Translate

Sunday, August 2, 2009

Phản tỉnh

VN Quê Hương Ngạo Nghễ, 1.09

Năm nay là lần đầu tiên tôi đến "Little Saigon" vào dịp gần Tết. Vợ chồng anh C. đến khách sạn đón. Sau bữa cơm chiều, anh chị cho tôi đến Phước Lộc Thọ; một người bạn học cũ sẽ đón tôi ở đó. Bên ngoài Phước Lộc Thọ tấp nập người đi dạo chợ Tết. Ghé qua gian hàng sách, thấy cuốn sách tựa "Suy Tư và Ước Vọng" với tên tác giả Nguyễn Thanh Giang, tò mò tôi cầm lên xem thử. Anh C. thấy vậy nhất định mua cho tôi và bảo để mang về khách sạn đọc cho đỡ buồn.

Ông Nguyễn Thanh Giang, tôi thấy nhắc đến đã nhiều trên các sách báo và các diễn đàn nhưng thật tình tôi chưa bao giờ đọc bài ông viết. Tối hôm đó chỉ mới xem sơ tôi đã giật mình. Ở trang 17, ông viết: “Nhưng suốt mấy thập kỷ gần đây đất nước lại bị phân chia, nửa này xây dựng chủ nghĩa xã hội, nửa kia lệ thuộc chủ nghĩa tư bản”. Ở trang 179, ông lại viết: “VN trong nửa cuối thế kỷ XX là nước sa lầy vào chiến tranh triền miên lâu dài và đau khổ nhất hoàn cầu. Bốn cuộc chiến, hết đánh Pháp, hết đánh Nhật, đánh Mỹ lại đánh Khmer CS và đánh Trung Quốc, đằng đẳng suốt 40 năm”.

Ông Nguyễn Thanh Giang ơi, cái cuộc chiến đánh Mỹ ông nói đến ở đây có phải là cùng cái cuộc chiến Quốc Cộng huynh đệ tương tàn? Cái nửa xây dựng chủ nghĩa xã hội của ông xây dựng bằng gì thế ông? Cái nửa xây dựng thì cái nửa nào đã đem chiến tranh, hận thù đến với quê hương. Cái nửa nào với dã tâm xâm chiếm miền Nam , dù xương có chất thành đồng, dù máu có chảy thành sông.

Ngày ấy tôi còn quá nhỏ để hiểu nhiều về cái nửa mà ông gọi là lệ thuộc chủ nghĩa tư bản. Tôi xin kể sơ ông nghe những gì tôi vẫn nhớ.

Tôi nhớ một mái ấm gia đình. Bố tôi dù bận bịu vẫn mỗi tối kèm dậy con, không chỉ việc học mà về cả những điều nhân nghĩa. Mẹ tôi tần tảo bán buôn giúp chồng nuôi đàn con dại. Tôi nhớ mái trưòng trung học, nơi bạn bè chúng tôi tập tành mơ tưởng đến dân tộc, đến quê hương. Tôi nhớ những đêm nhìn bóng hỏa châu rơi, những đêm nghe tiếng pháo kích vọng về. Tôi nhớ Tết Mậu Thân với vết đạn thù loang lổ trên tường trường Bàn Cờ, ngôi trường tiểu học của tôi. Và tôi mãi không quên hình ảnh mẹ tôi lặng người trước tin anh tôi chết trận.

Đó, đó là những gì tôi nhớ về cái nửa mà ông cho là lệ thuộc chủ nghĩa tư bản. Cái nửa của những người chỉ muốn sống với những giấc mơ hiền hòa và đơn sơ đó ông.

Qua bài viết của ông, tôi lại được biết thêm về lời lẽ của một người mà ông bênh vực: ông Trần Độ. Ông Trần Độ cho rằng: “đảng bây giờ đã khác hẳn đảng ngày xưa!... đã khác rất xa đảng của những năm 40, 50, 60. Vì vậy, nó hầu như không còn là đảng của tôi nữa”

Thưa cái đảng mà các ông luyến tiếc, tôn thờ của thời điểm 40, 50, 60 có phải cái đảng của thời điểm với những cuộc thủ tiêu những người yêu nước nhưng không cùng chính kiến, của cải cách ruộng đất với những cuộc đấu tố dã man, không chút tình người.

Đã nghe nhiều đến hai chữ phản tỉnh. Đã thấy ông và những người bạn ông gọi những người phê bình ông nào là những thằng nhãi con, nào là những người chống Cộng cực đoan.


Thưa ông Nguyễn Thanh Giang và những người cùng hàng ngũ phản tỉnh như ông.


Chúng tôi tuổi đảng thì không, mà tuổi đời thì thật sự là những thằng nhãi con so với các ông. Xin trọng các ông vì cái tuổi đời, xin khinh các ông về cái tuổi đảng. Mỗi ngày tuổi đảng của các ông là một vết dao hằn trên lưng Mẹ Việt Nam , là một nhát cuốc đẩy quê hương đến vực thẳm hôm nay. Xin ngưỡng phục các ông trước can đảm phản kháng lại cái thành phần lãnh đạo đảng CS hôm nay, những người đồng chí cũ của các ông. Nhưng xin phép được phỉ nhổ lên những tiếp tục ngụy biện cho một chủ nghĩa phi nhân. Phản có lẽ có, nhưng tỉnh thì phải dứt khoát rằng chưa.


Lại bàn về chữ cực đoan, không biết cái cực đoan nào sánh được với những tội ác của cái đảng của các ông đối với dân tộc. Không bàn tay thì cũng bộ óc của các ông góp phần vào những mồ chôn tập thể dân lành của Tết Mậu Thân, những đầy đọa trên thân xác trăm ngàn người tù cải tạọ Tỉnh là khi can đảm nhìn nhận những sai lầm man rợ của cái đảng mà các ông đã tôn thờ. Tỉnh là khi can đảm xóa bỏ đảng để trở về với cái bản chất hiền hòa, trọng nhân, trọng nghĩa của nòi giống Việt.


Xóa bỏ đảng là một điều hiển nhiên sẽ có trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam .


Quê hương đang mong chờ đón nhận những bàn tay đóng góp từ những tâm hồn phản tỉnh chân chính, những con tim còn biết rung động trước những khổ đau của dân tộc. Vẫn chưa muộn màng lắm đâu ông Nguyễn Thanh Giang!

Huỳnh Văn Phú

Cách nói chuyện thường nhật của những "đỉnh cao trí tuệ"

Huỳnh Văn Phú

Trước hết, xin hỏi quý vị “nam nhi chi chí”, đã từng xông pha trận mạc, “đánh lớn thua lớn, đánh nhỏ cũng thua lớn” trên tình trường, đã có vị nào từng được người đẹp tặng cho một tấm ảnh với lời đề tặng như sau:

- “Tặng anh tấm ảnh này để nhớ nhau khi chiều buông xuống”

Câu viết tặng này chắc rằng nàng lấy ra từ một câu hát cải lương nào đó trong các tuồng như “Thù Cha Trong Bụng Mẹ”, hay “Ni Cô Xõa Tóc Bên Bờ Suối” hoặc “Máu Đổ Trước Cổng Chùa” v…v... Khi viết tặng như thế, nàng có ý nhắc bạn ta rằng chỉ khi nào chiều buông xuống tối om rồi thì mới nhớ, còn chiều chưa xuống thì đừng có nhớ chi vội. Quý vị có đồng ý như rứa không? Nhưng mà tại sao phải đợi trời tối rồi mới nhớ nhỉ?

Chắc là có chuyện gì bí ẩn và hấp dẫn đây.

Nhắc đến vấn đề viết và nói chuyện chữ nghĩa một cách vô cùng “trí tuệ” như thế, tôi lại nhớ đến một người lính trong đơn vị của tôi trước kia cũng có lối nói chuyện rất buồn cười. Chữ nghĩa anh lính này nói ra như đã nằm sẵn ở đâu trong óc anh rồi, rất lưu loát và tự nhiên mà ai nghe cũng phải bò lăn ra cười.

Một người lính khác, bạn anh, mượn anh một hộp thịt heo (loại của Quân Tiếp Vụ), không trả cho anh. Anh nổi giận chửi thề:

- Đ.M, thằng Tùng là đồ “lãng mạn”, mượn tao hộp thịt cả tháng rồi mà không chịu trả cho tao. Tao đòi nó, nó còn “thái bình” tao nữa.

Anh là “đệ tử” của một người bạn tôi. Một hôm anh nói với bạn tôi:

- Thưa Thiếu Tá, tôi thấy dạo này Thiếu Tá ốm quá. Vậy Thiếu Tá đưa tôi thêm một tháng hai ngàn nữa để tôi đi chợ mua đồ “tu bổ” cho Thiếu Tá.

Những cách nói như trên chỉ làm cho ta thấy buồn cười chứ không gây cái cảm giác khó chịu như lối nói chuyện của những người CS sau ngày chúng cưỡng chiếm miền Nam năm 1975. Tôi vẫn tin như đinh đóng vào vách rằng bất cứ vị nào đã từng ăn khoai, sắn, bắp với nước muối trong các nhà tù CS cũng đều thấy bực mình, chói tai khi có người hỏi mình câu hỏi:

- Anh đi “học tập” hết mấy năm?

Hoặc khi phải nghe vợ của một người tù cải tạo nói về hoàn cảnh gia đình mình theo cách nói dưới đây:

- Sau ngày “giải phóng”, nhà tôi thì đi “học tập”, còn mấy mẹ con tôi thì đi vùng kinh tế, “tranh thủ” làm ngày, làm đêm mà vẫn không đủ cơm ăn ngày hai bữa.

Dĩ nhiên, ta chỉ cảm thấy khó chịu thôi chứ không thể trách cứ họ được. Người dân sống dưới chế độ CS lâu ngày, cứ phải nghe đi nghe lại hàng ngày những từ ngữ ấy, riết rồi nó nó nhiễm vào óc hồi nào không hay.

Có một điều, tôi nhận thấy CS chiếm được một nửa đất nước từ năm 1954, đến năm 1975 họ cưỡng chiếm thêm nửa còn lại, thời gian cách nhau chỉ có 21 năm, ấy thế mà khi người dân hai miền giao tiếp nhau, đã có một số trường hợp người miền Nam không hiểu người miền Bắc muốn nói gì. Phải nhận rằng, người dân miền Bắc thuộc mọi tầng lớp xã hội, sống dưới chính thể CS, họ đều có cách nói rập khuôn như nhau. Già, trẻ, lớn, bé, có học hay không có học đều nói cùng một giọng điệu, nghe rất phiền cái lỗ tai.

Bây giờ, thử nhớ lại trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày, người CS đã ăn nói ra sao?

Trước hết, nói về lời ăn tiếng nói. Bạn đã có dịp nào tiếp chuyện với với một người đã từng sống ở ngoài Bắc - nghĩa là sinh ra và lớn lên dưới chế độ CS sau năm 1954 - chưa?

Này nhé, bạn đang đi ngoài phố, miệng phì phèo điếu thuốc lá. Một tên bộ đội, tay cầm điếu thuốc chưa đốt, nếu anh ta muốn mồi lửa, anh ta sẽ tiến đến bạn và nói:

- Cho tôi xin “quan hệ” tí lửa.

Ngày đầu tiên, khi tôi "khăn gói quả mướp" vào tù, buổi tối hôm ấy tất cả chúng tôi được xe “Molotova” chở xuống trại Long Giao, Long Khánh. Trên đường đi, lúc qua khỏi Biên Hòa đến khoảng rừng cao su, đoàn xe dừng lại. Tên bộ đội cho chúng tôi đi “xả bầu tâm sự”. Mọi người xuống xe làm cái nhiệm vụ cần thiết ấy chưa được 3 phút thì có tiếng của tên bộ đội nói lớn:

- Các anh đái “khẩn trương” lên.

Nghe mấy chữ “đái khẩn trương” lên, tôi ngớ người ra, chẳng hiểu tên bộ đội muốn nói gì. Sau này, tôi mới hiểu ra rằng “đái khẩn trương lên” tức là “đái lẹ lẹ lên”. (Các bạn thử nghĩ thay vì nói đái lẹ lẹ lên, lại nói đái khẩn trương lên, mẹ nội thằng nào mà không há hốc mồm ra?)

Mời các bạn nghe tiếp mẫu đối thoại giữa hai mụ công an nói chuyện với nhau:

- Nếu đi từ “trực quan sinh động” đến “tư duy trừu tượng” thì tôi nói với đồng chí là “thị trường thịt” hôm nay “căng” lắm nhưng giữa tôi và đồng chí có “mối quan hệ hữu cơ” với nhau nên tôi sẽ để lại cho đồng chí một nửa số thịt tôi hiện có với giá “hữu nghị” thôi.

Bạn thử nghĩ xem mụ công an ấy nói gì và bạn có hiểu hết không?

Bây giờ, thử tưởng tượng bạn đi vào một nhà thổ và cô gái ăn sương có nhiệm vụ “tiếp” bạn là một người sinh ra và lớn lên dưới chế độ CS, tôi bảo đảm bạn sẽ nghe cô ta nói với bạn những lời lẽ sau:

- Này anh, trước khi ta “tiến hành”, tôi có mấy “quy định và yêu cầu cụ thể” sau:

Thứ nhất: Phải giữ “cự ly”

Thứ hai: Thời gian không “khống chế”

Thứ ba: Không được “nóng vội”

Thứ tư: Không cần “đảm bảo mỹ quan”

Thứ tư: Thứ năm: Trả tiền “nghiêm chỉnh”

Trong thời gian đầu, anh em tù cải tạo được tên bộ đội dẫn đi coi chiếu phim - ngồi ngoài trời xem - tên bộ đội nói với tù phe ta:

- Trong suốt “quá trình” xem phim, tôi yêu cầu tất cả các anh phải giữ “cự ly gián cách”.

Và để mở đầu bất cứ buổi nói chuyện nào trước anh em tù, mọi tên cán bộ hay bộ đội đều nói rập khuôn câu nói dưới đây:

- Hôm nay, tôi “báo cáo các anh nắm” một số vấn đề như sau...

Một người tù phe ta đã dùng nhóm chữ “báo cáo các anh nắm” để “chơi xỏ” tên cán bộ một màn rất ngoạn mục. Chẳng là, khi chúng tôi đi lao động ở hiện trường, bao giờ cũng có vài tên cán bộ vác súng theo canh giữ. Bất cứ khi nào chúng tôi muốn đi tiêu, tiểu đều phải báo cáo cho tên cán bộ ấy biết. Thế là chàng tù nhà ta bèn nói với tên cán bộ:

- Tôi xin đi cầu, “báo cáo cán bộ nắm”

Khi muốn khen một đội banh đá hay, người CS nói:

- Đội bóng ấy rất là “trình độ”

Nếu muốn diễn ta sự xuất sắc hơn thì họ lại dùng chữ khác. Hãy nghe họ nói:

- Cô ca sĩ này hát rất “cực kỳ”, còn cô kia thì “trình độ” thôi.

Xin các bạn nghe tiếp anh chàng phụ trách ngành xuất bản báo chí ở thành Hồ đã lên TV nói về công tác của anh ta:

- Vấn đề thông tin báo chí là vấn đề “sát sườn” trong đời sống chúng ta. Vì thế, tôi sẽ cố gắng “bắt kịp nhịp thở của thời đại”

Và đây là ngôn ngữ họ dùng trong các buổi họp:

- Chúng ta phải tích cực “tranh thủ” giải quyết “rốt ráo” các vấn đề tồn đọng. Tôi rất “trăn trở” vì cho đến nay chúng ta chưa đạt đến “đỉnh cao” của kế hoạch đã “đề xuất”

Khi muốn hỏi một số đông người tham dự buổi họp có đồng ý về một vấn đề gì đó hay không, họ hỏi:

- Các đồng chí có “nhất trí” không?

Và câu trả lời là:

- “Nhất trí, nhất trí cao”

Trong một buổi “học tập” chính trị, bạn sẽ được nghe tên cán bộ “chỉ đạo” như sau:

- Các anh cần phải “động não”, phải “tư duy”, phải “đào sâu suy nghĩ” và nên “xoáy mạnh” vào ý 1 (Một) khi “liên hệ” bản thân.

Đây là mẩu chuyện giữa hai tên cán bộ CS:

- “Quan hệ” giữa đồng chí và cô Thúy Lan đến đâu rồi?

- Có “chuyển biến” tốt và rất có “chất lượng”

Xin nghe tiếp một trường hợp đối thoại khác:

- Trông đồng chí hôm nay “bài bản” quá !

- Gì mà “quá thể” thế. “Báo cáo riêng” với đồng chí, tôi thấy dạo này tôi “xuống cấp” quá nên mặc cái áo sơ mi sọc mới vừa mua để cho “lên cấp” một tí đấy mà.

Một tên cán bộ thấy nét mặt của tên khác có vẻ buồn rầu, hỏi:

- Có “sự cố (trục trặc)” gì thế?

- Khổ quá đồng chí ạ, cơn bão đêm qua thổi bay mái tôn nhà bếp của tôi rồi.

Và đây là cách họ hỏi thăm vấn đề sức khỏe:

- Ông bà cụ của đồng chí vẫn khỏe chứ ạ?

- Báo cáo đồng chí, sức khỏe của ông bà cụ tôi cũng được “đảm bảo”.

Khi đề nghị một người nào đó đứng lên bắt nhịp để mở đầu một bài hát, họ nói:

- Đề nghị đồng chí X. lên “cầm càng”

Muốn phê bình ý kiến người nào, cách nói của người CS như sau:

- Lý luận của đồng chí không có “sức thuyết phục”. Để “đảm bảo” kế hoạch đã “đề xuất”, cũng như giải quyết được vấn đề “nổi cộm” ấy, chúng ta cần phải có “sức bật”.

Còn đề cập đến vấn đề gì mang nghĩa “tiết kiệm” hay có vẻ vừa phải, người CS sẽ dùng từ ngữ “kinh tế” trong các cách nói sau:

- Cái xe đạp này bán với giá rất “kinh tế”.

Hoặc:

- Dạo này giá sinh hoạt đắt đỏ quá nên gia đình tôi ăn uống rất “kinh tế”.

Về một món hàng bán rẻ, họ dùng chữ “bèo” trong cách nói sau đây:

- Cái áo này giá 120 đồng là “bèo” lắm rồi, đồng chí còn kỳ kèo cái gì nữa.

Trong trường hợp cùng một món hàng mà các cửa hàng bán với giá khác biệt nhau, khách hàng có nêu thắc mắc sẽ được nghe người bán hàng trả lời:

- Ở đây tôi bán giá “vô tư” mà.

Trong phòng vệ sinh của một cơ quan nọ, một người đang đứng chờ bên ngoàị Anh ta có vẻ sốt ruột, nói vọng vào người đang ở phía trong:

- “Khẩn trương” lên cho người ta vào.

- Hãy đợi đấy. Tôi chưa “xử lý” xong.

Có những chữ mà người CS dùng, chúng ta nghe “mệt” vô cùng. Đại khái như thay vì nói khiêu vũ hay nhảy đầm thì họ nói là “múa đôi”. Và, giả sử bạn đang ôm hôn người yêu của bạn, người CS sẽ bảo rằng bạn đang “bú mồm” đấỵ

Nếu bạn đi một vòng các đường phố, bạn sẽ thấy những tấm bảng hiệu ghi những chữ mà chả ai hiểu được họ muốn nói cái gì. Đây là một tấm bảng hiệu ở một cửa hàng nọ:

- “Cửa Hàng Thịt Hưu Trí”

Ở một cửa hàng khác:

- “Quày Hàng Thực Phẩm Tươi Sống Thanh Niên”

Và:

- “Cửa Hàng Sữa Trẻ Em”

Tôi còn nhớ ở trại tù Vĩnh Quang, Vĩnh Phú, nhà ăn của đám Công An có ghi hàng chữ:

- “Nhà Ăn Thanh Niên Làm Theo Lời Bác”

*****

Nãy giờ là chuyện vòng vòng bên ngoàị Sau đây là chuyện xảy ra trong chính gia đình tôi. Sau nhiều năm ăn khoai, sắn, bắp với nước muối trong tù, lúc được trả tự do về xum họp gia đình, tôi đem tí vốn Anh ngữ nhỏ nhoi của mình ra dạy hai đứa con tôi. Có lần tôi chê thằng con tôi sao học “xệ” quá, nó nói với tôi:

- Ba cũng hiểu cho con là cái “lỗ hổng kiến thức” của con quá lớn.

Lần khác, nó ngồi bên cạnh tôi nhỏ nhẹ hỏi:

- Ba, hồi xưa ba đi hành quân ở chiến trường, ba có thường “tiếp cận” với VC không?

Ngày nọ, em gái nó nhờ nó giải cho bài toán. Nó đọc xong đề bài rồi nói:

- Bài toán này cũng thuộc loại “tầm cỡ” đấy.

Tôi hiểu và thông cảm cho con tôi sau 10 năm chịu dưới sự giáo dục của CS, nó dùng những chữ “lỗ hổng kiến thức”, “tiếp cận”, “tầm cỡ” trong các câu nói trên là không có gì đáng trách. Tuy nhiên tôi cũng khắt khe nói với nó rằng lần sau mà còn dùng bất cứ thứ chữ nào đại loại như thế thì đừng có gọi tôi là ba của nó nữa.

Còn nói về sự ngu đần mà vẫn tỏ ra mình là thông thái của các tên cán ngố CS thì dù cho có kể theo lối kể chuyện “Một Ngàn Một Đêm Lẻ” cũng chẳng thấm vào đâu. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ rằng trên trái đất này, qua bất cứ thời đại nào, không ai có thể nói phét một cách “cực kỳ” và trâng tráo như người CS. Chuyện các cán ngố CS nói phét thì các bạn đã từng nghe qua. Ở đây tôi chỉ xin ghi lại vài chuyện vui nho nhỏ.

Ở trong tù, thư từ của thân nhân “phe ta” gửi đến đều bị kiểm duyệt và sau đó tên cán bộ sẽ đọc tên từng người lên nhận thư. Một người tù có bà vợ tên là “Hélène”, chẳng biết bà ta là người Pháp hay có quốc tịch Pháp. Tên cán bộ khi gọi người lên nhận thư, đã nói như sau:

- Anh nào có người nhà tên “Hé Lè Ne” lên lấy thư.

Thời gian hai tháng đầu tiên lúc mới vào tù, VC không cấm tù đọc sách. Một chàng cải tạo phe ta đang ngồi đọc cuốn sách viết bằng Anh ngữ. Một tên bộ đội đến gần chàng cải tạo, nhìn một lúc rồi hỏi:

- Anh học tiếng gì thế?

- Tôi học tiếng Anh.

Tên bộ đội nói:

- Ừ, học tiếng Anh thì được. Còn tiếng Mỹ thì cấm đấy nhé.

Rồi tên bộ đội tỏ ra mình cũng thuộc loại “đỉnh cao trí tuệ ngu đần”, nói tiếp:

- Cái tiếng Anh này thì dễ thôi, chứ còn tiếng Tây khó lắm đấỵ Một chữ của nó có tới hai, ba chục nghĩa lận.

Bây giờ nói tới chuyện cải cách tiếng Việt. Sự cải cách này, theo giải thích của người CS thì họ nói là để “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Ta hãy xem sự trong sáng ấy “trong sáng” tới mức nào? Ở đây, vì lý do kỹ thuật ấn loát, tôi không thể đưa ra một số chữ mẫu mà người CS đã từng chỉ thị cho các trường Tiểu Học từ Bắc vào Nam (lúc mới chiếm được miền Nam ) phải cải cách chữ viết như thế nào. Chỉ xin các bạn hiểu đại khái là tất cả các mẫu tự như L. K, H, G... khi viết thì dứt khoát không có cái vòng bụng ôm lấy thân chữ. Nhìn vào rất ư kỳ cục, chẳng giống chữ Ấn Độ mà cũng chẳng có nét nào Á Rập. Còn cách đọc thì tất cả các mẫu tự ấy không phát âm theo cách chúng ta được học hồi còn bé. Ví dụ như các mẫu tự B, C, M, L, K được phát âm như sau: B đọc là Bờ, C đọc là Cờ, M đọc là Mờ, CH đọc là Chờ, KH đọc là Khờ v…v... và v…v...

Có điều đáng ghi nhận là khi dạy con nít ở trường học thì dạy đọc như trên. Tuy nhiên các xướng ngôn viên đài truyền hình vẫn đọc y hệt như chúng ta học hồi trước. Ví dụ UBND họ vẫn đọc là U, BÊ, ANH NỜ, DÊ chứ không đọc theo lối cải cách là U, BỜ, NỜ, DỜ.

Lại xin nói tiếp về sự thay đổi mẫu tự Y bằng I. Ví dụ chữ Mỹ phải viết là Mĩ. Thật ra, ở Saigon trước năm 1975 cũng đã có vài vị đề nghị nên thay mẫu tự Y bằng I trong một số trường hợp rồi. Kể ra chữ Mỹ mà viết thành Mĩ hay chữ Yêu mà viết thành Iêu thì cũng được thôi, chẳng có gì trầm trọng lắm. Nhưng dù sao chữ Mỹ hay chữ Yêu viết với mẫu tự Y (thay vì I), cách viết ấy đã ăn sâu, đã thấm nhuần vào tập quán và thói quen của dân Việt rồi.

Xét về hình tượng thì chữ Mỹ hay chữ Yêu viết với mẫu tự Y, trông nó đẹp hơn và dễ thương hơn. Nó làm cho ta không bị hụt hẫng, không bị cụt hứng như thể ta đã từng nghe tiếng còi xe lửa chạy bằng than và củi trước kia rồi bây giờ phải nghe cũng tiếng còi xe lửa chạy bằng đầu máy “Diesel”. Cũng là thứ tiếng còi tàu lửa những tiếng còi phát ra từ đầu máy chạy bằng hơi nước xưa kia, nó kéo dài, nó ngân vang, nó tha thiết, nó gợi cho ta những kỷ niệm chồng chất cùng với những ước mơ được đi về một vùng trời xa lạ nào đó. Còn tiếng còi chạy bằng đầu máy “Diesel”, nó vùa đục, vừa điếc, lại gọn lõn, nghe nó ta có cảm tưởng như thể ta vừa đánh mất đi một cái gì đáng nhớ nhất. Đấy, tôi nghĩ tâm trạng của tôi khi đọc chữ Mỹ mà viết thành Mĩ cũng y hệt như tâm trạng khi nghe hai loại còi tàu đã kể ở trên.

Chưa hết, đây mới là điều phiền toáị Giả sử có cô nào đó tên là THÚY, nếu ta thay mẫu tự Y bằng I thì tên cô ta sẽ là THÚI. Do đó, cho dù cô ấy có đẹp và thơm đến đâu đi nữa, chắc là khi đọc tên cô, tôi cũng nghe cái mùi thum thủm. Có phải tội nghiệp cho cô ta không?

Cuối cùng, để khỏi mất thì giờ các bạn nảy giờ theo dõi chuyện ăn nói... rất chói tai của VC, xin các bạn vui lòng đọc hàng chữ sau: “Tôi muốn leo lên trời, Yả”. Dĩ nhiên, chữ “Yả” ở đây là chữ “Ỉa” đấy. Vâng, nếu bạn leo được lên trời mà “Yả” thì bạn quả là người hạnh phúc nhất trần gian này và bạn cũng thuộc vào hàng “đỉnh cao trí tuệ” rồi.

Huỳnh Văn Phú