Translate

Thursday, December 9, 2010

Nghĩ về VN Nhân ngày Quốc Tế Nhân Quyền

2010-12-09

Một trong những khuôn mặt nổi bật tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam là Luật sư Lê Thị Công Nhân.

RFA file

Luật sư Lê Thị Công Nhân, ảnh chụp trước đây.


Mặc Lâm có cuộc trò chuyện để tìm hiểu mối quan tâm của chị về Ngày Quốc Tế Nhân Quyền được thế giới tổ chức vào ngày 10 tháng 12 hàng năm.

Cách hành xử của chính quyền

Mặc Lâm: Thưa LS Lê Thị Công Nhân, ngày 10 tháng 12 là ngày Quốc Tế Nhân Quyền, LS là một người tranh đấu cho nhân quyền một cách bền bỉ và bị giam giữ, sách nhiễu nhiều năm vì lý tưởng này, xin LS cho biết cảm tưởng của mình về ngày kỷ niệm hết sức quan trọng này.

LS Lê Thị Công Nhân: Xin cám ơn câu hỏi của anh về cái ngày đặc biệt này. Cảm nhận của tôi là một người trong nước thì thú thực tôi thấy một sự giả dối ngày càng được nâng cao và rất tinh vi trong cách hành xử của chính quyền Việt Nam đối với vấn đề nhân quyền. Tôi nói tinh vi bởi vì nó có vẻ như là được đem ra để sử dụng vào việc trao đổi và mị dân, không những ở trong nước mà cả đối với quốc tế ngày càng điêu luyện và thuần thục.

Mặc Lâm: Dựa vào yếu tố nào mà LS nói như vậy? Liệu những việc làm nào của nhà nuớc phù hợp với suy nghĩ này của LS?

LS Lê Thị Công Nhân: Tôi nói như vậy là vì nhiều người khi nhìn vào vấn đề nhân quyền của Việt Nam thì họ đôi khi có cảm nhận là hình như có sự tiến bộ. Tôi cho rằng ở đây có sự mạnh dạn, rõ rệt từ phía người dân khi mà sự phát triển không thể cưỡng lại được của Internet, của giao lưu thông tin quốc tế cũng như một phần về vấn đề kinh tế đã nâng cao ý thức người dân lên một chút, chứ hoàn toàn không phải từ phía chính quyền Việt Nam có một ý muốn thành tâm, hoặc là có hành động cụ thể để thúc đẩy nhân quyền trong nước.

Tôi thấy một sự giả dối ngày càng được nâng cao và rất tinh vi trong cách hành xử của chính quyền Việt Nam đối với vấn đề nhân quyền.

LS Lê Thị Công Nhân

Là một người đang sống tại quốc nội thì đó là cảm nhận rõ rệt của tôi. Thậm chí tôi còn cảm thấy chính quyền ngày càng cố nghĩ ra và áp dụng những thủ đoạn thực sự tiêu cực và tinh vi đối với một số vùng. Một số đối tượng nhất định thì họ chả cần tinh vi mà đi theo cái hướng thô thiển để mà chà đạp nhân quyền.

Cho dù ý kiến của tôi chỉ là thiểu số hoặc là nhiều người không tán đồng nhưng tôi cũng xin phép nói thẳng thắng suy nghĩ của mình. Tôi không cảm thấy có những biến chuyển tích cực từ phía chính quyền Việt Nam trong vấn đề nhân quyền.

Mặc Lâm: Đối với tình hình mà LS cho là không có chút tiến bộ thì việc đấu tranh cho nhân quyền cần phải tiếp tục theo đuổi hướng nào?

LS Lê Thị Công Nhân: Khi chế độ của họ ngày càng đi đến chỗ có thể nói là đỉnh cao của sự sai lầm khi họ nắm quyền lực như vậy thì tôi lại càng cảm thấy giai đoạn đấu tranh cho nhân quyền càng thêm thú vị. Thú vị vì cần thêm nhiều sự hy sinh một cách cụ thể cũng như thú vị từ phía nhà cầm quyền họ có những sự đàn áp, những ngòn đòn rất tinh vi xảo quyệt và rõ ràng cuộc tranh đấu đang đi đến cái hồi có thể tạm gọi là hồi kết, nhưng có thể cũng chỉ là bước đầu của hồi kết thôi.

Hiện trạng nhân quyền VN

Mặc Lâm: Sau khi được trả tự do việc sinh hoạt hàng ngày của LS có bị nhà nước khống chế cách này hay cách khác hay không, và nếu có cụ thể là gì?

LeThiCongNhan-250.jpg
LS Lê Thị Công Nhân tại tòa Hà Nội hôm 11/5/2007. AFP photo
LS Lê Thị Công Nhân: Câu hỏi này có lẽ tôi có thể trả lời không chỉ đối với riêng tôi mà còn đối với rất nhiều những người khác, những người đã từng chịu án tù hay những người chưa từng bị án thì cái cách đối xử của chính quyền đối với những người lên tiếng đấu tranh cho tự do dân chủ nâhn quyền như chúng tôi thì đều đã, đang và sẽ còn nhận rất nhiều những đàn áp mà không biết dùng những tỉnh từ nào để có thể bao quát hết từ phía chính phủ Việt Nam.

Từ phía tôi tôi nghĩ là sẽ dùng cái từ mà đôi khi tôi nghĩ là “đê tiện”, mặc dù tôi không muốn dùng cái từ mang tính chất quá nặng nề như vậy. Thực sự đó là những điều mà bản thân tôi đã và đang trải qua và không có một dấu hiệu gì cho thấy họ sẽ từ bỏ những điều như vậy.

Như quý vị cũng biết gia đình tôi cách đây nửa tháng, tất cả đều bị cắt điện thoại cùng một lúc. Những việc như vậy thì tôi nghĩ rằng một người hay chính quyền có một suy nghĩ bình thường trong hành xử văn minh tử tế ở mức bình thường thôi thì người ta cũng sẽ khó tin rằng có một quốc gia trên thế giới này lại có thể cư xử với công dân của mình theo cái cách như vậy, theo tôi rất mờ ám và tiểu nhân.

Từ đó chúng ta cũng có thể nhìn thấy nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế quái gỡ. Không thể gọi là kinh tế chỉ huy được mà phải gọi nó là quái gỡ, siêu chỉ huy.

Chỉ cần một cái lệnh của bộ công an, và có thể là lệnh mồm thì ngay lập tức các hãng truyền thông làm ăn kinh doanh thu lợi nhuận, người ta sẵn sàng cắt số điện thoại của khách hàng mà không thèm thông báo lấy một câu nào, cho dù phép đối xử với nhau tối thiểu nhất cũng không hề có. Tôi thấy rằng các lĩnh vực khác cũng tương tự như vậy chứ đừng nói đến chuyện liên quan đến vấn đề nhân quyền.

Những sự đàn áp đó như tôi vừa nói với anh giống như chúng tôi phải xác định trước và phải chịu đựng khi mà chúng tôi đã dấn thân vào con đường này.

Về phía nhà cầm quyền Việt Nam tôi không thấy một sự lạc quan nào cho thấy là họ sẽ từ bỏ hay giảm bớt thủ đoạn đàn áp của họ.

Có thực sự tự do?

Mặc Lâm: Từ ngày LS đựơc tự do đến nay có các tổ chức phi chính phủ hay các tòa đại sứ như Đan Mạch, Thụy Điển, hay Hoa Kỳ có cử người tới thăm LS hay không?

ltcn-150.jpg
LS Lê Thị Công Nhân chụp hôm 7 tháng 3, 2010. Courtesy Vietnamexodus
LS Lê Thị Công Nhân: Cũng có một số nhân viên của các tòa đại sứ mà chức danh của họ thường là tham tán chính trị hay văn hóa thông tin thì họ cũng có liên lạc, tiếp xúc với tôi nhưng cũng ít thôi. Thường thì ở mức độ của sự bày tỏ quan tâm đối với cá nhân tôi cũng như đối với phong trào đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam nhưng ở mức độ vừa phải mà thôi.

Mặc Lâm: Trước những sự thăm viếng này thì thái độ của nhà cầm quyền đối với LS như thế nào? Cảnh báo không đuợc gặp hay là không cho phép người tới nhà LS thăm viếng hay cách nào khác?

LS Lê Thị Công Nhân: Cái này thực ra thì đã quá nhiều, không những cảnh báo mà họ còn ngăn chặn một cách thô thiển. Ví dụ như là tham tán chính trị của Hoa Kỳ thì người ta đến nhà tôi để thăm. Hay tham tán chính trị của đại sứ quán Thụy Điển người ta cũng đến nhà. Tôi thì ít đi ra ngoài đường nói chung. Ngay cả những người hẹn gặp thì họ cũng gợi ý họ cũng muốn gặp tại nhà vì hầu như không còn sự lựa chọn nào khác.

Về phía nhà cầm quyền Việt Nam tôi không thấy một sự lạc quan nào cho thấy là họ sẽ từ bỏ hay giảm bớt thủ đoạn đàn áp của họ.

LS Lê Thị Công Nhân

Mặc Lâm: LS là đồng chí với LS Nguyễn Văn Đài trong các hoạt động đấu tranh cho nhân quyền, xin cho biết tình trạng của LS Đài hiện nay ra sao?

LS Lê Thị Công Nhân: Vâng, anh Đài là một người bạn và là trưởng văn phòng LS Thiên Ân, nơi tôi là Luật sư công tác ở đó. Chúng tôi bị bắt cùng giờ cùng ngày cùng một vụ án. Tôi cũng được biết qua người vợ anh Đài là chị Khánh thì tình hình sức khỏe của anh ấy cũng bình thường. Tinh thần anh ấy rất là tốt và anh ấy coi việc đi tù cũng như cái nơi để rèn luyện ý chí và cuộc sống của mình. Đấy là điều mà vợ anh Đài đã nói với tôi và tôi thực sự vui mừng khi nghe những điều như vậy.

Mặc Lâm: Xin cám ơn LS Lê Thị Công Nhân đã giúp chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này.