Translate

Sunday, March 29, 2009

Trung Quốc ngày càng bộc lộ dã tâm nam tiến biển Đông

Trích rfa.org

2009-03-29

Giữa lúc VN và Trung Quốc thường nhắc tới mối quan hệ hợp tác nồng thắm và giải quyết các tranh chấp trong tinh thần hòa bình, hữu nghị thì Bắc Kinh trong thời gian gần đây xem chừng như ngày càng có hành động hoành hành, lấn lướt ở Biển Đông.

Photo courtesy of VietNamNet

Một đảo lớn của Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đã ngang nhiên xây sân bay trên đảo. Nguồn: TTO

Điều này trở nên rõ hơn khi Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ vừa công bố một bản phúc trình, cảnh báo về sự bành trướng quân sự ráo riết của Hoa Lục. Tổng hợp thông tin liên hệ, Thanh Quang trình bày tình hình như sau:

Lãnh đạo VN: láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt

Hồi tháng rồi, Phó Thủ tướng VN, ông Phạm Gia Khiêm, đã thực hiện quyết định của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bằng cách ban thưởng Huân chương Lao động hạng nhì cho ông Vũ Dũng lúc đó là Thứ trưởng Ngoại giao, vì điều gọi là “thành tích xuất sắc trong công tác biên giới, lãnh thổ”.

Đảng, Nhà nước và nhân dân VN luôn ghi nhớ sự giúp đỡ quý báu của TQ đã dành cho VN.

TT Nguyễn Tấn Dũng

Báo điện tử Pháp Luật trích dẫn lời Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho biết ông Vũ Dũng, hiện là Đại sứ VN tại LHQ, đã “có nhiều sáng kiến, tìm tòi giải pháp, đi tới kết thúc đàm phán và hoàn thành việc phân giới cắm mốc, giữ vững chủ quyền lãnh thổ” của VN.

Trong cuộc gặp gỡ mới đây ở Hà Nội giữa Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và Ủy viên Quốc Vụ Viện Đới Bỉnh Quốc của TQ, hai bên đánh giá cao việc hoàn thành công tác phân giới Việt-Trung, cho rằng điều này tạo tiền đề xây dựng đường biên giới chung hòa bình, hữu nghị, ổn định dài lâu.

Thứ Ba vừa rồi, khi long trọng tiếp đón Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân TQ là Thượng tướng Trần Bỉnh Đức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh rằng “VN trước sau như một không ngừng vun đắp mối quan hệ hữu nghị VN và TQ, góp phần đưa 2 nước trở thành láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, và ông Dũng cũng không quên nhắc lại rằng “Đảng, Nhà nước và nhân dân VN luôn ghi nhớ sự giúp đỡ quý báu của TQ đã dành cho VN”.

Bành trướng quân sự, quốc phòng

Đó là một vài nỗi niềm điển hình mà giới lãnh đạo VN bày tỏ với đàn anh Phương Bắc diễn ra giữa lúc Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, hôm thứ Năm tuần này, công bố một bản phúc trình báo động việc Bắc Kinh gia tăng ngân sách quốc phòng hơn hẳn các nước trong khu vực, cũng như ra sức phát triển phi đạn đạo, tàu ngầm tấn công cùng nhiều loại võ khí, chiến cụ hiện đại khác, đang đe dọa tới thế tương quan lực lượng không những trong mà còn ngoài phạm vi Á Châu. Vẫn theo bản phúc trình, ưu thế như vậy của Hoa Lục có thể nhằm mục đích thực hiện lời tuyên bố về chủ quyền của họ ở vùng biển Đông.

Không có văn bản quy định chính thức, nhưng tài liệu liên quan tới lãnh hải, biên giới giữa VN và TQ mặc nhiên được coi là ‘nhạy cảm’, ‘mật’.

VietNamNet

Bản phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ lần đầu tiên xác nhận rằng TQ đã xây một căn cứ hải quân mới ở đảo Hải Nam, có thể nhằm phục vụ cho đội tàu ngầm ngày càng tăng vốn được trang bị hỏa tiễn đạn đạo, mở đường cho hải quân TQ án ngữ và khống chế các thủy lộ quốc tế chủ chốt.

Gây hấn với Mỹ

Dấu hiệu TQ khống chế vùng Biển Đông ngày càng rõ nét khi gần đây nhất, hải quân TQ có hành động gây hấn nguy hiểm đối với tàu không võ trang Impeccable của Hoa Kỳ, và ngay sau đó đưa tàu ngư chính 311 tới hoạt động ở vùng biển này, thực hiện điều mà TQ nói là tuần tra khu đặc quyền kinh tế của họ.

Áp lực BP và Exxon Mobil

Trong vòng chưa đầy 3 năm qua, TQ xem chừng như thể hiện quyết tâm đạt đến mục tiêu “ranh giới lưỡi bò” hình chữ U vốn chiếm 75% diện tích Biển Đông mà họ công bố cách nay 60 năm, bằng cách áp lực tập đoàn dầu khí BP của Anh ngưng hợp tác khai thác dầu khí với VN hồi năm 2007, áp lực tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ phải ngưng hợp tác với VN hồi năm 2008, công bố dự án vốn 29 tỷ đô-la của Công ty Dầu khí hải dương TQ nhằm khai thác dầu ở Biển Đông, thậm chí vẽ ranh giới lưỡi bò vào bản đồ rước Đuốc Thế Vận Bắc Kinh. Đó là chưa kể hành động bắn giết nhiều ngư dân VN vốn đánh cá ở vùng biển lâu nay của họ.

Khai thác quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Không tiếp cận được với các công trình nghiên cứu chuyên sâu đã đành, người dân còn không được giới truyền thông cung cấp thông tin và kiến thức về chủ quyền đất nước.

VietNamNet

Giữa lúc giới lãnh đạo Việt-Trung thường xuyên khẳng định giải quyết mọi tranh chấp bằng phương pháp hòa bình và hợp tác cùng phát triển, nhiều dấu hiệu cho thấy TQ, sau khi chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa hồi năm 1974 từ VNCH, đã tiến hành xây căn cứ quân sự, sân bay, cơ sở hạ tầng, khai thác du lịch ở đó; thực hiện những cơ sở tương tự ở 6 đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa mà họ chiếm từ tay quân đội CSVN hồi năm 1988, đơn phương thăm dò khai thác tài nguyên ở vùng biển tranh chấp, ráo riết tuyên truyền với thế giới về chủ quyền của họ trên Biển Đông, cho thấy chiến lược “Nam tiến” Biển Đông của họ qua ý đồ và nỗ lực tăng cường Hạm đội Nam Hải.

VN cần phải làm gì?

Youth-Vietnamese-protest-China-12092008-305.jpg
Thanh niên sinh viên Việt Nam biểu tình trước Tòa đại sứ Trung Quốc hôm 9-12-2007 để phản đối việc Bắc Kinh hợp thức hóa việc quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Trong tình thế như vậy, lần đầu tiên một cuộc hội thảo về tranh chấp chủ quyền Biển Đông đã diễn ra ở Hà Nội hôm 17 tháng Ba vừa rồi, đề cập thẳng tới các vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, “đường lưỡi bò” của TQ.

Báo VietnamNet trích dẫn lời một tham dự viên – chuyên gia của Viện KHXHVN, nói rằng “Chủ quyền là thiêng liêng và không thể nhân nhượng, thế nhưng không thể giữ chủ quyền chỉ bằng cảm tính”.

Các học giả tham dự cuộc hội thảo nhấn mạnh rằng “VN phải chuẩn bị kỹ luỡng, xây dựng lực lượng đàng hoàng để nói được, trao đổi được với đối tác”.

Giữa lúc giới cầm quyền VN bị chỉ trích là quá yếu với TQ nhưng mạnh tay với người dân biểu tình phản đối hành động vừa nói của Bắc Kinh, trong khi Thứ trưởng Thường Trực Bộ Ngoại giao VN Phạm Bình Minh nhấn mạnh tới “điểm tựa phía sau là cả dân tộc”, thì báo VietnamNet số ra trung tuần tháng này đăng bài tựa đề “ ‘Cuộc chiến’ không cân sức giữa giới học giả VN và TQ”, có đoạn lưu ý rằng “Không có văn bản quy định chính thức, nhưng tài liệu liên quan tới lãnh hải, biên giới giữa VN và TQ mặc nhiên được coi là ‘nhạy cảm’, ‘mật’.”

VN tuyệt đối không nên ủng hộ quan điểm của TQ mà nên ủng hộ việc duy trì tập quán quốc tế, một giải pháp quốc tế cho vùng Biển Đông.

TS Nguyễn Trọng Bình

Theo bài báo thì “Không tiếp cận được với các công trình nghiên cứu chuyên sâu đã đành, người dân còn không được giới truyền thông cung cấp thông tin và kiến thức về chủ quyền đất nước. Trong khi trên thực tế, ‘VN có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của VN đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa’ như khẳng định của Bộ Ngoại giao VN.”

Theo TS Nguyễn Xuân Diện thuộc Viện Nghiên Cứu Hán Nôm VN, thì “so tương quan lực lượng với TQ trong chuyện nghiên cứu về lãnh hải, thì các công trình của học giả VN vừa ít ỏi, manh mún về số lượng, lại vừa không được sự quan tâm, hỗ trợ của xã hội”.

Báo Tuần VNNet trích dẫn lời TS Nguyễn Trọng Bình nhấn mạnh rằng “VN tuyệt đối không nên ủng hộ quan điểm của TQ mà nên ủng hộ việc duy trì tập quán quốc tế, một giải pháp quốc tế cho vùng Biển Đông” và, vẫn theo TS Nguyễn Trọng Bình, “VN cần mau chóng hoàn thành bản đồ lãnh hải vùng Biển Đông để đăng ký với LHQ trước ngày 13 tháng 5 năm 2009.