Translate

Tuesday, June 29, 2010

Nhiều người ở Hà Nam vẫn sống như người ‘nguyên thủy’

Trích NguoiViet Online

HÀ NAM - Sống nguyên thủy ở xóm ‘5 không’ là tựa một bài báo của tờ Ðất Việt hôm 27 tháng 6, mô tả về cuộc sống của hơn 80 gia đình ở xóm 3, thôn Thanh Sơn, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Nơi đây chỉ cách thành phố Phủ Lý chưa đến 15 cây số, nhưng có cuộc sống như người nguyên thủy.

Cuộc sống ‘nguyên thủy’ của 80 gia đình ở đây, theo lời tờ báo, là họ đang sống trong cảnh “không điện, không đường, không trường (học), không trạm (y tế) và không cả... nước sạch.”



Người dân ở đây chưa bao giờ biết sử dụng quạt bằng điện. (Hình: Ðất Việt)


Báo Ðất Việt mô tả thêm, “Xóm 3 vẫn âm u, leo lét ánh sáng của đèn dầu. Ăn cơm dưới ánh sáng đèn dầu, chăn lợn, nuôi gà cũng dùng đèn dầu... Ở đó, người dân vẫn không được sử dụng các đồ vật thiết yếu như tivi và họ hoàn toàn biệt lập so với thế giới bên ngoài.”

Tờ báo kể, “Những năm 1985 và 1986, hơn 200 hộ gia đình theo chủ trương của tỉnh Hà Nam đi lập vùng kinh tế nội địa và thành lập nên thôn Thanh Sơn ngày nay, với hy vọng có một cuộc sống tốt hơn, đầy đủ hơn vì khi đó, mỗi hộ được hỗ trợ tiền làm nhà và 3 sào vườn... Hiện, cả xóm có 2 chiếc tivi, nhưng những chiếc tivi này cũng chỉ để trưng bày cho sang vì không có điện.”

Báo này dẫn lời một cư dân tên Nguyễn Văn Thúy nói: “Nếu như có điện, việc quay sắn sẽ được thuận tiện hơn, bình thường quay bằng tay mất một ngày, nếu có điện chỉ khoảng một giờ, có điện chúng tôi còn có thể mở rộng sản xuất...”

Vẫn theo lời tờ báo, “Từ nhiều năm nay, việc kiểm tra thăm khám sức khỏe với người dân xóm 3 là điều xa xỉ. Cuộc sống nghèo túng cứ thế dần trôi, những lần đau ốm cũng qua theo những ‘đơn thuốc’ tự chế của người trong xóm. Thôn Thanh Sơn trước kia cũng có một trạm y tế nhưng giờ đây nó đổ nát chẳng khác gì... cái nhà hoang. Theo lãnh đạo xã Thanh Nghị, do thiếu kinh phí nên khu ‘đa khoa’ với 3 cán bộ y tế phải rút lui xuống miền xuôi.”

“Ở đây, một dự án nước sạch cũng đã được thực hiện, nhưng không đạt hiệu quả sau một thời gian ngắn sử dụng. Kết cục là giờ đây, người dân đang dùng nước mưa và nước suối. Mỗi một gia đình ở xóm 3 được chính quyền hỗ trợ một lu đựng nước mưa để phục vụ tất cả các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, tắm giặt...



Một người dân bên dòng suối phục vụ nhu cầu sinh hoạt của hơn 80 gia đình ở xóm 3. (Hình: Ðất Việt)



Mỗi khi nước mưa trong các lu cạn dần, người dân phải dùng xe bò đi kéo nước ở suối và bể chứa về dùng. Những gáo nước màu vàng, nổi váng vẫn hàng ngày được người dân đem về sử dụng.”

Anh Vũ Văn Thực nghẹn ngào nói: “Chiều đến, tôi lại kéo xe bò đi xa gần một cây số để lấy nước, đó là nguồn nước suối tự nhiên, phục vụ cho hơn 80 hộ dân tại đây. Nếu ai ra muộn thì đành chờ đến đêm cho nước suối chảy xuống”

Báo Ðất Việt kể thêm về chuyện học hành, “Vào xóm 3 có một điểm dễ nhận thấy nhất là cả xóm gần như không có lấy một em nhỏ, họ phải gửi con cách xa nhà để được học cái chữ, ‘đã nhiều lần đề nghị xã Thanh Sơn, thành lập một điểm trường ở xóm 3, nhưng quá lâu rồi, chúng tôi không còn tha thiết nữa’” anh Thực nói.

Cả thôn Thanh Sơn có 3 xóm thì xóm 3 là xóm rộng nhất, nằm sâu trong núi nhất và cũng là xóm khó khăn nhất. Trời mưa, con đường vào xóm 3 heo hút như đi vào chốn không người, trơn nhầy nhụa, có những đoạn đá nhô lên gập ghềnh xe máy không đi quen sẽ không đi được. Mưa thì trơn trượt, nắng thì bụi lùm, vậy mà bao năm nay người dân vẫn nhọc nhằn đi lại trên con đường này, mỗi khi trời mưa, người dân lại rủ nhau, một nhà đóng góp công để đi tu sửa lại đường sá.

Báo Ðất Việt dẫn lời ông Tính, một người dân xóm 3 nói: “Ở nơi đây, hình thức trao đổi hàng lấy hàng vẫn còn tồn tại và nó còn là hình thức chính để bà con có gạo ăn. Cứ gần 2 tấn sắn thì đổi được một tấn lúa. Nếu trời mưa lụt, đường đi khó, không có chủ nào vào trao đổi hàng thì chúng tôi phải mang sắn ra xóm ngoài để đổi thóc”.

Cuối cùng, theo lời bà Trần Thị Hằng, bí thư chi bộ thôn Thanh Sơn cho biết thêm, do việc quy hoạch, bố trí không hợp lý ngay từ đầu khi người dân mới vào lập vùng kinh tế nội địa nên giờ đây người dân xóm 3 còn đang gặp phải một “không” nữa là người chết không có đất chôn! Những người qua đời phải dùng xe bò, kéo đi xa gần 10 km để có thể có chỗ yên nghỉ hoặc phải đi chôn nhờ nơi khác.