Translate

Tuesday, November 24, 2009

Tự do tôn giáo tại Việt Nam và phúc trình của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ

Việt Hà, phóng viên RFA
2009-11-24

Bộ ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố báo cáo thường niên về tình hình tôn giáo trên thế giới, theo đó Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ. Tuy nhiên nhiều tổ chức bênh vực nhân quyền cho rằng bản báo cáo đã không phản ảnh đúng tình hình tại VN.


RFA PHOTO

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tổ chức họp báo tại Washington hôm thứ Hai 26-10-2009, công bố phúc trình về tình hình tự do tôn giáo trên thế giới.

Theo một số tổ chức quốc tế về quyền con người thì báo cáo này vẫn chưa nêu đầy đủ những hành động đàn áp tôn giáo tại Việt Nam hiện nay, đặc biệt là đối với người Thượng ở Tây nguyên.

Từ phúc trình của Bộ ngoại giao Mỹ


Việt Hà phỏng vấn ông Scott Johnson, một nhà họat động về quyền con người và là người tư vấn cho tổ chức Người Thượng. Trước hết, ông Scott Johnson nhận xét về bản báo cáo như sau:

Scott Johnson: Bản báo cáo này được viết theo một cách hết sức tế nhị kiểu ngoại giao mà nó gần như không nêu được đúng sự thật. Sau rất nhiều năm thì quyền con người ở Việt Nam vẫn không được tôn trọng.

Sau nhiều năm các nhóm tôn giáo vẫn bị đàn áp như công giáo, các nhóm công giáo tại gia, rồi Khmer Krom, Phật giáo. Vậy mà Bộ ngoại giao lại đưa ra một báo cáo như vậy thì tôi thấy là nó chỉ là một dạng ngoại giao giả dối, được ngụy trang.

Chúng tôi giờ đây đã có những bằng chứng trực tiếp về việc những người theo đạo Tin lành ở các giáo hội độc lập bị đàn áp ra sao, đánh đập, tra tấn ra sao và thậm chí bị bỏ tù. Nhưng những trường hợp đó đã không được nói đến trong bản báo cáo.
"

Bản báo cáo này được viết theo một cách hết sức tế nhị kiểu ngoại giao mà nó gần như không nêu được đúng sự thật. Sau rất nhiều năm thì quyền con người ở Việt Nam vẫn không được tôn trọng.

Ô. Scott Johnson

Và đó là lý do mà tôi nói rằng bản báo cáo này thực sự chỉ là một bản tuyên bố của sự phản bội. Thật đáng tiếc là Bộ ngoại giao đã để cho vấn đề ngoại giao xóa đi hiện trạng về quyền con người ở đây.

Việt Hà: Thưa ông, theo ông thì lý do gì khiến Bộ ngoại giao lại đưa ra một bản báo cáo như vậy, có phải vì do những yếu tố kinh tế và thương mại Việt Nam Hoa kỳ đang rất tốt đẹp, và cũng vì Hoa Kỳ cần Việt Nam để tạo thế cân bằng trong khu vực?

Scott Johnson: Đúng thế. Lý do là bởi vì vấn đề quyền con người luôn phải ngồi ghế sau. Mối quan tâm lớn nhất vẫn là địa lý chính trị, là Hoa kỳ muốn có quan hệ thương mại với Việt nam, và tất nhiên, muốn Việt nam là một vùng đệm với Trung Quốc.


Hàng trăm giáo dân thuộc nhiều giáo phận ở miền Bắc Trung Phần xuống đường biểu tình hôm 27-7-2009, phản đối việc công an bắt giữ và đánh đập các giáo dân và giáo sĩ Tam Tòa.
Điều này hoàn toàn dễ hiểu, bởi vì khi một nước muốn có một mối quan hệ với nước khác, thì họ phải có những mối lợi riêng cho họ. Nhưng khi bước ra ngoài đường vạch đó, thì chúng ta phải nhớ là người Thượng chính là những đồng minh của Hoa Kỳ trong suốt chiến tranh Việt Nam.


Và làm như vậy thì như là việc lờ họ đi vì mối lợi của mình. Hoa kỳ vẫn có thể có quan hệ với Việt nam nhưng họ không thể gạt người Thượng hoàn toàn ra bên ngoài, thậm chí không có lấy một từ trong đó về họ.

Tôi nói ví dụ, có một trường hợp mà tôi nghiên cứu, tên là Puih Hbat. Bà ta là một người theo đạo Tin lành. Sau khi bà ta thực hiện lễ tại nhà vào năm 2008, thì vào giữa đêm bà bị bắt và bỏ tù. Và sau đó chúng tôi không còn nghe tin tức gì về bà. Trường hợp này đã được Ủy ban Châu Âu khẳng định là có và họ nói là họ lấy thông tin từ Đại sứ quán Mỹ.

Chắp nối các thông tin này lại với nhau thì chúng tôi biết được là việc đàn áp các giáo hội tại gia vẫn đang tiếp tục trong nhiều năm. Chính phủ Việt Nam hầu như không thay đổi sách lược.

Nhiều năm trước khi Việt nam và Hoa Kỳ ký thỏa thuận ngoại giao thì Hoa Kỳ có quan ngại vấn đề đàn áp tôn giáo ở Việt Nam. Việt Nam đáp ứng bằng cách nói là họ sẽ chấm dứt việc ép buộc người dân cải giáo, họ hứa một số điều nhưng họ không bao giờ từ bỏ việc điều khiển. Ở khắp các nơi họ có các công an tôn giáo được đào tạo. Chính phủ thực hiện việc đàn áp trên Tây nguyên.

Ở đó thậm chí việc dùng điện thoại di động cũng bị kiểm soát. Và họ vẫn bắt những người Tin lành nào không theo các giáo hội được nhà nước công nhận. Chính phủ coi đó là những tội phạm ghê gớm mà họ phải bắt giữ những người đó, tra tấn họ và giết họ.
Đến thực tế tại VN

Việt Hà: Vậy ông có con số thống kê hiện có bao nhiêu người Thượng đang bị chính phủ bắt giữ, bỏ tù, mất tích và bị giết không?
"

Chính phủ Việt Nam có thể làm một vài điều tốt gì đó một đôi lúc, và họ có thể làm một vài sự ồn ào ngoại giao về việc họ cải thiện cuộc sống của người thiểu số. Nhưng họ quay lại tấn công các giáo hội tại gia, họ tấn công Phật giáo, các nhà bất đồng chính kiến.

Ô. Scott Johnson

Scott Johnson: Vài năm trước thì Tổ chức theo dõi nhân quyền thế giới đã có một bản báo cáo là khoảng 350 người Thượng bị bỏ tù. Bây giờ vào năm 2009, chúng ta có thể tìm thấy các báo cáo này của Tổ chức nhân quyền thế giới hay Ủy ban quốc tế về tự do tôn giáo của Hoa Kỳ.

Những báo cáo này đều khẳng định là có hàng trăm người Thượng đang bị bỏ tù. Chỉ vài tháng trước thì chính phủ Việt Nam bỏ tù một số người lên đến 10 năm. Họ bị kết án vì những hoạt động không bạo lực. Đây là những hoạt động mà ở các nước có tự do thì không bao giờ bị xử phạt. Chúng tôi biết là có hàng trăm người.

Thế nhưng do thực tế ở Việt Nam chính phủ vẫn thực hiện chính sách che dấu thông tin toàn bộ. Họ không thông báo đầy đủ và họ có những buổi xử án bí mật một ngày đối với rất nhiều người bất đồng chính kiến. Vì thế rất khó để lấy được các thông tin từ Tây nguyên.

Vì thế chúng tôi không có con số cụ thể nhưng chúng tôi biết là có hàng trăm người. Và điều đáng buồn là chúng ta không thể biết được đầy đủ điều gì đang xảy ra ở đó. Và thực trạng quyền con người ở đó đang rất khủng khiếp.

Việt Hà: Chính phủ Việt nam thì vẫn nói là họ đã có những cải thiện nhất định về quyền con người, về đời sống cho người dân ở Tây nguyên. Ông có nhận xét gì về điều này?

Scott Johnson: Tôi có thể tóm lại tình hình ở Việt Nam theo lối nói so sánh thế này. Chính phủ Việt Nam đưa cho các bạn một nắm tay đầy gạo, và tay kia họ cầm dao đâm bạn. Như thế là họ làm một điều gì đó tốt và bước tiếp theo là họ đâm bạn.

Trong bản báo cáo này, bản báo cáo được gọi là báo cáo về tự do tôn giáo, chỉ thừa nhận cái nắm tay đầy gạo mà chính phủ Việt Nam đưa ra cho người dân mà lờ đi hoàn toàn việc họ quay lại đâm các bạn.

Chính phủ Việt Nam có thể làm một vài điều tốt gì đó một đôi lúc, và họ có thể làm một vài sự ồn ào ngoại giao về việc họ cải thiện cuộc sống của người thiểu số. Nhưng họ quay lại tấn công các giáo hội tại gia, họ tấn công Phật giáo, các nhà bất đồng chính kiến.

Việt Hà: Thưa ông, cộng đồng quốc tế, cũng như Hoa Kỳ từ lâu đã lên án Việt Nam về những vi phạm về quyền con người. Thậm chí Hoa Kỳ còn đặt Việt nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt, thế nhưng dường như tất cả những cái đó không mang lại một kết quả đáng kể nào cả. Vậy theo ông cộng đồng quốc tế còn cần phải là gì để có thể mang lại thay đổi thực chất ở Việt nam?

Scott Johnson: Đây là vấn đề phức tạp. Chúng tôi biết là chúng tôi kêu gọi sự thay đổi ở Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi sự tôn trọng những quyền căn bản của con người được quốc tế thừa nhận. Nhưng Việt nam lại từ chối. Họ kiếm cách đi đường vòng.
"

Tất cả những gì mà tôi có thể nói là Việt nam đã tiến những bước rất nhỏ và họ không có lòng tin. Những người bị đàn áp là những phật tử, những người công giáo, thiểu số ít người.

Ô. Scott Johnson

Ví dụ họ nói là họ sẽ bỏ việc cưỡng bức cải giáo, từ bỏ giáo hội của người Tin lành, mà họ đã để vào trong chính sách của họ vài năm trước. Bây giờ họ bảo họ sẽ bỏ điều đó ra nhưng họ vẫn điều khiển. Nếu người dân không tham gia vào các giáo hội được đăng ký hoặc không nghe lời họ, thì người dân sẽ bị đánh đập, giết hại.

Tất cả những gì mà tôi có thể nói là Việt nam đã tiến những bước rất nhỏ và họ không có lòng tin. Những người bị đàn áp là những phật tử, những người công giáo, thiểu số ít người. Họ là những người dân bình thường nhưng họ bị kìm kẹp trong một chế độ độc tài không chịu từ bỏ quyền lực. Làm thế nào để bạn có thể thay đổi được chế độ đó, đó là một câu hỏi khó.

Chúng ta đã có nhiều năm có quan hệ ngoại giao với Việt nam, và chúng ta vẫn chưa nhìn thấy một kết quả lớn cụ thể nào cả. Vẫn có sự đàn áp đối với người thiểu số. Họ vẫn bị đàn áp dã man tại Tây nguyên. Vậy có câu trả lời nào không cho câu hỏi này?

Tôi chỉ có ở đây một bản báo cáo mang tính ngoại giao nói rằng Việt nam tuyệt vời và làm những điều tuyệt vời. Và điều này chắc chắn là không giúp ích được gì, nó chỉ làm cho chế độ hà khắc thêm vững mạnh để tiếp tục làm điều mà họ vẫn làm. Vì vậy cần phải có thêm áp lực lên chính phủ Việt nam, bắt họ phải tôn trọng quyền con người.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho đài chúng tôi buổi phỏng vấn này.