Translate

Monday, November 16, 2009

Vô trách nhiệm và vô cảm là do... "tình trạng biến đổi khí hậu"?

Kami, X-Cafe
16.11.2009

Trước đây mấy năm tên tuổi của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải được nhắc đến rất nhiều, bởi ông Hoàng Trung Hải là Bộ Trưởng và là Phó Thủ tướng trẻ nhất của Việt Nam giai đoạn hiện nay. Ông Hải được dư luận đánh giá là một người còn trẻ, năng động và đặc biệt nhất là ông Hải là một trong số rất ít các nhà lãnh đạo chính quyền Việt Nam tốt nghiệp cao học tại Dublin Cộng hòa Ireland, là một nước tư bản phát triển và có nền chính trị tự do dân chủ lâu đời. 

Ông Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải được cho là một nhân vật có xu hướng cải cách và cùng với ông Phó Thủ tướng Nguyễn Trọng Nhân là một trong hai nhân vật quan trọng của Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong nhiệm kỳ đầu tiên. Những nhân vật này được những người ủng hộ cải cách trong và ngoài nước hết sức kỳ vọng, tin tưởng và đánh giá cao vì họ là một trong những số ít của các nhà lãnh đạo Việt Nam được đào tạo tại các nước tự do dân chủ. Vì người ta tin rằng với khả năng nhận thức của họ sẽ ít nhiều đưa Việt Nam nhanh chóng hòa nhập vào xu thế phát triển chung của loài người tiến bộ

Vài ngày đầu tháng 11/2009, sau khi các cơn bão Ketsana và Mirinae đổ bộ vào các tỉnh miền Trung Việt Nam vào giữa tháng 10 và đầu tháng 11/2009, đã gây thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân vùng bão với hàng trăm người chết, nhiều nhà cửa và các công trình dân sinh bị hủy hoại nặng nề. Và đặc biệt hơn, đúng thời điểm đó các nhà máy thủy điện miền Trung đã đồng loạt xả lũ đúng lúc lũ lên cao. Sự kết hợp giữa thiên tai do bão gây ra kết hợp với nhân tai do sự yếu kém, thiếu khoa học và đồng bộ trong công tác quản lý đã khiến mức độ thiệt hại về người và của tăng lên rất lớn. Với vai trò là người trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão, tên tuổi ông Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lại một lần nữa được truyền thông nhắc tới nhiều qua cuộc phỏng vấn của ông Phó Thủ tướng hoàng Trung Hải với báo chí bên ngoài hành lang Quốc hội ngày 9/11/2009.(*)

Nội dung chính của cuộc trả lời phỏng vấn nói trên, ông Hoàng Trung Hải với cương vị là Phó Thủ tướng chính phủ đã phủ nhận toàn bộ lỗi của chính quyền và các nhà máy Thủy điện trong việc xả lũ gây thiệt hại về tính mạng tài sản của nhân dân, đồng thời đã đổ lỗi cho là do toàn "lũ lịch sử" và "tình trạng biến đổi khí hậu", nói một cách khác là đổ lỗi do Trời, đúng tinh thần khẩu hiệu "Mất mùa là tại thiên tai-Được mùa là tại thiên tài đảng ta" mà công cụ tuyên truyền của nhà nước đã sử dụng rất hữu hiệu hàng chục năm nay.

Nhưng không may cho ông Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, sự tổn thất quá lớn đó đã khiến cho ngay lập tức sau khi bài phỏng vấn của ông ta được truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng của nhà nước, dư luận xã hội đã có phản ứng mạnh mẽ vì thái độ vô trách nhiệm này. Các đại biểu Quốc hội, các nhà quản lý, các nhà khoa học và nhiều các chuyên gia trong và ngoài nước liên quan đến vấn đề này đã lên tiếng phản bác các lập luận thiếu cơ sở khoa học và hết sức vô trách nhiệm của ông Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Họ đã chỉ rõ nguyên nhân gây ra thiệt hại về người và của lớn như vậy ngoài sự phá hoại của thiên tai còn có sự lãnh đạo, chỉ đạo chưa đồng nhất và thiếu khoa học của các cấp chính quyền và các nhà máy Thủy điện trong công việc điều tiết lũ. Xin ví dụ:

1. Ông Ngô văn Min đại biểu Quốc hội Tỉnh Quảng Nam đã có ý kiến:

"Thiết nghĩ, trước khi khẳng định lũ gây chết dân không phải do thủy điện, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải phải tiến hành kiểm tra lại, từ người dân và cán bộ địa phương xem họ nói thế nào, báo cáo của các nhà máy điện có đúng không. ...

Thực tế cho thấy thủy điện dưới 50MW thì phân cấp địa phương cấp phép. Các địa phương thời gian qua đều trải thảm đỏ, ưu đãi vượt quy định để thu hút vốn. ... Làm thủy điện giờ là lĩnh vực siêu lợi nhuận nên cần phải có kiểm tra, giám sát thường xuyên để tránh việc tính đến lợi ích của thủy điện nhiều hơn lợi ích của người dân."

2. Ông Nguyễn Đình Xuân Đại biểu Quốc hội Tây ninh đã gay gắt phát biểu:

"Trước khi bão vào trước 2 ngày người ta thường phải xả lũ xuống cao trình thấp.... người làm thủy điện lại suy nghĩ nhỡ tôi xả trước mà trời không mưa hay mưa ít thì sao?

...những người phát điện đã đặt lợi ích của mình lên trên nên hành động theo kiểu cứ đợi từ từ xem sao. Khi lũ ào ạt về thì họ thấy lợi ích của mình không an toàn, họ buộc phải xả. Không xả thì vỡ đập mà vỡ thì còn chết nhiều hơn...

...khi ta lấy 1.000 ha làm lòng hồ thuỷ điện thì chúng ta còn mất thêm 1 đến 2.000 ha đất rừng hay nông nghiệp ở thượng nguồn vì người dân không có chỗ thì họ lại lên trên đó. Như vậy rừng còn quá ít... theo tính toán ban đầu có thể với diện tích rừng như vậy thì phải 1.000 năm mới có một trận lũ như vậy, nhưng do rừng bị tàn phá quá nhanh và quá nhiều nên hồ thủy điện đó chỉ chịu được lũ 10 năm thôi. Như vậy tất cả các quy hoạch, tính toán ban đầu đã bị phá vỡ."

3.Ông Trần Nhơn Tiến sĩ-Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Thủy lợi đã phát biểu:

"Tôi cho rằng bất cứ một sự kiện gì diễn ra gây thiệt hại cho người dân thì phải xem xét lại toàn bộ những vấn đề của chúng ta.

Tôi không quan tâm đến việc có kiểm tra hay không mà tôi quan tâm đến việc quy trình đúng chưa. Nếu quy trình đúng rồi thì tôi chỉ cần nghe báo cáo chứ không cần kiểm tra thực tế. Vấn đề là quy trình đó chi tiết chưa, cụ thể chưa? Trước đây trên dòng sông đó có một hồ thủy điện thì quy trình thế này, anh chỉ tính cho một hồ thôi, giờ có 2-3 hồ thủy điện thì quy trình đã cập nhật chưa, cái trên xả thế nào, cái dưới xả ra sao, sự phối hợp thế nào?…

Tôi cho rằng quy trình vận hành các hồ thủy điện hiện nay chưa tốt, phải xem xét lại.

Cuối cùng vẫn là con người chứ không thể đổ hết cho khách quan. Dù là nguyên nhân khách quan thì con người cũng phải nhận thức được để có biện pháp phòng tránh."

4.Ông Hồ Ngọc Phú -Tiến sĩ-Nguyên Giám đốc Sở Thủy lợi Thừa Thiên – Huế đã vạch rõ:

"Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào đều khẳng định tất cả dự án thủy điện đều nằm trong quy hoạch và đều có ý kiến của các địa phương. Đúng là như vậy, nhưng vấn đề là chất lượng các quy hoạch ấy như thế nào. Với thủy điện vừa và nhỏ, thuộc thẩm quyền quyết định của các tỉnh, hầu hết đều giao cho các sở công thương, mà các sở này hầu như không có cán bộ chuyên về thủy điện – thủy lợi...

Các ý kiến của Phó Thủ tướng, Bộ Công thương và chủ các công trình thủy điện đều nói đến việc: phải xả lũ, nếu không thì vỡ đập còn nguy hiểm hơn. Tôi không hiểu vì sao các đập lại dễ vỡ như thế. Khi thiết kế hồ đập phải tính toán đến tần suất lũ kiểm tra, tức khả năng đập phải chịu được lũ 500-1.000 năm xảy ra một lần... ông Đào Xuân Học – thứ trưởng Bộ NN&PTNT, phó thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương – lại xác nhận một thực tế là khi xây dựng, các đơn vị thường sợ tốn tiền, sợ đầu tư lớn nên không xây thêm hồ phòng lũ (theo Tuổi Trẻ 10-10)"

5.Ông Trần Văn Sáp -Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia đã thú nhận:

"Hiện chỉ có các nhà máy thủy điện ở phía Bắc như Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La và Nhà máy thủy điện Ialy (Tây nguyên) có sự hợp tác với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương để nhận các bản tin dự báo lũ. Ở miền Trung chưa có nơi nào hợp tác...

Trong đợt lũ vừa rồi, Đài khí tượng thủy văn Nam Trung bộ phải cử người sang tận các ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đề nghị khi nào có thông tin xả lũ thì cung cấp nhưng không phải lúc nào cũng được cung cấp. Do không có thông tin xả lũ đầy đủ từ các nhà máy thủy điện khiến dự báo thủy văn sai, không thể thông báo đúng tình hình ngập lụt ở hạ lưu."


Ông Phó TT Hoàng Trung Hải vô cảm trước cảnh tượng này?
Những người trong cuộc và những người có trách nhiệm họ đã vạch rõ cho thấy những thiếu sót, những khuyết điểm của công tác chỉ đạo và quản lý trong lĩnh vực này như thế. Vậy xin hỏi tại sao ông Hoàng Trung Hải với cương vị là Phó Thủ tướng được giao chịu trách nhiệm chính mảng công tác này lại không biết những điều đó? Và đặc biệt hơn, với cương vị là Phó Thủ tướng phụ trách công tác này ông ta đã thản nhiên chối bay chối biến như vậy với động cơ gì?

Cần lưu ý rằng, các trích dẫn phát biểu trên đây toàn là của các đảng viên đảng CSVN, đã từng đã và đang đảm nhận các chức vụ quan trọng liên quan đến vấn đề trên. Dẫu cho rằng những vị kể trên họ có muốn bao che hoặc ủng hộ ông Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải theo đúng 11 điều cấm với đảng viên đi chăng nữa thì cũng ngoài sự cho phép của lương tâm họ và các cơ sở của thực tế khoa học khách quan.

Qua thái độ và những câu trả lời của ông Hoàng Trung Hải với báo chí ngày 9/11/2009 thể hiện sự vô trách nhiệm của ông ta với công việc được đảm trách, đồng thời cũng thể hiện sự vô trách nhiệm với sự mất mát của gia đình thân nhân của những người thiệt mạng và mất mát tài sản, kiểu "sống chết mặc bay".

Điều đáng nói ở đây là tuy ông Hoàng Trung Hải là một lãnh đạo cao cấp của chính quyền, được đào tạo cấp đại học trong nước và theo học Cao học tại Cộng hòa Ireland là một quốc gia dân chủ tự do. Một điều chắc chắn rằng, trong thời gian học tập ở đây ít nhiều ông Hoàng Trung Hải cũng thu thập được những thông tin về cách thức và hoạt động chính trị của các chính khách ở Cộng hòa Ireland cho vốn kiến thức của mình. Chắc chắn ông Hoàng Trung Hải phải biết rằng người làm chính trị như mình phải hết sức cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói của mình với báo giới, nhất là ở cương vị một Phó Thủ tướng của đảng cầm quyền.

Trong một xã hộ dân làm chủ, người dân được tự do ứng cử, bầu cử một cách công khai minh bạch và công bằng, nếu ông Hoàng Trung Hải là ở cương vị Phó Thủ tướng đảng cầm quyền có những phát ngôn thiếu thận trọng để thể hiện sự vô trách nhiệm của mình đối với nhân dân như trên, thì chắc chắn những cử tri như tôi sẽ không bao giờ dành phiếu bầu của mình để ủng hộ đảng của những kẻ vô trách nhiệm như ông Hoàng Trung Hải, làm đảng cầm quyền trong kỳ bầu cử tới. Như vậy chỉ có thể giải thích được rằng ông Hoàng Trung Hải đã ỷ thế vào đảng CSVN được đặc quyền độc chiếm chính trường, độc đảng không có các đảng phái chính trị khác cạnh tranh nên ông ta được quyền phát biểu văng mạng nhằm chối bỏ những thiếu sót trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo cấp dưới trong phạm vi công việc ông ta phụ trách.

Chắc vì là một người còn trẻ, thông minh và năng động như ông Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải mới có khả năng nghĩ ra cách đổ tại Trời để chối bỏ trách nhiệm thông qua cụm từ "tình trạng biến đổi khí hậu" để biến báo. Chỉ trong một trong số những câu hỏi của phóng viên báo chí phỏng vấn về vấn đề này, đã có không ít hơn 6 lần ông Phó Thủ tướng dùng cụm từ "tình trạng biến đổi khí hậu" này. Xin trích dẫn:

(Trích)Hỏi:- Thiệt hại do lũ vừa qua rất nặng nề, ngoài nguyên nhân khách quan, chúng ta rút ra được bài học gì?

Trả lời- Thứ nhất là nhận thức của người dân. Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, lũ lụt càng trầm trọng hơn. Nhận thức của người dân là phải luôn cảnh giác, bão lũ không còn theo quy luật mà luôn luôn có bất thường.

Thứ hai, dự báo của chúng ta không thể chính xác 100%, do thiếu phương tiện công cụ dự báo, biến đổi khí hậu khó lường và mạng lưới trạm quan trắc không đầy đủ. Bây giờ mưa lũ cục bộ phổ biến do biến đổi khí hậu, tức là trong một tỉnh chỉ có một huyện, trong một huyện chỉ có một xã có mưa lớn lịch sử. Bằng các trạm quan trắc dày thì ta mới phát hiện ra.

Thứ ba, là biến đổi khí hậu làm cực đoan hóa các hiện tượng thời tiết. Trước đây mưa sau bão người ta gọi là mưa rửa bùn, mưa rửa đền, tức là mưa nhỏ, nhưng bây giờ mưa sau bão đều gây chết người. Mưa sau và trước bão đều vô cùng lớn, tạo nên các số liệu lịch sử. Ngày xưa ta lo nhất là bão, nhưng giờ là lo lũ. Đấy là điểm cực đoan mà mình phải hết sức cảnh giác. Mình chỉ nói được rằng sau bão mưa to, rất to, chứ không nói được mưa sau bão lên đến 800-900 mm.

Cả tỉnh Ninh Thuận một năm mưa có 900 mm, nhưng chỉ có vài ngày mưa đã đạt tới lượng đó thì không có gì chịu được. Chính phủ phải cùng các nhà khoa học nghiên cứu, xây dựng kịch bản, chương trình hành động để đối phó với biến đổi khí hậu.(Hết trích)

Đúng là sự thông minh của ông Hoàng Trung Hải đã được ghi nhận bởi khi ông dùng cụm từ "tình trạng biến đổi khí hậu" đã trở thành một công cụ hiệu quả cho những kẻ vô trách nhiệm, dối trá và vô lương tâm trong xã hội chúng ta hôm nay. Với vũ khí này thì từ nay, bất kể khuyết điểm gì của lãnh đạo cũng dễ dàng bị biến từ tội thành công với lời biện minh rằng do "tình trạng biến đổi khí hậu", đồng thời cá nhân các quan lãnh đạo thì luôn vô tội, mãi mãi luôn luôn đúng và không ai chịu trách nhiệm cả.

Chuyện thiên tai, lũ lụt là chuyện của tự nhiên, con người luôn bị động và luôn ở vị thế phòng chống, nếu công tác phòng chống có hiệu quả thì khả năng thiệt hại về người và của sẽ giảm bớt tùy theo khả năng quản lý, theo dõi và giám sát của các cấp lãnh đạo. Chuyện thiệt hại của hai con bão Ketsana và Mirinae làm hàng trăm người chết cũng đã xảy ra rồi, chuyện ông Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có nhận khuyết điểm của mình trong công tác quản lý và điều hành công việc cũng không làm cho người chết sống lại, nhà ở và các công trình dân sinh bị thiệt hại trở lại như cũ. Nhưng dù vậy đi chăng nữa điều quan trọng ở đây bản thân ông Hoàng Trung Hải và các cơ quan ban ngành khác phải nghiêm khắc kiểm điểm để biết nhận ra những thiếu sót và coi đây là những bài học xương máu để rút kinh nghiệm cho vấn để xử lý chỉ đạo công việc trong tương lai.

Chuyện lãnh đạo như ông Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫu sai hay đúng đi chăng nữa thì các ông hay đồng chí của các ông vẫn ngồi yên vị ở cái ghế đó, có ai tranh được đâu chỉ có kẻ thiệt mạng và gia đình họ phải gánh chịu hậu quả.

Chắc kiểu này cứ kéo dài thì đời chúng ta, đời con cháu của chúng ta ngoài tai họa của thiên tai đưa lại nay lại phải hứng chịu thêm họa "nhân tai" bởi cách làm việc thiếu trách nhiệm của những người lãnh đạo chính quyền các cấp và các ngành. Thôi cũng cứ thế mà cam chịu cho những kẻ vô trách nhiệm, vô lương tâm cai trị bởi họ có thứ vũ khí hữu hiệu "tình trạng biến đổi của khí hậu", với cái này thì bọn họ mãi mãi luôn luôn đúng.

Trước đây mọi người tin tưởng và kỳ vọng với ông Hoàng Trung Hải, bởi nghĩ rằng một người trẻ có năng lực như ông ta được học mãi xứ Dublin Cộng hòa Ireland chắc là ông học hỏi được nhiều điều hay lẽ phải, nhưng qua việc trả lời với báo chí lần này của ông ta thì ai cũng thất vọng về sự kém hiểu biết và vô trách nhiệm với cương vị của một vị Phó Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hay chính là vì trước đây khi học hành ở Dublin-Ireland là một xứ lạnh lẽo, nơi mà mưa và sương mù quanh năm, nay về làm Phó Thủ tướng ở Việt Nam là một xứ nhiệt đới nóng ẩm.

Chắc là do "tình trạng biến đổi khí hậu" như thế đã làm ông Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trở nên một con người vô cảm và vô trách nhiệm như vậy?

----------------------
(*)http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2009/11/3BA15728/Phó thủ tướng: 'Thủy điện không xả lũ làm chết dân'
-Xem thêm : Thuỷ Điện ở ta có biết ăn thịt người?
http://conlac.multiply.com/journal/item/432

Nguồn: Kami blog