đảo Hải Nam. Người ta nhớ lại và liên kết hai sự kiện trên với những sự kiện xảy ra trong dĩ vãng và thấy càng ngày âm mưu thôn tính từ phương Bắc càng rõ rệt.

Từ công hàm của Phạm Văn Đồng ngày 14-9-1958, đến bài học quân sự mà Đặng Tiểu Bình “dậy” cho Việt Cộng tại biên giới Việt Trung năm 1979. Nhất là vụ Trung Cộng và Việt Cộng công khai tổ chức lễ khánh thành cột mốc biên giới trên bộ tượng trưng mang số 1369, dưới sự chứng kiến của thứ trưởng Ngoại Giao Trung Cộng Vương Nghị và thứ trưởng Ngoại Giao Việt Cộng Lê Công Phụng (nay là đại sứ VC tại Mỹ). Sự kiện này xảy ra ngày 27-12-2001. Chưa kể những trận hải chiến do Trung Cộng tung ra vào những năm 1974 và 1988 nhằm xâm lấn và chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa. Cũng chưa kể việc nhiều ngư dân Việt Nam khi hành nghề trong hải phận Việt Nam đã bị tầu của Trung Cộng bắt giữ và giam cầm trái phép.

Với những hiệp định về biên giới (30-12-1999) và về lãnh hải (25-12-2000) ký kết giữa Trung Cộng và VC phía Việt Nam đã bị thiệt khỏang gần 1000 CS trên bộ trong đó bị mất thác Bản Giốc, Suối Phi Khanh và Ải Nam Quan, và khỏang 10,000 cây số vuông trên biển, coi như Trung Cộng cũng chỉ mới trắc nghiệm những điểm ven biên. Nhưng với dự án khai thác Bô-xít ở Trung Nguyên thì Trung Cộng đã đánh thẳng vào trái tim tổ quốc Việt Nam. Vì ai cũng rõ đây chính là địa điểm chiến lược quan trọng, coi như yết hầu của Việt Nam. Ông Ngô Đình Diệm từ những năm 1947 đến 1953 nhiều lần nhắc đến phần đất có tính chiến lược về mặt quân sự cũng như kinh tế này. Và sau khi lên cầm quyền ông đã luôn nhắc nhở, phải giữ cho bằng được Trung Nguyên, và ông đã chết hụt tại hội chợ Ban Mê Thuột năm 1957 cũng vì muốn tạo bức tường thành bằng người ở đó..

Vì thấy “yết hầu” bị đe doạ, các nhà trí thức nói trên đã “kiến nghị”, “thỉnh nguyện”, “phản biện”... hầu nhắc nhở hay làm áp lực với nhà cầm quyền CS phải cứng rắn hơn với Trung Cộng, phải hủy bỏ kế hoạch khai thác bô xít. Nhưng không có kết quả.

Tại hải ngoại trong vài năm nay, nhiều luật gia, chính khách đã lên tiếng đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa cho Việt Nam. Tuy rằng ai cũng biết đất nước ngày nay nằm trong tay Việt Cộng, đồng chí, đồng đảng với Trung Cộng. Cho nên nếu đòi được hai quần đảo đó cũng chỉ là đòi hộ cho VC mà thôi và đã dễ gì mà đòi được. Trước hết người đòi là cá nhân hay tập thể một cộng đồng, hay chính đảng người Việt ở hải ngỏai lấy tư cách pháp nhân gì theo quốc tế công pháp để đứng tên đòi, khi mình chưa đoàn kết được để thành một pháp nhân có uy tín và thẩm quyền. Liên Hiệp Quốc, hay một toà án quốc tế nào đó có coi một ông cựu bộ trưởng hay cựu thủ tướng VNCH trước đây còn uy tín hay thẩm quyền không?

Tuy nhiên làm là cứ phải làm để chứng tỏ lòng yêu nước, và ít nhất cũng cho người dân trong nước biết đến và so sánh: Tại sao kẻ quản lý đất nước lại không làm việc đó mà lại để cho kẻ đã mất nước phải đứng ra làm thay.

Trong năm nay nhiều tổ chức đảng phái quốc gia ở hải ngoại đã tích cực vận động các tổ chức nhân quyền, ân xá quốc tế, văn bút quốc tế, phóng viên không biên giới v.v... để họ can thiệp hay làm áp lực với VC trong nước hầu bênh vực cho các người đấu tranh cho dân chủ trong nước bị VC bắt giam, kết án, bỏ tù, hay cho những dân oan đi khiếu kiện vì bị cướp nhà, cướp đất. Nhưng kết quả chẳng được là bao. Ngay Linh mục Nguyễn Văn Lý hay nữ luật sư trẻ tuổi Lê Thị Công Nhân là những từ nhân lương tâm được cả thế giới biết đến, cũng không được VC phóng thích hay giảm án. Chẳng những thế, khi lâm trọng bệnh không được điều trị hay cung cấp thuốc men, cho nên đang sống dở chết dở. 37 nghị sĩ (tức trên một phần ba thượng viện) thuộc lưỡng đảng Mỹ đã chính thực can thiệp cho linh mục Lý. Vậy mà khi VC ân xá hàng ngàn tù nhân vào dịp “quốc khánh” mồng 2 tháng 9 vừa qua ông cũng không được thả.

Xem ra chính sách ngoại giao của những nước lớn như Hoa Kỳ không hứa hẹn gì cho cuộc vận động quốc tế cho nhân quyền tại Việt Nam nữa.

Những sự việc xảy ra tại Việt Nam ngày nay trước những vụ bắt bớ giam cần hàng loạt những nhà phản kháng đấu tranh cho dân chủ tự do khiến nhiều người không khỏi nhớ lại những vụ Cộng Sản đàn áp dã man các cuộc vùng dậy của nhân dân Ba Lan (Poznan 1956), Hung Gia Lợi (Budapest 1956) và Tiệp Khắc (Praha 1968) vào những thập niên 50, 60 thế kỷ trứoc. Và cả vụ Trung Cộng đàn áp dã man cuộc biểu tình đòi tự do của thanh niên sinh viên Trung Quốc tại quảng trường Thiên An Môn giữa năm 1989. Những cuộc đàn áp vô cùng dã man đó, khiến hàng vạn dân vô tội bị hy sinh, đã làm rung chuyển dư luận thế giới. Nhưng lúc ấy cũng chẳng có cường quốc nào trong thế giới tự do dám can thiệp để cứu các nạn nhân.

Cho nên mấy năm vừa qua phần đông các nhà lãnh đạo tinh thần các tôn giáo trong nước đã không dám khuyến khích giáo dân biểu tình để đòi công lý trong những vụ toà khâm sứ Hà Nội, các giáo xứ Thái Hà, Tam Toà. Loan Lý v.v....vì sợ con chiên bị đẩy vào chỗ chết mà sẽ chẳng ai can thiệp để cứu. Mặc dù như chúng ta đã thấy những cuộc gọi là “biểu tình” đó chỉ là những buổi cầu nguyện và hát thánh ca với đèn cầy cầm tay.

Tất cả những sự việc đó xảy ra cùng lúc với những vụ đàn áp, bắt bớ hàng loạt các người khác như Vũ Hùng, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Hữu Tính, Nguyễn Kim Nhân, Ngô Quỳnh và Phạm Văn Trội, Trần Kim Anh, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung. Đó là chưa kể những “bloggers” có những cái tên ngộ nghĩnh như Điếu Cầy, Người Buôn Gió, Mẹ Nấm, v.v...

Theo rõi tình hình trong nứoc suốt hơn chục năm qua, quả thực phải công nhận nếu cứ chờ sự can thiệp của ngoại quốc để thay đổi thì chỉ là ảo mộng. Cho nên lần này, nhân thấy được mối nguy Việt Nam bị Trung Cộng thôn tính, nhiều tổ chức và đảng phái quốc gia ở hải ngoại muốn sát cánh với những người trong nước còn tâm huyết với dân tộc để cứu nguy đất nước. Có người còn lạc quan cho rằng lúc này đây đã là giai đoạn cuối của cuộc tranh đấu cho dân chủ tự do. Chỉ cần những người đứng ở hai bên chiến tuyến trước đây biết hoà giải vói nhau, xoá bỏ hận thù để cùng nhau vùng dậy cứu nước.

Tuy nhiên cũng rất nhiều người không lạc quan như vậy. Những người này không tin những lời “phản biện”, tuyên bố, kiến nghị.... của nhũng trí thức trong nước, hay của một vài bộ mặt trong hàng ngũ cán bộ cao cấp đã hết thời, hết lực, trong đó có tướng Giáp. Họ vẫn cho rằng những kẻ này phản tỉnh giả vờ, hay phản tỉnh vào giờ thứ 25.

Nhưng những người yêu nước thực sự sẽ không thể làm gì để thay đổi, nếu không xoá bỏ được hận thù do cuộc chiến kéo dài gây ra để có thể hoà giải với nhau và đoàn kết cùng nhau đối phó với kẻ thù phương Bắc.

Để giải quyết vấn để nan giải này, chúng tôi mạo muội đưa ra một đề nghị. Chúng ta hãy lấy lòng yêu nứoc thực sự của đại chúng ở trong cũng như ở ngoài nứoc làm nền tảng, coi đó như nguồn nước thanh tẩy. Mọi người hãy sám hối và tự thanh tẩy mọi di tích phản bội, yếu kém trong dĩ vãng trong nguồn nước trong ấy. Tất cả những ai đã sám hối và được thanh tẩy bởi lòng yêu nước chân chính, coi như đã được hoàn toàn đỗi mới, và khi đối diện với nhau sẽ chỉ thấy mọi người đều là anh em, “đồng chí”, đồng bào. Đó là khởi điểm của đoàn kết dân tộc, bước đầu trên con đường cứu nước đầy chông gai gian khổ có thể dài muôn dặm, mà chỉ có sự đoàn kết do lòng yêu nứoc mới hứa hẹn thành công.
Việc sám hối sẽ thực hiện ra sao và bắt đầu từ đâu?

Đây là vấn đề phức tạp nghiêu khê dễ gây tranh cãi. Chúng tôi sẽ cố trình bày một cách thành thực theo ý nghĩ chủ quan của mình, dù biết sẽ có nhiều người không đồng ý.

Trước hết xin trở lại từ đầu với các vị tiền bối đã nêu danh tánh ở đầu bài.

Các cụ Hồ Học Lãm, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, nhũng nhà ái quốc theo chủ nghĩa dân tộc, phi Cộng sản, đã từng giúp đỡ, che chở, bảo lãnh cho Hồ Chí Minh và những cán bộ nòng cốt của đảng CS sau này như Phạm Văn Đồng, Hoàng Van Hoan, Phùng Chí Kiên v.v....lại để cho Hồ Chí Minh xâm nhập và lợi dụng Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (gọi tắt là Việt Minh) và Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh (gọi tắt là Việt Cách). Nếu các vị đó còn sống chắc chắn sẽ hối hận lắm. Và ở dưới suối vàng có thể đang thành tâm hối lỗi, về sự sơ ý và “lòng tốt” của mình đã dành cho “bọn cướp nước”.

Giờ sám hối?
Nguồn: freewebs.com

Các lãnh tụ Việt Quốc, Việt Cách như các cụ Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, và nhất là Vũ Hồng Khanh...và một số đảng viên Đại Việt đã ngủa tay nhận 70 ghế đại biểu trong cái gọi là Quốc Hội đầu tiên của Hồ Chí Minh, và gia nhập chính phủ Liên Hiệp của Hó Chí Minh chắc ở dưới suối vàng cũng hối hận, vì mình đã tạo uy tín cho họ Hồ và đảng CS, để họ có được cái nhãn, cái chiêu bài dân tộc, mà lôi kéo toàn dân vào những cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt. Đặc biệt đáng nói là 70 ghế đại biểu đã được tặng không (không phải bầu bán gì cả) như một thứ quà hối lộ. Sự khờ dại của các vị đó đã tạo cớ cho CS phỉ báng những đảng yêu nứoc quốc gia, dám so sánh các lãnh tụ quốc gia đó với phân bón. (3)

Chúng tôi đã viết “nhất là cụ Vũ Hồng Khanh”, vì cụ còn mắc bẫy của HCM cùng ký với ông ta vào hiệp định sơ bộ 6-3-1946, mà sau này các đồng chí của cụ gọi là “hiệp định bán nước”, không khỏi cảm thấy mình “há miệng mắc quai”.

Về việc vua Bảo Đại và thủ tướng Trần Trọng Kim thoái vị và từ chức trong tháng 8 năm 1945, lúc ấy nhiều người coi đó là một cử chỉ sáng suốt của những công dân yêu nước. Nhưng ngày nay nhìn lại thì ai cũng chê là dại dột, không nắm vững tình hình, không biết người biết mình. Trong 2 cuốn hồi ký “Con Rồng Việt Nam” và “Một cơn Gió Bụi” sau này, hai ông đã hối hận thì đã quá muộn. Nhưng xem ra trong nội các Trần Trọng Kim hãy còn có những người như Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (bộ trưởng Giáo Dục), đến cuối thế kỷ 20 hãy còn ca tụng “công lao dành độc lập” của Hồ Chí Minh. Không biết tác giả “Tự Điển Danh Từ Khoa Học” sẽ có tỉnh ngộ và hối hận không.

Chiến thắng Điện Biên của Cộng quân đưa đến việc chia đôi đất nước được nhiều người cho rằng đó là lỗi của tướng Pháp Navare không nắm vững địa hình địa vật và khả năng tiếp vận của địch. Có người lại trách Mỹ đã không chịu cho thực hiện kế hoạch Vulture để dùng không lực hùng hậu của mình (thậm chí cả bửu bối bom nguyên tử) tiếp cứu đồng minh v.v... Nhưng đó là vấn đè trách nhiệm của Đồng Minh. Khỏi bàn. Chúng ta hãy bàn về trách nhiệm và lỗi lầm của chúng ta.

Ai cũng biết quân ta lúc ấy rất yếu cả về quân số lẫn tiếp vận và chỉ huy. Nên phải trông cậy hỏan toàn vào quân Liên Hiệp Pháp. Quốc Trưởng Bảo Đại và các lãnh tụ Quốc Gia không tự mình chống đỡ được những cuộc tấn công của Cộng Quân được Liên Sô, Trung Cộng tiếp viện dồi dào về vũ khí và tuyên truyền. Nếu ngày nay còn sống chắc qúi vị ấy cũng hối hận là mình chưa cố gắng đủ. Nhất là những ai lúc ấy chỉ cố bám lấy sức mạnh quân sự của Pháp để tin rằng vũ khí vật chất mạnh hơn sức mạnh của ý chí, mưu lược và tuyên truyền. Vì Cộng quân đã chiến thắng phần lớn nhờ sự tuyên truyền rằng họ đánh Pháp và tố cáo các chính phủ của Bảo Đại chỉ là tay sai của Pháp. Nếu lúc ấy (1946-1948) tất cả các lãnh tụ đảng phái quốc gia và các chính khách độc lập yêu nước cùng đoàn kết với nhau để cùng quốc trưởng Bảo Đại tranh đấu với Pháp, đòi cho bằng được một nền độc lập hoàn toàn thì sẽ có cơ sở vững mạnh hơn để đánh sập chiêu bài “kháng chiến giành độc lập” của CS.

Từ khi chế độ Đệ Nhất Cộng Hoà được thành lập vào năm 1955, thì ta đã có một nửa nứoc hoàn toàn độc lập, không còn bóng quân Pháp thực dân. Cờ vàng ba sọc đỏ, biểu tượng của chủ quyền quốc gia Việt Nam bắt đầu tung bay trước Dinh Norodom, phủ toàn quyền của Pháp, dấu tích của gần một thế kỷ nô lệ, đã được cải danh là Dinh Độc Lập. Như vậy phe Quốc Gia đã có một bửu bối để lột mặt nạ chiêu bài dân tộc của phe Cộng. Nhưng một số tướng lãnh và vài chính đảng đã bị người Mỹ mua chuộc để phá sập toà nhà độc lập được xây dụng lên với bao công sức. Một chính quyền có cơ sở pháp lý vững vàng có uy tín trước quốc dân và trước cộng đồng quốc tế bỗng dưng tiêu tan, tạo ra một tình trạng vô chính phụ, hỗn loạn, trong đó “chính quyền trở thành thứ mà ai cũng cướp giật được”, như tổng thống Mỹ Richard Nixon đã nói về hậu quả của việc lật đổ ông Ngô Đình Diệm.

Friday, November 20, 2009

Ngày nhà giáo 20-11, nhớ cô giáo Hạnh.

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2009-11-20

Ngày 20 tháng 11, trong khi học sinh hớn hở chuẩn bị thăm thầy cô giáo cùng với những chương trình đầy ắp yêu thương… thì đâu đó tại miền Trung, cũng có một cô giáo dạy văn rất giỏi, rất có lòng với học sinh trong suốt nhiều năm lại không hề được ai chính thức nhắc tới. Dù chỉ nhắc tới như một cái thở dài…
 
Kỹ niệm khó quên

Học sinh, với trí óc non nớt và chóng quên, có thể sẽ không hiểu giờ này cô giáo của mình ở đâu, làm gì..nhưng những người cùng trường với cô, trong đó có đồng nghiệp, cấp trên hay các nhà quản lý thì không thể nào quên hình ảnh cô giáo Hạnh. 

Vóc người mảnh dẻ, tiếng nói dịu dàng cùng với mắt nhìn trung hậu. Cô đã bị buộc phải thôi việc vì khuyên học sinh của mình nên tìm thêm nguồn thông tin từ mạng Internet để bổ xung kiến thức khi học môn văn. Những trang Internet này có tên như Tiền Vệ, Talawas…chứa đầy các thông tin về văn học được nhìn từ nhiều phía. Thế nhưng không may, chúng bị đánh giá là phản động, là chống lại nhà nước…thế là cô giáo Hạnh bị buộc về vườn mặt dù kiến thức và tuổi tác của cô còn một quãng rất dài để đóng góp.

Cô giáo Hạnh có thể đang ngồi cô đơn đâu đó để nhớ học trò mình. Cô có thể thở dài và trên mí mắt lăn tròn vài hạt lệ cho học sinh thân yêu của cô. Cô nhớ chúng như chim nhớ tổ, như hạt mưa nhớ bờ ruộng mật. Nhưng cô không thể khóc vì quyết định của mình, một quyết định mà cô biết chắc sẽ dẫn học trò cô thật sự đến bến bờ tri thức. 


Cô có thể thở dài và trên mí mắt lăn tròn vài hạt lệ cho học sinh thân yêu của cô. Cô nhớ chúng như chim nhớ tổ, như hạt mưa nhớ bờ ruộng mật. Nhưng cô không thể khóc vì quyết định của mình, một quyết định mà cô biết chắc sẽ dẫn học trò cô thật sự đến bến bờ tri thức. 

Cô bị khai trừ ra khỏi hệ thống giáo dục bởi các dị ứng phản giáo dục. Giáo dục chân chính lặng lẽ thở dài qua quyết định khai trừ cô. Cô lặng lẽ ngồi đâu đó nghiền ngẫm về ngày nhà giáo cùng với ý nghĩa đích thực của nó. 

Bên kia bờ đại dương, tôi lặng lẽ ngồi đánh cho cô những dòng này như một tri ân, hoài niệm về công sức lón lao của một người đã bị nhìn khác đi bởi những đôi mắt vô hồn, ghẻ lạnh.

Cô giáo Hạnh, giờ này cô đang làm gì vậy? Không biết phấn trắng có thấm hết những giòng lệ khô nhớ trường nhớ lớp của cô không nhưng tôi chắc rằng học trò cô không ai quên cô đâu. Họ chỉ ham chơi trong thời khắc của thuở thiếu thời nhưng mai mốt khi khôn lớn thì chính sự chịu đựng vô cùng lớn lao của cô sẽ là nguồn lực đẩy họ vào đời, và lúc ấy cô sẽ có rất nhiều ngày 20 tháng 11 đúng nghĩa hơn hằn các thầy cô giáo khác. Tôi tin như vậy, và cô ạ, đừng buồn….

Mặc Lâm. Ngày nhà giáo

Wednesday, November 18, 2009

Vai trò tôn giáo trong Cách mạng Nhung

Tiến sĩ Chu Thiên Lan

Gửi cho BBCVietnamese.com từ Hoa Kỳ

Đã có một sự đồng thuận trong giới khoa bảng theo đó tôn giáo có vai trò đáng kể trong cao trào dân chủ hóa xảy ra khoảng từ năm 1975 và 1991.

Trong khoảng thời gian này, các nước chủ yếu tại châu Mỹ La Tinh và tại Đông và Trung Âu đã tự chuyển hóa từ thế chế độc tài chuyên chế hoặc từ thể chế cộng sản sang thể chế dân chủ. Xét đến vai trò của tôn giáo, thì đó chính là sự liên hệ của Giáo Hội Thiên Chúa Giáo với các phong trào này cho dù là tôn giáo có ít tín đồ hay là đông đảo tín đồ.

Trong nhiều thí dụ, Ba Lan là trường hợp điển hình và Nam Phi là trường hợp ít người biết đến. Giáo hội Thiên Chúa Giáo có nhúng tay vào các biến cố dẫn đến sự chuyển hóa của Tiệp Khắc có thể giúp ta hiểu tình hình ở các nước mà sự truyền bá của Thiên Chúa Giáo đang gặp sóng gió.

Điều đáng chú ý trong trường hợp của nước Tiệp là về mặt lịch sử ngay cả sau khi trở thành "quốc giáo", Thiên Chúa Giáo cũng không được chấp nhận rộng rãi vì thông thường bị coi là có dính líu với một thế lực ngoại bang. Thiên Chúa Giáo liên kết chặt chẻ với nhà nước và là một nhân tố đưa đến sự suy tàn của Cơ Đốc Giáo một thời được coi là "quốc giáo".

Sự phát triển song hành giữa Giáo hội Thiên Chúa Giáo tại Tiệp Khắc với chính quyền thực ra tương tự các nước cộng sản khác như là Việt Nam, theo những cách mà thoạt nhìn qua tưởng chừng không rõ ràng.

Bối cảnh tại Tiệp Khắc

Được thành lập vào thế kỷ thứ Chín, Giáo hội Thiên Chúa Giáo lên tới đỉnh cao dưới sự trị vì của Vua Charles IV ( 1346-1378). Trong thời gian này, giáo chủ Cơ Đốc Giáo Jan Hus (1369-1415), một người chỉ truyền bá đạo này tại Czech mà thôi, đã lên án các sự lạm dụng của Giáo Hội và mối liên hệ thắm thiết của giáo hội này với các thế lực ngoại bang. Dưới sự lãnh đạo của ông, cộng đồng người theo Cơ Đốc Giáo chiếm đa số (85-90% dân số ) đã tổ chức Phong Trào Canh Tân Tiệp (Czech Reformation Movement) và nhiều người Thiên Chúa Giáo thậm chí đã bỏ giáo hội của họ để gia nhập vào một giáo hội khác có tên là Giáo Hội Dân Tộc Czech (Czech National Church) hay còn được gọi Đạo Hussite, được thành lập theo lời giảng dạy của giáo chủ Jan Hus.

Mặc dù giáo hội Thiên Chúa Giáo và giáo hội Cơ Đốc Giáo Czech chiếm đa số có ký hòa ước với nhau, nhưng các tín đồ của hai giáo hội này vẫn xung đột với nhau và đi đến một cuộc chiến quyết liệt với nhau gọi là trận đánh tại vùng Núi Trắng ( Battle of White Mountain) vào năm 1620. Trận đánh này đã đập tan phe Cơ Đốc Giáo và dưới triều đại Austrian Habsburg theo Thiên Chúa Giáo (1526-1918), đã có diễn ra một tiến trình nhằm "Thiên Chúa Giáo hóa" có bạo động nhằm thu phục nhân tâm của phe Cơ Đốc Giáo đa số. Các lãnh đạo của phe Cơ Đốc Giáo đã bị kết án tử hình vì bị cho là "tà ma ngoại đạo" và việc hành đạo là bất hợp pháp. Dưới sự cai trị của đế chế Habsburgs, giáo hội Thiên Chúa Giáo La Mã đã tăng lên 96.1%.

Tuy nhiên, người dân vì vẫn còn nhớ đến các vụ lạm quyền của giáo hội Thiên Chúa Giáo và vai trò của giáo hội này trong việc kết án ông Jan Hus, vốn được coi là anh hùng dân tộc, nên họ đã chế nhạo giáo hội Thiên Chúa Giáo như là có lập trường bài dân tộc.

Tuy nhiên, vai trò của giáo hội Thiên Chúa Giáo đã thay đổi sau Thế Chiến Thứ Nhất. Nước Czech đã được giải phóng khỏi sự cai trị của nước Áo, và các phiên tòa xử giáo hội Thiên Chúa Giáo bắt đầu.

Biến cố này đã được đánh dấu bởi việc phá bức tượng Đức Mẹ Đồng Trinh tại quảng trường chính của khu phố cổ thành phố Prague và số tín đồ đã giảm từ 96% xuống còn 71%. Vào năm 1939, toàn thể nước Czech bị Đức Quốc Xã tràn ngập. Quốc Xã đã bắt đầu tấn công trở lại vào giáo hội Thiên Chúa Giáo, và người Czech đã đoàn kết lại bất kể họ thuộc về tôn giáo nào và quay sang ủng hộ cả hai giáo hội vì cả hai đều chịu thống khổ dưới bàn tay cai trị của Quốc Xã.

Tình trạng đàn áp và xách nhiễu tôn giáo tiếp tục sau Thế Chiến Thứ Hai và dưới thời cai trị của Cộng Sản. Và cũng như trong bất cứ quốc gia cộng sản nào, thì sách lược của nhà nước có mục tiêu chia rẽ hoặc làm suy yếu đi Giáo Hội.

Luật 14 tháng 10 năm 1949 và Sắc lệnh số 219 đòi hỏi các linh mục và Giáo Hội phải ký một văn bản hứa chỉ thi hành nghĩa vụ tôn giáo của họ. Chỉ có các linh mục "yêu nước" được phép cử hành thánh lễ trong lúc các giáo điều cộng sản được quảng bá xuyên qua các đoàn thể tôn giáo như là Katolická acke (Catholic Action) và Pacem in Terris.

Để phản ứng lại, Giáo Hội đã khai trừ khỏi đạo các linh mục thuộc tổ chức Catholic Action vào tháng Sáu năm 1949.

Đức Tổng Giám Mục Josef Beran thành phố Prague đã lên án tổ chức Catholic Action trong một buổi thuyết giảng tại nhà thờ Thánh Vitus và Ngài đã bị quản thúc tại gia trong 14 năm trời.

Tình trạng sách nhiễu Giáo Hội vẫn tiếp tục và trước cuối tháng Giêng năm 1950, hàng giám mục đã cam kết trung thành với chế độ, và do đó, liên hệ ngoại giao giữa chính phủ Tiệp Khắc và Tòa Thánh Vatican đã bị cắt đứt.

Ban lãnh đạo Giáo Hội tiếp tục suy yếu dần sau khi Đức Tổng Giám Mục Beran bị buộc phải sống lưu vong hồi năm 1965.

Mặc dù người cộng sản đã cố nói lên các điểm khác biệt giữa Giáo Hội và xã hội Czech, thế nhưng sách lược muốn triệt hạ các hoạt động của Giáo Hội đã khiến cho xã hội một lần nữa có thiện cảm với Giáo Hội.


Đức Giáo Hoàng Paul VI, một người có lập trường không muốn đối đầu, đã tìm cách làm giảm bớt căng thẳng giữa Giáo Hội và chính phủ Tiệp Khắc. Người kế nhiệm Tổng giám mục Beran, linh mục František Tomášek đã lên tiếng phê phán sự tham dự của các tín đồ Thiên Chúa Giáo vào Hiến Chương 77, một tổ chức bảo vệ nhân quyền gồm các nhân vật đối kháng chính trị như ông Václav Havel và linh mục Václav Malý.

Giáo Hội Thiên Chúa Giáo từ đó chỉ lo việc chỉnh đốn nội bộ, như Tổng Giám Mục Tomášek đã chứng minh, chỉ làm suy yếu đi giáo hội tại Tiệp Khắc.

Chính vì muốn cộng tác với chính quyền bỏ mặc chuyện thế sự cho nên gần như là Giáo Hội Thiên Chúa Giáo La Mã đã bị xóa sạch tại Tiệp Khắc.

Tiệp Khắc, một nước chủ yếu theo đạo Thiên Chúa trước đây, sau này đã được Dức Giáo Hoàng John Paul II mô tả như là "một tình trạng đau buồn không có tiền lệ tại các nước có truyền thống Thiên Chúa Giáo."

Tuy nhiên, lập trường của Giáo Hội Thiên Chúa Giáo La Mã tại Tiệp Khắc đã thay đổi sau khi một linh mục người Ba Lan tên là Karol Jósef Wojtyła được bầu làm Giáo Hoàng vào ngày 16 tháng 10 năm 1978 với tên thánh là John Paul II.

Khác với các vị tiền nhiệm, Giáo Hoàng John Paul II đã nếm mùi Quốc Xã và sau đó Cộng Sản. Lập trường của Giáo Hoàng John Paul II ủng hộ nhân quyền với tự do tôn giáo là là quyền đầu tiên của con người, đã đưa Giáo Hội Czech cuối cùng hòa giải được với tổ chức nhân quyền Hiến Chương 77.

Cũng như các linh mục có chân trong tổ chức thân chính quyền Catholic Action bị đuổi khỏi đạo, thì Tòa Thánh Vatican đã chỉ thị hồi năm 1982 cấm các linh mục được gia nhập vào tổ chức "quốc doanh" Pacem in Terris.

Mặc dù người cộng sản đã cố nói lên các điểm khác biệt giữa Giáo Hội và xã hội Czech, thế nhưng sách lược muốn triệt hạ các hoạt động của Giáo Hội đã khiến cho xã hội một lần nữa có thiện cảm với Giáo Hội, và không như chính quyền, Giáo Hội đã lắng nghe và lo lắng cho nguyện vọng của người dân.

Nhân quyền

Giáo Hội đã đóng vai trò phụ này một cách hiệu quả và thực sự cống hiến cho người dân những gì mà chính quyền cộng sản không làm được, trong lãnh vực nhân quyền.


Lãnh tụ Cách mạng Nhung, Vaclav Havel, xuất hiện ở buổi lễ hôm 17/11/2009


Vào đầu thập niên 1980, vì lo ngại đến tác dộng của phong trào Đoàn Kết tại Ba Lan và sự lớn mạnh của Giáo hội Thiên Chúa Giáo Ba Lan, chính quyền cộng sản Czech đã ra tay đàn áp, bắt bớ hàng trăm linh mục và các tín đồ.

Tình trạng đàn áp này chỉ làm người dân có thiện cảm càng lúc càng nhiều đối với Giáo Hội.

Hồi năm 1985, nhân kỷ niệm năm thứ 1100 ngày chết của thánh Methodius tức là vị tu sĩ đã du nhập Thiên Chúa Giáo vào đất Czech, có tới hơn 230 ngàn người đã tham dự lễ kỷ niệm này mà trong đó có tới 70% là thanh niên thiếu nữ.

Hồi năm 1988, có khoảng hơn 600 ngàn người kể cả người ngoại đạo, đã ký một bản kiến nghị gồm 31 điểm. Bản kiến nghị này, được một nông dân ngoan đoạn tên là Augustin Navrátil, soạn ra, đã kêu gọi tự do cho Giáo Hội tại Tiệp Khắc và đã giành được sự hậu thuẫn của Hồng Y Tomášek. Cùng năm, khoảng tám ngàn người đã xuống đường để cầu nguyện và đốt nến để phản đối các chính sách của nhà nước.

Cùng sánh bước với chương trình perestroika do lãnh tụ Liên Xô Mikhail Gorbachev đưa ra hồi năm 1987, và sự hậu thuẫn bên trong và bên ngoài Giáo Hội, bản kiến nghị của Navrátil đã kêu gọi nhà nước bớt hạn chế các hoạt động của Giáo Hội.

Trong lúc Giáo Hội Thiên Chúa Giáo không có cầm các phong trào phản đối vào ngày 17 tháng 11 năm 1989, rõ ràng Giáo Hội là điểm tựa tinh thần cho người dân mặc dù trong quá khứ, Giáo Hội có những lúc khó khăn với họ.

Vai trò tôn giáo

Giới học giả thấy rằng cho dù tại một số nước, Thiên Chúa Giáo không phải là tôn giáo của đa số người dân, nhưng sự hiện diện của một Giáo Hội Thiên Chúa Giáo tại các nước cộng sản, có thể là điểm tựa để phát triển nhân quyền. Trong lúc giới học giả cố tìm hiểu vai trò của tôn giáo tại các nước cộng sản còn lại trên quả địa cầu, thì ngày sụp đổ của chế độ cộng sản Liên Xô đã nhắc cho họ thấy được nhiều điểm tương đồng giữa hiện tại và quá khứ.

Trong trường hợp của nước Việt Nam chẳng hạn, giáo Hội Thiên Chúa Giáo được coi là tổ chức đi ngược lại quyền lợi của dân tộc, và giống như Tổng Giám Mục Beran, thì Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận cũng bị nhà nước buộc phải sống lưu vong.

Gần đây hơn, các cuộc phản đối có tính biểu tượng của người theo Thiên Chúa Giáo và những người không theo đạo này để chống lại tình trạng chính quyền chiếm đất của Giáo Hội cũ, rất giống như làn sóng phản đối hồi thập niên 1980 tại Đông và Trung Âu. Chúng ta cũng không ngạc nhiên là hồi năm 2006, các cựu thành viên của tổ chức Hiến Chương 77, trong số này có cựu tổng thống Czech ông Vaclav Havel và giám mục Vaclav Maly đã ký một bức thư ngỏ ủng hộ lời kêu gọi từ trong nước Việt Nam phải có tự do nhiều hơn.

Vaclav Havel đã từng viết "kinh nghiệm Czech là một thí dụ điển hình của nghệ thuật bất khả thi (art of the impossible)" và 20 năm sau, trường hợp của Czech và kinh nghiệm của Giáo Hội Thiên Chúa Giáo tại nước này cho chúng ta thấy được những gì có thể xảy ra.

Tiến sĩ Chu Thiên Lan đang giảng dạy ở Occidental College, Hoa Kỳ. Bà nghiên cứu về chính trị và tôn giáo, đặc biệt là vai trò của Giáo hội Công giáo đối với thay đổi chính trị. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.