Translate

Wednesday, February 17, 2010

Sự ngăn chận các trang web tại Việt Nam

Trích DCVOnline
Ben Stocking - APThanh Khiêm dịch


Các trang web và blog chỉ trích mối quan hệ của chính quyền Việt Nam đối với Trung Quốc đã biến mất trên mạng internet. ISPs (các công ty cung cấp dịch vụ internet) tại Việt Nam cũng nói rằng họ đã được lịnh phải ngăn chận khách hàng vào trang Facebook. Nhà cầm quyền Việt Nam hiện đang thương thảo một dự án khai thác mỏ mới với Trung Quốc, bất chấp mọi phê phán của dân chúng yêu cầu chinh quyền có hành động cứng rắn hơn với kẻ láng giềng phía bắc.

Hai trang web tiên phong trong việc vượt qua các hạn chế trong tự do phát biểu tại Việt Nam đã bị “hack” và đóng cửa, chỉ vài tháng sau khi nhà cầm quyền cộng sản ngăn chận trang Facebook.

Cả hai trang web này đã chỉ trích chính sách của Viêt Nam đối với Trung quốc, vốn là một đề tài “nhạy cảm” đối với nhà cầm quyền. Những cố gắng duy trì mối quan hệ tốt với kẻ láng giềng khổng lồ phương bắc nhiều khi đã xung đột với tinh thần quốc gia.

Tuy vậy, cả hai trang web này đều đã hạn chế tiếng nói của minh, và đã không kêu gọi việc chấm dứt hệ thống cai trị độc đảng tại Việt Nam.

Công ty Cung cấp Dịch vụ Internet (Internet Services Providers -ISPs) được lịnh ngăn chận các trang web

Vấn đề của các trang web nổi lên giữa lúc Việt Nam thẳng tay trừng trị các nhà bất đồng chính kiến, trong chỉ hơn 3 tháng, 16 người tranh đấu cho dân chủ đã bị bỏ tù.

Chính quyền Việt Nam cũng chưa trả lời các câu hỏi liên quan đến các trang web của hãng tin AP (The Associated Press) gởi tới cho họ vào đầu tuần này.

Tuy vậy, ngay sau khi Việt Nam ngăn chận trang Facebook vào Tháng 11, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga đã tuyên bố rằng Việt Nam sẽ có những “hành động thích hợp” nhằm chống lại các trang web mà họ tin rằng có đe dọa đến ninh quốc gia. Chính quyền đã không nhận có liên hệ đến việc ngăn chận trang Facebook, nhưng cả hai Công ty Cung cấp Dịch vụ Internet đều nói rằng họ được lịnh ngăn chận trang web đó.

Một trong số các trang web vừa bị đóng cửa, trang blogosin.org của ông Huy Đức, một blogger tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông ta thường hô hào chống tham nhũng và đả kích thói cửa quyền, bất xứng.

Trang web thứ hai, trang bauxitevietnam.info, được thành lập năm rồi bởi 3 người phản đối kế hoạch khai thác mỏ bauxite tại vùng chiến lược quan trọng của Việt Nam tại Tây Nguyên.

Người điều hành trang web bauxite, ông Nguyễn Huệ Chi, nói rằng ông ta đã phải chơi trò mèo vờn chuột trên mạng với những “hacker” vô danh từ Tháng 12, khi trang web bị phá lần đầu. Tháng rồi ông ta dời trang web đến một địa chỉ mới nhưng rồi nó lại vừa bị “hack.’ Trang web bây giờ có thể vào được ở một địa chỉ khác nữa mà ông Chi vừa mới thiêt lập.

Khai thác mỏ

Ký giả Huy Đức. Nguồn: OntheNet
Ký giả huy Đức bị mất việc tại báo Sài gòn Tiếp thị vào Tháng 8 vừa qua sau một bài báo trên blog Osin tán dương sự sụp đổ của Bức tường Bá linh và chỉ trích những cựu lãnh đạo cộng sản của Liên bang Sô viết.

Từ khi khai trương cho đến khi bị đóng cửa vào Tháng 12, trang Bauxite đã có hơn 17 triệu lượt người đọc quan tâm đến kế hoạch khai thác bauxite của chính quyền.

Chính quyền Việt Nam đã cho một công ty của Trung Quốc xây dựng nhà máy sản xuất bauxite từ quặng mỏ và hàng trăm người Trung Quốc đã làm việc tại đó.

Việt Nam có vài mỏ có trữ lượng bauxite lớn nhất thế giới, là nguyên liệu chính để sản xuất nhôm. Chính quyền lý luận rằng việc khai thác mỏ sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho vùng Tây Nguyên.

Phe chống đối thì cho rằng dự án này sẽ gây xâm hại môi trường và tạo nên viễn cảnh đen tối khi các công nhân Trung quốc đổ vào khu vực chiến lược này. Trong số người chống đối này có cựu đại tướng 98 tuổi Võ Nguyên Giáp, người đã đuổi cả Pháp lẫn Mỹ ra khỏi Việt Nam.

Mối quan hệ căng thẳng

Mối nghi ngại đối với người Trung quốc lan rộng tại Việt Nam, một nước đã có lịch sử chiến tranh dai dẳng với kẻ láng giềng phía bắc.

Hai nước đã đánh nhau đẫm máu trong cuộc chiến biên giới năm 1979 và đang tiếp tục tranh cãi về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông

Cũng như blogger Osin, nhiều blogger khác trên trang web bauxite đã cho rằng chính quyền Việt Nam đã không phản kháng Trung Quốc một cách đúng mức.

Trong một cuộc phỏng vấn mùa hè vừa qua, ông Nguyễn Huệ Chi nói rằng những người chủ trương thành lập trang mạng chỉ vì việc tranh luận về vấn đề khai thác bauxite đã bị hoàn toàn bỏ qua bởi giới truyền thông trực thuộc nhà cầm quyền.

Ông Chi, vốn là cháu nội của một người bạn của ông Hồ Chí Minh, nhấn mạnh rằng ông ta muốn góp ý với đảng Cộng sản, chứ không muốn thay đổi nó.

Ông ta biểu lộ sự tin tưởng rằng nhà cầm quyền sẽ dần dần nới lỏng những hạn chế về tự do phát biểu tư tưởng.

“Quyền được tư duy độc lập và tự do phát biểu tư tưởng được ghi rõ trong hiến pháp Việt nam, ” ông Chi nói.


© D
CVOnline