Translate

Friday, October 2, 2009

Quán võng “đong đưa”

Trích NguoiViet Online

Lời mở đầu của Phivu's blog:
Ở Việt Nam hiện nay có đủ hình thức kinh doanh kỳ...cục nhất thế giới. Những người chủ là những kẻ có thế lực, giàu tiền bạc và cũng nhiều quyền thế kinh doanh trên thân xác của những phụ nữ vì hoàn cảnh nghèo, cần tiền để giúp đỡ gia đình. Đọc bài [Quán võng "đong đưa"] lòng thấy xót xa...





medium_VN-Caphevong-01.jpg

Nằm nghỉ “khỏe lưng” trên cánh võng trước khi làm một cuộc “dọc đường gió bụi”.

medium_VN-Caphevong-02.jpg

Ðường càng nhiều xe qua lại thì càng nhiều quán võng.


Bài và ảnh: Cát Tường/Người Việt

Ở các nước Âu Châu, Mỹ Châu cứ khoảng 60 cây số là có một trạm dừng chân đầy đủ tiện nghi phục vụ khách đường xa. Tuy không sánh bằng nhưng từ hàng chục năm nay, trên các con lộ khắp đồng bằng sông Cửu Long đã có hàng bao nhiêu quán võng phục vụ khách bộ hành, cũng khá thú vị.

Người ta nói, quán võng đầu tiên được mở trên tuyến quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Cai Lậy, Cái Bè (Tiền Giang) - nơi có mật độ xe cộ lưu thông khá dày đặc. Ðể có một quán cà phê võng, yếu tố tiên quyết là phải có “mặt bằng” rộng, nằm cặp lộ, dưới bóng cây rậm rạp tạo sự mát mẻ cho khách và có nhiều cột để buộc võng.

“Thiên la địa... võng”

Từ khi ra đời, quán võng rất được khách đường xa, nhất là khách lái xe gắn máy, hoan nghênh. Chính vì vậy mà ngày nay đi trên bất cứ con đường nào, từ quốc lộ tới tỉnh lộ, thậm chí cả hương lộ cũng đều có quán võng. Ðường càng có nhiều xe cộ qua lại, quán võng càng dày đặc, thậm chí một khúc đường chừng 20-30 thước có tới 5-6 quán võng liền kề.

Khách tới quán võng đi vệ sinh, uống ly nước, nằm nghỉ bao lâu tùy ý. Hành lý cứ để trên xe gắn máy, hoàn toàn yên tâm. Quán võng bán cà phê, nước giải khát, khăn lạnh, thuốc lá, có nơi bán thức ăn, bán “sim” và thẻ cào điện thoại di động, kể cả vé số và xăng nhớt..., một cách năng động. Rẻ nhất là trà đá, 1,000 đồng/ly. Cà phê đá, đá chanh giá phổ biến 5,000 đồng/ly. Nước giải khát có gas chai hoặc lon giá cao hơn, tùy nhãn hàng. Tuy nhiên cũng có một số quán vì nghĩ bán cho khách vãng lai “một đi không trở lại”, không cần giữ “mối” về sau, “chém” một ly nước 10,000 đồng, 1 trái dừa xiêm 15,000 đồng mà chất lượng “nước pha” chẳng ra làm sao, trái dừa lạt nhách! Ðể tránh trường hợp đáng tiếc này, trước khi “nằm võng” nên hỏi giá cho chắc ăn.

Chị Nguyễn Thị Lựu, 52 tuổi, chủ quán võng trên đường từ thị trấn Thanh Bình (Thanh Bình) vào thị trấn Tràm Chim (Tam Nông) (cùng tỉnh Ðồng Tháp). Quán có 6-7 chiếc võng treo tòn ten trên sàn gỗ dựng lấn mé kinh. Nằm đây vừa đong đưa cánh võng vừa nhâm nhi ly nước vừa hưởng ngọn gió mát mẻ thổi từ mặt nước kinh là điều ai cũng ưa thích. Chị Lựu cho biết quán mở khá lâu, dân tứ xứ ghé. Dân tứ xứ là dân chạy xe gắn máy tới chợ Tràm Chim mua bán động vật hoang dã. Hồi mới mở, sức khỏe còn khá, chị phục vụ chiếu vidéo nên mỗi ngày bán được hàng trăm ly nước. Còn bây giờ lai rai đủ sống, mỗi năm chỉ đóng thuế môn bài 50,000 đồng. Từ 3-4 năm nay, chị giao quán cho cô con gái 30 tuổi trông coi, lâu lâu ra bán “đỡ nhớ”.

Chị Bùi Bé Năm, 40 tuổi, chủ quán võng Bích Nga (phường Hiệp Thành, Phụng Hiệp, Hậu Giang) nằm bên quốc lộ 1A từ Phụng Hiệp đi Sóc Trăng cho biết tên quán là tên con gái đầu lòng của chị. Trước kia chị mở quán cơm “đường dài” nhưng “hẻo” (ế) quá, chuyển sang cà phê võng cho nhẹ đường thuế má. Nhờ vậy có “bữa cơm bữa cháo”, cộng với việc anh chồng chạy honda ôm nên nuôi Bích Nga ăn học đàng hoàng. Hiện cô bé đang học trung cấp y dược, tương lai có phần sáng sủa. Chị có khá nhiều kỷ niệm về khách, “mắc cười” nhất là nhiều ông tới kêu ly nước bỏ đó, “đẩy” một giấc, thức dậy lấy khăn lạnh lau mặt rồi đi.

“Cô bé” Hồng Thủy, 23 tuổi, mấy năm trước thi rớt vào đại học, “buồn đời” sửa sang mảnh đất trước nhà thành quán võng trên quốc lộ 57 (Vĩnh Thành, Chợ Lách, Bến Tre). Nhờ nhan sắc mặn mòi, quán Hồng Thủy làm ăn ngày một phát đạt. Ða số là thanh niên địa phương “đổ đường” tới.

Các quán võng nằm theo các con đường dẫn ra biên giới làm ăn khá thịnh đạt nhờ dân “buôn lậu cò con” thường qua lại kiếm “chút cháo” sống qua ngày. “Cõng” hàng đường xa bằng xe gắn máy nên họ phải nằm võng nghỉ dưỡng sức đi tiếp đoạn đường còn lại. Những quán võng này nằm theo các con lộ nối các cửa khẩu qua Cambodia như Xà Xía (Hà Tiên, Kiên Giang), Tịnh Biên (Châu Ðốc, An Giang), Dinh Ba (Tân Hồng, Ðồng Tháp)...

Nhìn chung, quán võng có mặt trên từng cây số, là “thiên la địa võng” “giăng mắc” khắp nơi với giá nước hợp túi tiền đủ mọi thành phần xã hội. Bên cạnh “võng sạch” có quán võng khác, “hấp dẫn”, “mê ly” hơn, chỉ dành cho các đấng mày râu.

Cà phê “võng ôm”

Ðó là những quán lụp xụp, tối tăm với màn treo trướng rủ xanh xanh đỏ đỏ, hoặc những chiếc chòi lá thấp lè tè che chắn mọi tầm nhìn bên ngoài, “dân chơi thứ thiệt” liếc mắt biết liền: “võng ôm”. Cũng giống “bia ôm”, “võng ôm” hoạt động hầu như công khai, có nơi đóng thuế đàng hoàng, có chỗ chẳng thèm quan tâm cứ mặc kệ cán bộ thuế tới hối thúc. Có lẽ họ có “gốc bự” (?).

Ði ngang quán, cánh đàn ông được các em “mắt xanh mỏ đỏ” ngoắc vẫy, gọi mời nhiệt tình. Vào quán, cứ tự nhiên nằm võng, các em lũ lượt tới “chào hàng”, mặc sức lựa chọn. Phần lớn các em là gái “bia ôm” từ các quán ở thị xã hoặc thành phố “dạt” về đây nên nhan sắc có phần phôi pha. Chọn xong một em, khách được em hăng hái hối “vào trong” (vào phòng kín) “uống cà phê”; “đồ đạc cứ để trên xe gắn máy, không mất đâu mà sợ”, em trấn an. “Vào trong” ly cà phê đá (hay ly nước nào đó theo yêu cầu của khách) được mang tới. Em cẩn thận cầm muỗng quậy đường, đưa tận miệng khách mời uống. Rồi em lấy khăn lạnh lau mặt, ngực và lưng, “khỏe gà”, khách “táy máy” “mình mẩy” em “vô tư”. “Ðã đời”, khách được em “săn sóc toàn thân”. Một ly cà phê 50,000 đồng, “uống” 45 phút. Nếu khách chỉ “tằn mằn” em suông thì “boa” 20,000 đồng - 30,000 đồng. Còn “nặng đô” hơn thì từ 50,000 đến 100,000 đồng. Giá này dao động tùy địa phương. Ai “ham vui” cũng đều khen mấy em phục vụ “hết chỗ chê”!

Ra khỏi địa phận thị xã Trà Vinh (Trà Vinh), ở xã Nguyệt Hóa, trên quốc lộ 54 có khá nhiều quán “võng ôm”. Rời thị trấn Cầu Kè (Trà Vinh) chừng 2 cây số có hai ba quán như vầy đều do cháu ruột của một người “nổi tiếng” có tên Út Tịch (Nguyễn Thị Út) làm chủ. Quán xập xệ nhưng kế bên là căn nhà tường khang trang của chủ với khá nhiều tiện nghi. Cũng trên quốc lộ 54 này, ở địa bàn Lai Vung (Ðồng Tháp) có mấy quán bán “cà phê mát mẻ”. Ðoạn ngã ba Cái Tắc (Tân Phú Thạnh, Châu Thành) tới gần thị xã Phụng Hiệp (cùng thuộc Hậu Giang) cũng nổi tiếng “cà phê võng”. Trước đây, “võng ôm” nở rộ ở xã Vĩnh Trinh (Vĩnh Thạnh, Cần Thơ). Ngang đây lúc nào khách đi xe gắn máy cũng thấy 5-7 em áo dây gợi cảm ngồi cười “hết cỡ”, vẫy tay lia lịa, rối rít mời vào... “vui vẻ.”

Nằm cặp các quán này, trên các khúc đường vắng, có khá nhiều nhà trọ. Các nhà trọ này làm ăn cũng được lắm vì là “bãi đáp” của những “cuộc tình chóng vánh” xuất phát từ các quán “võng ôm.” Ðây cũng là nơi “giúp” đám thanh niên mới lớn hại đời con gái thanh xuân quê mùa. Trên quốc lộ 30, ở Bình Hòa (Mỹ Hội, Cao Lãnh, Ðồng Tháp) có mấy quán cà phê “đen” nằm kề nhà nghỉ bình dân. Các nơi khác giá phòng trọ cũng “cởi mở” như vậy, nhưng phần lớn người ta chỉ nghỉ “giờ.”

Bao đời nay, chiếc võng là kỷ niệm sâu sắc ấu thời, nó đã đưa các bé vào giấc ngủ thần tiên trong những câu hát ru của mẹ, của chị. Lớn lên nằm võng mát mẻ, thoải mái đọc sách hay xem TV, dễ chìm vào giấc ngủ. Quán võng giúp khách bộ hành xua tan mệt mỏi trước khi tiếp tục dặm đường xa. Nhưng, tiếc thay, chiếc võng “thiêng liêng” ấy đã nhuốm bùn khi nó bị người ta đưa vào con đường trụy lạc để làm giàu trên thân xác của những cô gái nghèo khổ rất đáng thương.

Ðể tăng thêm nhan sắc không còn mặn mòi hấp dẫn khách các cô mua sắm son phấn, nước hoa, áo quần, dù rẻ tiền. Tiền gởi nuôi cha mẹ, các em. Những lúc vắng khách, các cô tụ tập đánh bài, thua là cái chắc. Trăm thứ tiền cần thiết phải vay chủ với tiền lời cắt cổ. Càng ngày các cô càng lún sâu vào nợ nần nên phải cắn răng làm nô lệ tình dục cho những kẻ bất nhân.