Translate

Wednesday, February 25, 2009

Vẻ đẹp Đà Nẵng








Nhiều công trạng nhưng chờ đến chết, khiếu nại vẫn không được giải quyết

Trích Người Việt online



medium_Vn_250209_khieunaidenchet.jpg


Hình bên: Nông dân tụ tập ở bên ngoài văn phòng Quốc Hội CSVN, tại Hà Nội để chờ giải quyết các khiếu nại về việc chính quyền địa phương cưỡng đoạt ruộng đất, đè đầu cưỡi cổ họ. Một đại biểu Quốc Hội CSVN từng nhận xét: Trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, Quốc Hội và các cơ quan chính quyền chỉ làm công việc của bưu điện, nhận rồi chuyển đơn, thư cho nơi khác. (Hình: AFP)

Bạc Liêu (NV) - Ông Trần Việt Tiến, một thương binh hạng 2/4 của CSVN, ngụ tại thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, đã bất tỉnh trong cuộc thảo luận tại Ủy Ban Nhân Dân thị xã Bạc Liêu, giữa Ủy Ban Nhân Dân thị xã Bạc Liêu với ông, về việc bồi thường các thiệt hại cho ông. Ông Tiến đã được đưa đi cấp cứu và trưa 18 Tháng Hai đã qua đời tại phòng cấp cứu của bệnh viện đa khoa Bạc Liêu.

Tờ Tiền Phong cho biết, ông Tiến từng bị chính quyền địa phương phá nhà, thu hồi đất trái phép để xây trung tâm thương mại mà không bồi thường. Ông đã khiếu nại nhiều nơi, trong nhiều năm và vì vậy bị khai trừ khỏi đảng CSVN rồi bị buộc nghỉ việc vào năm 2002. Hồi Tháng Bảy năm 2008, ban bí thư trung ương đảng CSVN ra quyết định xóa hình thức kỷ luật bằng cách khai trừ đảng đối với ông Tiến. Sau đó, ông Tiến được bổ nhiệm làm giám đốc Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội tỉnh Bạc Liêu. Riêng với tài sản, tuy các cơ quan có trách nhiệm ở trung ương nhiều lần thúc giục tỉnh Bạc Liêu trả lại những tài sản đã tịch thu của ông Tiến, giao đất cho ông Tiến tái định cư và bồi thường 303m2 đất đã thu hồi trái phép song không đền bù nhưng chính quyền địa phương không thèm giải quyết.

Trên một blog có tên “Công lý và sự thật”, blogger Tạ Phong Tần, một người từng là dân Bạc Liêu viết: “Tôi thật bất ngờ khi nghe tin ông Trần Việt Tiến chết. Người Bạc Liêu ai cũng biết ông Trần Việt Tiến, Ông không những là thương binh hạng 2/4, mà còn là con trai cụ Ba Linh - lão cán bộ kháng chiến nổi tiếng mạnh mẽ, quyết đoán, liêm khiết, giản dị. Lúc sinh thời cụ Ba Linh có tác phong ‘không giống ai’, dù giữ chức vụ cao trong chính quyền nhưng đi làm luôn mặc bộ quần áo bà ba đen bằng vải thường và đi chân đất. Chuyện ông Trần Việt Tiến bị chính quyền địa phương cưỡng chế phá nhà, lấy đất để xây trung tâm thương mại nhưng không bồi thường, sau đó còn bị khai trừ đảng và buộc nghỉ việc vào năm 2002 ở Bạc Liêu ai cũng biết vì ông Tiến khiếu nại rầm rĩ khắp nơi một thời gian dài, có tin đồn ông suýt bị bắt giam vì 'dám khiếu nại hoài'”.

Blogger Tạ Phong Tần nhận xét: “Bản thân là thương binh, gia đình có công với cách mạng mà ông Tiến còn bị nhà cầm quyền địa phương đối xử bất công như thế, thử hỏi người dân thấp cổ bé miệng còn bị đối xử thế nào? Ở Bạc Liêu, trường hợp như ông Tiến không phải là duy nhất, thương binh 2/4 chẳng là gì, chủ tịch tỉnh Lê Văn Bình (Năm Hạnh) còn bị ‘thí’ mà.

Là một đồng hương, tôi xin chia buồn cùng gia đình ông Tiến. Cái lý tưởng giành độc lập và xây dựng xã hội mới công bằng, dân chủ, văn minh mà cụ Ba Linh lẫn ông Tiến đã từng đem tính mạng mình chiến đấu để đánh đổi nhưng rốt cuộc đến chết, ông Trần Việt Tiến vẫn chưa được thấy. Thương thay!”

Ông Lê Văn Bình (Năm Hạnh) mà blogger Tạ Phong Tần đề cập từng là chủ tịch tỉnh Minh Hải. Khoảng cuối thập niên 1980, trung ương đảng CSVN quyết định phải “xử lý công ty Cimexcol”. Thời điểm đó, Cimexcol là một công ty, vì không hoạt động theo đường lối được định sẵn cho các công ty quốc doanh, nên đạt hiệu quả rất cao. Lúc đầu Cimexcol được xem như một vụ án chính trị (câu kết với các thế lực thù địch, phản động bên ngoài, chống chính quyền nhân dân, làm gián điệp cho nước ngoài...) Sau này, ông Ðoàn Thanh Vị, cựu bí thư tỉnh Minh Hải, tiết lộ: “Khi không đủ chứng cứ để xử như một vụ án chính trị, lãnh đạo ở trung ương xuống Minh Hải, yêu cầu đưa một người ra chịu trách nhiệm để xử. Nếu không số còn lại phản ứng thì sẽ rất phức tạp, không xử được”. Cũng vì vậy mà ông Lê Văn Bình được chọn làm “dê tế thần”. Bà Võ Thị Thắng, một “hội thẩm nhân dân” là thành viên hội đồng xét xử vụ Cimexcol, kể: “Phiên tòa diễn ra thiếu dân chủ, hội đồng xét xử được chỉ đạo và quản lý rất chặt chẽ”. Báo chí CSVN từng nhiều lần đề nghị minh oan cho 21 bị cáo trong vụ Cimexcol. Cách nay vài năm, ông Phạm Hưng, chánh án Tòa Án Tối Cao, đề nghị: “Viện trưởng VKSND tối cao xem xét những tài liệu do các báo nêu ra và những tài liệu do một số người bị kết án trong vụ án Cimexcol cung cấp... Nếu có căn cứ là việc điều tra trước đây không chính xác dẫn đến xét xử không đúng thì kháng nghị theo trình tự tái thẩm để ủy ban thẩm phán Tòa Án Tối Cao xét xử lại”. Một cựu thủ tướng CSVN là ông Võ Văn Kiệt xác nhận: “Ban đầu khởi tố vụ án chính trị, khi không tìm ra chứng cứ, lẽ ra phải dừng thì lại dựng lên thành một vụ án kinh tế và đánh giá là 'đặc biệt nghiêm trọng', trong khi trước đó đoàn kiểm tra tài chính không phát hiện Cimexcol sai phạm kinh tế”. Tuy nhiên lãnh đạo CSVN không thèm đếm xỉa và ông Lê Văn Bình đã ôm nỗi oan cũng như sự uất ức ấy xuống mồ hồi Tháng Năm năm 2008. (G.Ð.)